Tổng thống Trump bình luận thiện chí về Việt Nam và nhắn nhủ Triều Tiên

21:00 | 27/02/2019

Sáng thứ Tư ngày 27/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã viết một bình luận về Việt Nam trên mạng xã hội Twitter trong khi ông đang có mặt ở Hà Nội để chuẩn bị tham dự Hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Tổng thống Donald Trump rời khỏi Nhà Trắng để tham dự cuộc mít tinh Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại ở Evansville, bang Indiana vào ngày 30 tháng 8 năm 2018. (Ảnh: Samira Bouaou / Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh)

Tổng thống Trump viết: “Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ như vài nơi trên trái đất. Triều Tiên [cũng] sẽ như vậy, và [sẽ phát triển] rất nhanh, nếu họ phi hạt nhân hóa. Tiềm năng thật TUYỆT VỜI, một cơ hội to lớn, tựa như chưa từng có trong lịch sử, [cơ hội đó dành] cho người bạn Kim Jong Un của tôi. Chúng ta sẽ biết sớm thôi – Rất thú vị!”

Tổng thống Trump bình luận về Việt Nam trên Twitter ngày 27/2/2019 (Ảnh chụp màn hình)

Bình luận của ông Trump thu hút gần 14.000 lượt đăng lại và hơn 60.000 lượt thích trên Twitter, tính đến thời điểm Đại Kỷ Nguyên đưa tin.

Phát biểu của Tổng thống Donald Trump ngay trước Hội nghị thượng đỉnh lần 2 với ông Kim Jong Un đã gửi đi những triển vọng lạc quan về việc hai bên sẽ đạt được thỏa thuận hướng đến một bán đảo Triều Tiên hòa bình và phi hạt nhân.

Ông Trump dùng từ “bạn của tôi” khi nhắc đến Kim Jong Un, người có tuổi đời 36, chỉ bằng một nửa số tuổi của ông chủ Nhà Trắng. Điều này gửi đi một lời nhắn thiện chí của Tổng thống Trump tới lãnh đạo Triều Tiên, chỉ vài giờ trước khi hai người có cuộc nói chuyện riêng và bữa tiệc xã giao vào tối nay, theo giờ Việt Nam.

Những thông điệp thân thiện của Tổng thống Trump trong dịp Thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Việt Nam đã thu hút sự tán thưởng từ đông đảo cư dân mạng. Tối qua (26/2), không lâu sau khi hạ cánh tới Nội Bài, Tổng thống Trump đã gửi lời cảm ơn sự tiếp đón “tuyệt vời” của người dân Việt Nam dành cho ông. Bài đăng này tới nay đã thu hút hơn 25.000 lượt đăng lại và gần 153.000 lượt thích trên Twitter.

Trong quá khứ, Việt Nam và Triều Tiên đều trải qua chiến tranh với người Mỹ, nhưng hiện tại, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Hà Nội được nhìn nhận là một sự kiện lịch sử, có khả năng thiết lập mối quan hệ hòa bình và vững chắc giữa các bên từng coi nhau là kẻ địch.

Tổng thống Trump, người được an bài không tham gia chiến tranh Việt Nam vì một vết thương nhẹ ở chân, hiện đóng vai trò “cầm trịch” trong Hội nghị lịch sử này. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề nghị trao giải thưởng Nobel Hòa bình cho Tổng thống Trump vì nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Dưới áp lực quốc tế do Tổng thống Trump phát động, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán và bày tỏ cam kết tiến tới từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân tốn kém gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế.

Triều Tiên từng cử quân hỗ trợ Việt Nam trong cuộc chiến với Hoa Kỳ. Trong ảnh là một khu tưởng niệm chiến tranh ở tỉnh Bắc Giang, ông Dương Văn Đậu nhìn những tấm bia mộ của các phi công Triều Tiên thiệt mạng ở Việt Nam. (Ảnh: AFP/Getty)

Từ quan điểm của Mỹ, Việt Nam có thể gửi những thông điệp có ý nghĩa đến lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, theo Asia Times. Tờ báo này nhận định Việt Nam có thể cho thấy một quốc gia do đảng cộng sản lãnh đạo, từng trải qua chiến tranh với Hoa Kỳ, nhưng đã cải tổ nền kinh tế và có mối quan hệ vững chắc với Mỹ.

Giới truyền thông Hàn Quốc đưa tin ông Kim từng vài lần đề cập đến mong muốn tham khảo mô hình kinh tế của Việt Nam trong các cuộc họp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Seoul, hơn ai hết, mong muốn một Triều Tiên tập trung phát triển kinh tế và mở cửa ra thế giới, thay vì các cuộc thử nghiệm vũ khí và đe dọa tấn công Hàn Quốc, cũng như các đồng minh khác của Hoa Kỳ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc gặp tại Singapore tháng 6/2018. (Ảnh: AFP)

Hàn Quốc và Triều Tiên từng là một quốc gia thống nhất, cho đến khi bán đảo bị chia cắt sau chiến tranh thế giới thứ II, với sự hiện diện của Liên Xô ở miền Bắc và Hoa Kỳ ở miền Nam. Các cuộc đàm phán thống nhất thất bại, miền Bắc thành lập nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và người lãnh đạo là ông Kim Il Sung, ông nội của lãnh đạo Kim Jong Un hiện nay. Trong khi đó, miền Nam thành lập Đại Hàn Dân Quốc, gọi tắt là Hàn Quốc.

Chiến tranh liên Triều nổ ra vào ngày 25/6/1950 khi quân đội Triều Tiên, với sự hỗ trợ của Liên Xô và Trung Quốc đã tấn công sang Hàn Quốc.

Vĩ tuyến 38 chia cắt Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ở phía bắc (màu đỏ) và Đại Hàn Dân Quốc hay Hàn Quốc ở phía nam (màu trắng) (Ảnh: Getty)

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra Nghị quyết 82 (ngày 25/6/1950) yêu cầu Triều Tiên chấm dứt cuộc tấn công xâm lược sang Hàn Quốc, và Nghị quyết 83 (ngày 27/6/1950) về việc cử liên quân tới hỗ trợ Hàn Quốc. 21 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã cử binh lính tới tham gia liên quân, trong đó 90% là người Mỹ.

Hài cốt lính Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên được phủ bằng cờ Liên Hợp Quốc (Ảnh: Ahn Young-joon – Pool/Getty Images)

Cuộc xung đột giữa liên quân và chính quyền họ Kim kết thúc bằng một thoả thuận đình chiến vào ngày 27/7/1953, vì vậy về nguyên tắc giữa Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Nếu Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội có thể đạt được một thỏa thuận thành công, triển vọng về hiệp định hòa bình giữa Bắc Hàn và Nam Hàn khả năng sẽ sớm trở thành hiện thực, các nhà quan sát nhận định.

 

Theo ĐKN

Video hay


Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu