Theo các ghi chép cổ xưa, một số người có thể biết được vận mệnh của người khác bằng cách chạm vào xương, nhìn tướng mặt, hay thậm chí là bắt mạch. Trong đó bắt mạch đoán mệnh là điều ít người biết đến nhất.
Trong cuốn “Thu Đăng Tùng Thoại” của Vương Hàm thời nhà Thanh có chép lại rằng: Vào thời kỳ cuối nhà Minh đầu nhà Thanh, có một người tên là Phó Chi Nguyên. Ông khổ học y thuật, sau đó gặp một dị nhân đã truyền lại thuật tiểu đạo có tên “Thái Tố Mạch”. Loại tiểu đạo này có thể đoán biết được vận số sang hèn, hung cát, phúc họa của một người thông qua sự thay đổi của kinh mạch. Sau khi tinh thông loại tiểu đạo này, Phó Chi Nguyên dần dần được biết đến.
Trong những năm đầu Thuận Trị, tuần phủ tỉnh Hà Nam là Đinh Mỗ đã mời ông đến phủ của mình. Sau khi bắt mạch xong, Phó Chi Nguyên chúc mừng ông rằng: “Từ việc bắt mạch của ông, có thể biết rằng không bao lâu nữa ông sẽ được thăng chức.” Quả nhiên không lâu sau, Đinh Mỗ được thăng quan cai quản khu vực Hồ Nam và Hồ Bắc.
Trong một lần khác, Phó Chi Nguyên bắt mạch cho Lý Đình Úy và nói: “Khi xanh cỏ, ông sẽ chết vì đau đớn ở xương sườn trái.” Quả nhiên khi qua đời, Lý Đình Úy thực sự chết vì đau xương sườn trái.
Một lần nọ, một viên quan tên là Lưu Phương Bá bị triều đình khiển trách nghiêm khắc vì đã phạm sai lầm lớn. Mọi người đều lo lắng rằng ông sẽ gặp họa sát thân. Phó Chi Nguyên được mời đến bắt mạch cho Lưu Phương Bá, ông nói: “Không hề gì, cuối cùng cũng chỉ bị giáng chức mà thôi.” Phán quyết cuối cùng của triều đình quả nhiên đúng như dự đoán của ông.
Một vị quan Học Sử họ Lý không tin rằng Phó Chi Nguyên có bản lĩnh này và muốn thăm dò ông. Lý Học Sử lệnh cho một trong những người con gái của ông và một người tì nữ ngồi cạnh nhau sau bức màn. Sau đó một người duỗi tay trái và người kia duỗi tay phải, trông giống như tay trái và tay phải của cùng một người. Sau đó mời Phó Chi Nguyên lần lượt bắt mạch cả hai tay.
Phó Chi Nguyên bắt mạch và nói: “Khí mạch của hai bàn tay khác nhau, có lẽ là hai người. Hơn nữa xét về thân phận, một người cao sang, một người thấp hèn.” Lý Học Sử đã phải phục kỳ thuật của Phó Chi Nguyên.
Ghi chép này, cùng với việc sờ xương, nhìn tướng mặt đoán mệnh, cho thấy cơ thể con người tàng chứa thông tin cá nhân về vận mệnh của người đó. Vật chất và tinh thần, vật chất và những điều huyền bí là đồng thời tồn tại và có sự tương hỗ lẫn nhau. Điều này thì tri thức hiện đại không thể giải thích được.
Hiểu biết của khoa học về thân thể người ngày nay còn rất nhiều vùng trống. Những điều được người xưa ghi chép như kinh lạc, huyệt vị, cơ bản đều là vô hình, giải phẫu học không thể tìm thấy tung tích của chúng. Tuy nhiên ít nhất thì ngày nay trong lĩnh vực châm cứu và điện sinh học, các nhà khoa học đã buộc phải thừa nhận sự tồn tại của huyệt vị. Đồng thời trong một số thí nghiệm thì người ta cũng chứng minh được sự tồn tại của một trường bao quanh thân thể, hay sự “dính mắc” của các nhân tố bên trong cơ thể vật lý và tinh thần của một cá nhân (như việc tình cảm của một người ảnh hưởng đến máu đã bị lấy ra và cách biệt khỏi thân thể người đó).
Hàng ngàn năm về trước, trong khi không có sự tồn tại của các thiết bị đo đạc, làm sao mà những thứ sờ không thấy, nhìn không được này lại có thể được mô tả một cách chuẩn xác trong kinh điển như “Hoàng đế nội kinh”? Hay một cuốn sách khác là “Tử ngọ lưu chú” cũng mô tả chuẩn xác về các huyệt đạo và về thời gian đóng mở của từng huyệt đạo.
Theo kinh điển Đạo gia thì mỗi huyệt vị đều là một “khiếu”. “Khiếu” này như một cái lỗ, một cái cửa mà năng lượng đi vào cơ thể con người. Khiếu môn này có thể đóng, có thể mở, có thể đổi chốt. Hệ thống ẩn giấu trong cơ thể người được tạo thành bởi kinh lạc chạy ngang dọc, ra vào khắp các huyệt vị, liên lạc bên trong và bên ngoài tạng phủ. Kinh lạc không phụ thuộc vào cơ thể vật lý bề mặt, cho nên tại những chỗ không có huyết quản trong cơ thể, thậm chí trong nội tạng, thì kinh lạc vẫn có thể xuyên suốt, hình thành nên “nội kinh”. Đây chính là nguyên do một số môn trị liệu bằng châm cứu có công hiệu thần kỳ mà Tây y không giải thích được.
Theo Vision Times