Triển lãm ‘Thư Đồng Văn’: Cao nguyên đá trong trẻo, nguyên sơ qua ảnh đen trắng

11:03 | 03/10/2018

Triển lãm ảnh “Thư Đồng Văn” đang diễn ra tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, là một triển lãm đặc biệt bởi quy tụ 50 bức ảnh chụp bằng phim đen trắng về thiên nhiên, con người và cuộc sống của đồng bào dân tộc Mông trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) cách đây hơn 20 năm, của Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Nguyễn Hữu Tuấn. Triển lãm mang đến cho người xem cảm xúc đặc biệt về vẻ đẹp của thiên nhiên, sự mộc mạc, dung dị của con người nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

“Mưu sinh từ đá”. Ảnh: Nguyễn Hữu Tuấn

Vẻ đẹp nguyên sơ, mộc mạc của thiên nhiên và con người

NSND Nguyễn Hữu Tuấn là nhà quay phim nổi tiếng của Hãng Phim truyện Việt Nam. Nguyễn Hữu Tuấn thực hiện bộ ảnh “Thư Đồng Văn” trong chuyến ông cùng đoàn phim lên Hà Giang thực hiện phim tài liệu cùng tên đầy cảm xúc về Đồng Văn cách đây hơn 20 năm.

Lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất địa đầu Tổ quốc này, Nguyễn Hữu Tuấn đã lập tức bị thu hút với cảnh sắc và con người nơi đây. Khung cảnh hữu tình, hoang sơ cùng những con người mộc mạc, dung dị đã gây ấn tượng với ông. Với chiếc máy ảnh mang theo bên mình, sau những giờ quay phim, Nguyễn Hữu Tuấn rong ruổi khắp cao nguyên đá chụp ảnh. Ở thời điểm đó, Hà Giang chưa có nhiều dân “phượt” cũng như khách du lịch tìm đến.

Cũng nhờ đó, những bức ảnh đẹp về một Hà Giang nguyên sơ với “Con đường Hạnh Phúc” huyền thoại, với mùa Xuân vùng cao, cuộc sống đời thường của người Mông… đã được ông ghi trọn trong những khoảnh khắc của ánh sáng.

Khi đặt chân đến con đường Hạnh Phúc, được nghe kể về con đường đã đi vào huyền thoại của mảnh đất Hà Giang, là niềm tự hào của bà con các dân tộc trên vùng cao nguyên đá, Nguyễn Hữu Tuấn đã rất xúc động.

Con đường dài gần 200km từ thành phố Hà Giang đến Đồng Văn, phải qua Mèo Vạc, qua đỉnh Mã Pì Lèng… đã được hoàn thành bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu xương của hàng chục nghìn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh phía Bắc, như Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hải Hưng, Nam Định… ngày đêm miệt mài làm trong 6 năm (1959 – 1965), với trên 2 triệu lượt ngày công lao động.

Trên con đường Hạnh Phúc, Nguyễn Hữu Tuấn đã bấm máy ảnh, ghi trọn những khoảnh khắc thực về con người nơi vùng cao gắn với cung đường huyền thoại. Người xem bắt gặp hình ảnh quen thuộc của đồng bào trên cung đường Hạnh Phúc.

Đó là một buổi chiều các chị, các cô đi chợ về, là hình ảnh người và ngựa bước đi trên con đường mang niềm tự hào của các dân tộc trên cao nguyên đá. Đó là hình ảnh người thanh niên Mông hai vai gánh cỏ voi, lùa đàn bò và dê trên cung đường trở về nhà; là hình ảnh đoàn người hối hả bước đi trên cung đường đến chợ phiên Đồng Văn.

Hay là hình ảnh hai cô gái Mông ngồi vắt vẻo trên mỏm đá nhô ra từ một vị trí thuộc khu vực đỉnh đèo Mã Pì Lèng, cô thì hướng ánh mắt xa xăm, cô thì chăm chú đan len… Những khung hình dung dị với góc chụp cho thấy tác giả đã đứng từ xa quan sát, tuyệt nhiên không có sự tác động vào cảnh vật, con người.

Nguyễn Hữu Tuấn còn có nhiều bức ảnh đẹp khác về vùng cao nguyên đá mang vẻ trữ tình, nên thơ, hùng vĩ của thiên nhiên… Trên nền thiên nhiên ấy là hình ảnh những con người miền núi với nét dung dị, mộc mạc trong những bức ảnh những người phụ nữ Mông mưu sinh cùng đá, khoảnh khắc cô gái thư giãn sau giờ lao động, là khung cảnh yên bình nơi vùng cao nguyên đá trong khung cảnh nên thơ của mùa Xuân với hoa đào, mai nở sáng vườn…

Có thể nhận thấy, trong nhiều góc nhìn về Đồng Văn, gương mặt trẻ thơ với ánh nhìn hồn nhiên và trong trẻo chiếm số đông trong các sáng tác của Nguyễn Hữu Tuấn. Qua ống kính của Nguyễn Hữu Tuấn, những hình ảnh đều mang vẻ đẹp thuần khiết, toát lên nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

Say mê vẻ đẹp miền núi phía Bắc

Hơn 20 năm trước, khi thực hiện bộ ảnh này, Nguyễn Hữu Tuấn chỉ muốn ghi lại những khoảnh khắc đẹp nơi miền đá xám cho riêng mình. Những bức ảnh được chụp bằng phim đen trắng, được tráng rọi theo phương pháp thủ công với khuôn hình mộc mạc, không cầu kỳ, mang đến cho người xem cảm xúc về sự chân thật của những con người quanh năm làm bạn với đá xám, mây mù. Vẻ đẹp ấy đã thôi thúc nhiều người tìm đến mảnh đất địa đầu Tổ quốc này.

Là một người quay phim lâu năm, nhiều kinh nghiệm, Nguyễn Hữu Tuấn thừa sức mang kỹ thuật nhà nghề can thiệp vào những bức ảnh. Tuy nhiên, ông không làm thế. Ông đứng từ xa chụp ảnh, ghi trọn khoảnh khắc một cách tự nhiên vào ống kính máy ảnh. Nhờ lối chụp tự nhiên, không sắp đặt nên sau hơn 20 năm, người xem vẫn có thể thưởng thức vẻ đẹp của Hà Giang trước kia.

Trong những bức ảnh của Nguyễn Hữu Tuấn, người Mông rất kiệm lời, họ chỉ hay nhìn, ngay ở chợ phiên, họ cũng không cần nhiều lời, nên ảnh của ông không ồn ào. Ông chụp những hình ảnh đời thường, dung dị nhất, vào những thời điểm không cao trào.

“Tôi không muốn nhìn soi mói vào đời sống của họ, nhằm thỏa mãn sự hiếu kỳ của người thành phố khi đến vùng đất xa xôi này. Tôi coi thái độ đó làm tổn thương đến bản sắc văn hóa dân tộc là rất bất lịch sự. Tôi không dại gì mà “sắp đặt” lại cuộc sống để chụp ảnh, vì đơn giản không gì tự nhiên, đẹp đẽ bằng sự sống diễn ra quanh ta” – NSND Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ.

NSND Đặng Nhật Minh trong ngày khai mạc triển lãm chia sẻ: “Nguyễn Hữu Tuấn có một giọng điệu riêng không lẫn với ai khác trong nghệ thuật. Đó là một nét đặc trưng trong giọng điệu của Nguyễn Hữu Tuấn, một giọng điệu lặng lẽ, khiêm nhường, ẩn mình sau hiện thực mà anh quan sát và ghi nhận được qua ống kính của mình.

Nguyễn Hữu Tuấn là một nghệ sĩ luôn săn tìm những vẻ đẹp bình dị, mộc mạc trong đời thường”. Ngay cả việc trung thành với ảnh đen trắng cũng là quan điểm thẩm mỹ trong nhiếp ảnh của Nguyễn Hữu Tuấn, “cái đẹp trong những bức ảnh của anh là cái đẹp của sự từ chối những gì hào nhoáng, màu mè, tước bỏ những gì gọi là thừa thãi bên ngoài để đi sâu vào cốt lõi của hiên thực”.

Ngoài Hà Giang, Nguyễn Hữu Tuấn đã từng đặt chân đến nhiều miền đất thuộc khu vực miền núi phía Bắc như Bắc Sơn (Lạng Sơn), Trùng Khánh (Cao Bằng), Y Tý, Sa Pa (Lào Cai), Điện Biên, Lai Châu… Sự hùng vĩ của thiên nhiên cùng với sự mộc mạc, dung dị của những con người tại những nơi ông đi qua luôn là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn mà ông luôn kiếm tìm.

“Nói chung, tôi thích vùng núi phía Bắc, đi mãi chưa bao giờ thấy chán” – Nguyễn Hữu Tuấn khẳng định. Hy vọng, những triển lãm tiếp theo của NSND Nguyễn Hữu Tuấn vẫn sẽ mang đến cảm xúc và khát khao giữ gìn, bảo tồn những nét tinh túy tại những nơi tác giả đã lưu dấu bằng những khoảnh khắc của ánh sáng.

 

Theo Biên phòng

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024