Lý luận, phê bình sân khấu – là một chuyên ngành khoa học mang trong mình cả lý luận lẫn phê bình. Tức là, phê bình bằng lý luận và lý luận để phê bình. Lý luận – là kết quả của quá trình mà con người đúc kết ra kinh nghiệm sáng tạo nghệ thuật sân khấu, mang tri thức khách quan về những quy luật vận động, phát triển của hiện thực nghệ thuật sân khấu. Còn phê bình – là sự thẩm định, đánh giá, giải thích, phát hiện, định hướng những giá trị sáng tạo của một tác phẩm, một tác giả, một giai đoạn, một khuynh hướng, một trào lưu cụ thể. Nó thuộc về tư duy lô gic mang nội dung “đàm luận” nhằm phát triển sự sáng tạo không ngừng.
Lý luận, phê bình sân khấu là con đẻ của nghệ thuật sân khấu. Vì không có nghệ thuật sân khấu thì không có lý luận, phê bình sân khấu. Chúng là anh em ruột thịt trong đại gia đình nghệ thuật sân khấu. Vị trí của nó luôn luôn được bình đẳng với tác giả, đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ, họa sĩ, biên đạo múa và khán giả của nghệ thuật sân khấu. Nó không bao giờ được đứng cao hơn hay thấp hơn, mà ngang hàng với tập thể để cùng có nghĩa vụ “sinh tử, vui buồn” trong nghệ thuật sân khấu. Vì vậy, đã có người ví von, coi nhà lý luận phê bình sân khấu là bác sĩ của sân khấu. Nền nghệ thuật sân khấu nào thiếu hoặc yếu “bác sĩ” ấy, thì nền nghệ thuật sân khấu sẽ có hậu quả “khuyết tật”, còm cõi, bệnh tật, thiếu hoàn thiện và chết yểu.
Lý luận, phê bình sân khấu – là một chuyên ngành đặc biệt. Đặc biệt vì nó mang trong mình cả tư duy hình tượng lẫn tư duy lôgic. Nếu không có khả năng tư duy hình tượng thì nhà lý luận, phê bình sân khấu sẽ thấu hiểu, đồng hành làm sao với sáng tạo của các nghệ sĩ, để rút ra những quy luật khách quan thuyết phục nghệ sĩ. Cho nên, nhà lý luận, phê bình sân khấu cũng là “nghệ sĩ” như mọi nghệ sĩ, để có tiếng nói của nghệ sĩ bằng tư duy lôgic trong các hình tượng nghệ thuật sân khấu.
Lý luận, phê bình sân khấu là một chuyên ngành đặc biệt, nhưng bao giờ được thể hiện bằng những cá nhân cụ thể trong thế giới của loại hình tổng hợp, nên đòi hỏi mỗi cá nhân lý luận, phê bình sân khấu phải có năng khiếu bẩm sinh nổi trội. Đó là phải có năng lực, biết phát hiện vấn đề, biết phản biện vấn đề và biết lý giải vấn đề đầy thuyết phục cho nghệ sĩ. Năng khiếu bẩm sinh của nhà lý luận, phê bình sân khấu không chỉ ở khả năng phát hiện, phản biện, lý giải, mà còn cả tính trung thực nữa. Tính trung thực này đòi hỏi nhà lý luận, phê bình sân khấu không biết cong lưng, uốn gối, khuất phục trước cường quyền, tiền bạc để nói “nửa sự thật” làm vừa lòng nghệ sĩ non kém, tầm thường. Bởi vì, họ nói “nửa sự thật” là tự hủy diệt chính mình.
Mặt khác, vốn sân khấu là loại hình tổng hợp, nên nhà lý luận, phê bình sân khấu cũng phải có tri thức tổng hợp về văn hóa, lịch sử, văn học, triết học, chính trị học, xã hội học và sân khấu học v.v… để có bản lĩnh đánh giá, bình phẩm, định hướng những sáng tạo của các nghệ sĩ. Nếu không có bản lĩnh này thì làm sao nhà lý luận, phê bình sân khấu phát hiện được nhân vật Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV lại nhầm lẫn đọc thơ của thi sĩ hiện đại thế kỷ XX; bà Trưng Trắc ở thế kỷ I sau Công nguyên lại đội trên đầu chiếc mũ Nam Phương Hoàng hậu ở thế kỷ XX? Bản lĩnh “nói có sách, mách có chứng” với thái độ trung thực, chân tình nên các nghệ sĩ đã nghe theo, sửa theo “đàm luận” của nhà lý luận, phê bình sân khấu một cách “tâm phục, khẩu phục” ở thực tiễn sân khấu Việt Nam đó sao?
Ngành lý luận, phê bình sân khấu là ngành khó và trở thành một nhà lý luận, phê bình sân khấu lại càng khó hơn. Nghệ thuật sân khấu hôm nay và mai sau không thể không có lý luận, phê bình sân khấu và thiếu lý luận, phê bình sân khấu – là một khiếm khuyết lớn của tất cả những ai tạo nên nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam.
PGS Tất Thắng tặng nhà nghiên cứu Mịch Quang câu đối “Mịch thế giới tinh hoa/Quang dân tộc bản sắc”.
Ở Việt Nam, ngành lý luận, phê bình sân khấu chưa có truyền thống. Sự hiện diện của nó, hôm nay cũng không thể gọi là chuyên nghiệp hoàn toàn và còn rất non trẻ. Nó mang tính phong trào, tự do, cảm hứng, có cũng tốt, không có cũng chẳng sao. Những ai đã được gọi là “nhà lý luận, phê bình” thì cũng nhận thấy mình chưa xứng đáng với danh hiệu đó. Vì họ chưa bao giờ coi phê bình sân khấu là nghề nghiệp sống còn của mình. Bài viết của họ có công phu đến mấy, đăng trên báo thì cũng chỉ được ít tiền nhuận bút, không tương xứng với giá trị của cái “đầu vào”. Cho nên, có thể nói, một nhà lý luận, phê bình tài năng dù phải làm việc cật lực suốt đời, thì cũng không thể thu được số tiền nhuận bút bằng một tác giả bình thường trong một vở diễn bình thường. Do đó, nhiều người được đào tạo làm nghề lý luận, phê bình sân khấu hoặc đã từng có tiếng tăm một thời, thì sớm muộn cũng phải “chạy làng” sang những ngành khác để tồn tại như dạy học, sáng tác, đạo diễn và đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Họ thường than thở với nhau: vào nghề thì muộn, nhưng ra đời lại quá sớm. Vì ai được đào tạo làm nghề lý luận, phê bình sân khấu cũng đã phải kinh qua thực tiễn sân khấu trên dưới 10 năm. Tốt nghiệp ra trường thì tuổi đời cũng ngót ngét 40 xuân. Nhưng đời lại chưa trọng, ngành sân khấu lại chưa cần và anh em nghệ sĩ cũng chẳng ưa gì! Mặt khác, các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ hầu như chưa bao giờ coi nhà lý luận, phê bình sân khấu là thành viên thân thiết của mình trong sáng tạo. Họ có thể lao đi tìm tác giả, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ, múa sĩ và các nhà chính trị sĩ để xây dựng tiết mục mới, còn nhà lý luận phê bình thì không cần. Họ cho rằng nhà lý luận, phê bình đến chỉ thêm rắc rối, phiền toái.
Tuy vậy, nhiều nhà lý luận, phê bình sân khấu, một mặt vì yêu nghề, mặt khác vì trọng bạn, nên đã sẵn sàng bỏ tiền lương ít ỏi của mình ra mua vé để xem và viết rất thành tâm, công phu. Chẳng may bài viết chê nhiều, khen ít, dù có thực lòng thì nhà lý luận, phê bình vẫn bị các bạn nghệ sĩ chê trách, cô lập và xếp vào “dân tộc Choang” coi như kẻ thù! Đúng, lương thấp, nhuận bút ít, làm việc tận tụy để được “cái ghét”, thì đành… thượng sách phải “chạy làng” hoặc hạ sách là “uốn bút”…
Khi các nhà lý luận, phê bình có tay nghề rời khỏi văn đàn, thì hàng loạt những cây bút “trái tay” xuất PGS Tất Thắng tặng nhà nghiên cứu Mịch Quang câu đối “Mịch thế giới tinh hoa/Quang dân tộc bản sắc”. VĂN HIẾN VIỆT NAM – SỐ 5+6 (352+353) 2024 71 hiện. Họ là nhà báo, họa sĩ, thi sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ, diễn viên… tung hoành những quan điểm, ý kiến của mình tràn lan trên các mặt báo. Bài của họ, trước hết, rất đáng hoan nghênh, có những giá trị nhất định và mang ý nghĩa của tiếng nói công chúng khán giả. Nhưng, suy cho cùng, tiếng nói của họ chưa thể trở thành ý kiến “chính thống”, vì những bài viết còn mang nhiều cảm tính, thiếu khoa học của đôi mắt nhà nghề. Ở họ có chung một hình thức tường thuật cốt truyện, giới thiệu qua về tác giả, đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ, họa sĩ… rồi khen chê vài lời rất chung chung để vừa lòng đơn vị nghệ thuật. Bài của họ mang tính “thông báo”, chứ chưa phải mang nội dung phê bình sân khấu sâu sắc. Vì vậy, những ai muốn nghiên cứu về vở diễn, về nhà hát hay chân dung nghệ sĩ, tác giả, đạo diễn hoặc sự phát triển nghệ thuật của một giai đoạn, một khuynh hướng của một nhà hát, một nền nghệ thuật sân khấu nào đó, qua những bài báo của họ, thì hoàn toàn bất lực.
Hơn nữa, trong số họ, đã không ít các bài báo mang nội dung sai lệch: cái đáng khen lại chê, cái đáng chê lại cổ vũ, làm nhiễu loạn giá trị của tác phẩm trong khán giả. Đặc biệt, lý luận, phê bình ở các đơn vị nghệ thuật địa phương hoàn toàn bị lãng quên, bỏ trống và nếu có thì bị méo mó, sai sự thật rất đáng tiếc.
Tóm lại, thực trạng của lý luận, phê bình sân khấu Việt Nam hôm nay, như Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) đã chỉ rõ: “Hoạt động lý luận văn học, nghệ thuật còn lạc hậu nhiều mặt, chưa giải đáp được nhiều vấn đề của đời sống, còn xa rời thực tiễn sáng tác, có biểu hiện sơ cứng, kém năng động, giảm sút tác dụng tích cực đối với sáng tác… Hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật có biểu hiện tụt hậu so với yêu cầu, thực hiện chưa tốt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống tiêu chí tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm, văn hóa phê bình bị hạ thấp…”.
Lý luận, phê bình sân khấu Việt Nam được xuất hiện trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Nguồn đào tạo chính cho đội ngũ lý luận, phê bình sân khấu là do Liên Xô, Trung Quốc, trường Đại học Tổng hợp Văn (nay là trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) và Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Đội ngũ này đã được phát huy rực rỡ khi nền sân khấu cách mạng phát triển cực thịnh, tạo ra được vị thế của lý luận, phê bình sân khấu Việt Nam rất đáng tự hào. Nhưng, từ khi đất nước thống nhất đến nay, nền sân khấu cách mạng ngày càng xuống cấp, đã kéo theo lý luận, phê bình sân khấu tụt hậu thảm hại. Hiện nay, nguồn nhân lực cũ đã cạn kiệt (đã ra đi vào cõi vĩnh hằng hoặc già yếu, ốm đau, bệnh tật) và nguồn lực mới hầu như không có (trường ngót 20 năm trở lại đây không mở được lớp vì không có thí sinh đăng ký thi tuyển đầu vào; trong các mã ngành cử đi đào tạo nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, không có mã ngành lý luận, phê bình sân khấu), làm cho cơ nghiệp ngành lý luận, phê bình sân khấu Việt Nam trở nên ảm đạm muôn phần.
Nguyên nhân cơ bản của thực trạng này, trước hết, lý luận, phê bình sân khấu đã đối lập với văn hóa truyền thống Việt Nam là văn hóa duy tình với phương châm đạo đức: “chín bỏ làm mười”, “dĩ hòa vi quý”, “một trăm cái lý không bằng một tý cái tình”, nhiều khi còn cao hơn cả luật pháp Nhà nước. Và hầu như con người Việt Nam thích được khen hơn là bị chê. Phần lớn các nghệ sĩ đều quan niệm phê bình là chê, phê, choang, đánh… nên họ xa cách nhà phê bình, ghét nhà phê bình, “cách ly” nhà phê bình, làm nhà phê bình “cô đơn” trong nghệ thuật sân khấu của mình. Mặt khác, khi cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế được diễn ra, giá trị đồng tiền được đề cao, mọi hoạt động xã hội thành hàng hóa, thì những người làm lý luận, phê bình sân khấu đã không có một hệ thống giá trị thẩm mỹ chuẩn để làm điểm tựa cho ngòi bút của mình, cho nên, nhìn lên thì chẳng thấy ai giúp đỡ, nhìn xuống cũng chẳng có ai theo mình, khi sân khấu cần “thương mại”, cần “thượng đế” chứ chẳng cần lý luận, phê bình cho ai làm gì!
Vở “Đêm trắng” của Nhà hát Kịch VN.
Lý luận, phê bình sân khấu, theo như Belinski, là “mỹ học vận động”, là “ý thức triết học” và theo Nguyễn Khoa Điềm là “ngọn roi” phản kích âm mưu, ý đồ đen tối của kẻ địch trong lĩnh vực văn nghệ. Tất cả đều đúng và thực trạng của lý luận, phê bình sân khấu Việt Nam đang khủng hoảng trầm trọng cũng là sự thật. Giải pháp nào cần được đặt ra cho thực trạng này? Theo tôi, không có ai ngoài Đảng và Nhà nước kính yêu của chúng ta. Và sự thực, thực trạng này Đảng và Nhà nước đã biết, đã đề cập trong Nghị quyết TW 5 (khóa VIII), Nghị quyết 23- NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa X), Nghị quyết 33 của Hội nghị Trung ương 9 (Khóa XI)… và nhiều hội thảo khoa học của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cũng như các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành ở Việt Nam những năm gần đây. Do đó, chắc rằng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV sắp tới của Đảng sẽ có những quyết sách mới ra đời, hữu ích. Và thiết nghĩ, giải pháp trước hết là phải phục hưng nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam đang khủng hoảng trầm trọng được đặt lên hàng đầu (vì lý luận, phê bình sân khấu là con đẻ của nền sân khấu, mẹ không khỏe thì con sẽ ốm yếu), đồng thời phải xây dựng được hệ giá trị thẩm mỹ của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 rõ ràng làm điểm tựa cho lý luận, phê bình sân khấu và tạo ra môi trường bền vững cho hoạt động lý luận, phê bình sân khấu Việt Nam.
Trong thời gian chờ đợi Đại hội Đảng lần thứ XIV, ngay bây giờ Nhà nước cần khắc phục “bệnh ỳ” triển khai các Nghị quyết về văn học nghệ thuật của Đảng vào thực tiễn. Vì 50 năm qua, theo tôi, thực trạng khủng hoảng của lý luận, phê bình sân khấu vẫn không có gì chuyển biến cả. Cái gốc của khủng hoảng ấy, trước đây Đảng, Nhà nước đã đào tạo nhiều nhà lý luận, phê bình sân khấu cả ở trong nước và nước ngoài. Nhưng, khi họ tốt nghiệp “nghề lý luận, phê bình” thì Đảng, Nhà nước lại không trọng dụng họ làm chính nghề của mình, mà chuyển sang làm nghề khác: quản lý, nghiên cứu, giảng dạy, tác giả, theo chức năng, nhiệm vụ trái với bằng cấp vốn được đào tạo. Ở Việt Nam hiện nay, không có một tổ chức, cơ quan Nhà nước nào làm chức năng “phê bình sân khấu”. Ngay ở Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam có một Ban Lý luận, Phê bình sân khấu (không lương), nhưng lại mang chức năng: tư vấn cho Ban Chấp hành Hội về thực hiện Điều lệ Hội. Ngay Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương cũng chỉ là cơ quan mang chức năng: Hội chính trị nghề nghiệp xã hội – tư vấn cho Ban Tuyên giáo Trung ương, chứ không mang chức năng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật
Đảng, Nhà nước đã nhận thức đúng vai trò quan trọng của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng từ lâu, đã ra nhiều nghị quyết đúng đắn, đầy đủ từ các đại hội Đảng đến các cấp và Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cũng mở nhiều hội thảo khoa học với những giải pháp hay, biện pháp đúng. Hội thảo dịp này chắc không có gì mới hơn so với các hội thảo trước. Đối với tôi, chỉ mong ngày tháng tới, Nhà nước hãy chọn một đầu việc trong muôn vàn nhiệm vụ phục hưng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng để thực hiện một cách thiết thực (như đào tạo đội ngũ lý luận, phê bình sân khấu chuyên nghiệp để làm nghề chuyên nghiệp, vì không có nhà lý luận, phê bình chuyên nghiệp thì mọi lời bàn về lý luận, phê bình sân khấu sẽ trở thành vô duyên, vô lý!); giao cho một cơ quan, tổ chức cụ thể với không gian, thời gian nhất định thực hiện và có kiểm tra, có chính sách, có tổng kết, có hiệu quả cụ thể. Chớ nên “nói rồi để đấy” theo kiểu “cha chung không ai khóc” thì lại càng vô duyên hơn!
PGS. TS TRẦN TRÍ TRẮC