TRANH SƠN MÀI TẠ QUANG BẠO

10:04 | 27/12/2023

Khi nghe Tạ Quang Bạo nói ông bắt đầu chuyển sang hội họa, mà lại là hội họa sơn mài, một thể loại hội họa nặng nhọc nhất, ở tuổi 81, với một cánh tay bị liệt, với 4 cái tel ở trong tim, một hai tháng lại vào bệnh viện 108 một hai tuần lễ, tôi rất ngạc nhiên. Ở cái tuổi mà ngoài sức khỏe, mọi thứ với Tạ Quang Bạo đều rất viên mãn: vị trí một nhà điêu khắc hàng đầu VN, với Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh, đã có hai bộ vựng tập tượng đài và tượng tròn rất đẳng cấp, có thể “nói chuyện” với đồng nghiệp điêu khắc thế giới, đáng lẽ Tạ Quang Bạo có thể yên tâm nghỉ ngơi, tập trung lo gìn giữ sức khỏe thì ông lại quyết định bước vào một chuyến phiêu lưu nghệ thuật mới, rất khó khăn. Tôi nhớ Tạ Quang Bạo đã có lần nói với tôi: “Mình còn sống còn làm nghệ thuật”. Mà làm nghệ thuật với Tạ Quang Bạo có nghĩa là luôn khám phá, luôn đổi mới, luôn sáng tạo. Đó là một mẫu người sẵn sàng “tử vì đạo”, đạo nghệ thuật.

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo

Tuy vậy, năm 2020, khi đến nhà chơi, được ông cho xem các bức tranh sơn mài đầu tiên của ông, tôi thấy cũng khá đẹp, lạ nhưng không nghĩ trong tình hình sức khỏe như thế Tạ Quang Bạo chỉ trong 3 năm có thể tạo ra hẳn một thế giới tranh sơn mài của riêng mình. Bây giờ thì tôi kinh ngạc không tin vào mắt mình khi xem hơn 50 bức tranh sơn mài ông sắp triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật VN. Thực sự có một thế giới tranh sơn mài của Tạ Quang Bạo có thể so sánh với thế giới tượng của Tạ Quang Bạo. Có lẽ đã từ lâu, khi sáng tạo điêu khắc, Tạ Quang Bạo đã nung nấu việc những gì ông không thể thể hiện được bằng đất, đồng, gỗ, đá, sắt thép của tượng sẽ được ông thể hiện bằng được bằng màu sắc và hình khối của tranh. Chỉ có điều niềm đam mê tượng như cơn cuồng phong đã cuốn ông say sưa đi trong thế giới của nó từ tuổi 20 tới tuổi 80. Đến tuổi 81, Tạ Quang Bạo, khi cảm thấy dường như những gì ông muốn làm với tượng đều đã làm được. Ông nghĩ đã đến lúc mình cần dành thời gian cho những gì từng nung nấu nhưng chưa thực hiện được về tranh, nhất là tranh sơn mài.

Tôi từng hỏi ông: “Vì sao lại là tranh sơn mài?“. Ông trả lời thật đơn giản: “Vì đó là chất liệu hội họa độc đáo của dân tộc, có thể có những đóng góp xứng đáng cho hội họa thế giới như Nguyễn Sáng, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm… đã từng làm“.

Nhà báo Nguyễn Thế Khoa và NSND Thúy Mùi tại tiển lãm tranh Tạ Quang Bạo

Tôi chợt nhớ Tạ Quang Bạo chính là một nhà điêu khắc dân tộc từ trong bản chất: từ nội dung, cách thể hiện, hình thức thể hiện…Từ những năm 1980, với những bức tượng như Cõi mùa hạ, Cột trang trí, Mẹ và con, Tiếng đàn, Hội nghị Diên Hồng, Giao duyên… nhất là Vọng phu, với sức cảm, sức nghĩ, sức tưởng tượng tuyệt vời cùng nghê thuật cách điệu của điêu khắc truyền thống dân tộc, ông đã là một trong những nhà điêu khắc đã sớm tìm được con đường cách tân, hòa nhập với điêu khắc hiện đại thế giới.

Bây giờ thì một cơn cuồng phong lại cuốn phăng Tạ Quang Bạo vào tranh sơn mài để ông đắm mình trong nó rồi đem đến cho chúng ta một thế giới sáng tạo mới mẻ. Về với tranh sơn mài, ông lại chọn con đường khó, chỉ dùng sơn ta, không dùng sơn Trung Quốc, Nhật Bản đầy mê hoặc với nhiều họa sĩ sơn mài khác để tranh sơn mài VN thực sự VN, bắt đầu bằng chất liệu. Và ông đã thực sự làm chủ chất liệu này, đem đến cho nó những khả năng mới, những biến hóa mới để có thể thể hiện tất cả những gì ông muốn cùng nó nói với cuộc đời, với con người, với thế giới.

50 bức tranh không bức nào lặp lại bức nào, dù chỉ là chút ít. Đó là 50 trạng thái cảm nghĩ của tác giả về con người, cuộc đời, thiên nhiên quanh ta với bảng màu có lẽ là phong phú nhất, mới mẻ nhất với một họa sĩ sơn mài hiện đại, chỉ dùng chất liệu truyền thống mà tạo nên với cách vẽ tưởng như theo nhiều phong cách hội họa hiện đại thế giới nhưng xem kỹ lại rất thống nhất một phong cách Tạ Quang Bạo.

Không có gì lạ khi tranh sơn mài của Tạ Quang Bạo là một bước nối dài của tượng Tạ Quang Bạo. “Sức ngân rung của tưởng tượng và rung động thị giác còn lưu loát hơn, đời sống mềm mại huyền bí của thiên nhiên còn lẩn quất hơn, qua những biệt hiệu thẩm mỹ mới mẻ, độc đáo, nói lên được những kỷ niệm thiết tha, những hân hoan bừng sáng…từ chân trời cao xanh đến lo âu, khắc khoải trong lòng dân tộc và thời đại”, những gì Thái Bá Vân từng nhận xét về tượng Tạ Quang Bạo trên đều có thể dùng để nhận xét về tranh sơn mài của ông.

Người trong 60 năm đã tạo nên một thế giới tượng làm tự hào cho nền điêu khắc VN.

Người trong 3 năm đã tạo thêm một thế giới tranh sơn mài làm tự hào cho hội họa VN.

Người ấy là nhà điêu khắc, họa sĩ Tạ Quang Bạo.

NGUYỄN THẾ KHOA

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ