“Tiền để làm gì, tiền nhiều để làm gì, để hôm nay ngồi (ở đây) như thế này?”, đại gia thốt lên tại phiên tòa xét xử ly hôn, phân chia/tranh chấp tài sản.
Giành phần vợ, chồng, con cái ai nhiều, ai ít. Phần trăm và những chục tỷ, trăm tỷ. Ai điên ai tỉnh, ai phụ bạc ai… À, màn tranh cãi gay gắt về tiền/tình khá riêng tư, tế nhị và cũng chả hay ho gì báo chí lại được phép khai thác thoải mái thế nhỉ?! Chắc thân chủ đồng tình. Chứ ở Tây, những phiên thế này báo chí đừng hòng mon men.
Ừ, thì tiền mua được bình an. Như ông nọ mang thiếu 50 ngàn đồng, bị người của một ngôi chùa lớn ở Hà Nội từ chối giải hạn, vậy là đã thiếu “bình an” rồi. Ít nhất cho đến khi chạy ra ATM ngoài đường rút nộp đủ tiền cho nhà chùa.
Dâng sao, giải hạn, cầu an món nào ra món ấy, giá cả răm rắp như nhà hàng quán nhậu. Người nào trót mang sao xấu bèn tìm cách chồng thêm tiền cho…yên tâm! Năm nào cũng vậy, cả biển người đội sớ ngồi tràn hết ra đường. Bảo không có tiền bình an sao được.
Giáo lý nhà Phật với chữ “Không” vĩ đại. Giờ chùa chiền nhiều nơi chắc phải sắm thật nhiều két sắt mới đủ chỗ cất tiền. Niết bàn, thiên đường có ngân hàng, két sắt không?
Chuck Feeney – tỷ phú Mỹ trả lời “Thượng đế không có ngân hàng”. Vị tỷ phú tuổi đã ngoài 80 này cùng vợ ở nhà thuê, đi xe bus, đeo trên tay chiếc đồng hồ 15 đô la. Chỉ hơi khác một chút: tỷ phú “nghèo” ấy đến nay đã dùng hơn 8 tỷ đô la kiếm được để chu cấp, hỗ trợ cho các hoạt động giáo dục đại học, y tế công cộng, nhân quyền, nghiên cứu khoa học vì con người…
Tiền nhiều, để “mua” được điều tốt đẹp như vậy! Mà thực ra ít tiền, thậm chí không có tiền, vẫn có thể sống và làm được những việc thiện lương vì người khác. Thế giới đã và đang có rất nhiều những “tỷ phú nghèo” như Chuck Feeney, dâng hiến toàn bộ tài sản khổng lồ một đời kiếm được cho cộng đồng. Và cũng có vô vàn những con người thực sự trắng tay nhưng bằng sự sống và cả cái chết của mình vẫn đem lại được bình an cho người khác.
Nhân mùa lễ lạt, nói thêm về tiền và chùa. Tiền chùa có được đưa vào “nền kinh tế chưa được quan sát” đang là mốt bàn tán hiện nay không? Giáo hội Phật giáo vừa yêu cầu các chùa không dâng sao giải hạn để trục lợi. Nhưng chắc cũng “đá ném ao bèo”, khi nền kinh tế tâm linh đang ngày một nở rộ cả về số lượng lẫn quy mô. Mà mấu chốt nhất vẫn là ngày càng có nhiều người mong dùng tiền để “mua” sự bình an, giữa thời thế quá nhiều bất an. Và con đường “ngắn nhất” vẫn là đình chùa, miếu mạo. Dẫn đến việc người ta giành giật nhau “miếng đỉnh chung” cả ở nơi cửa Phật lẫn mọi chốn tôn nghiêm.
“Ai rồi cũng già và chết. Tiền và quyền cũng không để làm gì”. Đại gia đúc kết, chắc không chỉ cho riêng mình.
Theo Tienphong