Thời xưa, Quốc Tử Giám được coi là trường học nơi tập trung anh tài của đất nước, đào tạo nên những bậc hiền tài phục vụ cho Giang Sơn Xã Tắc. Tuy nhiên vào thời Lê Sơ, đã từng có một người thầy tên Trần Ích Phát, dù chỉ đỗ kỳ thi Hương (tương dương cử nhân ngày nay) nhưng đã đào tạo ra 74 tiến sĩ gồm 3 Trạng nguyên, 4 Bảng nhãn, 6 Thám hoa, 10 Hoàng giáp, 51 tiến sĩ. Điều này thì ngay cả Quốc Tử Giám đương thời cũng không theo kịp.
Nức tiếng thần đồng, nhưng chỉ đỗ thi Hương
Vào thời Lê Sơ, một gia đình nông dân ở làng Triều Dương, huyện Chí Linh (tỉnh Hải Dương) sinh được bé trai rất hôi ngô, đặt tên là Trần Ích Phát. Dù trong dòng tộc không có ai theo con đường khoa bảng nhưng từ bé Trần Ích Phát đã sớm bộc lộ tư chất thông minh, trí nhớ siêu phàm, kinh sách chỉ xem qua đã thuộc. Tiếng lành đồn xa, khắp nơi đều biết.
Năm 15 tuổi ông đã đọc nhiều sách về thi ca, kinh nghĩa… văn chương nổi tiếng khắp thiên hạ. Khoa thi năm 1448 thời vua Lê Nhân Tông, ông dự kỳ thi Hương và đỗ đầu tức Giải nguyên.
Tuy nhiên bước vào kỳ thị Hội thì Trần Ích Phát lại không đậu, khiến nhiều người rất tiếc. Dù còn rất trẻ nhưng sau khi thi trượt, Trần Ích Phát lại không đợi khoa thi tới để thi tiếp, cũng không ra làm quan.
Cuốn “Những người thầy trong sử Việt” ghi rằng Phát tự nhủ: “Mình không làm được tiến sĩ thì sẽ đào tạo ra tiến sĩ, kể cả là thám hoa, bảng nhãn, trạng nguyên”. Trần Ích Phát liền về quê mở trường dạy học.
Học trò nô nức kéo đến
Trần Ích Phát nổi tiếng hay chữ từ nhỏ, nên nghe nói ông mở trường dạy học, học trò, sĩ tử các nơi nô nức kéo đến. Sách “Những người thầy trong sử Việt” có ghi lại rằng:
“Đường vào nhà ông, viên tri phủ phải cho đắp rộng thênh thang như đường cái quan để khi vinh quy bái tổ, các vị tân khoa đến tạ ơn thầy.”
“Cả làng trễ nải nghề nông, chỉ chăm chú làm nghề cất nhà cho các sĩ tử trọ học, thế hệ này chưa kịp đi thì thế hệ kia đã đến.”
“Một cửa hàng bán giấy bút, dầu đèn mọc lên bên cây đa đầu làng, lúc nào cũng tấp nập người mua.”
Trước việc có quá nhiều học trò, Trần Ích Phát đành phải chọn học trò để dạy, chỉ nhận trò có tư chất. Tùy vào tư chất của mỗi trò mà ông có cách dạy riêng. Hiểu cái hay điểm mạnh của trò để phát huy, tìm lỗ hổng kiến thức của trò để bù đắp. Ông rất quan tâm đến đặc điểm tâm lý của học trò, khích lệ việc học của mỗi trò theo một cách khác nhau.
Không chỉ tận tình chỉ bảo học trò, Trần Ích Phát cũng hướng dẫn trò cách tự học, tự mình tìm ra các giải đáp còn vướng mắc. Ngoài ra ông còn hướng dẫn các trò cũ dạy lại cho các trò mới vào trường.
Kỳ tích của người thầy
Những nỗ lực của Trần Ích Phát đem lại kết quả to lớn. Qua 9 khoa thi từ năm 1463 đến 1496, Triều đình có 9 Trạng nguyên, 10 Bảng nhãn, 10 Thám hoa. Thì riêng học trò của Trần Ích Phát đã góp mặt 3 Trạng nguyên, 4 Bảng nhãn, 6 Thám hoa. Ngoài ra còn có 10 Hoàng giáp và 51 tiến sĩ.
Nhiều học trò của ông đỗ bảng vàng khi còn rất trẻ, Trạng nguyên nổi tiếng Vũ Kiệt đỗ khi 21 tuổi, Trần Sùng Dĩnh đỗ trạng nguyên khi 23 tuổi, Nguyễn Huân đỗ bảng nhãn lúc 21 tuổi, Đinh Lưu Kim đỗ thám hoa khi mới 18 tuổi, Thân Cảnh Vân đỗ thám hoa năm 25 tuổi, v.v..
Trần Ích Phát đào tạo ra 3 Trạng nguyên là Vũ Kiệt (đỗ năm 1472), Trần Sùng Dĩnh (đỗ năm 1487) và Nghiêm Hoản (đỗ năm 1496). Đặc biệt là 2 khoa thi năm 1487 và 1498, thì Tam khôi (tức 3 người đỗ đầu là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) đều là học trò của Trần Ích Phát.
Nhiều bài thi do học trò của ông chắp bút đều là những áng văn trị quốc bất hủ, trở thành hình mẫu cho các sĩ tử sau này học tập. Đặc biệt bài Văn sách “Đế Vương trị quốc” của Trạng nguyên Vũ Kiệt trở thành kiệt tác trị quốc, chống tham nhũng, trấn hưng giáo dục.
Trần Ích Phát cũng dạy cả đạo làm người, làm quan cho các học trò của mình. Vì thế mà học trò của ông đều trở thành những bầy tôi chính trực, làm quan thanh liêm một lòng vì dân, giúp nhà Lê bước vào giai đoạn thịnh trị, văn minh xán lạn.
So với trường Quốc Tử Giám cùng thời thì số lượng nhân tài xuất thân từ trường của Trần Ích Phát dường như vượt trội. Chả thế mà thời ấy người ta truyền rằng ngót nửa số quan trong Triều là học trò của ông.
Vua Lê Thánh Tông khi còn là hoàng tử lưu lạc trong dân gian đã nghe tiếng Trần Ích Phát, mến phục ông. Sau ông lại giúp đào tạo ra nhiều nhân tài cho Triều đình, vì thế mà Vua đặc cách phong cho ông là Đông Các đại học sĩ dù ông mới chỉ đỗ kỳ thi Hương. Dẫu được Vua quan tâm, ông vẫn không ra làm quan, chỉ ở quê nhà, nỗ lực dạy học.
Theo Trithucvn