Triều Nguyễn khi xảy ra bão, lụt xử lý thế nào??

10:26 | 29/09/2022

Trong trận bão năm 1846, vua Thiệu Trị cũng sai ngay các quan Khoa đạo là Nguyễn Hữu Thành, Đặng Minh Trân khẩn trương phối hợp với các quan ở tỉnh xuất tiền, gạo cứu trợ cho dân. Ở Nghệ An chi ra 32.282 quan tiền, Hà Tĩnh chi ra 2.117 quan tiền, 32 phương gạo (Đại Nam thực lục, đệ tam kỷ, quyển LVIII, theo bản của Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007).

Cổng Ngọ Môn Huế trong các đợt lũ lụt vừa qua.

Quan điểm của nhà vua:

“‘ LẤY LÒNG TRẪM LÀM LÒNG MÌNH, COI VIỆC NƯỚC NHƯ VIỆC NHÀ” 

Đó là lời của vua Thiệu Trị chỉ dụ cho Khâm sai đại thần – Thượng thư Bộ Lại Tôn Thất Bạch cùng Hộ đốc Tôn Thất Đường cấp tốc đi chẩn tế ở các địa phương bị bão lụt nặng nề, bởi theo nhà vua, để cứu họ, trước hết là phải lo việc chẩn tế.

Nhà vua chỉ dụ: Quan chức các địa phương ở hai ty Phiên, Niết (ty Bố chánh và Án sát) cùng Lãnh binh phải đi trực tiếp khảo sát, chia dân đói khổ, thiệt hại làm 2 hạng, rồi trích tiền, gạo ở kho tỉnh, phủ, ra khẩn trương cứu tế. Các công trình hư hại thì quá nhiều, vậy nên cân nhắc sửa chữa, trước hết là phải lo cho dân.

Ngoài việc các địa phương phải lo kịp thời chẩn tế, về phía triều đình, dưới chỉ dụ của nhà vua, Khâm sai đại thần Tôn Thất Bạch cùng với Hộ đốc Tôn Thất Đường cũng đã hỏa tốc đến Nghệ An, cắt cử người đến 118 xã, thôn, chi tiền 72.000 quan, cấp hơn 400 phương gạo, 1.300 hộc thóc.

Một người bị chết được hỗ trợ 3 quan để mai táng. Nhà, thuyền bị hư hại thì chiếu theo mức độ thiệt hại mà cấp: Thiệt hại nhiều 3 quan, thiệt hại vừa 2 quan, thiệt hại ít 1 quan. Lại chia thứ hạng mà chẩn cấp, ưu tiên cho những người già yếu không nơi nương tựa, đàn bà, con gái, trẻ con  (Đại Nam thực lục, đệ tam kỷ, quyển XXIII).

Trong trận bão năm 1846, vua Thiệu Trị cũng sai ngay các quan Khoa đạo là Nguyễn Hữu Thành, Đặng Minh Trân khẩn trương phối hợp với các quan ở tỉnh xuất tiền, gạo cứu trợ cho dân. Ở Nghệ An chi ra 32.282 quan tiền, Hà Tĩnh chi ra 2.117 quan tiền, 32 phương gạo (Đại Nam thực lục, đệ tam kỷ, quyển LVIII, theo bản của Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007).

Bên cạnh việc chẩn tế, các triều vua cũng chú trọng đến việc “cho dân vay thóc gạo, hoặc tạm ứng trước thóc gạo” từ các kho công của Nhà nước, các kho chứa ở các địa phương, như các kho Thường bình, Xã thương, Nghĩa thương. Việc cho vay không chỉ làm cho người dân có cái ăn mà còn làm bình ổn thị trường lúa gạo.

Sách Minh Mệnh chính yếu viết rằng: Vào năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), hai tỉnh Nam – Ngãi bị nạn bão lụt, nhiều nhà phải bắc sàn lên nóc. Tỉnh thần chiếu theo miệng ăn từng nhà mà cấp muối gạo.

Vua Minh Mạng có dụ rằng: Cần phải xem xét lại, nếu cần thì tiếp tục phát gạo, muối, lại sai hỏi rõ trong dân gian ai muốn lãnh tiền trước bán đường, bán quế thì cũng cho phép xuất lúa công ra để ứng trước cho dân theo thời giá.

Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 63 (theo bản của Nxb Thuận Hóa, Huế, 2005) ngoài phần  ghi chép về việc chẩn tế đến 19 lần cho dân bị thiên tai từ thời Gia Long thứ 8 (1809) đến năm Tự Đức thứ 4 (1851), còn ghi chép về việc xuất gạo cho dân vay từ năm Gia Long thứ 5 (1816) đến thời Tự Đức, với tất cả 22 lần, trong đó có hàng chục lần do bị bão lũ khắp cả nước.

Khu vực Đại Nội Huế bị ngập dài ngày trong các đợt mưa lũ vừa qua

Cùng với việc chẩn tế, cho vay lúa gạo, các triều vua còn chú trọng đến “việc giảm, hoãn thuế cho dân”. Từ năm Gia Long thứ 5 (1806) đến năm Tự Đức thứ 2 (1849) có tất cả 17 lần miễn thuế, 7 lần giảm thuế tô (thuế nộp bằng thóc), vì hạn hán, sâu bệnh, đặc biệt là do bị bão lụt. Trong trận bão kinh hoàng vào tháng 5, năm Tự Đức thứ 20 (1867), nhà vua sai ngay Tham tri Nguyễn Mại, Biện lý Nguyễn Huy Tế, Tôn Thất Tĩnh khẩn trương chia nhau đi chẩn tế, phân từng bậc để miễn, giảm các thứ thuế cho dân.

Song song với các công việc này, các triều vua Nguyễn cũng chú trọng đến việc “lập các Sở Dưỡng tế” cho những người không nơi nương tựa, “hoãn việc mộ lính, cử quan chức đi khám đồng lúa, khuyến khích việc quyên góp bằng tiền, thóc”. Sách Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ có ghi chép tên họ của những chủ lạc quyên ở khắp nơi trong cả nước, từ Hà Nội đến các tỉnh. Nhiều nhất là các nhà hảo tâm ở Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang… với hàng trăm người.

BÊ TRỄ, LƠ LÀ CHUYỆN BÃO LỤT: TRỪNG PHẠT

Cũng trong trận bão năm 1842, sách Đại Nam thực lục có cho biết rằng: Lo sợ không được chu đáo với dân, lo đến từng người dân bị đói nên đêm khuya vua Thiệu Trị vẫn miệt mài xem các tập tấu trình, chưa sáng đã khoác áo dậy, nhưng các quan chức ở Bộ Hộ lại tỏ ra lười biếng, trễ nải, không tấu trình kịp thời, để nhà vua phải cắt cử các quan ở Nội các làm thay. Vua ra dụ, phải chiếu pháp luật xử tội các đường quan lơ là, trễ nải.

Trong trận bão năm 1846, quan tỉnh Nghệ An tấu trình: Trong trận bão này, thuyền to chở đường biển, thuyền tuần dương, thuyền hải vận, mỗi thứ 2 chiếc đều bị va vào bờ vỡ nát, hàng hóa đều bị đắm chìm. Nhà vua sai Thực đốc Đặng Đức Thiệm điều tra để tâu cho rõ. Sau khi Đặng Đức Thiệm tâu lên, vua cho rằng: Thuyền hải phận không có tình tiết gì mà bỏ mặc không bảo quản; còn thuyền tuần dương thì ở đường sông, sóng cồn không ví như ngoài biển được, thế mà bị đắm, là do quản thuyền, lái thuyền và biền binh. Vì vậy phải cách chức quản thuyền, các phụ thuyền; lái thuyền thì cho về binh ngũ; các binh lính mỗi người phải bị chịu phạt 100 trượng.

(Trong trận bão năm 1842, vua Thiệu Trị tự trách mình, đại ý rằng: Có lẽ do mình đức bạc, không đủ để làm cho trời đất dung hòa, nên người dân phải gánh chịu đau thương. Làm vua mà để cho một kẻ đói, một kẻ rét thì đều là do trách nhiệm của nhà vua, bởi vậy cần phải lo cứu vớt những người đói khổ (Đại Nam thực lục, đệ tam kỷ, quyển XXIII).

TS.Nguyễn Đăng Vũ

 

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024