Triển lãm “Phật giáo Việt Nam – Dấu ấn tinh hoa” giới thiệu những thành tựu, dấu ấn quan trọng và sự phát triển toàn diện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Bên lề Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX đang diễn ra tại Hà Nội, triển lãm “Phật giáo Việt Nam – Dấu ấn tinh hoa” thu hút đông đảo tăng ni, Phật tử và công chúng đến thưởng lãm.
Triển lãm “Phật giáo Việt Nam – Dấu ấn tinh hoa” do Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức, giới thiệu những thành tựu trong công tác Phật sự của nhiệm kỳ VIII thông qua những hình ảnh, hiện vật với 2 chủ đề chính.
Triển lãm “Phật giáo Việt Nam – Dấu ấn tinh hoa” là hoạt động bên lề, chào mừng Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX
Chủ đề thứ nhất giới thiệu về những nhân vật lịch sử tiêu biểu, những danh tăng đã có nhiều công lao, đóng góp, tạo nên những sự kiện lịch sử nổi bật cho sự nghiệp hoằng dương Phật pháp từ khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến nay và những thành tựu nổi bật của Giáo hội trong nhiệm kỳ 2022 – 2027.
Trong đó có những hoạt động tiêu biểu: Hoàn thành bước đầu diện mạo bộ Đại Tạng kinh bằng tiếng Việt với 18 cuốn và nhiều dịch phẩm có giá trị hàm chứa những triết lý sâu sắc từ lời dạy của Đức Phật; thực hiện thành công bước đầu Đề án Định hướng đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam (về pháp phục, ngôn ngữ, kiến trúc, di sản văn hóa Phật giáo)…
Ngoài ra là những thành tựu trong việc truyền bá Phật pháp tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo, đặc biệt là các ngôi chùa xây dựng trên 9 hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa; hoạt động hợp tác quốc tế lan tỏa những tinh hoa của văn hóa Phật giáo Việt Nam đến với bạn bè trên thế giới; thích ứng, cập nhật ứng dụng công nghệ, số hóa, góp phần tích cực trong việc hoằng dương Phật pháp nhanh chóng và sâu rộng hơn, nhất là trong bối cảnh đại dịch…
Chủ đề thứ hai giới thiệu những tư liệu, hiện vật, biểu tượng văn hóa Phật giáo dưới các hình thức đa dạng, phong phú để chuyển tải sâu rộng nội dung tư tưởng, triết lý, tinh thần Phật giáo đến với đông đảo tăng, ni, Phật tử và công chúng.
Tiêu biểu như các tư liệu về kinh Phật, biểu tượng, vật phẩm Phật giáo là sản phẩm của các làng nghề truyền thống, trên chất liệu đá tự nhiên quý hiếm và những sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa; gian hàng lá bồ đề, gian hàng khắc tranh tượng trên kính…
Theo Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đây là triển lãm đầu tiên giới thiệu được đầy đủ chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và các ban, viện Trung ương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ khi thành lập năm 1981 đến nay và cũng là lần đầu tiên giới thiệu đầy đủ các hoạt động tiêu biểu của 13 ban, viện Trung ương và Giáo hội Phật giáo Việt Nam 63 tỉnh, thành phố.
Đông đảo tăng ni, Phật tử và công chúng tới xem triển lãm
Qua đó khẳng định những dấu ấn quan trọng của Giáo hội trong nhiệm kỳ 2017-2022, đồng thời thể hiện sự phát triển toàn diện, toàn quốc và lớn mạnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Triển lãm giúp cho các tăng, ni, Phật tử hiểu rõ hơn về công tác hoằng pháp lợi sinh, những hoạt động lợi đạo, ích đời và tri ân các thế hệ tiền nhân, trân trọng những thành quả mà các thế hệ tiền nhân đã gây dựng. Trên cơ sở đó, tiếp tục kế thừa và phát huy trong các nhiệm kỳ tiếp theo, đưa Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày càng phát triển, thành tựu viên mãn hơn.
Một số hình ảnh tại triển lãm:
Tin, ảnh: T.Toàn
Nguồn Báo Công Luận
https://www.congluan.vn/trien-lam-ve-nhung-dau-an-tinh-hoa-cua-phat-giao-viet-nam-post224224.html#p-0