Tiểu Thuyết Gia Lớn Nhất Văn Học Việt Nam Từ Trần

14:37 | 13/06/2021

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tiểu thuyết gia lớn nhất văn học Việt Nam hiện đại, sau một thời gian trọng bệnh vừa qua đời lúc 14h55 chiều nay, 12/6/2021, thọ 89 tuổi.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tiểu thuyết gia lớn nhất văn học Việt Nam hiện đại vừa mới qua đời.

Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933, quê ở Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội. Là con trai một gia đình danh gia vọng tộc, ông từng đỗ tú tài Toán thời Pháp, theo học Đại học Y Hà Nội đến năm 1952 thì ra chiến khu nhập ngũ vào một đơn vị pháo binh, được đưa về dạy học ở trường sĩ quan Lục quân rồi bắt đầu đời văn ở tạp chí Văn nghệ Quân đội với truyện ngắn “Một đêm” nổi tiếng.

Ông từng kể với tôi rằng, cái gốc trí thức thời Pháp rồi anh bộ đội cụ Hồ chả giúp được gì ông sau ngày hòa bình lập lại mà còn làm khổ ông thời Nhân văn Giai phẩm. Khi ấy, chàng bộ đội viết văn cùng lứa với Phùng Quán, Nguyên Ngọc, đàn em của những Trần Dần, Hoàng Cầm, Tử Phác… đã từng bị treo bút, đưa đi cải tạo làm lao công vệ sinh ở vườn hoa Pasteur Hà Nội. Sau gần chục năm lang thang cơ cực làm nhiều nghề để kiếm sống, năm 1966, ông mới về làm phóng viên báo Thiếu niên tiền phong rồi về hưu non năm 1973 để được tự do viết lách.
Nguyễn Xuân Khánh đã âm thầm viết tiểu thuyết từ cuối những năm 1950 nhưng phải đến thời đổi mới năm 1985 ông mới được nhà xuất bản Đà Nẵng liều in cuốn tiểu thuyết đầu tiên là “Miền hoang tưởng” để bị đánh tơi tả. Tiểu thuyết “Trư cuồng” mãi năm 2005 mới xuất bản nhưng cũng đã được Nguyễn Xuân Khánh hoàn thành từ những năm 1960. Từ năm 2000 đến 2016, từ năm 68 tuổi đến năm 84 tuổi, Nguyễn Xuân Khánh đã liên tiếp cho ra đời 4 tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” (2000),  “Mẫu Thượng ngàn” (2006), “Đội gạo lên chùa” (2011), “Chuyện ngõ nghèo” (sữa chữa bổ sung “Trư cuồng”, 2016) làm ngây ngất giới văn chương và đông đảo bạn đọc.
Với 6 cuốn tiểu thuyết rất độc đáo hấp dẫn, có chiều sâu văn hóa và tư tưởng nhân văn Việt về lịch sử, đời sống đất nước và thân phận con người, nhất là bộ ba “Hồ Quý Ly”, “Mẫu Thượng Ngàn”, “Đội gạo lên chùa” liên tục được tái bản đến trên dưới chục lần sau khi ra đời, dư luận coi Nguyễn Xuân Khánh là nhà tiểu thuyết lớn nhất và có ảnh hưởng sâu rộng nhất trong văn học Việt Nam hiện đại.
Đó là chưa kể ông còn là tác giả của ba tập truyện ngắn rất hay là “Rừng sâu” (1963), “Hai đứa trẻ và con chó Mèo xóm núi” (2002) và “Mưa quê” (2003) và là dịch giả của hàng chục tiểu thuyết và sách lý luận văn hóa nổi tiếng của thế giới.
Không chỉ là nhà văn lớn, con người gốc Hà Nội đến tuổi 80 vẫn mảnh khảnh thư sinh, với khuôn mặt có chiếc răng khểnh tinh nghịch thoáng nụ cười kiêu ngầm đáng yêu ấy chắc chắn còn là một nhân cách kẻ sĩ đáng kính. Trọn đời ông sống thanh bần an vui bằng ngòi bút, uyên bác mà gần gũi, liên tài cùng các nhà văn cùng thế hệ và các nhà văn trẻ, đặc biệt khinh ghét những kẻ cơ hội, giả dối, trục lợi bằng văn chương. Không gì có thể bẻ cong ngòi bút của Nguyễn Xuân Khánh được, dù là cường quyền, danh vọng hay tiền bạc.
Ông như một hiền sĩ xưa còn sót lại thời nay, ung dung tự tại sống ẩn dật trong một căn nhà nhỏ ở một ngõ nhỏ trên con đường nhộn nhịp bậc nhất Hà Nội, đường Trần Khát Chân.
Tôi may mắn được nhiều lần gặp ông trong hai năm 2011, 2012, khi tổ chức hội thảo về nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu. Tôi vinh dự được ông tặng bộ ba “Hồ Quý Ly”, “Mẫu Thượng Ngàn”, “Đội gạo lên chùa” dù tôi nói đã mua đủ các sách của ông. Khi tôi nói về Nguyễn Diêu, ông đã nhớ ngay những ấn tượng khó quên mà ông xem trích đoạn tuồng “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” những năm 1960. Và với kiến thức uyên bác đông tây kim cổ của mình, ông đã viết bản tham luận mang tên “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo – một vở kịch lớn về khát vọng làm người”. Bản tham luận đó của Nguyễn Xuân Khánh cùng tham luận của nhà văn Hoàng Quốc Hải về một kiệt tác khác của Nguyễn Diêu là “Ngũ hổ bình Liêu” đã góp phần rất quan trọng cho việc đánh giá đúng tầm vóc Nguyễn Diêu trong sân khấu và văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Giới sân khấu truyền thống rất biết ơn và không quên hình ảnh lồng lộng của ông trên diễn đàn hội thảo ở Quy Nhơn năm 2012.
Và Nhân dân, Đất nước sẽ nhớ mãi ông không chỉ là một tiểu thuyết gia lớn, một nhân cách lớn mà còn là một nhà văn hóa lớn – Nguyễn Xuân Khánh.
Nhà báo Nguyễn Thế Khoa

Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Hà Tĩnh: Nhiều dấu hiệu sai phạm tại di tích văn hóa Truông Bát

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám