Ngày 4/5/2022, Công ty cổ phần Địa chất Mỏ đã long trọng tổ chức Lễ trao tặng bức tượng bằng than Antraxit 300 triệu năm tạc chân dung Giáo sư Hoàng Chương – Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới,Viện trưởng Viện nghiên cứu, bảo tồn và phát huy Văn hóa dân tộc tại trụ sở của Công ty ở Thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
Tham dự buổi Lễ có sự hiện diện của ông Vũ Văn Đông – Nguyên Giám đốc Công ty, ông Hà Minh Thọ – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty cùng các đồng chí trong Ban Lãnh đạo, đại diện tập thể CBCNV của Công ty cổ phần Địa chất Mỏ và gia đình GS.Hoàng Chương.
Phát biểu tại buổi Lễ, Tiến sĩ Vũ Văn Đông – nguyên Giám đốc Công ty đã trân trọng bày tỏ: “Trong hàng chục năm qua, GS. Hoàng Chương là một trong những cầu nối đưa văn hóa dân tộc tới với các bè bạn năm châu và trong hàng chục năm Giáo sư đã được các trường đại học quốc tế và nhiều nước trên thế giới như Châu Âu, Anh, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… mời sang giảng dạy và giới thiệu văn hóa dân tộc Việt Nam.
Với những đóng góp to lớn của Giáo sư Hoàng Chương, Đảng, Nhà nước ta đã ghi nhận và đánh giá cao bằng việc trao tặng cho Giáo sư danh hiệu AHLĐ thời kỳ đổi mới năm 2020, Công dân ưu tú của Thủ đô năm 2021. Xin được gửi lời chúc mừng chân thành tới Giáo sư và gia đình của Giáo sư.Tôi vinh dự được là một thành viên của Viện nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam. Trong quá trình làm việc, sinh hoạt, hội họp cùng Giáo sư trong nhiều năm, tôi thực sự kính trọng chiều sâu trí tuệ và sự uyên thâm của Giáo sư Hoàng Chương trong lĩnh vực văn hóa; Kính nể khả năng và cường độ làm việc của Giáo sư cũng như rất khâm phục sự hiếu biết sâu rộng của Giáo sư trong nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống của nước ta như Tuồng, Chèo, Bài chòi, Cải lương, Múa rối nước… Trên tất cả là tôi cảm phục sức cuốn hút, năng lực quy tụ trí tuệ của Giáo sư Hoàng Chương đã tập hợp được nhiều nhà văn hóa lớn trong nước và quốc tế để về sum họp trong ngôi nhà ” Viện nghiên cứu bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc” hơn 20 năm qua…”.
Tiếp đó, ông Hà Minh Thọ – Giám đốc Công ty cũng bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao những đóng góp của GS.Hoàng Chương trong sự nghiệp nghiên cứu, bảo tồn và quảng bá nền văn hóa dân tộc của nước nhà đến với nhiều quốc gia trên thế giới. Ông Thọ xúc động phát biểu: “Giáo sư Hoàng Chương thực sự là một trong những tượng đài và là một trong những “cây đa, cây đề” của nền Văn hóa dân tộc Việt Nam. Trân trọng Giáo sư, Công ty Cổ phần Địa chất Mỏ quyết định tạc tượng Giáo sư từ Than Antraxit Cẩm Phả là loại than cực kỳ quý hiếm, được thành tạo cách đây trên 300 triệu năm, được hun đúc từ linh khí đất trời nằm sâu trong lòng đất cũng như Giáo sư Hoàng Chương cũng được hun đúc từ linh thiêng của Vùng đất sinh thành là Bình Định, chắt chiu từ những giá trị văn hóa, được tích lũy qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Từ những mảnh ghép nhỏ đã hình thành một con người, một nhân cách lớn, một nhà nghiên cứu lớn của đất nước Việt Nam…”.
Trong không khí ấm áp của buổi Lễ, GS.Hoàng Chương bồi hồi cảm động và ông đã nhắc nhiều đến những kỷ niệm đã từng đến thăm và trải nghiệm thực tế với sự chứng kiến những công việc vất vả và đầy áp lực của các thế hệ CBCNV của công ty Địa chất mỏ trong nhiều thập kỷ qua. Họ đã cống hiến hết mình và đóng góp rất nhiều công sức vào sự phát triển và trưởng thành của Công ty với khẩu hiệu “Tiên phong, sáng tạo, trách nhiệm, an toàn, thích ứng”.
Các thế hệ lãnh đạo của Công ty trong nhiều năm qua đã luôn tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo và chỉ đạo nhằm đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần việc làm, phúc lợi và ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe người lao động; Kịp thời nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các quy định, biện pháp theo hướng chú trọng phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại và tăng cường huy động các nguồn lực cho công tác chăm lo đời sống và sức khỏe của người lao động; Đề cao ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong làm việc và trách nhiệm trong lao động sản xuất; Thực hiện Thỏa ước lao động tập thể, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân và người lao động trong toàn Công ty; Tiếp tục duy trì chế độ đối thoại các cấp về ATVSLĐ, phúc lợi xã hội để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách và thúc đẩy tốt hơn nữa quan phát triển quan hệ lao động hài hòa ổn định và tiến bộ.
Ghi nhận những nỗ lực vươn lên với trách nhiệm công việc cao trong nhiều năm qua, Công ty cổ phần Địa chất mỏ đã vinh dự và tự hào đón nhận rất nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng.
Năm 1958: Đoàn thăm dò 9 được thành lập theo Quyết định số 223/ĐC ngày 1/9/1958 của Sở Địa chất thuộc Bộ Công nghiệp.
Năm 1964: Thủ tướng Chính phủ cho phép Tổng cục địa chất nâng cấp Đoàn thăm dò 9 thành Liên đoàn địa chất 9 với các đoàn thăm dò trực thuộc theo Văn bản số 3132/CN ngày 7/11/1964.
Năm 1973: Liên đoàn địa chất 9 tiếp nhận các đoàn địa chất làm nhiệm vụ tìm kiếm thăm dò than và vật liệu xây dựng của Liên đoàn địa chất 2 theo Quyết định số 346/QĐ-TC ngày 11/12/1973 của Tổng cục Địa chất.
Năm 1975: Liên đoàn địa chất 9 tiếp nhận Đoàn địa chất 21 làm nhiệm vụ tìm kiếm thăm dò khoáng sản phi kim loại và vật liệu xây dựng theo Quyết định số 357/QĐ-TC ngày 11/12/1975 của Tổng cục Địa chất.
Năm 1978: Đổi tên các đoàn địa chất trực thuộc liên đoàn: Đoàn 9M đổi tên thành Đoàn 901; Đoàn 9B đổi tên thành Đoàn 902; Đoàn 2T đổi tên thành Đoàn 903; Đoàn 2A đổi tên thành Đoàn 904; Đoàn 9E đổi tên thành Đoàn 905; Đoàn 9H đổi tên thành Đoàn 906; Đoàn 9G đổi tên thành Đoàn 907; Đoàn 9F đổi tên thành Đoàn 908; Đoàn 2B đổi tên thành Đoàn 909; Đoàn 2X đổi tên thành Đoàn 910; Đoàn 21 đổi tên thành Đoàn 911; Đoàn 9D đổi tên thành Đoàn 912; Đoàn 9A đổi tên thành Đoàn 915; Đội vật lý nâng lên thành Đoàn 913; Đội khí hoá nâng lên thành Đoàn 914.
Năm 1977: Liên đoàn địa chất 9 trở thành liên đoàn địa chất khu vực với nhiệm vụ tìm kiếm thăm dò than và các khoáng sản khác trên lãnh thổ đông bắc Việt Nam theo Quyết định số 373/QĐ-TC ngày 31/10/1977 của Tổng cục Địa chất.
Năm 1990: Sau khi giải thể Tổng cục Địa chất, Hội đồng bộ trưởng ra Nghị định số 30/HĐBT ngày 30/4/1990 thành lập Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng. Liên đoàn địa chất 9 được bàn giao cho cho Bộ Năng lượng theo Quyết định số 03/CNNg-TC ngày 13/1/1991 của Bộ Công nghiệp nặng. Đoàn 913 và đoàn 911 chuyển về trực thuộc Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
Năm 1991: Liên đoàn địa chất 9 đổi tên thành Công ty Địa chất và Khai thác khoáng sản theo Quyết định số 609/NL-TCCBLĐ ngày 13/12/1991 của Bộ Năng lượng, các đoàn địa chất đổi tên thành xí nghiệp trực thuộc công ty.
Năm 1995: Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 563/TTg ngày 10/10/1994 thành lập Tổng công ty Than Việt Nam. Từ ngày 01/1/1995 Công ty Địa chất và Khai thác khoáng sản là đơn vị thành viên của Tổng công ty Than Việt Nam.
Năm 1996: Tổng công ty Than Việt Nam ra Quyết định số 296/TVN-TCCB và Quyết định số 265/TVN-TCCB ngày 10/2/1996 chuyển Xí nghiệp Thăm dò khảo sát 4 từ Công ty Than Cẩm Phả, chuyển Xí nghiệp Thăm dò khai thác than từ Công ty Than Hòn Gai về trực thuộc Công ty Địa chất và Khai thác khoáng sản.
Năm 1997: Tổng công ty Than Việt Nam ra Quyết định số 2811/TVN-TCCB ngày 23/7/1997 chuyển Xí nghiệp 917 từ Công ty Địa chất và Khai thác khoáng sản về trực thuộc Công ty Than Hòn Gai.
Năm 2003: Tổng công ty Than Việt Nam ra Quyết định số 616/QĐ-HĐQT ngày 24/4/2003 thành lập Công ty Địa chất mỏ từ Công ty Địa chất và Khai thác khoáng sản kể từ ngày 01/5/2003. Công ty có 04 đơn vị trực thuộc: Xí nghiệp Địa chất Cẩm Phả; Xí nghiệp Địa chất Đông Triều; Xí nghiệp Trắc địa bản đồ; Xí nghiệp Dịch vụ du lịch địa chất.
Năm 2010: Công ty đổi tên thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Địa chất mỏ – Vinacomin theo Quyết định số 2322/QĐ – HĐTV ngày 28/9/2010 của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.
Năm 2014: Chấm dứt hoạt động của các xí nghiệp trực thuộc từ ngày 01/5/2014, giữ nguyên mô hình hoạt động của Chi nhánh Xí nghiệp Địa chất Đông Triều theo Quyết định số 731/QĐ-TKV ngày 08/4/2014 của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam.
Năm 2016 – nay: Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam ra Quyết định số 1987/QĐ-TKV ngày 06/10/2015 chuyển công ty thành Công ty Cổ phần Địa chất mỏ – TKV từ ngày 01/01/2016.
Đơn vị Anh hùng Lao động năm 1985 (Đoàn 906 nay là XN ĐCTĐ Đông Triều)
Đơn vị Anh hùng Lao động Công ty TNHH MTV Địa chất Mỏ – Vinacomin năm 2011
Cá nhân Anh hùng Lao động năm 2000 (Ông Nguyễn Xuân Quý)
Huân chương Độc lập các hạng Nhất, Nhì, Ba
03 Huân chương Lao động hạng Nhất
06 Huân chương Lao động hạng Nhì
22 Huân chương Lao động hạng Ba
02 Huân chương Chiến công hạng Nhì
02 Lãng hoa của Chủ tịch nước
42 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
722 Huân chương kháng chiến các loại
1143 Huy chương kháng chiến các loại
03 Chiến sĩ thi đua toàn quốC: Lê Thanh Tịnh, Phạm Đăng Tạn, Vũ Văn Đông
Lĩnh vực hoạt động chính: Khoan trên mặt đất và trong hầm mỏ. Phục vụ thăm dò khoáng sản, nền móng công trình, dẫn hướng, tháo nước, tháo khí, khai thác nước ngầm và khoáng sản dạng lỏng. Thành lập tài liệu địa chất khoáng sản, địa chất thủy văn, địa chất công trình, xác định tính chất vật lý, hóa học của vật chất. Đo đạc và thành lập bản đồ địa hình, xác định khối lượng trên cạn và dưới nước. Phân tích thí nghiệm mẫu các loại, quan trắc địa hình, địa chất thủy văn, địa chất công trình. Dịch vụ nghỉ dưỡng trị liệu bằng nước khoáng hóa cao Brom nóng.
Thanh Mai/ Văn hiến Việt Nam