Trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Tp.HCM là một trong những địa phương năng động nhất cả nước trong việc tiếp cận với cơ chế thị trường, tuy nhiên, không phải vì thế mà các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập không gặp những khó khăn trong việc triển khai thực hiện cơ chế này. Từ những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đến việc triển khai cơ chế tự chủ tài chính trên thực tế ở địa bàn Tp.HCM gặp rất nhiều vấn đề phát sinh. Đây cũng có thể là bài học kinh nghiệm cho các đơn vị văn hóa nghệ thuật khác trên địa bàn Thành phố và các địa phương có thể tham khảo.
1. Những chủ trương, quy định của Nhà nước về cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập
Việc trao cho các đơn vị sự nghiệp công lập quyền tự chủ hoạt động, trong đó có tự chủ tài chính là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong quá trình hướng đến nâng cao chất lượng, đa dạng hóa hoạt động, giảm dần việc “bao cấp” cho các hoạt động của hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập, phù hợp với xu hướng vận động, phát triển của kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để cụ thể hóa chủ trương đó, ngày 25/4/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi tắt là Nghị định 43).
Trong đó, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập được nhắc đến ở chương III với các quy định về: nguồn tài chính, quyền thu – chi, sử dụng tài chính; trả lương, thưởng; lập và sử dụng các quỹ tài chính cho cả 03 nhóm loại đơn vị sự nghiệp: đơn vị tự bảo đảm chi phí hoạt động; tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động và đơn vị sự nghiệp do ngân sách Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động. Đồng thời, Nghị định số 43 cũng nói rõ những quyền, nghĩa vụ của các đơn vị sự nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (Điều 10), huy động vốn và vay vốn tín dụng (Điều 11).
Để Nghị định 43 đi vào thực tiễn cuộc sống thuận lợi, ngày 9/8/2006, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 71/2006/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ,tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây gọi tắt là Thông tư số 71).
Trong Thông tư này, vấn đề tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập được cụ thể hóa hơn ở một số nội dung so với Nghị định 43 như quy định về huy động vốn và vay vốn tín dụng tại điều 11, Nghị định 43, xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, thu – chi tài chính, tiền lương và thu nhập tăng thêm cho người lao động; lập dự toán, chấp hành dự toán, hạch toán kế toán và quyết toán thu, chi đối với những loại đơn vị sự nghiệp công lập khác nhau.
Trước thực tiễn triển khai cơ chế tự chủ được quy định tại Nghị định 43, và Thông tư hướng dẫn 71 cho thấy một số bất cập, ngày 24/9/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số113/2007/TT-BTC năm 2007 về Sửa đổi bổ sung Thông tư số 71/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính. Trong đó, một số nội dung liên quan đến quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Thông tư 71 được sửa đổi như: sửa đổi Khoản 6, mục VIII Thông tư số 71 về Tạm chi trước thu nhập tăng thêm; khoản 5 mục IX Thông tư số 71 về Tạm ứng chi trước thu nhập tăng thêm; sửa đổi phụ lục số 06 kèm theo Thông tư số 71 về báo cáo kết quả thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính theo Nghị định 43.
Tại kết luận số 37- TB/TW ngày 26/5/2011, Bộ Chính trị đã nhận mạnh sự cần thiết tiếp tục thực hiện “Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công”, một trong những vấn đề trọng tâm, then chốt là thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thực hiện kết luận số 37 – TB/TW của Bộ Chính trị, ngày 06/3/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 272/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp đến, ngày 09 tháng 8 năm 2012, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 40/NQ-CP về Ban hành chương trình hành động của chính phủ thực hiện thông báo kết luận số 37- TB/TW của Bộ Chính trị về đề án Đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công.
Nghị quyết nhấn mạnh “Tăng cường phân cấp và thực hiện trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn cho các đơn vị sự nghiệp công lập đồng bộ cả về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính (từng bước tính đủ giá dịch vụ và giảm trợ cấp ngân sách) có tính đến đặc điểm từng loại hình đơn vị, khả năng, nhu cầu thị trường và trình độ quản lý; Thực hiện đổi mới cơ chế tài chính đối với nhóm các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công có khả năng xã hội hóa cao, tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động” [8, Khoản 2, Mục II].
Vấn đề tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp một lần nữa được Đảng nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội XII: “Đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công theo hướng nâng cao chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự và tài chính; xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ công, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực này” [15, tr. 107].
Tiếp đến, ngày 03-6-2017, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết nêu rõ: “Hoàn thiện thể chế, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đầy đủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập về phạm vi hoạt động, tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự và tài chính gắn với cơ chế đánh giá độc lập”.
Sau 10 năm triển khai, nhiều nội dung của Nghị định 43 không còn phù hợp với thực tiễn. Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập để thay thế Nghị định 43[2]. Tại Nghị định này, quyền tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập được nhắc đến ở Mục III, từ điều 12 đến điều 17 với những nội quy định chi tiết quyền tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên; Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên; Tự chủ trong giao dịch tài chính; Nghĩa vụ tài chính, quản lý tài sản Nhà nước và quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị sự nghiệp công.
Năm 2017, tại kỳ Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, Đảng đã ra Nghị quyết 19-NQ/TW Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Liên quan đến vấn đề tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết 19 ghi rõ mục tiêu tổng quát của việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động
“…Giảm mạnh tỉ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách Nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập”. Trong phần mục tiêu cụ thể của giai đoạn đến năm 2021, Nghị quyết 19 xác định “Phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 – 2015”.
Đến năm 2025, “Tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính”. Trong phần nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện cơ chế tài chính, Nghị quyết 19 cũng nhấn mạnh “Hoàn thiện pháp luật về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các ngành, lĩnh vực trên cơ sở mức độ tự chủ về tài chính, tăng cường phân cấp và tăng tính chủ động cho các đơn vị sự nghiệp công lập”.
Đối với Tp.HCM, ngày 04/4/2018, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 1381/KH – UBND về việc Giao cho các Sở ngành rà soát, đánh giá hiệu quả về tổ chức hoạt động và hiệu quả về thực hiện tự chủ tài chính. Qua đó, đề xuất phương án sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, đảm bảo hiệu quả và tăng tính tự chủ tài chính, đồng thời xem xét đề xuất xã hội hóa một số đơn vị trực thuộc.
Đến ngày 14/4/2018, Sở Tài chính đã ban hành Công văn số 2222/STC-HCSN về “Đánh giá hiệu quả tài chính và đề xuất phương án tài chính của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc”. Thực hiện Công văn đó, ngày 16/5/2018, Sở Văn hóa & Thể thao Tp.HCM đã ban hành Công văn số 2331/SVHTT – KHTC về Phương án tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Nội dung của Công văn tập trung các vấn đề như nêu thực trạng, tình hình thực hiện quyền tự chủ của 34 đơn vị sự nghiệp trực thuộc gồm 04 khối: khối sự nghiệp bảo tàng, khối sự nghiệp nghệ thuật, khối sự nghiệp thể dục thể thao và khối sự nghiệp văn hóa cơ sở. Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa & Thể thao Tp.HCM đã đề xuất phương án, giải pháp tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Tiếp đến, ngày 4/6/2018, Sở Tài chính ban hành Công văn số 3445/STC-HCSN về việc Giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hóa và Thể thao giai đoạn 2018 – 2020. Thực hiện Công văn đó, ngày 11/7/2018, Sở Văn hóa & Thể thao Tp.HCM ban hành Công văn số 3388/SVHTT-KHTC về Xây dựng phương án tự chủ giai đoạn 2018 – 2020. Trong đó, Sở Văn hóa & Thể thao Tp.HCM đã đề nghị “Các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở xây dựng phương án thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm giai đoạn 2018 – 2020 gửi về Phòng Kế hoạch – Tài chính trước ngày 16/7/2018 để tổng trình Ủy ban Nhân dân thành phố, Sở Tài chính theo quy định”.
Như vậy, từ Đảng, Chính phủ và cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương đã ban hành nhiều văn bản thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong việc thúc đẩy thực hiện cơ chế tự chủ, trong đó có tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đây chính là nền tảng chính trị, cơ sở pháp lý để các đơn vị sự nghiệp cả nước nói chung, Tp.HCM nói riêng thay đổi mô hình, phương thức hoạt động theo cơ chế tự chủ trong bối cảnh nền kinh tế thị trường đang phát triển ngày càng hoàn thiện.
2. Thực trạng hoạt động tự chủ tài chính ở các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập ở thành phố Hồ Chí Minh
Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa & Thể thao Tp.HCM, tính đến tháng 9/2018, toàn thành phố có 34 đơn vị sự nghiệp trực thuộc gồm 4 khối: sự nghiệp bảo tàng, sự nghiệp nghệ thuật, sự nghiệp thể dục thể thao và sự nghiệp văn hóa cơ sở. Trong đó, khối sự nghiệp nghệ thuật có 08 đơn vị gồm:
1-Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, 2-Nhà hát Kịch Thành phố, 3-Nhà hát Ca Múa Nhạc dân tộc Bông Sen, 4-Trung tâm Ca nhạc nhẹ, 5-Nhà hát Phương Nam, 6-Nhà hát Giao hưởng Nhạc và Vũ kịch, 7-Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội, 8-Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh với tổng số cán bộ, nghệ sỹ đang tham gia làm việc là 569 người [Nguồn: Sở VH & TT Tp.HCM].
Các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật của Thành phố nói riêng, của Việt Nam nói chung, qua đó góp phần làm đa dạng đời sống văn hóa tinh thần cho người dân Thành phố.
Sau hơn 10 năm thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trong đó có vấn đề tự chủ tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay, các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập ở Tp.HCM đã bước đầu thu được một số kết quả như một số đơn vị sự nghiệp nghệ thuật doanh thu từ hoạt động biểu diễn có chiều hướng tăng, nguồn thu ngày càng đa dạng, nguồn chi tài chính ngày càng được quản lý chặt chẽ hơn theo hướng tiết kiệm thông qua xây dựng và thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ. Nhờ nguồn thu tăng, nguồn chi giảm, thu nhập của người lao động của một số đơn vị sự nghiệp nghệ thuật có chiều hướng tăng so với trước.
Bên cạnh đó, số lượng đơn vị sự nghiệp nghệ thuật hoạt động theo hướng tự chủ tài chính ngày càng tăng. Tính đến tháng 5/2018, trong 08 đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập, xét phân loại theo Thông tư số 71/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính, 7/8 đơn vị thuộc đơn vị sự nghiệp loại 2 (chiếm 87.5%); 1/8 đơn vị thuộc đơn vị sự nghiệp loại 1 (chiếm 12.5%)[3].
Định hướng đến năm 2020, Thành phố sẽ có 02 đơn vị loại 1 (chiếm 25%)[4]. Tính đến tháng 9/2018, 100% đơn vị sự nghiệp nghệ thuật tại Tp.HCM đã xây dựng phương án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm giai đoạn 2018 – 2020 theo yêu cầu của Công văn số 3445/STC-HCSN về việc Giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hóa và Thể thao giai đoạn 2018 – 2020 của Sở Tài chính; Công văn số 3388/SVHTT-KHTC về Xây dựng phương án tự chủ giai đoạn 2018 – 2020 của Sở Văn hóa & Thể thao Tp.HCM. [Nguồn: Sở VH & TT Tp.HCM]
Những kết quả trên dù còn khiêm tốn nhưng nó cho thấy sự quyết tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo của các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật ở Tp.HCM. Đó là những tiền đề quan trọng để các đơn vị này tiến tới thực hiện tự chủ tài chính, cũng như cơ chế tự chủ toàn diện theo tinh thần của Nghị định 43/2006/NĐ-CP.
Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật là yêu cầu mang tính bắt buộc, tất yếu theo quy định chung của Đảng, Nhà nước, và theo xu thế phát triển của đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội đương đại. Để thực hiện thành công cơ chế này, các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập cần có những nền tảng, điều kiện về các nguồn lực cơ bản như cơ sở vật chất, con người, cơ chế phù hợp.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trong tổng số 08 đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập của Thành phố, có 6/8 đơn vị là các tòa nhà, dinh thự cũ kỹ; 4/8 đơn vị không có điểm diễn cố định phù hợp [Nguồn: Sở VH & TT Tp.HCM]. Do đó, nguồn thu từ khai thác cơ sở vật chất, dịch vụ biểu diễn nghệ thuật thấp, chỉ góp phần bổ sung kinh phí hoạt động, phục vụ công tác duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất. Trong khi đó, chi phi hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao; chi phí duy tu bảo dưỡng cơ sở vật chất rất lớn.
Về vấn đề nguồn nhân lực, 100% các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật của Tp.HCM rơi vào tình trạng vừa thừa, vừa thiếu. Tính đến tháng tháng 5/2018, có 4/8 đơn vị có số lượng nhân sự vượt mức định biên, cá biệt có 01 đơn vị vượt đến 60%; 01 đơn vị vượt 75.3% so với định biên; 100% đơn vị thiếu nhóm nhân sự có chuyên môn về lĩnh vực phát triển thị trường, dịch vụ. Ngoài ra, một số ban lãnh đạo của các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật còn e ngại, chưa dám mạnh dạn đề xuất và thực thi những phương án mang tính đột phá trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị mình [Nguồn: Sở VH & TT Tp.HCM].
Với số lượng nhân sự vượt định biên, nguồn chi lớn cho những yếu tố ngoài chuyên môn lớn đã tạo nên sức ép lớn đến việc phân phối, cân đối nguồn chi của các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập ở Tp. HCM hiện nay. Điều đó ảnh hướng lớn đến việc xây dựng các phương án hoạt động hướng đến thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật của Tp.HCM.
Những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập ở Tp.HCM do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, có những nguyên nhân cơ bản sau:
Thứ nhất, do tính đặc thù về lĩnh vực hoạt động. Hiện nay, trong tổng số 08 đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập của Thành phố, có 50% đơn vị thuộc loại hình nghệ thuật truyền thống, 50% đơn vị nghệ thuật đương đại. Hoạt động biểu diễn, dịch vụ nghệ thuật của các đơn vị này chịu sự cạnh tranh rất lớn của các loại hình giải trí đương đại khác.
Công chúng – thị trường của các loại hình nghệ thuật này ngày càng suy giảm mạnh. Trong khi đó, phần lớn các chương trình biểu diễn nghệ thuật chỉ nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, trong khi giá trị thương mại của chúng không cao. Điều này dẫn đến doanh thu từ hoạt động biểu diễn của các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập của Thành phố hiện nay rất thấp.
Thứ hai, hệ thống cơ chế chính sách để tiến tới tự chủ tài chính thiếu đồng bộ. Theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP thì các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập có 4 quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm gồm: 1- Thực hiện nhiệm vụ; 2- Tổ chức bộ máy; 3- Biên chế và nhân sự; 4- Tài chính. Các quyền này đều có sự tương tác qua lại, tác động với nhau. Vì vậy, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập ở Tp.HCM chỉ có thể đạt hiệu quả tối đa khi họ có các quyền tự chủ còn lại. Tuy nhiên thực tế hiện nay, các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập mới chỉ được thực hiện quyền tự chủ tài chính. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng các phương án, giải pháp tự chủ tài chính của các đơn vị này.
Thứ ba, hiện chính quyền Tp.HCM thiếu kinh phí để đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất của các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập. Trong khi đó, cơ sở vật chất hoàn thiện, chất lượng là một trong những yêu cầu tối quan trọng để các đơn vị này có thể thực hiện thành công quyền tự chủ tài chính. Bởi khi các đơn vị này sở hữu hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ, hoàn chỉnh, đồng bộ và phù hợp với từng loại hình nghệ thuật sẽ cho họ những lợi thế cạnh tranh trên thị trường văn hóa nghệ thuật, từ đó những đơn vị này có thể tăng doanh thu từ việc phát triển các dịch vụ, hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tự chủ tài chính ở các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập ở Tp.HCM
Để quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập ở Tp.HCM đạt những kết quả lớn hơn, trước hết, chính quyền Thành phố cần xây dựng kế hoạch sắp xếp nguồn tài chính từ ngân sách; đồng thời mạnh dạn cho phép các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập chủ động kêu gọi đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách để nhanh chóng hoàn thiện, hoặc phần nào cải thiện tình trạng cơ sở vật chất đang xuống cấp như hiện nay.
Tiếp nữa, trong bối cảnh Nghị định 16/2015/NĐ – CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập chưa thể thay thế Nghị định 43/2006/NĐ – CP do chưa có thông tư hướng dẫn chi tiết, chính quyền Thành phố có thể tổ chức thí điểm cho một số đơn vị nghệ thuật công lập có nền tảng, tiềm lực nguồn lực tốt thực hiện đồng bộ tất cả các quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm mà Nghị định 43/2006/NĐ – CP đã quy định. Kết quả thực hiện thí điểm sẽ là cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng để chính quyền Thành phố có thể tiến tới thực hiện trên diện rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện cho các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, sự nghiệp nghệ thuật nói riêng.
Bên cạnh đó, chính quyền Thành phố cần sắp xếp, tổ chức lại một số đơn vị có cùng chức năng nhiệm vụ theo hướng tinh gọn; Nghiên cứu bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho đơn vị để đa dạng các loại hình hoạt động; Thực hiện phân cấp, phân quyền theo quy định; Tăng cường công tác thanh kiểm tra trong thực hiện chức năng nhiệm vụ, trong công tác quản lý tài chính và tài sản của đơn vị; thực hiện công khai, minh bạch theo quy định.
Kết luận
Tóm lại, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công ở Tp.HCM nói riêng là thuận theo chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đó cũng là giải pháp hữu hiệu để các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập thoát khỏi tình trạng kém phát triển như hiện nay.
Các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công ở Tp.HCM có thể được xem là những đơn vị tiên phong trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả bước đầu, các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập ở Tp.HCM vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính trong những năm qua.
Thực trạng đó nếu không được giải quyết thấu đáo, đồng bộ, kịp thời thì chắc hẳn việc thực hiện cơ chế tự chủ nói chung, cũng như tự chủ tài chính trong tương lai gần không có nhiều thành quả mới, thiết thực. Đó cũng là vấn đề để các cấp, các ngành trong bộ máy quản lý nhà nước ở Tp.HCM cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập ở Tp.HCM thực hiện nhanh, mạnh và hiệu quả hơn cơ chế tự chủ tài chính như yêu cầu hiện nay.
——————————————————————
[1] Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố Hồ Chí Minh
[2] Cho đến hiện nay, Nghị định 16 chưa được áp dụng vào thực tiễn vì chưa có Thông tư hướng dẫn.
[3] Tính đến tháng 5/2018, đơn vị sự nghiệp nghệ thuật duy nhất thuộc loại 1 là Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh Tp.HCM.
[4] Theo kế hoạch, đến năm 2019, Trung tâm Ca nhạc nhẹ Tp.HCM là đơn vị sự nghiệp nghệ thuật tiếp theo được xếp vào loại 1.
Lê Hồng Sơn/VHVN