Trúng mùa hoa Tết, người trồng bớt lo

9:42 | 19/01/2022

Tại nhiều vùng trồng hoa lớn của cả nước, thương lái đã đặt hàng bao tiêu hoa, kiểng Tết. Nhờ giá tăng từ 10%-20%, người trồng hoa dự báo được mùa bội thu.


Những ngày này, nhiều nhà vườn trồng hoa Tết trên cả nước tất bật cắt tỉa, chăm sóc những công đoạn cuối cùng để xuất bán cho thương lái. Dự kiến trong vài ngày tới, thị trường hoa Tết sẽ trở nên nhộn nhịp hơn.

“Thủ phủ hoa” được mùa

Tại các làng trồng hoa ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng như Vạn Thành, Hà Đông, Thái Phiên…, thương lái bắt đầu đến tận vườn đặt hàng thu mua với giá khá cao.

Hoa cúc Đà Lạt được mùa, giá cao.

Ở làng hoa Hà Đông, vườn cúc đại đóa của hộ ông Nguyễn Hoàng trồng 40.000 cây, ra hoa đẹp. Ông Hoàng cho biết thương lái đến hỏi mua với giá 2.200 đồng/cây nhưng ông chưa “chốt sổ”. “Giá hoa cúc đang tăng từng ngày, người trồng hoa chúng tôi hy vọng một mùa hoa Tết no ấm” – ông Hoàng bày tỏ.

Ông Võ Văn Sang – Chủ tịch UBND phường 12, TP Đà Lạt – thông tin trong vụ hoa Tết năm nay, làng hoa này cung ứng khoảng 90 ha, trong đó có 80 ha cúc. Đến thời điểm này, thương lái đã đặt mua khoảng hơn 50% diện tích. Bình quân mỗi sào cúc trồng khoảng 70.000 cây. Nhờ năm nay giá cao hơn các năm trước nên sau khi trừ chi phí, người trồng mỗi sào cúc có thể thu lợi vài chục triệu đồng.

Ngoài các loài hoa thông thường, Đà Lạt là nơi cung cấp lay ơn khắp cả nước. Dọc Quốc lộ 20, đoạn qua địa bàn các xã Hiệp An, Hiệp Thạnh của huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, thương lái cũng đang rảo khắp các nhà vườn. Giá hoa lay ơn dịp Tết năm nay dự báo cao gấp 3 – 5 lần so với năm ngoái, từ 15.000-25.000 đồng/bó (10 cành), tùy loại.

Ông Nguyễn Đức Cứ, Trưởng Phòng Kinh tế TP Đà Lạt, cho hay trong vụ hoa Tết này, nhà vườn xuống giống gần 800 ha, giảm 30% so với những năm trước. Trong đó, diện tích hoa cúc là 260 ha, hoa hồng 95 ha, lay ơn 5 ha, lily 30 ha, cẩm chướng – salem 200 ha và một số loại hoa khác chiếm 85 ha. Theo ông Cứ, dù diện tích giảm nhưng nhờ giá hoa tăng nên nông dân được lợi.

Nhiều nhà vườn trồng hoa cúc ở Đà Lạt được thương lái đặt mua với giá tăng so với Tết các năm trước.

Trong khi đó, ở tỉnh Khánh Hòa, người trồng cũng trúng mùa hoa Tết, nhất là hoa cúc. Theo ghi nhận tại làng hoa cúc Ninh Giang (phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa) – “thủ phủ cúc” của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên – hầu hết hoa các nhà vườn đã được thương lái đặt mua toàn bộ.

Hoa Cúc Ninh Giang nổi tiếng ở Khánh Hòa.
Hoa Tết đã xuống phố ở Đà Nẵng.

“Làng hoa này có khoảng gần 100 hộ trồng cúc. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, mỗi năm làng hoa trồng hơn 150.000 chậu cúc bán Tết nhưng năm nay chỉ trồng khoảng hơn 25.000 chậu nên đã được các thương lái “bao” hết để đưa vào TP HCM tiêu thụ. Năm nay, hộ nào trồng được hoa cúc xem như ăn Tết sớm” – ông Phan Sang, Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang, nói.

Đến thời điểm này, hầu hết các nhà vườn trồng hoa cúc Tết ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng cũng đã có thương lái đặt mua. Theo nông dân tại đây, giá cặp cúc loại trung bán tại vườn khoảng 700.000-800.000 đồng, loại lớn từ 1.800.000-2.000.000 đồng.

Nông dân miền Tây phấn khởi

Tại các tỉnh, thành phía Nam, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thị trường hoa, kiểng Tết được thương lái “kích” nên giá tăng mạnh.

Làng hoa Sa Đéc (TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), nông dân dự báo được mùa bội thu. “Chuẩn bị cho vụ hoa Tết năm 2022, gia đình tôi chỉ trồng khoảng 8.000 giỏ hoa các loại. Đến nay, hầu hết các loại hoa, kiểng của vườn tôi đã bán hết cho thương lái. Vì khan hiếm hàng nên giá hoa cao so với năm trước” – ông Trần Thanh Toản (ngụ khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc) phấn khởi.

Nông dân miền Tây kỳ vọng bội thu mùa hoa Tết Nhâm Dần 2022.

Ở làng hoa này, giá thu mua các loại hoa, kiểng tăng từ 10%-20% so với Tết năm ngoái. Cụ thể, kiểng kim ngân lượng 250.000-300.000 đồng/chậu, cây trạng nguyên 300.000 đồng/chậu, khóm đỏ 150.000 đồng/chậu, hoa giấy bonsai từ 300.000 đồng đến 5 triệu đồng/chậu, cúc mâm xôi 90.000-100.000 đồng/chậu, cúc đồng tiền 100.000-120.000 đồng/chậu, cát tường 45.000 đồng/chậu…

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, toàn thành phố có diện tích hoa, kiểng phục vụ Tết Nguyên đán năm nay chỉ khoảng 60 ha, với hơn 200 hộ, giảm 50 ha so với năm trước. Sản lượng hoa, kiểng Tết dự kiến đạt hơn 1,5 triệu giỏ, nhiều nhất là cúc mâm xôi, hồng, huệ và các loại kiểng lá… Đến nay, có hơn 95% diện tích cúc mâm xôi, cúc đồng tiền đã được thương lái đến thu mua.

Còn theo ông Bùi Thanh Liêm – Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre – trong vài ngày trở lại đây, thương lái đến các nhà vườn ở địa phương thu mua hoa, kiểng tăng đáng kể, nhất là hoa giấy, cúc mâm xôi, vạn thọ, mồng gà. Ông Liêm cho hay những năm trước, toàn huyện Chợ Lách sản xuất khoảng 10-11 triệu sản phẩm hoa Tết, còn năm nay khoảng 8 triệu. Giá hoa dự báo tăng từ 5%-10% nên lợi nhuận thu về cao.

TP HCM, Hà Nội: Lo sức mua giảm

Tại TP HCM, đến thời điểm này, cả người trồng lẫn thương lái đều lo lắng vì chưa đo được sức tiêu thụ của thị trường hoa, kiểng Tết sau thời gian dài ảnh hưởng dịch Covid-19.

Theo bà Phan Thị Thanh Công – Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP HCM – diện tích trồng mai tại xã này tăng từ 466 ha lên 500 ha. Do lo ngại ít người mua nên nhiều nhà vườn chủ động “xả tàn”, tỉa cành để nuôi dưỡng cho năm sau. Còn theo đại diện Hội Nông dân TP Thủ Đức, phần lớn nhà vườn chú trọng làm mai để cho thuê trong dịp Tết, còn mai bán ra thị trường không được nhiều như mọi năm.

Trong khi đó, tại Hà Nội, trên một số tuyến đường Lạc Long Quân, Bưởi, Âu Cơ, Lê Văn Lương… đã bày bán các loại cây kiểng như quất, bưởi, đào cảnh. Dù vậy, lượng người đến mua khá ít. Theo một số thương lái, dịch Covid-19 tác động trực tiếp đến sức mua của thị trường hoa, kiểng Tết.

“Sức mua dự báo giảm, ngay cả hoa đào cũng dự báo tiêu thụ ít, dù giá giảm hơn nhiều so với mọi năm. Như loại đào bích năm ngoái có giá 7 – 9 triệu đồng, năm nay chỉ còn 4 – 6 triệu đồng. Không chỉ giá giảm mà lượng khách đến mua cũng thưa thớt, 1 ngày bình quân chỉ có 5 – 10 người đến xem cây” – bà Nguyễn Thị Huyền, một thương lái bán đào Nhật Tân, băn khoăn.

Người lao động


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình