Tình cảm của bạn bè quốc tế với Đền Hùng

10:40 | 22/04/2021

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng với những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống rực rỡ đã trở thành điểm hội tụ tâm linh, là sự kiện văn hóa có dấu ấn thiêng liêng, tạo ấn tượng sâu sắc trong tâm thức đồng bào trong và ngoài nước. Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng còn là biểu tượng văn hóa rực rỡ nhất có sức thu hút khách quốc tế tìm hiểu về con người, văn hóa lễ hội và đất nước Việt Nam.



Trong hệ thống lễ hội Việt Nam, lễ hội Đền Hùng được hình thành và phát triển tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng thuộc tỉnh Phú Thọ. Trải qua năm tháng và thời gian, cùng với những biến cố thăng trầm của lịch sử, Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng vẫn là một điểm tựa tâm linh đời đời bền vững để cộng đồng cả nước và bạn bè quốc tế hướng về, tỏ lòng thành kính, tri ân báo hiếu với Vua Hùng, người có công khai sơn, phá thạch để dựng nước – khai sinh nhà nước Văn Lang đầu tiên của dân tộc ta:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”.

Từ lâu đời, Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng không chỉ có sức hấp dẫn với du khách trong nước mà còn có sức hấp dẫn với bạn bè quốc tế. Trong suốt những năm qua, hàng triệu du khách trong và ngoài nước đã trở về Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng để chiêm bái không gian thờ tự các Vua Hùng và tham dự lễ hội Đền Hùng. Trước không gian linh thiêng trầm mặc, được tham gia các sinh hoạt tín ngưỡng độc đáo, giàu bản sắc văn hóa trong lễ hội Đền Hùng, nhiều du khách xúc động lưu bút ghi lại cảm tưởng, ấn tượng sâu sắc về Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng.

Theo số liệu của Khu di tích lịch sử Đền Hùng, từ năm 1969 đến nay, Ban quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng đã tổng hợp được 25 cuốn sổ vàng lưu niệm, trong đó có 1.718 lời ghi cảm tưởng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố và các trường học, cơ quan quân đội, cơ quan nhà nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Cũng như người Việt Nam, du khách quốc tế đến Đền Hùng đều có cảm nhận sâu sắc về nơi cội nguồn của dân tộc Việt Nam, như đoàn cán bộ Campuchia đã cảm nhận được “Đền Hùng Vương là một di tích vô giá của nhân dân Việt Nam, là biểu tượng của tổ tiên dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã có truyền thống dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm”. Chính vì lẽ đó, nên có tham dự với tinh thần tập thể hay tham dự lễ hội với tư cách cá nhân, tinh thần cộng đồng, ý chí đại đoàn kết dân tộc và tinh thần đoàn kết hữu nghị của bạn bè quốc tế được thể hiện sinh động thông qua những dòng ghi cảm tưởng. Mỗi dòng ghi cảm tưởng đều thể hiện sự xúc động và những suy nghĩ chân thành, hàm chứa những tình cảm thiêng liêng sâu sắc, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, lẽ sống cao đẹp, tình cảm hữu nghị và trách nhiệm cộng đồng của mỗi tập thể và cá nhân bạn bè quốc tế dành cho mảnh đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là nguồn tư liệu quý báu, là di sản văn hóa mãi mãi để lại trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam và cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Nhiều đoàn khách quốc tế đến thăm Đền Hùng đã để lại những dòng cảm tưởng sâu sắc. Ngài M. Giơri-gô-rôp, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Bungari viết: “Đền Hùng là nơi đặt nền móng đầu tiên của lịch sử Việt Nam”1.

Ngày 26/4/1977, đoàn chuyên gia Tổng cục kỹ thuật Trung Quốc viết: “Hai nước Trung – Việt là hai nước láng giềng anh em liền núi chung sông. Chúc tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung – Việt mãi mãi xanh tươi”.

Năm 1991, các bạn Liên Xô đến thăm Đền Hùng đã ghi lại: “Chúng tôi khi đến thăm khu di tích thiêng liêng này với sự khâm phục sâu sắc tình cảm và truyền thống của nhân dân Việt Nam. Chúng tôi cũng cảm phục ý thức nhớ Tổ tiên, sự hiểu biết lịch sử sâu sắc, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam muốn phát huy những truyền thống vẻ vang.

Chuyến thăm khu di tích này củng cố thêm tinh thần hữu nghị giữa hai nước Việt – Xô và tạo niềm tin tưởng rằng tình hữu nghị và sự hợp tác giữa chúng ta sẽ được củng cố. Ngày này sẽ mãi mãi trong tâm khảm của chúng tôi”. Giáo sư Tiến sĩ Bôruicôpxki (Liên Xô): “Tôi được đến đây thăm một di tích đặc biệt có ý nghĩa. Di tích cổ xưa của dân tộc Việt Nam anh hùng. Tôi rất lấy làm hài lòng vì di tích lịch sử này đã được bảo vệ một cách chu đáo…”2.

Ngài Ted Osins – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hoa Kỳ tại Việt Nam ngày 27/3/2017 đã viết: “Cảm ơn các bạn rất nhiều vì đã đưa chúng tôi đến thăm một nơi rất quan trọng trong lịch sử của Việt Nam – Nơi con rồng cháu tiên. Người Việt Nam có nền văn hóa giàu bản sắc truyền thống thơ ca, nghệ thuật và âm nhạc, nền văn hóa đó được thể hiện tại nơi đây:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”3.

Những người bạn Cu Ba thân thiết về thăm Đền Hùng đã viết: “Đến thăm di tích lịch sử này, một lần nữa chúng tôi được biết thêm lịch sử vẻ vang của Việt Nam. Bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, bốn nghìn năm đấu tranh anh dũng chống ngoại xâm, bốn nghìn năm lao động và sáng tạo xây dựng Việt Nam hôm nay thống nhất xã hội chủ nghĩa.

Khâm phục lịch sử Việt Nam cũng như khâm phục nhân dân Việt Nam, đoàn chuyên gia Cu Ba chúng tôi nói riêng và nhân dân Cu Ba nói chung sẽ ghi nhớ mãi câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”4.

Ngày 29/9/1979, thay mặt đoàn cán bộ Lào, ngài Ban Fim viết: “…đoàn cán bộ tổ chức của Đảng nhân dân Cách mạng Lào đang nghiên cứu học tập tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chúng tôi rất lấy làm vinh dự và cảm động khi đến thăm Đền Hùng Vương… một trong những di tích lịch sử của những bậc tiền bối với tinh thần anh dũng ngoan cường đấu tranh với ngoại xâm phong kiến Trung Quốc, là người đầu tiên dựng nước và giữ nước Việt Nam cách đây 4000 năm… anh dũng bất khuất. Thời đại ngày nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có công sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh đạo nhân dân Việt Nam chống đế quốc giành độc lập… Chứng tỏ tinh thần anh dũng bất khuất của nhân dân Việt Nam, là tấm gương sáng cho phong trào độc lập dân tộc của các nước, nhất là đối với nhân dân Lào chúng tôi”.

Ngày 19/4/1998, thay mặt Đoàn Nhà văn viết về Tình hữu nghị Việt Lào, Trưởng đoàn Nguyễn Văn Nghiệp viết: “Như cây có gốc, như nước có nguồn, mỗi dân tộc có lịch sử khai sinh dựng nước. Đất nước ta, kể từ trước khi Đức Phật Thích Ca và Đức chúa Giê Su ra đời đã có 18 triều đại Vua Hùng dựng nên nước Văn Lang, tên nước đầu tiên của nước Việt Nam chúng ta”.

Ngày 28/11/1998, thay mặt Đoàn đại biểu cấp cao Liên hiệp phụ nữ Lào, Bà Ôn-chăn-Thăm-Ma-Vông viết: “Đoàn đại biểu cấp cao Hội Liên hiệp phụ nữ Lào chúng tôi rất hân hạnh và là điềm tốt được đến thăm Bảo tàng Hùng Vương thiêng liêng… Thể hiện tính truyền thống di sản văn hóa quý giá của nhân dân Việt Nam anh hùng. Đoàn đại biểu cấp cao chúng tôi xin ghi lòng tạc dạ kính trọng và cầu mong cho những điều tâm linh thiêng liêng nhất hãy tạo cho tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Lào – Việt Nam đời đời bền vững, mãi mãi xanh tươi”.

Đến thăm Việt Nam lần đầu, đến thăm Đền Hùng đoàn đại biểu Cộng hòa dân chủ Đức đã viết: “Đền Hùng đã có một ý nghĩa rất lớn đối với việc hình thành và củng cố ý thức dân tộc của dân tộc Việt Nam”. Đoàn chuyên gia Triều Tiên viết: “Thông qua quá trình tham quan Đền Hùng, chúng tôi đã hiểu một cách cơ bản sinh hoạt và đấu tranh của nhân dân Việt Nam như thế nào? Bằng việc bảo quản tốt di tích lịch sử này, nó sẽ giúp cho việc giáo dục các thế hệ trẻ sau này của nhân dân Việt Nam”5. Ngài Kim-Sang-Ghun, Đại sứ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên: “Chúng tôi đến thăm viếng Đền Hùng với tình cảm sâu sắc. Đền Hùng nơi có lịch sử 4000 năm…”.

Ngày 13/12/1998, ngài AptabSeth, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ấn Độ tại Hà Nội: “Chuyến đi thăm Đền Hùng lần này tới 3 khu vực: Đền Hạ, đền Trung, Đền Thượng có thể coi là một trong những khu vực kiến trúc tuyệt vời nhất. Đến thăm Đền Hùng tức là bắt đầu hiểu được tình cảm tâm linh của dân tộc và bạn bè anh em của đất nước này. Đối với người Ấn Độ, Đền Hùng có nét gần gũi, tương đồng với truyền thống của mình. Tôi rất vui được hành hương tới Đền Hùng lần thứ hai”.

Tướng quân Ăng ghen Marin, Phó Thủ tướng nước Cộng hòa Bungari đã viết: “Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của các vị vua Hùng vĩ đại, người sáng lập ra quốc gia Việt Nam. Tại đây tôi đã được gặp lịch sử! Chúng tôi hiểu rằng không có nhà nước, không có văn hóa thì không có dân tộc. Tại đây tôi đã gặp được cả tương lai. Cảm ơn quá khứ đã cho chúng ta nhìn nhận và đón tương lai tốt hơn”. Thay mặt cho những người bạn đến từ Mêhicô, Ông Juliôvillaneava đã viết: “Khi được tham quan đất Tổ của dân tộc Việt Nam, người ta không thể không nghĩ đến sự dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng của đất nước – nơi đã sản sinh ra dân tộc này, điều đó thể hiện ở quyết tâm sắt đá của Việt Nam, trong sự nghiệp giữ nước bằng chính xương máu của mình ở tất cả các thời đại của cả quá trình lịch sử cho đến khi giành được nền dân tộc, tự do hoàn toàn của mình. Đó là điều đẹp đẽ nhất của một dân tộc để bắt đầu xây dựng một xã hội không còn chế độ người bóc lột người – một xã hội xã hội chủ nghĩa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Đối với tôi, đó là điều có ý nghĩa nhất”.

Tiến sĩ Răngtisccisita – Viện Hàn lâm Khoa học Tiệp Khắc: “Đây là nơi chúng tôi đã gặp gỡ lịch sử việt Nam với các truyền thống tuyệt vời”. Đoàn cán Bộ Campuchia viết: “Đền Hùng Vương là một di tích vô giá của nhân dân Việt Nam. Chúng tôi coi đây – Đền Hùng là biểu tượng của tổ tiên dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã có truyền thống dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm”. Đại sứ Vương quốc Thụy Điển viết: “…Ấn tượng to lớn gây cho chúng tôi chứng cứ của lịch sử ngàn năm của Việt Nam”. Tiến sĩ F. Rawngtisccisiita – Viện Hàn lâm Khoa học Tiệp Khắc: “…Đây là nơi chúng tôi đã gặp gỡ lịch sử Việt Nam và các truyền thống tuyệt vời…”.

Đoàn Đại sứ các nước: Campuchia, Bungari, BaLan, Thái Lan, Mông Cổ viết: “Chúng tôi rất phấn khởi và cảm ơn Cục đối ngoại, Bộ Công an và Bảo tàng Hùng Vương – Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã đón tiếp chúng tôi đến thăm Đền thờ các Vua Hùng nơi đất Tổ của người Việt Nam”…

Đối với đồng bào Việt Nam sống xa Tổ quốc, hình ảnh đất nước, tình cảm và trách nhiệm đối với dân tộc, tổ tiên nguồn cội luôn thường trực trong tâm trí của họ. Từ năm 1976, đoàn Việt kiều tại Pháp về thăm Tổ quốc đã viết: “Chim tìm tổ, người tìm tông, Việt kiều ở Pháp chúng tôi sau nhiều năm xa cách Tổ quốc nhưng vẫn luôn hướng về đất nước thân yêu. Chúng tôi đến Đền Hùng là tìm về cội nguồn dân tộc”. Ông Vũ Ngọc Sơn, Việt kiều cư trú tại Mỹ, khi trở về Đền Hùng có cảm nhận sâu sắc “Đến viếng Đền Hùng, chúng tôi như giọt máu trên đường trở về tim”.

Đền Hùng là một công trình kiến trúc lâu đời có giá trị văn hóa và lịch sử, Đền Hùng thiêng liêng không chỉ trong tình cảm của người Việt Nam mà trong tình cảm bạn bè quốc tế. Di tích quý báu này là biểu tượng của tổ tiên dân tộc Việt Nam, một dân tộc đã có truyền thống dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm, là biểu tượng của quá trình dựng nước và giữ nước hào hùng oanh liệt của cha ông ta. Đền Hùng và lễ hội Đền Hùng là biểu tượng văn hóa rực rỡ nhất có sức thu hút khách quốc tế tìm hiểu về con người Việt Nam và văn hóa lễ hội Việt Nam. Bạn bè quốc tế đến với lễ hội Đền Hùng được biết về cội nguồn, lịch sử của dân tộc Việt Nam, về giá trị văn hóa độc đáo từ lễ hội. Những lời ghi cảm tưởng được ghi lại của bạn bè quốc tế thể hiện lễ hội Đền Hùng không chỉ có sức hấp dẫn với cộng đồng người Việt mà còn có ý nghĩa đối với người nước ngoài. Qua lễ hội Đền Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, khách nước ngoài hiểu thêm về truyền thống lịch sử của dân tộc ta, về biểu tượng, về sự đoàn kết, về sức mạnh của khối đoàn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Từ đó họ khẳng định rằng, Việt Nam là một quốc gia độc lập sẽ phát triển lên một tầm cao mới như lời cầu chúc “nước Việt Nam luôn hòa bình và hướng tới tương lai tốt đẹp, xứng đáng với quá khứ đã qua của mình”. Những dòng cảm tưởng đó cũng là lời tri ân, động viên cổ vũ của bạn bè quốc tế, giúp chúng ta có thêm sức mạnh nội sinh và ý chí sắt đá phải thực hiện bằng được lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ:

“Các Vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Ghi ơn lời Bác dạy, các thế hệ người Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước, thương nòi, quyết tâm giữ gìn bờ cõi giang sơn đất nước, thái miếu tổ tiên, bảo vệ chủ quyền dân tộc và xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, xứng đáng với công lao to lớn của các Vua Hùng đã có công dựng nước.

Trần Thị Tuyết Mai

TS, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

 

Chú thích:

1,2. Vũ Kim Biên, Giới thiệu Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Phú Thọ xuất bản năm 2010, tr.64, 65.

3. Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử văn hóa đặc biệt Quốc gia Đền Hùng, Sổ vàng lưu niệm, Quyển năm 2017.

4,5. Lê Tượng – Phạm Hoàng Oanh, Đền Hùng di tích lịch sử văn hóa đặc biệt Quốc gia, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội. 2010, tr.129-131.

Video hay

Cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

Chung tay cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam chia sẻ khó khăn với bà con vùng bão lũ

Chung tay cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam chia sẻ khó khăn với bà con vùng bão lũ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc