Đương kim vô địch Đức bị loại ngay từ vòng bảng đã trở thành bất ngờ lớn nhất của FIFA World Cup 2018 tính đến hết vòng đấu bảng. Nhưng điểm nóng thực sự của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh năm nay lại là thứ công nghệ VAR!
VAR là gì?
VAR là cụm từ viết tắt của công nghệ video hỗ trợ trọng tài và là ý tưởng của Chủ tịch Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA, Gianni Infantino, một người Thụy Sĩ. Có điều, VAR không hoàn toàn chính xác như những chiếc đồng hồ Thụy Sĩ, nếu không muốn nói công nghệ này đang gây ra nhiều tranh cãi hơn trên sân cỏ World Cup 2018.
Ngược thời gian thì việc sử dụng VAR như là điều tất yếu sau bàn thắng rõ ràng của Frank Lampard trong trận Anh gặp Đức ở World Cup 2010 nhưng không được trọng tài công nhận. Theo cựu HLV của Arsenal là Arsene Wenger thì “Đã đến lúc chúng ta cần giúp đỡ các trọng tài. Video sẽ giúp các trọng tài, giúp họ tăng ảnh hưởng và uy tín, mắc ít lỗi hơn. Bóng đá là môn thể thao được hâm mộ nhất thế giới nhưng chúng ta có cách tiếp cận bảo thủ với môn thể thao này hơn bất cứ môn thể thao nào khác.”
Nhờ vậy, VAR xuất hiện chỉ trong một thời gian rất ngắn. Công nghệ này được thử nghiệm lần đầu tiên cách đây 2 năm trong một trận đấu giữa hai đội dự bị ở giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS). Sau đó, A-League ở Australia trở thành giải vô địch chuyên nghiệp đầu tiên sử dụng VAR, rồi MLS, Serie A, Bundesliga và Copa Libertadores.
Quan trọng nhất, VAR được sử dụng tại 4 giải của FIFA là Confederations Cup tại Nga năm 2017; World Cup U20 tại Hàn Quốc năm 2017 giải đấu có đội tuyển U20 Việt Nam tham dự; Club World Cup tại Nhật Bản năm 2016 và tại UAE năm 2017. Và giờ là World Cup 2018 với mục tiêu mà FIFA tự hào tuyên bố – mang tới sự công bằng trên sân cỏ.
Đầy tranh cãi
Đúng như tên gọi là video hỗ trợ trọng tài, nhiệm vụ của VAR là theo dõi các lỗi rõ ràng trong 4 tình huống quan trọng của một trận đấu: Bàn thắng (VAR sẽ quyết định liệu một bàn thắng có được công nhận hay không); các quyết định thổi 11m (bảo đảm không có quyết định sai lầm nào trong việc thổi hay không thổi 11m); những tình huống thẻ đỏ (bảo đảm không có sai lầm nào trong việc đuổi hay không đuổi một cầu thủ); xác định lỗi (khi một trọng tài phạt hay đuổi nhầm cầu thủ hay không chắc cầu thủ có nên bị phạt hay không, VAR sẽ thông tin cho họ).
Thế nhưng, điều đáng nói là thay vì giữa VAR và trọng tài có sự tương tác trực tiếp, thông tin mà trọng tài nhận hoặc yêu cầu lại thông qua đội ngũ thực hiện công nghệ VAR. Đó là những trọng tài hàng đầu của FIFA có nhiệm vụ giám sát trận đấu qua video, với dữ liệu từ 33 camera trên sân.
Đây có thể được xem là một trong những lí do khiến VAR một mặt giúp trọng tài có những quyết định chính xác trong các trận đấu nhờ nhiều góc quay rõ ràng (bàn thua đầu tiên của đội tuyển Đức trong trận gặp Hàn Quốc vừa rồi là ví dụ), mặt khác công nghệ này cũng đang tạo ra những chỉ trích khi người quyết định tình huống thay vì chỉ có trọng tài giờ có thêm những trọng tài giám sát trận đấu.
Ai dám bảo đảm rằng, họ sẽ không có tác động đến quyết định của trọng tài, đến trận đấu. Thế mới có chuyện ở tình huống trung vệ Marcos Rojo của Argentina để tay chạm bóng trong pha tranh chấp với tiền đạo Odion Ighalo của Nigeria, tưởng như trọng tài Cuneyt Cakir sẽ thổi 11m thì sau khi nhờ VAR, ông lại từ chối cơ hội ghi bàn của đội bóng châu Phi.
Trước đó là những diễn biến phức tạp ở trận Bồ Đào Nha – Iran, trong đấy có tình huống Ronaldo đã đánh cùi chỏ vào mặt cầu thủ Morteza Pouraliganji của Iran và xứng đáng nhận thẻ đỏ. Thế nhưng, khi trọng tài người Paraguay là Enrique Caceres quyết định ra đường pitch kiểm tra băng hình và có vẻ như trận đấu đã kết thúc với đội trưởng của Bồ Đào Nha thì lúc trở lại sân, ông chỉ rút ra thẻ vàng, thay vì thẻ đỏ.
Hàng loạt diễn biến gây tranh cãi như vậy, đặc biệt ở lượt trận cuối cùng của vòng bảng nhằm xác định các suất vào vòng 1/8 khiến nhiều người cho rằng, VAR đang phá hỏng World Cup 2018 và khiến một trong những giải đấu quan trọng nhất trở nên tồi tệ hơn.
Trả bóng đá lại cho con người?
Thực tế thì có ba vấn đề đang xảy ra với VAR. Thứ nhất, VAR đang làm các trận đấu chậm lại vì quá trình xử lí thông tin chậm. Trọng tài nhận thông tin qua tai nghe, cho dừng trận đấu, rồi chạy ra ngoài xem video. Sau đó, ông trở lại sân mới có thể đưa ra quyết định.
Thứ hai, VAR đẩy các trọng tài vào thế bị động, khiến họ phụ thuộc vào công nghệ và không tự quyết định một tình huống có thể gây tranh cãi. Thứ ba, VAR lấy đi những sai lầm-con người và tính bất ngờ mà chỉ có bóng đá mới có thể mang lại.
Nếu VAR phức tạp như thế và vẫn khiến trọng tài bị chỉ trích, tại sao trọng tài phải cần đến VAR cho thêm rắc rối? Đừng quên rằng, chỉ có những giải đấu lớn như World Cup hay Euro mới đủ khả năng sử dụng 33 camera để bắt từng pha bóng. Nếu ít hơn, VAR sẽ chỉ càng gây tranh cãi nếu trọng tài không đủ hình ảnh và chứng minh một tình huống khó xử.
Vì thế, ngay vào lúc này, khi VAR vẫn được áp dụng tại FIFA World Cup, sân chơi lớn nhất hành tinh, thì đã xuất hiện nhiều ý kiến – hãy trả bóng đá lại cho con người, bởi sai lầm của con người cũng là một phần của bóng đá.
Theo HQ Online