Các đội lưu động sẽ ưu tiên tiêm vaccine người trên 65 tuổi, người gặp khó khăn khi đi lại, người ở khu cách ly, phong tỏa trên địa bàn.
Ngày 1/8, UBND TP Thủ Đức triển khai 2 đội tiêm vaccine lưu động cùng 40 tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết với đội hình tiêm lưu động, chính quyền ưu tiên tiêm chủng cho những người trên 65 tuổi; người khó khăn, yếu thế, người ở nơi cách ly, phong tỏa, nơi có nguy cơ cao trên địa bàn.
Mỗi đội tiêm lưu động có 5 người (gồm 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng) di chuyển bằng ôtô. Xe lưu động được trang bị dụng cụ tiêm; bình oxy, thuốc chống sốc, thuốc huyết áp…
Ngoài 2 ôtô lưu động, TP Thủ Đức còn triển khai các đội tiêm đi xe máy ưu tiên tiêm cho người dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch tại các khu cách ly, phong tỏa; người già, người không thể tự đi đến điểm tiêm…
Trước đó, hôm 30/7, UBND TP Thủ Đức quyết định thành lập 40 đội phản ứng nhanh, gồm 6 đội cấp thành phố và 34 đội cấp phường, để hỗ trợ người dân trong trường hợp cấp thiết.
Tính đến hết ngày 31/7, tổng số người đã tiêm vaccine trong đợt 5 của thành phố là hơn 622.000 trường hợp. Trong đợt 5, TP.HCM dự kiến tiêm cho 930.000 người. Như vậy, tính đến hết tháng 7, thành phố đã hoàn thành gần 67% kế hoạch đề ra.
Theo thống kê từ Bộ Y tế, TP.HCM đã tiêm được 1,5 triệu liều vaccine. Khoảng 1,3 triệu người đã được tiêm một mũi, gần 75.000 người tiêm đủ 2 liều.
Tính đến hết 31/7, TP.HCM trải qua 62 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 10 và Chỉ thị 16 cùng các biện pháp siết chặt. Chỉ thị 16 được chính thức áp dụng từ 0h ngày 9/7. Từ 24/7, TP.HCM thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời gian giãn cách. Từ 26/7, người dân TP.HCM được yêu cầu hạn chế ra đường từ 18h đến 6h hàng ngày.
Từ 0h ngày 2/8, TP.HCM tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày. Tính từ 27/4 đến 1/8, TP.HCM ghi nhận hơn 92.000 ca nhiễm.
Theo Zing