Hợp tác xã nông nghiệp Hương Long, phường Hương Long, TP. Huế có 228 ha diện tích lúa hai vụ. trong những ngày này khi thời điểm thu hoạch lúa hè thu diễn ra, đã có những bức xúc từ phía nông dân với nhiều lí do mà trong đó là sự nôn nóng của người dân khi máy cắt lúa không đáp ứng được yêu cầu của họ. Nhiều người phải xếp hàng với liềm, bao tải trên tay, tụ tập đợi chờ đến lượt cắt lúa bằng máy…chúng tôi đã ghi nhận và tìm hiểu vấn đề này, liệu HTX có độc quyền trong việc hợp đồng phương tiện cày, bừa, cắt lúa hay không…
Hình ảnh chúng tôi ghi nhận vào ngày 25 tháng 8 năm 2021 tại khu vực sản xuất của HTX Hương Long, hàng chục nông dân với bao bì và liềm trên tay đang tụ tập để chờ đợi được thu lúa về nhà. Thông qua câu chuyện thấy nhiều người bức xúc vì sự chậm trễ trong việc triển khai máy cắt lúa ra đồng, hay là ưu tiên người này người kia…Rồi chuyện bức xúc vì lo lắng trời mưa bất chợt thì sản phẩm của họ sẽ hư hỏng. Và đây không phải là lần đầu họ bức xúc trong sản xuất nông nghiệp ở đây. Bà Châu Thị Hạnh, là người ở làng Bầu Trì phường Hương An, TP.Huế đến đây nhận ruộng, bà cho biết tôi phải đi bộ chứ có xe máy đâu, từ hôm qua đến giờ vẫn chưa cắt được lúa mang về, mỗi ngày công lao động là 300 ngàn đồng, lên lịch cắt lúa chồng con đều bỏ việc hết. Mất công lao động quá nhiều, hay là việc lo lắng thời tiết mưa gió ập đến vì đã vào cuối tháng bảy âm lịch…
Với 228 ha tương đương 456 mẫu, mỗi mẫu là 10 sào, mỗi sào 500 mét vuông…công suất hoạt động của máy cắt lúa hiện tại là 5 mẫu mỗi ngày, kế hoạch của HTX là 7 ngày thu hoạch xong toàn bộ diện tích với 11 máy. Như vậy trong thời gian 7 ngày mỗi máy cắt 35 mẫu. Theo ông giám đốc HTX thì việc thu hoạch đã có kế hoạch, phương án đối phó với thời tiết…Chưa kể là trên diện tích của HTX Hương Long được chia làm ba Trà gieo sạ, trà một đến trà ba được gieo sạ cuốn chiếu trong thời gian 10 ngày, từ 20 tháng 5 đến 30 tháng 5, đủ chu kì phát triển và thu hoạch của cây lúa là 90 ngày, cộng trừ 5 ngày như vậy việc thu hoạch vẫn đảm bảo tiến độ. Tuy rằng năm nay có khó khăn về dịch covid nên một số máy cắt đã hủy hợp đồng vì họ ở trong vùng dịch bị cách li. Ông Thái Văn Dinh, giám đốc HTX cho biết: Việc hợp đồng máy là nghị quyết của Đại hội xã viên chứ không phải ai tự ý làm gì thì làm. Kế hoạch của HTX đã rỏ ràng, có phương án phòng chống mưa gió rồi, trong khi năm nay nắng ráo kéo dài nên yên tâm.
Theo chủ máy cắt lúa thì mỗi sào lúa nông dân trả cho máy cắt là 110 ngàn đồng, chủ máy đóng tiền cho HTX sau khi dịch vụ hoàn công, và quỵ tiền là 10 triệu đồng cho ba máy trong vụ cắt. Tại địa bàn HTX Hương Long có 6 máy cắt lúa, việc hợp đồng thêm máy từ các địa phương khác là cần thiết. Nhưng nếu, do khách quan tình hình dịch bệnh một số địa phương bị cách li thì cần chủ động để người dân hợp đồng độc lập với các máy cắt đang rãnh rỗi. Không nên để tình trạng chờ đợi đến lượt mình, gây bức xúc và dễ bị kích động, thêm vào đó là dù thời tiết đang nắng hạn kéo dài nhưng cũng không tránh khỏi những cơn giông lốc, mưa lớn xảy ra gây thiệt đến sản lượng và chất lượng hạt lúa.
Trên thực tế việc người nông dân bức xúc với việc hợp đồng độc quyền của HTX đã có từ năm 2015, khi đó phó chủ tịch UBND thành phố Huế đã phải trực tiếp đến làm việc, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của nông dân, sự việc lại tái diễn vào năm 2028 rồi lại chuyện lúa giống quá hạn cho vụ hè thu năm 2021 này đã cho thấy cách điều hành của Ban quản trị là có vấn đề.
Thanh Chí