Tới vườn thú, nghe chuyện về “chúa sơn lâm”mùa dịch

12:42 | 02/02/2022

“Gần 4 tháng ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, vườn thú tạm dừng đón khách tham quan, nhìn những con hổ buồn lắm, nó đi ra rồi lại đi vào chuồng nằm, không buồn chạy nhảy. Giờ được đón khách trở lại, nhìn các “chúa sơn lâm” tươi tỉnh hẳn lên, hết giờ gọi vào chuồng cũng chưa muốn vào đâu”.


“Đấy, giờ ăn rồi gọi cũng chưa muốn vào kia kìa” – các công nhân chăm sóc thú dữ tại vườn thú Hà Nội cho biết.

Đều đặn sáng sớm mỗi ngày chị Trần Thị Ngọc – công nhân tổ chăn nuôi thú dữ (Vườn thú Công viên Thủ Lệ, Hà Nội) cùng những công nhân khác bắt đầu cho ngày làm việc của mình. Việc mà chị Ngọc cùng nhiều người tại đây đang làm chẳng ai dám nghĩ tới là chăm sóc cho đàn thú dữ, đặc biệt là hổ.

“Hơn 20 năm làm việc ở Vườn thú Công viên Thủ Lệ, từ khi nhận nhiệm vụ chăm sóc cho loài động vật được mệnh danh là “chúa sơn lâm” tôi đã có tình cảm đặc biệt với loài này. Tôi đã từng chứng kiến những con hổ chào đời ở đây cũng như những con hổ già đi và mất. Khi nhìn những cảnh đó, tôi đã không thể cầm được nước mắt vì ít nhiều mình cũng được tiếp xúc chăm sóc các cá thể này. Nhiều khi, chỉ nhìn chúng là tôi đã hiểu rõ chúng nghĩ gì, muốn làm gì rồi” – chị Ngọc nói.

Hổ là một trong những loài thú ăn tốn nhất Vườn thú Hà Nội, với khẩu phần ăn thịt bò, sườn, lợn, gà, gan. Hiện tại, đang có 2 loài hổ được chăm sóc ở đây là hổ Amur và hổ Ðông Dương. Khẩu phần ăn của hổ Amur nhiều hơn hổ Ðông Dương 1kg thịt mỗi lần ăn. Ảnh: Quang Hùng.

Theo chị Ngọc, khu vực nuôi nhốt hổ có 10 người phụ trách chăm sóc cũng như vệ sinh ở đây, trong đó có 1 bác sỹ thú y. Với 10 cá thể hổ được nuôi nhốt thì có 1 cá thể già nhất đã gần 20 năm tuổi, được các công nhân đặt cho cái tên là Mi Đực và 3 cá thể hổ ít tuổi nhất là gần 3 năm tuổi (1 cá thể hổ trắng và 2 cá thể hổ vằn). Trong đó 2 cá thể hổ vằn được tiếp nhận từ Rừng Quốc gia Cúc Phương về, lúc chúng mới được 4 tháng tuổi.

Do là người chăm sóc trực tiếp của 2 cá thể hổ này từ bé nên chị và 2 con hổ nặng khoảng 100kg gần như không hề có khoảng cách, tiếp xúc vuốt ve, nói chuyện với “chúa sơn lâm” là những việc chị Ngọc vẫn làm hằng ngày.

Được biết, công việc hằng ngày của các công nhân tổ chăn nuôi thú dữ bắt đầu từ khoảng 7h30’ sáng cho đến khoảng 18h chiều. Thông thường buổi sáng đến họ sẽ kiểm tra sức khỏe của các con thú và vệ sinh chuồng cũng như khuôn viên của động vật. Đến khoảng 8h30’ sẽ thả các con thú ra phía khuôn viên bên ngoài và mở cửa đón khách đến tham quan, kể cả những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách, vườn thú tạm dừng không đón khách thì mọi công việc vẫn diễn ra đều đặn như thế.

Những con thú, đặc biệt loài hổ hằng ngày vẫn còn quen với việc có khách đến tham quan, ngắm nhìn mình thì bỗng nhiên vắng vẻ không thấy ai đã có nhiều sự thay đổi trong tập tính, cũng như hoạt động hằng ngày. Các công nhân ở vườn thú phải thường xuyên đi qua hỏi han, hay nán lại nhìn hoặc trò chuyện cùng nó.

Chị Nguyễn Hà Thu là bác sỹ thú y của hổ sinh sản (Vườn thú Công viên Thủ Lệ, Hà Nội) đang cho hổ trắng ăn. Ảnh: Quang Hùng.

Chị Trần Thị Ngọc cho biết: “Năm nay, vườn thú phải dừng đón khách tham quan gần 4 tháng. Trong khoảng thời gian đó, nhìn những chú sơn lâm rất buồn. Có lẽ chúng đã quen với việc có khách đến tham quan, giờ vắng lặng nên chúng cũng ủ rũ, nằm một góc. Những lúc đó chúng tôi phải kéo thông buồng giữa 2 cá thể với nhau để chúng di chuyển vận động, tránh việc nằm một chỗ sẽ béo phì. Thi thoảng, phải đi ra hỏi thăm, trò chuyện cùng để chúng không bị cô đơn.

Kể cả như thời gian cho nó ăn, nếu như trước kia chưa ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng tôi đưa đồ ăn đến để đó cho chúng ăn và tránh ra không ảnh hưởng chúng mất tập trung. Nhưng những ngày diễn ra đại dịch, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, vườn thú tạm dừng đón khách, chúng tôi đưa thức ăn đến vẫn phải nán lại ngồi xem nó ăn, trò chuyện cùng nó để những cá thể hổ không còn cảm thấy buồn. Nếu nó không chịu ăn, phải ngồi nịnh nó ăn nữa”.

“Thực ra loài hổ là loài vật sống đơn độc nhưng tôi thấy nó rất giàu tình cảm. Nhiều khi chỉ cần buổi sáng chúng tôi đến hỏi thăm chúng và nói chuyện với chúng trong lúc cho chúng ăn thì cũng làm cho các cá thể hổ ở đây tươi tỉnh hơn hẳn những ngày vắng khách đến tham quan” – chị Ngọc nói.

Tại khuôn viên nuôi hổ sinh sản do chị Nguyễn Hà Thu – bác sỹ thú y của hổ sinh sản (Vườn thú Hà Nội) phụ trách đang chuẩn bị cho các cá thể hổ ăn buổi trưa, thực đơn mỗi ngày của cá thể hổ ở đây là như nhau với khẩu phần ăn thịt bò, sườn, lợn, gà, gan. Chị Hà Thu cho biết: “Khi cho hổ ăn, chúng tôi sẽ đứng quan sát để ý nếu nó không thích ăn 1 món nào trong thực đơn trên thì lần sau sẽ giảm bớt đi và tăng thêm khối lượng các món khác vào”.

“Những ngày trước, khi phải đóng cửa không đón khách do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhìn các con hổ buồn lắm, ch úng chỉ đi ra rồi lại vào chuồng nằm. Mới đây, khi vườn thú đã được mở cửa đón khách tham quan trở lại, nhìn chúng tươi tỉnh hẳn lên, háo hức được gặp người tham quan, khách du lịch lắm. Nhiều khi, đến bữa ăn hay cuối giờ chiều gọi nó vào chuồng nó cũng chưa vào đâu”– chị Hà Thu nói.

Theo ông Phạm Đình Mạnh – Trưởng phòng Kỹ thuật (Công viên Thủ Lệ) cho biết: “Thực hiện theo chỉ đạo của TP. Hà Nội, chúng tôi đã tạm thời đóng cửa không đón khách gần 4 tháng, nhưng mọi công tác chăm sóc các động vật ở đây vẫn diễn ra như bình thường và 100% các công nhân vẫn phải đi làm chứ không thiếu hụt bất kỳ người nào. Tại khu vực nhà hổ, sư tử là loài thú dữ cũng đã bố trí rất nhiều vòng bảo vệ, việc chăm sóc chăn nuôi cũng phải đảm bảo an toàn lao động tuyệt đối”.

Quang Hùng

Nguồn Báo điện tử Công Luận

Video hay


Cùng chuyên mục

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu