Trong y học cổ truyền Việt Nam, trai sông là một vị thuốc thường dùng với ưu điểm chữa được nhiều loại bệnh thường gặp mà cách thức cũng khá đơn giản. Chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng trai sông để vừa làm món ăn hàng ngày, vừa chữa bệnh.
Trai sông – món ăn vị thuốc dân dã
Con trai nước ngọt hay trai sông là thực phẩm rất được ưa chuộng trong ngày hè, với nhiều món ngon như canh trai nấu chua, cháo trai, trai xào sả ớt… Trong Đông y, trai sông còn có tên là bạng. Cả thịt và vỏ đều được dùng làm thuốc. Thịt trai giàu protid, canxi, phốt pho, sắt, một số vitamin như B1, B2, PP, C và đặc biệt là có rất nhiều kẽm – chất đã được chứng minh có tác dụng tốt trong điều trị u xơ tiền liệt tuyến.
Trong cuốn sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam” (NXB Khoa học và Kỹ thuật), nơi tập hợp các công trình nghiên cứu của nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược liệu – Dược Cổ truyền đã chỉ rõ công dụng của trai sông và phương pháp tiến hành trong điều trị từng loại bệnh cụ thể:
Theo đó, thịt trai sông có vị ngọt, mặn, tính hàn, có tác dụng lợi thấp, thanh nhiệt, tiêu khát, hạ huyết áp. Nhân dân các địa phương thường bắt trai về, rửa sạch, cho vào nồi nước, đun sôi cho trai há miệng, để nguội và gỡ lấy thịt trai.
Công thức 50g thịt trai thái nhỏ, trộn với một nắm lá dâu non đã rửa sạch, thái nhỏ, nấu cho nhừ, thêm muối cho đủ đậm để ăn là bài thuốc hữu hiệu chữa chứng mồ hôi trộm, trẻ hay khóc về đêm. Liều dùng là 2 lần một ngày và dùng trong vòng từ 3 đến 5 ngày.
Thịt trai cũng có thể chữa nhức đầu, cao huyết áp, thủy thũng với công thức thịt trai (từ 30 đến 50g) nấu với râu ngô (20g, loại non càng tốt) cho thật nhừ. Vớt râu ngô ra, thêm 10g hành, 3g gừng và bột gia vị, ăn trong ngày.
Để chữa viêm gan, vàng da, có thể lấy thịt trai (từ 30 đến 50g) kết hợp với 30g nhân trần thái nhỏ, sắc với 400ml nước đến khi còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày.
Bên cạnh thịt trai, vỏ trai sông cũng rất hữu ích. Vỏ trai có vị mặn, tính hàn, có tác dụng giảm đau, chống viêm, tiêu tích, minh mục, hóa đờm. Vỏ trai sông thường được dùng để chữa chứng bệnh sưng vú ở phụ nữ bằng công thức vỏ trai nung thành vôi, tán nhỏ, lấy 6g trộn đều với 40g gai bồ kết rang vàng, tán nhỏ. Mỗi ngày uống một thìa cà phê hỗn hợp bột này với ít rượu.
Món ăn – bài thuốc từ trai sông hạ huyết áp, giảm tiểu đường
Cháo trai: trai sông 200 – 300g, gạo 100g. Trai ngâm nước vo gạo nửa ngày đến 1 ngày, rửa sạch, luộc chín và giữ nước luộc. Thịt trai nặn hết sạn đen trong bụng trai, rửa sạch, thái thành miếng nhỏ, trộn gia vị, để 15 – 20 phút; phi hành mỡ và cho thịt trai vào đảo đều, để riêng.
Gạn lấy nước luộc trai, cho gạo vào nấu thành cháo; giữ nhỏ lửa, đảo đều để cháo không bén và đặc sệt; cho thịt trai xào vào, thêm 1 – 2 củ hành, vài lát gừng thái chỉ, nêm gia vị cho vừa miệng. Khi ăn thêm chút tiêu, ớt bột, rau răm thái nhỏ.
Món này rất thích hợp cho người cao tuổi bị tăng huyết áp, u xơ tiền liệt tuyến, đái tháo đường… Với người mỡ máu cao gây hoa mắt chóng mặt, nhức đầu thì khi nấu cháo nên cho thêm mộc nhĩ, nấm hương có tác dụng hạ mỡ máu, thông huyết mạch.
Cháo trai râu ngô: thịt trai sông 30 – 50g, râu ngô non 20g. Ninh nhừ, bỏ râu ngô, thêm hành, gừng. Trị tăng huyết áp, hay nhức đầu, thủy thũng.
Trai luộc: trai luộc chín, ăn với ớt, tiêu, gia vị thường ngày có tác dụng bổ âm thanh nhiệt lợi tiểu tán kết. Dùng tốt cho người bị vàng da phù nề, sưng hạch, bướu cổ, khí hư, huyết trắng, đái tháo đường.
Canh trai, cà rốt, đậu đỏ: trai 200g, xuyên khung 15g, cà rốt 100g, đậu đỏ 100g. Thêm nước, gia vị, nấu canh, vớt bỏ bã xuyên khung, thêm mắm, hành, bột ngọt, chia vài lần ăn trong ngày, liên tục 5 – 7 ngày. Dùng tốt cho người bị suy nhược cơ thể, sợ gió, tay chân lạnh.
Canh trai rau hẹ: trai 150g, rau hẹ 60 – 120g, thêm nước, gia vị nấu canh ăn. Món này thích hợp với người lao phổi suy nhược, ho khan ít đờm, mồ hôi trộm, đái tháo đường.
Theo https://suckhoedoisong.vn/giam-tieu-duong-huyet-ap-nho-trai-song-16978590.htm