Cổ ngữ có câu: “Đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp”, bậc tài trí giả nhìn như ngu dốt, kẻ dũng mãnh nhìn như khiếp nhược. Quỷ Cốc Tử cũng nói: Người thông minh xưa nay không hề khoa trương sở trường của mình, giả ngốc, giả đần, giả hồ đồ là cách tốt nhất để ẩn thân. Tuy Quỷ Cốc Tử ẩn mình nhưng lại là thầy của bốn cao nhân nổi tiếng thời Xuân Thu: Tôn Tẫn, Bàng Quyên, Trương Nghi, Tô Tần. Vậy nên mới có câu “đại trí nhược ngu”, bậc đại trí huệ lại trông như kẻ ngốc, lật giở sách sử ta có thể tìm thấy rất nhiều nhân vật như vậy.
Kế “Man thiên quá hải” (giấu trời qua biển) trong “Binh Pháp Tôn Tử” chính là: “Bị chu tắc ý nghi, thường kiến tắc bất nghi”, chuẩn bị chu đáo thì sẽ bị nghi ngờ, thường nhìn thấy thì lại không hoài nghi. Phía sau biểu hiện công khai ẩn giấu những điều bí mật.
Trong “Sử ký” có chép chuyện Khổng Tử từng hướng Lão Tử thỉnh giáo. Lão Tử nói với Khổng Tử: “Người buôn bán giỏi thường khéo giữ của quý khiến người ngoài tưởng như họ không hề có gì, người quân tử có đức tính dung mạo khiêm cung giống như kẻ ngu ngơ”. Người tài trí thực sự không khoa trương mình.
Đại tác gia triều Minh, Lữ Khôn cũng viết trong “Thân ngâm ngữ” rằng: “Người ngu xuẩn sẽ bị người khác chế nhạo, người thông minh sẽ bị người khác hoài nghi. Người thông minh mà thoạt nhìn như ngu dốt kỳ thực là bậc trí giả.”
Điển cố “Hàn Tín chịu nhục chui háng” cũng là biểu hiện “đại trí giả ngu”. Hàn Tín từ nhỏ đã thích luyện võ, thường mang kiếm theo mình. Một hôm bất chợt có kẻ vô lại ngoài chợ khích bác Hàn Tín, chê rằng ông đeo kiếm mà chẳng dám chặt đầu người khác và thách thức Hàn Tín chặt đầu hắn, nếu không sẽ phải chui háng hắn. Không ngờ Hàn Tín quyết định chui qua háng của kẻ vô lại trước mặt mọi người. Hành động này không phải hèn nhát, cũng không phải ngu ngốc. Người đời sau nhận định rằng nhờ có khả năng nhẫn nhục lớn như vậy nên Hàn Tín mới có thể đánh bại Sở Bá Vương Hạng Vũ, một vị dũng tướng từng khiến hết thảy chư hầu khiếp sợ, giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang lập nên triều Hán. Trong vấn đề điều binh khiển tướng, Hàn Tín được người đời sau xem là bậc đại trí.
Một cao nhân khác thời Thanh là Tăng Quốc Phiên cũng sử dụng thuật “giả ngốc” này, lấy chân thành làm gốc, lấy ngốc nghếch làm nền. Ông tình nguyện nhường lợi ích cho người khác, chứ không đoạt lợi cho riêng mình. Dẫu bị người lừa gạt, ông vẫn đối đãi với họ bằng sự chân thành.
Tả Tông Đường vì lòng ghen tỵ với tài đức của Tăng Quốc Phiên mà cả đời quấy phá ông. Ban đầu ông ta châm biếm đả kích Tăng Quốc Phiên, sau lại lấy oán báo đức. Nhưng Tăng Quốc Phiên cả đời vẫn không hề để bụng hay hãm hại ông ta.
Lý Hồng Chương là đệ tử của Tăng Quốc Phiên, vì tư tâm nên thường giở trò khôn vặt. Tăng Quốc Phiên vì mến tài của họ Lý mà trước sau vẫn luôn bao dung, đề bạt Lý Hồng Chương. Vậy nên Lý Hồng Chương cả đời cảm kích Tăng Quốc Phiên. Những năm cuối đời mình hễ nhắc tới Tăng Quốc Phiên, Hồng Chương lại ngân ngấn lệ mà rằng: “Sư phụ tôi”.
Nhờ cách đối nhân xử thế chất phác, giả ngốc của mình mà cả đời Tăng Quốc Phiên nhiều bạn vô kể, mưu sĩ nhiều, mãnh tướng không thiếu. Vậy nên ông mới có thể cầm quân, đánh đâu thắng đó, dẹp yên được loạn quân Hồng Tú Toàn, Dương Tú Thanh.
Quỷ Cốc Tử ẩn cư nơi thâm sơn cùng cốc, lại đào tạo ra một loạt nhân tài nổi danh. Tôn Tẫn và Bàng Quyên là bạn học, nổi tiếng với nhiều trận thư hùng giữa Tề và Ngụy, cuối cùng để lại binh pháp Tôn Tẫn vang danh thiên hạ. Tô Tần chỉ dựa vào cái miệng mà du thuyết khắp thiên hạ, lập ra minh ước cho 6 nước hợp tung chống Tần, trở thành Tể tướng 6 nước. Trương Nghi là bạn học của Tô Tần, cũng dựa vào du thuyết mà lôi kéo các nước liên hoành, phá thế hợp tung của 6 nước, giúp Tần hùng mạnh. Có thầy ấy thì mới có trò ấy, Quỷ Cốc Tử không ra khỏi cửa mà 4 đệ tử của ông đã khuynh đảo thiên hạ thời Xuân Thu Chiến Quốc rồi.
Tục ngữ có câu rằng: Nước trong quá thì không có cá. Đại trượng phu không câu nệ tiểu tiết, đời người hà tất việc gì cũng phải nghiêm túc? Làm người hồ đồ tất có nhân duyên, làm việc hồ đồ ắt có cơ duyên. Hồ đồ là cách đối nhân xử thế khoáng đạt, có thể nắm, có thể buông. Biết hồ đồ mới là người thông minh, không cố tỏ ra mình thông minh, không bàn luận cao xa, ngược lại còn giả bộ ngô nghê, ngốc nghếch. Nhìn như có vẻ muốn lẩn tránh, thật ra trong tâm đều thấu tỏ, lại không muốn đắc tội với người khác.
Kỳ thực thông minh cũng phân lớn nhỏ, hồ đồ cũng có thật giả. Người thực sự hồ đồ càng nói càng sai, càng làm càng lỗi, càng sống càng khổ. Giả hồ đồ biết sai không nói, biết đúng không bày tỏ, càng sống càng thuận.
Thông minh không phải là sai, lại càng không phải là có tội. Điều then chốt là sử dụng sự thông minh của bản thân đúng lúc, đúng chỗ. Biết giả hồ đồ cũng là biểu hiện của người thông tuệ. Bậc đại trí huệ giả ngốc nhưng lại sống một đời an yên, không ngã lòng bởi hư vinh vụt sáng, không mê đắm trong bóng trăng ảo ảnh.
Theo VisionTimes