Ở Afghanistan bây giờ, thế giới dường như được chia thành hai nửa khá rõ ràng, một của những người đàn ông và một dành cho những người phụ nữ.
Và những người phụ nữ ấy đang phải chịu đựng cuộc sống bị phân biệt đối xử, với rất nhiều thiệt thòi dưới chế độ Taliban. Lĩnh vực giáo dục đang là nơi chứng kiến tình trạng bất bình đẳng giới nghiêm trọng, khi ngay cả quyền được tới trường, học cái chữ của những trẻ em gái cũng là giấc mơ xa xỉ.
Yasamin, 16 tuổi, đọc một cuốn sách tiếng Anh tại một trường tư thục bí mật tuyển sinh các nữ sinh lớn tuổi hơn ở Kabul. Ảnh: Paula Bronstein/WSJ.
Khi Taliban: “nói một đằng, làm một nẻo”
Gần như ngay sau khi tiếp quản Afghanistan vào ngày 15/8, Taliban đã cố gắng tạo ra một hình ảnh khác, bằng một thái độ ôn hòa hơn đối với phụ nữ và trẻ em gái so với sự cai trị của họ vào những năm 1990. Bên cạnh cam kết sẽ tạo điều kiện cho phụ nữ đi làm và đi học, nhóm phiến quân cũng hứa hẹn mở cửa trở lại các trường học cho các trẻ em gái ở Kabul và nhiều nơi khác.
“Chúng tôi cam kết mang lại cho các em gái quyền được học hành. Hồi giáo cho họ quyền đó”, Akef Muhajir – phát ngôn viên của Bộ khuyến khích và ngăn ngừa Đức hạnh mới thành lập của Taliban, bộ phận trước đây là Bộ Phụ nữ của Taliban, khẳng định.
Tuy nhiên, ba tháng sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước, nhiều người Afghanistan tự hỏi liệu những lời hứa mở cửa trở lại trường học có được giữ nguyên hay không. Ngày 17/9, sau một tháng tạm dừng, các học sinh nam từ lớp 7 đến lớp 12 đã được phép trở lại trường, nhưng những trẻ em gái không được nhắc đến như một lệnh cấm đối với một nửa còn lại.
Wali Jan – hiệu trưởng trường nữ sinh Babaji ở quận Qarghayi của Laghman, chia sẻ: “Có tới 300 nữ sinh đã học tại các lớp trung học của trường chúng tôi. Bây giờ Taliban đã cấm các bé gái ở các lớp cao hơn đi học, số lượng bé gái ở các trường tiểu học cũng đã giảm đi rất nhiều”.
Gần một nửa số nữ sinh trong các lớp tiểu học đã không đến trường của Wali Jan 20 ngày sau khi các lớp học trở lại. Tình trạng tương tự xảy ra ở hầu hết trên khắp Afghanistan bởi lệnh cấm và những bất ổn về an ninh, nền kinh tế ngày càng kiệt quệ bên cạnh đại dịch COVID-19 chưa được kiểm soát.
“Từ hành vi trước đây của họ, họ cảm thấy thế nào về giáo dục của phụ nữ. Họ không muốn trao quyền cho phụ nữ thông qua giáo dục. Mục tiêu của họ là giữ phụ nữ trong nhà”, Axana Soltan – người đã trốn khỏi Afghanistan lúc còn nhỏ khi Taliban nắm quyền 20 năm trước và hiện điều hành một tổ chức phi chính phủ ở Mỹ ủng hộ việc giáo dục trẻ em gái Afghanistan, bình luận.
Khi Mỹ lật đổ chế độ do Taliban lãnh đạo vào năm 2001, cộng đồng quốc tế đã đổ hàng triệu đô-la vào chính phủ Afghanistan mới thành lập để tái thiết đất nước, bao gồm cả hệ thống giáo dục. Tỷ lệ đăng ký học từ lớp 1 đến lớp 12 trên khắp Afghanistan đã tăng gấp 10 lần, từ khoảng một triệu trẻ em hầu như không có bé gái vào năm 2001. Đến năm 2021, hơn 9 triệu học sinh đang đi học.
Song, mọi thứ thay đổi chóng vánh với ngành giáo dục nước này sau cuộc không vận hỗn loạn của quân đội Mỹ, để lại một Afghanistan lộn xộn. Hình ảnh của 20 năm trước được tái hiện gần như nguyên vẹn ở mọi ngóc ngách trong đời sống xã hội Afghanistan, với súng ống xuất hiện trên khắp đường phố và những luật lệ hà khắc được thực thi.
Một số trường tư thục ở Kabul tổ chức các lớp học bí mật dành cho nữ sinh lớn tuổi. Ảnh: Paula Bronstein/WSJ.
Giấc mơ tới trường và những lớp học bí mật
Các nhà tài trợ châu Âu và Mỹ cam kết sẵn sàng khôi phục viện trợ cho Afghanistan, với điều kiện Taliban phải đảm bảo các quyền của phụ nữ sẽ được duy trì, bao gồm cả giáo dục cho trẻ em gái. Nhưng điều này đã không xảy ra. Trên 4 triệu trẻ em hiện không được đến trường ở Afghanistan, trong đó hơn nửa là trẻ em gái, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết. 300 nữ sinh từ lớp 7 đến lớp 12 của cô hiệu trưởng Wali Jan hiện phải nghỉ học trong một thời gian không chắc chắn, có thể sẽ là mãi mãi.
Mina – một học sinh 15 tuổi đến từ một ngôi làng lân cận, hiện đang học lớp 8 trường trung học Babaji. Cô bé cũng như hàng triệu cô gái khác, đang phải đối mặt với việc học hành sa sút, trầm cảm và buồn chán khi ở nhà. “Tôi nhớ trường của mình”, Mina nói với Asia Times. “Tôi có thể sẽ không bao giờ được đến trường nữa. Điều này làm cho tôi rất buồn”. Mina cũng bộc bạch rằng cô cũng sẽ không có cơ hội để học ở nhà. “Không có sách ở nhà và không có ai để đọc sách cùng”. Trong khi đó, cô gái 16 tuổi Malahat chia sẻ rằng: “Học ở nhà không giống như học ở trường. Nó không chỉ là về học tập. Tôi nhớ các bạn học của mình”.
Nhà hoạt động giáo dục và là người sáng lập thư viện di động Charmaghz có trụ sở tại Kabul, Freshta Karim nói rằng việc cấm các cô gái đến trường đang có tác động rất lớn về mặt tinh thần đối với họ.
“Bọn trẻ không thể hiểu lý do tại sao chúng không được phép đến trường trong khi các bạn nam của chúng được phép”, Karim nói. “Khi thanh thiếu niên không xử lý được những tình huống như thế này, nó sẽ ảnh hưởng đến nội tâm của chúng và có thể gây ra những hậu quả lớn về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm đối với một số trẻ em”.
Dẫu vậy, trong bối cảnh Taliban muốn “cách ly” trẻ em gái với giáo dục, vẫn có những lớp học bí mật được tổ chức bất chấp lệnh cấm của Taliban.
Các nữ sinh cầu nguyện trong giờ học tại Shaikh Abdul Qadir Jelani Madrassa ở Kabul – Paula Bronstein/WSJ.
Một nhóm các cô gái tuổi teen lặng lẽ đến nhà của cô giáo Fawzia, cởi giày và tập trung trong phòng khách để học một bài học bí mật lịch sử. Cô Fawzia, 56 tuổi, nói về kho báu truyền thuyết của Afghanistan, Bactrian Gold, và các vị vua và nữ hoàng trong quá khứ của họ. Fawzia coi công việc bí mật mới của mình với nhóm học trò thanh thiếu niên là điều cần thiết. “Nếu chỉ ngồi ở nhà, chúng sẽ chán nản hoặc nghiện điện thoại”, Fawzia nói. “Chúng tôi cần cho chúng hy vọng rằng một ngày nào đó trường học sẽ mở cửa trở lại”.
Vào những năm 1990, Fawzia – một bà mẹ 5 con, dạy kèm con gái lớn và những đứa trẻ khác tại nhà. Cô hiện là một trong nhiều giáo viên tổ chức các lớp học bí mật cho các cô gái tuổi teen. Việc sẵn sàng chống lại lệnh cấm giáo dục trên thực tế của phụ huynh, giáo viên và học sinh là thước đo cho thấy Afghanistan đã thay đổi như thế nào trong hai thập kỷ qua. Nó báo hiệu sẽ có sự phản đối mạnh mẽ, đặc biệt là ở các thành phố như Kabul, đối với sự quay trở lại của các quy tắc xã hội hà khắc được áp đặt trong quá khứ.
Taliban đã cấm truyền hình vào những năm 1990, nhưng hầu hết người Afghanistan bây giờ có thể truy cập internet, bao gồm cả các lớp học trực tuyến. Kỳ vọng cũng đã thay đổi. “Khi Taliban lần đầu tiên xuất hiện cách đây 20 năm, trình độ giáo dục ở nước này rất thấp. Nhiều phụ nữ hài lòng với các lớp xóa mù chữ cơ bản. Bây giờ, trình độ học vấn đã cao”, Farhat, 22 tuổi, người đang giúp mẹ mình là Fawzia, dạy các cô gái tuổi teen. Nhưng “những lớp học nhỏ như thế này không thể giải quyết vấn đề”, cô ấy nói. “Các trường học phải mở cửa trở lại”.
Pashtana Durrani, một nhà giáo dục người Afghanistan đang thiết lập các lớp học bí mật cho các cô gái về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, chia sẻ: “Nếu giáo dục của chúng ta mất đà thì sẽ không có những nữ bác sĩ, kỹ sư, nữ hộ sinh”.
Hơn bao giờ hết, Afghanistan đang đối diện với cuộc khủng hoảng giáo dục nghiêm trọng. Ở đó, chính sách bất bình đẳng của Taliban có nguy cơ đẩy nước này vào tụt hậu và đói nghèo. Chừng nào các lớp học chưa được nối lại, giấc mơ không chỉ được học cái con chữ mà cả tri thức của những trẻ em gái chưa trở thành hiện thực, Taliban khó cải thiện hình ảnh trong mắt cộng đồng quốc tế và sẽ khó hy vọng được cộng đồng quốc tế công nhận như một chính phủ thay vì chỉ như một tổ chức hiện nay.
Hoài Đức
Nguồn Báo điện tử Công Luận