Tối 28/5, tại thành phố Sơn La, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khai mạc Festival trái cây và sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) Việt Nam năm 2022 do tỉnh Sơn La phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức. Sau lễ khai mạc, Thủ tướng của đại diện các cơ quan ban ngành của TW và tỉnh Sơn La đã đến thăm quan các gian hàng của các địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội.
Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm nay diễn ra từ ngày 28/5 đến 31/5 với quy mô hàng trăm gian hàng của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã tới từ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Cùng với đó là chuỗi những sự kiện liên hoàn, bổ trợ lẫn nhau trong một chương trình tổng thể gắn với các hoạt động văn hóa, lễ hội phong phú, đa dạng, hấp dẫn và ý nghĩa.
Chương trình nhằm tôn vinh người trồng cây ăn quả và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP Việt Nam, nằm trong chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022 tổ chức tại Sơn La.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện để tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố trong cả nước gặp gỡ, trao đổi, quảng bá tiềm năng, cơ hội xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ trái cây, sản phẩm OCOP ở trong và ngoài nước; góp phần phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội sau đại dịch COVID-19.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Sơn La phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các bộ, ngành, doanh nghiệp đã lựa chọn nơi đây để tổ chức lễ hội.
Sau khi triển lãm thành công Bản Đồ Trái Cây Việt Nam tại hội chợ nông sản lớn nhất Châu Âu – thành phố Rimini, nước Ý. Vào ngày 28/05/2022 Mia Group ra mắt người dân Bản Đồ số hoá Trái Cây Việt Nam tại festival nông sản lớn nhất cả nước được tổ chức tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Ngoài ra đây cũng là cơ hội để chị Nguyễn Ngọc Huyền – Chủ tịch tập đoàn Mia Group trình bày ý tưởng giai đoạn 2 cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Giai đoạn 1: Tìm hiểu trái cây Việt Nam chỉ với một cú nhấp chuột
Dự án “Bản đồ trái cây Việt Nam” được xây dựng và phát triển từ tình yêu trái cây và nông sản Việt của chị Nguyễn Ngọc Huyền – Chủ tịch tập đoàn Mia Goup. Là một người có kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực trái cây nhập khẩu phân khúc cao cấp nhất thị trường, chị đã tham dự rất nhiều mô hình canh tác cũng như những hội chợ trái cây lớn nhỏ khác nhau trên thế giới, nhằm học hỏi và phát triển hướng đi mới cho trái cây Việt Nam. Chị Huyền chia sẻ: “Mong ước lớn nhất và cũng là lý do thôi thúc chị thực hiện Bản Đồ Trái Cây Việt Nam đó chính là có thể giới thiệu đến bạn bè quốc tế về trái cây Việt Nam chỉ thông qua một cú nhấp chuột. Bản đồ chúng tôi không phải bản đồ 2D, bản đồ trên giấy mà là bản đồ công nghệ, bản đồ số hóa, nên khi sử dụng bằng bất cứ phương tiện điện tử nào như máy tính, điện thoại,… chúng ta đều có thể truy cập được ngay để thấy được bức tranh toàn cảnh của Việt Nam như thế nào. Trên cơ sở đó, 63 tỉnh thành, mỗi một địa phương có đặc sản gì, chỉ dẫn địa lý gì, vùng trồng như thế nào, sản lượng bao nhiêu từ Bắc, Trung, Nam, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ,… đều được hiện ra. Mọi người sẽ thấy một bức tranh khái quát, Việt Nam có những loại trái cây rất ngon, mỗi người dân đều tự hào về sản phẩm trái cây của quê hương của mình.”
Giai đoạn 2: Xây dựng bản đồ hợp tác xã trong nền tảng bản đồ số trái cây Việt Nam – kết nối trực tiếp người nông dân với nhà phân phối của thị trường trong và ngoài nước.
Sau khi ra mắt thành công giai đoạn 1 ở Việt Nam cũng như Quốc tế, chị Nguyễn Ngọc Huyền nhận thấy mối quan tâm của các doanh nghiệp trên thế giới về việc làm thế nào để nhập khẩu được trái cây Việt Nam vào nước của họ là một nhu cầu rất lớn, chính vì điều này chị Huyền quyết tâm xây dựng bản đồ hợp tác xã với hệ thống dữ liệu được cập nhật thường xuyên và chính xác. Chị Huyền chia sẻ “Nếu hoàn thành giai đoạn 2 – cập nhật toàn bộ số liệu của các hợp tác xã tại Việt Nam bao gồm hợp tác xã tại 64 tỉnh thành có các loại sản phẩm, sản lượng, mùa vụ và tiêu chuẩn sẽ giúp cho các doanh nghiệp đang có nhu cầu kinh doanh trái cây Việt Nam từ trong nước đến quốc tế có thông tin để trao đổi liên hệ mà không phải mất quá nhiều thời gian. Thậm chí chúng tôi sẽ tích hợp công nghệ để có thể tạo đơn hàng online, rút ngắn khoảng cách giữa người mua và người bán. Ví dụ đối tác của tôi ở Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu vải họ sẽ rất dễ dàng tìm kiếm được các thông tin về trái vải ở Việt Nam, ai là người trồng, đạt những tiêu chuẩn nào, sản lượng và mùa vụ ra sao và cách thức liên hệ thế nào mà không cần tốn nhiều thời gian công sức.
Từ lâu Việt Nam là đất nước với truyền thống nông nghiệp lâu đời cũng như đạt năng suất cao về xuất khẩu nông sản. Sau 8 năm tham khảo các mô hình thương mại thành công trong quốc tế, nhận thấy việc làm thương hiệu cho trái cây Việt Nam một cách chuyên nghiệp sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và xúc tiến thương mại hiệu quả, không những ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Bản đồ trái cây Việt Nam ra đời tạo tiền đề để:
Hệ thống hoá thông tin dữ liệu hình ảnh trái cây Việt Nam theo chỉ dẫn địa lý và đặc hữu theo từng vùng miền.
Thay đổi nhận diện thương hiệu của trái cây Việt Nam thị trường nội địa và quốc tế.
Quảng bá hình ảnh và chất lượng trái cây Việt Nam tại các sự kiện, triển lãm, hội nghị, hội chợ trái cây quốc tế.
Thúc đẩy tiêu thụ trái cây nội địa trong tình hình mùa dịch Covid bằng cách tiếp cận mới
Cùng đồng hành các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đưa ra được đường hướng chiến lược cho nhà nông trồng trọt đúng đặc điểm, thế mạnh và phù hợp với nhu cầu thị trường.
Rút ngắn khoảng cách giữa người mua và người bán giúp giao dịch tiến hành dễ dàng và nhanh chóng hơn
Thùy Dương/Văn Hiến VN