Trường THCS Hương Lâm (Bắc Giang): “Tự hào 60 năm vun đắp trồng người”

8:35 | 10/11/2022

60 năm nhìn lại, một chặng đường với biết bao gian khó, lớp lớp thế hệ thầy và trò Trường THCS Hương Lâm luôn nỗ lực cố gắng, phát huy truyền thống vẻ vang để đạt được những thành tích đáng trân trọng trong công tác dạy và học, luôn tự hào về “Ngôi trường làng” trong sự nghiệp “trồng người” trên quê hương Hiệp Hòa cách mạng.


Trưởng thành trong gian khó

Trường THCS Hương Lâm được thành lập năm 1962, nằm trên địa bàn thôn Nga Trại, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang (Hà Bắc cũ). Những ngày đầu thành lập, cơ sở vật chất Nhà trường chỉ là tranh tre, vách đất, vỏn vẹn có 02 lớp 5, học sinh của các xã Châu Minh, Mai Đình, Hương Lâm với 03 cán bộ giáo viên là Hiệu trưởng, 01 giáo viên tự nhiên và 01 giáo viên xã hội.

Ra đời trong bối cảnh lịch sử của cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ, thầy và trò thiếu thốn đủ thứ, vừa phải dạy và học, vừa phải tham gia kháng chiến. Thời điểm này, Nhà trường cũng đã khẳng định với nhiều học sinh xuất sắc, tiêu biểu như: Ngô Văn Xiêm, Nguyễn Ngọc Cơ, Nguyễn Thế Khang…

Nhà trường vinh dự nhận được bằng khen của UBND tỉnh Bắc Giang

Năm học 1963-1964, Nhà trường có 04 lớp gồm: 02 lớp 5 và 02 lớp 6, với số cán bộ giáo viên là 08. Năm học 1964-1965, Trường có 07 lớp gồm: 03 lớp 5, 02 lớp 6 và 02 lớp 7, với 08 cán bộ giáo viên, đây cũng là năm học đầu tiên Nhà trường có 02 lớp 7 hoàn thành tốt nghiệp cấp 2. Năm học 1965-1966, Nhà trường có 08 lớp và đến năm học 1966-1967 có tổng 09 lớp.

Dấu mốc lịch sử, đánh dấu bước ngoặt của Nhà trường, đó là năm 1967, Trường THCS Hương Lâm được tách ra làm 03 Trường gồm: Trường THCS Châu Minh, Trường THCS Mai Đình và Trường THCS Hương Lâm. Thời điểm này, Nhà trường được chuyển về vị trí mới đặt tại thôn Đông Lâm, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa.

Giai đoạn 1976 – 1990, đây là thời kỳ đổi mới sách giáo khoa lần thứ hai, là giai đoạn Hợp nhất hệ thống giáo dục hai miền Nam – Bắc. Quá trình hợp nhất hệ thống giáo dục hai miền Nam – Bắc gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ thế nhưng với quyết tâm cao độ, Nhà trường vẫn luôn thi đua dạy tốt, học tốt. Chất lượng giáo dục tiếp tục được phát huy và nâng lên trong hệ thống giáo dục bậc THCS của Hiệp Hòa nói riêng và tỉnh Hà Bắc nói chung, với nhiều tấm gương điển hình như: Phạm Văn Nghị, Trịnh Quang Minh, Ngô Văn Binh,…

Tập thể lãnh đạo, cán bộ giáo viên và nhân viên Trường THCS Hương Lâm

Giai đoạn 1991 – 2008, để từng bước hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, Ngành Giáo  dục và Đào tạo thực hiện Đổi mới chương trình sách giáo khoa lần thứ ba theo Nghị quyết 40/2000/QH10 của Quốc hội “Đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Cơ sở vật chất của Trường bước đầu được xây dựng theo tiêu chuẩn nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Hệ thống giáo dục chặt chẽ hơn bắt buộc Nhà trường phải bắt kịp xu thế của thời cuộc. Bằng tinh thần và sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên và học sinh, sự quan tâm của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, phong trào thi đua tiếp tục đạt được những thành tích đáng tự hào, đặc biệt là trong công tác bồi dưỡng và đào học sinh giỏi, nhiều năm liền Trường THCS Hương Lâm đạt danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến.

Thực hiện Đổi mới chương trình sách giáo khoa lần thứ tư (năm 2013 đến nay) theo Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương và Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội, nhằm định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học. Ở giai đoạn năm học 2008 – 2022, cơ sở vật chất của Trường được quan tâm đầu tư đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1 lần đầu tiên vào năm 2008. Tiếp nối thành tích của giai đoạn trước, Trường THCS Hương Lâm liên tục gặt hái được nhiều thành công về phong trào giáo dục. Tập thể sư phạm Nhà trường luôn đạt danh hiệu Tập thể Lao động tiên tiến, đặc biệt năm học 2021-2022, Nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đứng thứ 9/26 Trường THCS của huyện Hiệp Hòa. Đặc biệt, trong 02 năm học 2016 -2017 và năm học 2017 – 2018, Nhà trường đã vinh dự nhận được bằng khen của UBND tỉnh Bắc Giang; Danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc năm học 2017 -2018.

Phát huy truyền thống vẻ vang

Với quy mô hiện nay 22 lớp và 965 học sinh, trong 60 năm qua, Trường THCS Hương Lâm đã đào tạo được trên 12.000 học sinh bậc THCS góp phần nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân xã nói riêng và bức tranh của Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang nói chung. Thời gian qua, Nhà trường đã được công nhận chuẩn phổ cập lên từ mức độ 1, 2 và hiện nay đã đạt mức độ 3. Tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi đã tốt nghiệp bậc THCS đạt từ 97 – 98%; số thanh thiếu niên từ 15 – 18 tuổi đang theo học THPT, TTGDTX đạt 93 – 94 %.

Những cá nhân vinh tiêu biểu nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.

60 năm trôi qua, thế hệ thầy và trò Nhà trường đã vượt qua bao gian khó để lập nhiều thành tích vẻ vang. Nhiều thầy cô giáo đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp huyện; hàng trăm học sinh tiêu biểu đã thành đạt trên con đường học vấn nghiên cứu khoa học (11 tiến sĩ, trên 30 thạc sĩ, trên 600 cử nhân, kỹ sư, bác sĩ,…); trong lực lượng vũ trang quân đội và công an (có 24 người là liệt sĩ, 108 người là thương binh bệnh binh, trên 50 sĩ quan cao cấp). Ở lĩnh vực công tác lãnh đạo quản lý (09 cán bộ là Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, giám đốc, trưởng phó phòng/ban từ cấp huyện, cấp tỉnh; 10 người là hiệu trưởng/phó hiệu trưởng các trường Mầm Non, Tiểu học, THCS, THPT và Cao đẳng, Đại học…) cùng nhiều lĩnh vực khác như: Kinh doanh quản lý, phát triển sản xuất đa ngành nghề trong và ngoài nước…

60 năm xây dựng và phát triển, Trường THCS Hương Lâm như “một mái nhà chung” đón nhận hơn 200 thầy giáo, cô giáo đến từ các tỉnh/thành: Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nam, Hòa Bình, Tuyên Quang về công tác và gắn bó lâu dài… nhiều thầy cô giáo đã hiến trọn cả tuổi thanh xuân của mình với sự nghiệp “trồng người” trên quê hương Hương Lâm.

Chặng đường 60 năm ấy, lớp lớp thế hệ học sinh Nhà trường được sự dìu dắt, dạy bảo ân cần của đội ngũ những thầy, cô giáo giỏi. Nhiều học sinh đã đạt những thành tích học tập xuất sắc là học sinh giỏi cấp Quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện, ở nhiều nội dung: Văn hóa, thể thao, văn nghệ, sáng tạo khoa học kĩ thuật…

Đổi mới, hội nhập và phát triển

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự hình thành nền kinh tế số, nhiều thách thức đặt ra đòi hỏi Ngành Giáo dục và Đào tạo phải đổi mới nhanh và mạnh hơn nữa theo tinh thần Nghị quyết 29 của BCH Trung ương Đảng. Trước xu thế hội nhập và phát triển, Trường THCS Hương Lâm cũng không ngoại lệ.

Với sứ mệnh nhằm tạo dựng lên một môi trường giáo dục an toàn – thân thiện – năng động và sáng tạo để học sinh được phát huy tối đa khả năng của bản thân từ đó đáp ứng được mong mỏi của phụ huynh và yêu cầu đổi mới ngày càng cao của xã hội. Tạo ra các thế hệ học sinh năng động, phát triển toàn diện cả về đức – trí – thể – mĩ. Coi trọng giáo dục lý tưởng, đạo đức và phương châm “Thành người trước khi thành tài”. Nâng cao chất lượng văn hóa đại trà và mũi nhọn, tạo điều kiện để mỗi học sinh có cơ hội phát triển năng lực tiềm ẩn và tư duy sáng tạo, nhạy bén trong cuộc sống, biết nắm bắt cơ hội để tỏa sáng và thành công. Ứng dụng tư duy giáo dục hiện đại trên nền tảng giáo dục truyền thống. Phấn đấu xây dựng trường học hạnh phúc, tiên phong, đổi mới và sáng tạo.

Nhà trường đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 đó là: Hội nhập và phát triển nhanh, khẳng định về quy mô và chất lượng; xây dựng thương hiệu Nhà trường là điểm đến tin cậy của phụ huynh và là ngôi trường hạnh phúc của tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh; phấn đấu đạt trường chuẩn Quốc gia mức độ 2, kiểm định chất lượng đạt mức độ 3; vươn lên tầm cao mới, đáp ứng được yêu cầu đổi mới ngày càng cao của xã hội.

Theo đó, đối với đội ngũ cán bộ, Cấp ủy, BGH Nhà trường xác định, xây dựng trường học văn hóa, hạnh phúc để mỗi ngày đến trường là một niềm vui. Xây dựng hình ảnh nhà giáo mẫu mực, là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo. Biết khơi nguồn ước mơ và thắp sáng những tiềm năng của học trò.

Quang cảnh khuôn viên Nhà trường trong Lễ Khai giảng năm học mới

Với học sinh, phấn đấu cho mục đích học tập: “Học để biết – học để làm – học để cùng chung sống – học để làm người”. Có phương pháp học tập trải nghiệm, chủ động, sáng tạo. Cần phải đoàn kết, sống trách nhiệm, yêu thương. Hội tụ các phẩm chất của công dân toàn cầu mà học sinh Nhà trường hướng đến. Ham hiểu biết; giàu kiến thức; có phương pháp tư duy khoa học; có kĩ năng giao tiếp và ứng xử; có tinh thần cởi mở; có tính kỉ luật; biết cách cân bằng cuộc sống; biết quan tâm đến bản thân, gia đình và cộng đồng.

60 năm nhìn lại, một chặng đường với biết bao gian khó, lớp lớp thế hệ thầy và trò Trường THCS Hương Lâm luôn nỗ lực cố gắng để hoàn thành sứ mệnh và mục tiêu cao cả, phát huy truyền thống vẻ vang để đạt được nhiều thành tích đáng trân trọng, luôn tự hào về “Ngôi trường làng” trong sự nghiệp “trồng người” trên quê hương Hiệp Hòa mang nhiều giá trị văn hiến và cách mạng.

Nguyễn Thế Hiếu


Cùng chuyên mục

Triển lãm ảnh nghệ thuật “Quân đội Anh hùng – Cựu Chiến binh gương mẫu”

Triển lãm ảnh nghệ thuật “Quân đội Anh hùng – Cựu Chiến binh gương mẫu”

Tăng cường đảm bảo an ninh, xây dựng biên giới “đoàn kết – hòa bình – hữu nghị”

Tăng cường đảm bảo an ninh, xây dựng biên giới “đoàn kết – hòa bình – hữu nghị”

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ