Rất nhiều em học sinh học giỏi có hoàn cảnh đặc biệt đã được trao học bổng Phan Châu Trinh nhân dịp kỷ niệm 96 năm ngày mất của nhà ái quốc quê ở Quảng Nam.
Nhân dịp kỷ niệm 96 năm ngày mất của nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động chính trị Phan Châu Trinh, tại Khu di tích lăng mộ Phan Châu Trinh (số 9 Phan Thúc Duyện, phường 4, quận Tân Bình, TPHCM), Quận ủy, UBND, UBMT quận Tân Bình phối hợp với gia đình cụ Phan đã tổ chức buổi tưởng niệm dâng hương, dâng hoa rất long trọng và trang nghiêm.
Tham dự buổi lễ, có sự hiện diện có ông Trương Tấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình; ông Nguyễn Phú Phước, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Quận ủy; ông Hoàng Văn Tài, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin Quận; bà Nguyễn Châu Loan, cháu ngoại của cụ Phan Châu Trinh; ông Nguyễn Đông Hòa, cháu cố của cụ Phan Châu Trinh, Trưởng ban Quản lý Khu di tích lăng mộ Phan Châu Trinh; cùng với nhiều học giả, nhà nghiên cứu văn hóa, đại diện hội đồng hương tỉnh Quảng Nam, giáo viên và học sinh ở TPHCM đến dự.
Sinh thời bằng nhiều cuộc diễn thuyết thức tỉnh nhân tâm, cụ Phan Châu Trinh đã sáng tác nhiều thơ ca, thi văn tố cáo chế độ cai trị của thực dân Pháp. Cụ Phan là tấm gương sáng trong phong trào Duy tân ở đầu thế kỷ 20, là một chí sĩ yêu nước nồng nhiệt dũng cảm, kiên cường.
Tại buổi lễ, ông Trương Tấn Sơn xúc động chia sẻ: “Với tư cách là một nhà yêu nước khẳng khái, trung thực, bất khuất trước cường quyền, cụ Phan Châu Trinh là một sĩ phu tiến bộ suốt đời hăng hái và kiên trì phấn đấu cho việc phát huy dân chủ, dân quyền ở nước ta. Cụ Phan thực sự xứng đáng chiếm một vị trí rất cao trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam”.
Tại sự kiện, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang cũng đã có dịp chia sẻ giá trị “CHI BẰNG HỌC” của cụ Phan Châu Trinh. Đó là câu chuyện thể hiện lý tưởng của người thanh niên Phan Châu Trinh hơn 100 năm trước, đã đặt ra sứ mệnh, mục tiêu và tầm nhìn một cách rõ ràng.
“Sứ mệnh đó là vai trò trách nhiệm của con dân đối với đất nước, vai trò của một thanh niên toàn cầu mang tư tưởng lớn về học tập rất năng động và sáng tạo, xác định tương lai sự nghiệp rõ ràng, yêu chuộng hòa bình quốc tế”, diễn giả Hồ Nhựt Quang nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Quỹ học bổng Phan Châu Trinh tiếp tục tổ chức trao học bổng cho 210 em học sinh học giỏi nhưng có hoàn cảnh đặc biệt. Đây là hoạt động thường niên của Quỹ và các em học sinh đến từ nhiều trường học mang tên Phan Châu Trinh, Phan Tây Hồ, Duy Tân ở các địa phương như Lâm Đồng, Kon Tum, Đắk Lắk, Cà Mau… đã được trao học bổng với số tiền 1 triệu đồng/em.
Ông Huỳnh Văn Khánh, Chủ nhiệm của Quỹ học bổng Phan Châu Trinh, cho biết: “Đây là quỹ học bổng được thực hiện thường niên từ năm 1992. Cho đến nay, Quỹ đã giúp đỡ rất nhiều em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Quỹ được quyên góp từ nhiều nguồn cá nhân và đoàn thể khác nhau, nhưng đều có tấm lòng nhân ái và sự kính trọng tinh thần của cụ Phan Châu Trinh”.
Cũng nhân dịp này, Trường Đại học KHXH&NV, Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn và gia tộc cụ Phan đã phối hợp cho ra mắt Thư viện cộng đồng Phan Châu Trinh. Bước đầu, Thư viện đã có hơn 1.500 đầu sách quý với mục đích kết nối cộng đồng, phát huy tinh thần “Khai dân trí” của cụ Phan, nâng cao sở thích đọc sách nghiên cứu trong nhân dân.
Theo Giáo dục và Thời đại