TIỄN BIỆT ANH BẰNG LỜI BẢN TÌNH CA

20:03 | 31/03/2025

Nhà văn Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, là người thân thiết với vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang cả trong kháng chiến chống Mỹ và những ngày hòa bình sau này. Sự ra đi bất ngờ của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ làm anh sững sờ và thức dậy bao kỷ niệm trong anh về anh chị. Anh đã viết một bài tiễn biệt nhạc sĩ Lư Nhất Vũ rất chân tình và xúc động. VHVN xin giới thiệu bài viết đầy tình nghĩa này cùng bạn đọc.

Nhận được tin qua đài, qua báo, nhạc sỹ Lư Nhất Vũ đã ra đi nơi thành phố mang tên Bác Hồ vào một sáng đẹp trời tháng Ba của năm kỷ niệm 50 năm Tổ quốc Viết nam thống nhất. Tôi thoáng ước ao, ai rồi cũng đến ngày đi về miền trời xanh mây trắng, nhưng giá như anh được lưu lại nơi này qua ngày 30 tháng Tư năm nay, biết đâu anh lại sẽ dâng cho đời thêm một bản tình ca.

Từ trong sâu thẳm con tim, tôi cảm thấy sững sờ và những kỷ niệm, những tình cảm nhớ, yêu, kính trọng mà bấy lâu tôi luôn dành cho anh bỗng ùa về, thức dậy, tựa như trong trái tim mình những kỷ niệm về anh và cùng với anh, là nhà thơ Lê Giang, người bạn đời mà ngoài hai chữ tuyệt vời tôi không tìm được một từ nào hơn để nói, vốn luôn có một ô, một ngăn ở vị trí rất đẹp trong trái tim tôi. Và tôi rất muốn thầm gọi “Anh Vũ ơi, anh Vũ…”.

Vợ chồng nhà văn Phạm Quang Nghị và nhạc sĩ Lư Nhất Vũ.

Từ Hà Nội tôi gọi điện thăm hỏi, chia buồn, trước những mất mát không gì bù đắp được của chị Năm Lê Giang. Nhưng người cầm máy lại là con chứ không phải chị. Sự ra đi của anh Lư Nhất Vũ là cú sốc lớn đến mức trong lúc mọi người đang tới viếng anh ở nhà tang lễ mà các con của anh chị còn chưa dám cho chị Năm biết tin anh Zũ – tên gọi thân thương chị gọi anh thường ngày – đã vĩnh biệt chị ra đi.

Nhạc sỹ Lư Nhất Vũ lên đường vào chiến trường miền Nam tháng 4 năm 1970 trước lớp viết văn trẻ Khóa IV Hội nhà văn chúng tôi vừa đúng một năm. Ngày tôi vào tới Ban Tuyên huấn Trung ương cục, và sau đấy là về Tiểu Ban văn nghệ (B2) tôi và anh chị cùng ở chung “một B”- tên viết tắt các Tiểu ban trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương cục. Lán của tôi và của anh chị ở sát bên nhau. Gần đến mức đêm đêm tôi nghe được cả tiếng sột soạt rà tìm Đài tiếng nói Việt Nam để nghe mục Tiếng thơ và đọc truyện đêm khuya của anh chị.

Vợ chồng nhà văn Phạm Quang Nghị, GS Phan Xuân Biên đến thăm nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, đồng đội đàn anh trong kháng chiến chống Mỹ.

Khác với đa số anh em chúng tôi, anh Lư Nhất Vũ lên đường vượt Trường Sơn trở về quê hương, cùng với ba lô và súng đạn, anh đã có những hành trang mang theo là những ca khúc được phát trên đài phát thanh, được cả một thế hệ người yêu thích. Đấy là những ca khúc đã sống cùng năm tháng: Gửi Bến Tre, Gửi em gái giao liên Đồng tháp…Và nổi tiếng hơn cả là bài ca Cô gái Sài Gòn đi tải đạn. Với những lời ca rạo rực lòng người: “Chị em ơi, niềm tin thắng lợi thôi thúc ta lên đường. Kìa hỏa tuyến đang chờ ta”. Tôi muốn nhắc riêng bài hát nổi tiếng này của nhạc sỹ Lư Nhất Vũ, bởi bài ca này là sự bắt đầu của một bản tình ca tuyệt đẹp. Đẹp một cách hiếm có trên đời.

Sau khi tôi được phân công về Tiểu Ban văn nghệ, cùng cơ quan với những tên tuổi tôi vô cùng ngưỡng mộ: Anh Đức, Ngô Y Linh, Diệp Minh Tuyền, Phạm Minh Tuấn…Lúc bấy giờ những bạn bè Lê Quang Trang, Đỗ Nam Cao, Trần Thị Thắng, Hà Phương, Vũ Ân Thy… cũng như tôi, vừa chân ướt chân ráo đặt chân tới chiến trường. Trong ba lô mỗi người chỉ có những trang nhật ký Trường Sơn hoặc năm ba câu thơ chưa đọc cho ai nghe bao giờ. Thì lúc ấy, nhạc sỹ Lư Nhất Vũ đã có một chùm bài ca rất nổi tiếng. Nổi tiếng đến mức có lần tôi nghe chị Lê Giang kể, khi nghe mọi người trong cơ quan nói có một đoàn các văn nghệ sỹ mới từ miền Bắc vào, trong số đó có tác giả bài hát Cô gái Sài Gòn đi tải đạn thì chị tức tốc băng rừng tìm đến chỗ các anh đang còn đang mắc võng ở tập trung trong lán, trong rừng để được nhìn mặt tác giả “xem ảnh là người thế nào mà làm bài ca hay thế”.  

Chị kể thêm, lúc gặp, nhìn thấy ảnh ốm nhom ốm nhách (vừa đi qua Trường Sơn ai mà không sốt rét, không ốm, không bệnh). Mến vì tài, thương vì thấy anh ốm yếu, chị đã cố hết lòng chăm sóc, có được chút gì bồi bổ chị đều dành cho anh. Và câu chuyện từ yêu bài ca đến yêu tác giả bắt đầu như thế…

Những ngày sống ở căn cứ R, lớp trẻ chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ không chỉ là những sáng tác, sự làm việc chuyên cần, tinh thần lạc quan của hai anh chị mà có lẽ còn ngưỡng mộ hơn là mối tình của anh chị. Là người ở gần, tôi và chị Năm Lê Giang lại cùng làm trong Ban biên tập tạp chí Sinh hoạt văn nghệ, tôi cũng không biết được trong tình yêu thương của hai người, sẽ thật khó biết được ai dành cho ai nhiều hơn. Ngày ấy ở rừng có những hôm cơ quan tổ chức thi đá bóng giữa các B. Những hình ảnh chị chăm sóc anh thật vô cùng ấn tượng. Giờ nghỉ giữa hai hiệp, cầu thủ hai đội chưa kịp ra tới đường biên, chị Năm Lê Giang đã chạy ào vào sân, cầm tay dắt anh Vũ ra ngoài để chị lau mồ hôi cho anh. Liệu có hình ảnh nào của những cặp đôi yêu thương đẹp hơn thế? Tình yêu như thế đúng là chỉ có ở anh chị mà thôi. Mà lại là hình ảnh diễn ra ở căn cứ, ở rừng – nơi ấy là sân bóng đá ở Trảng cố vấn. Một địa danh lịch sử, nằm sát đường biên giới Việt Nam – Căm pu chia. Và rồi tình yêu của anh chị đã luôn đồng hành cùng những bài ca, những vần thơ, những công trình nghiên cứu về dân ca phương Nam sẽ sống mãi cùng năm tháng.

Vào những tháng năm thật đẹp, dù tuổi anh chị đều đã lớn, bài thơ của nhà thơ Lê Giang được nhạc sỹ Lư Nhất Vũ phổ thành ca khúc bất tử “Bài tình ca đất phương Nam”: Dẫu trải qua thăng trầm dông tố, qua bao cuộc bể dâu. Mãi dâng cho đời bài tình ca đất phương Nam…

Bà Phạm Thị Tính, vợ nhà văn Phạm Quang Nghị với nhà thơ  Lê Giang.

Nhạc sỹ Lư Nhất Vũ cùng với người bạn đời của mình đã hiến dâng cho đời một bản tình ca thật tuyệt vời. Bản tình ca ấy, phải chăng chính là bản sao mối tình cũng vô cùng tuyệt vời của hai anh chị, “dẫu trải qua thăng trầm giông tố, qua bao cuộc bể dâu…”. Bài ca ấy, mối tình riêng quyện trong tình yêu lớn dành cho giang sơn, Tổ quốc “mãi dâng cho đời bài tình ca” mà bằng ngôn từ tôi chỉ biết gọi bằng hai chữ tuyệt vời.

Vừa mới hôm nào tôi ngồi bên anh chị, trong căn nhà lộng gió bên sông Sài Gòn, cùng ôn lại biết bao là kỷ niệm chưa xa lắm. Chị đang bị đau chân nên ngồi trong phòng, còn anh tiếp bọn tôi ngoài hiên. Vậy mà hôm nay anh đã đi xa. Anh chia tay bạn bè, đồng chí, người thân. Lúc này tôi bỗng như lại đang nghe tiếng anh chị thì thầm trong đêm khuya dưới mái lán lợp lá trung quân trong rừng B2 – Tiểu ban Văn nghệ R, để cùng nghe tiếng radio từ chiếc lán của anh chị vọng sang những bài hát, những tiếng thơ, trong đó có những nốt nhạc vút bay cao mang tên tác giả Lư Nhất Vũ.

Xin được mượn lời bài ca của anh để tiễn anh về miền trời xanh mây trắng bên dòng Cửu Long Giang!

    Phạm Quang Nghị


Cùng chuyên mục

CĂN CƯỚC VIỆT CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ MANG QUỐC TỊCH ÚC “BÙI MAI HẠNH” TRONG TẬP THƠ “NGƯỜI HÁT”

CĂN CƯỚC VIỆT CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ MANG QUỐC TỊCH ÚC “BÙI MAI HẠNH” TRONG TẬP THƠ “NGƯỜI HÁT”

Triển lãm mỹ thuật Đà Nẵng gấm hoa

Triển lãm mỹ thuật Đà Nẵng gấm hoa

RA MẮT VÀ TOẠ ĐÀM TUYỂN TẬP ÂM NHẠC PHẬT GIÁO HẢI TRIỀU ÂM

RA MẮT VÀ TOẠ ĐÀM TUYỂN TẬP ÂM NHẠC PHẬT GIÁO HẢI TRIỀU ÂM

Xây dựng hình tượng về vị Bí thư Thành ủy đầu tiên của Hà Nội trong nhạc kịch Lửa Từ Đất

Xây dựng hình tượng về vị Bí thư Thành ủy đầu tiên của Hà Nội trong nhạc kịch Lửa Từ Đất

Nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng: Người viết nhạc cho tuổi thơ đã về cõi vĩnh hằng

Nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng: Người viết nhạc cho tuổi thơ đã về cõi vĩnh hằng

Phác thảo chân dung Đại thi hào Nguyễn Du

Phác thảo chân dung Đại thi hào Nguyễn Du

Nghệ sĩ Phan Huấn: 90 mùa xuân song hành cùng âm nhạc     

Nghệ sĩ Phan Huấn: 90 mùa xuân song hành cùng âm nhạc     

Ngôn ngữ mỹ thuật của chữ

Ngôn ngữ mỹ thuật của chữ

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Nhà văn hoá lớn Nguyễn Đình Thi (20/12/1924-20/12/2024)

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Nhà văn hoá lớn Nguyễn Đình Thi (20/12/1924-20/12/2024)