Trưng bày ‘Cung trầm Tháng 7’ tại Di tích lịch sử Nhà tù Hoả Lò

10:24 | 21/07/2022

 Ngày 20/7, tại Hà Nội, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức khai mạc trưng bày “Cung trầm Tháng 7” nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2022).


Tại buổi ra mắt trưng bày “Cung trầm Tháng 7”, các đại biểu đã làm lễ dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tại Đài tưởng niệm; nghe thuyết minh kết hợp xem hoạt hoạt cảnh về cuộc đấu tranh đòi tăng lượng nước sinh hoạt của các tù chính trị cạnh nhà tắm tập thể được phục dựng và hoạt cảnh về những ngày tháng cuối cùng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh – Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ trong xà lim tử hình của Nhà tù Hỏa Lò; gặp gỡ các nhân chứng lịch sử là các cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò năm xưa, như các đồng chí: Nguyễn Tiến Hà, Dương Tự Minh, Hoàng Quân Tạo…

Các đại biểu dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm Nhà tù Hoả Lò – Ảnh: HL

Trưng bày “Cung trầm Tháng 7” là câu chuyện cảm động về ý chí kiên cường, sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ yêu nước, cách mạng khi bị địch bắt, giam trong ngục Hỏa Lò.

Theo Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, trưng bày “Cung trầm Tháng 7” gồm 3 nội dung: “Khát vọng non sông”, “Dưới ngọn cờ hồng” và “Mãi mãi khắc ghi”.

Khát vọng non sông kể những câu chuyện về gương hy sinh lẫm liệt của các chiến sĩ yêu nước, bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò đầu thế kỷ XX. Sau khi bị thực dân Pháp đàn áp, bắt giữ, nhiều người đã bị kết án tử hình, chung thân; bị lưu đày đến Nhà tù Côn Đảo và các thuộc địa xa xôi của nước Pháp. Dù không thành công nhưng tấm lòng sắt son, sự hy sinh của các chiến sĩ mãi lưu truyền sử xanh.

Dưới ngọn cờ hồng trưng bày khắc họa bước ngoặt to lớn trong lịch sử đất nước giai đoạn những năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Hàng nghìn chiến sĩ bị thực dân Pháp bắt giam và hy sinh bất khuất vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, trong đó có những người con ưu tú, như các đồng chí: Nguyễn Phong Sắc, người trực tiếp chỉ đạo phong trào Xô Viết Nghệ – Tĩnh; Nguyễn Hoàng Tôn, một trong những đảng viên trẻ tuổi và đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam; Nguyễn Ngọc Vũ, Bí thư chính thức đầu tiên của Đảng bộ thành phố Hà Nội…

Mãi mãi khắc ghi nói về các hoạt động tri ân lớp người đi trước, thể hiện nét đẹp nhân văn của dân tộc.

Các cựu tù Hỏa Lò năm xưa cùng với các chiến sĩ cảnh sát trẻ tham quan trưng bày Cung trầm tháng 7 – Ảnh: T.ĐIỂU

Các đại biểu nghe thuyết minh kết hợp xem hoạt hoạt cảnh – Ảnh: HL

Diễn hoạt cảnh cuộc gặp mẹ cuối cùng tại nhà tù Hỏa Lò của chiến sĩ cách mạng Nguyễn Đức Cảnh – Ảnh: T.ĐIỂU

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết: “Từ năm 2017, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã phối hợp với Ban liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò và các nhà hảo tâm tổ chức thăm hỏi, tặng quà tri ân các cựu tù chính trị bị đau ốm, có hoàn cảnh khó khăn. Càng trân trọng và tự hào về lịch sử bao nhiêu, chúng ta càng ý thức sâu sắc rằng, nền độc lập tự do, hòa bình, thống nhất của hôm nay phải đổi bằng máu xương, tuổi xuân, hạnh phúc của biết bao thế hệ. Thắp lửa tri ân công lao của các thế hệ đi trước là điều thế hệ hôm nay phải luôn ghi lòng, tạc dạ”.

Dự khai mạc trưng bày cùng các đồng chí của mình, nhà giáo ưu tú Nguyễn Tiến Hà – trưởng Ban Liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà tù Hỏa Lò 1930-1954 – cho biết ông rất xúc động khi những ngày tháng 7 này được nhớ về các đồng chí đã anh dũng hy sinh của mình và nhớ về chính quãng thời gian bị tù đày ở Hòa Lò từ 1950-1953.

Cựu tù Hỏa Lò Nguyễn Tiến Hà tham quan trưng bày – Ảnh: T.ĐIỂU

Xem hoạt cảnh về buổi gặp gỡ cuối cùng của hai mẹ con nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Đức Cảnh tại nhà tù Hỏa Lò trước khi ông bị xử tử, ông Hà lại nhớ về những năm gian khổ của mình ở nơi này, gia đình đều đã “đi kháng chiến”, không có người thân thăm nuôi nhưng đổi lại, rất nhiều đồng bào, nhân dân đến thăm nuôi đồng thời giúp bắt nối thông tin với bên ngoài.

Ông Hà thay mặt các chiến sĩ cách mạng năm xưa cũng kiến nghị lên Chính phủ quan tâm, có chính sách cấp thẻ thương binh cho những người từng bị địch bắt, tù đày dù không để lại vết thương thực thể nhưng mang những vết thương âm ỉ cả đời vì những đòn roi tra tấn thâm độc của địch.

Trưng bày “Cung trầm Tháng 7” kéo dài từ ngày 20/7 đến hết ngày 31/10 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 Hỏa Lò, Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trọng Nhân
Nguồn Báo Công Luận

https://www.congluan.vn/trung-bay-cung-tram-thang-7-tai-di-tich-lich-su-nha-tu-hoa-lo-post205547.html

Cùng chuyên mục

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng