Thừa Thiên Huế: Tam Giang mới lạ với lễ hội sóng nước

21:49 | 09/07/2021

Lễ hội “Sóng nước Tam Giang ” được bắt đầu bằng lễ tế Bà Tơ. Chuyện rằng, trong một trận thuỷ chiến trên phá Tam Giang khoảng chừng 400 năm trước, chúa Tiên – Nguyễn Hoàng đã phải một phen bôn tẩu. Bị quân địch truy đuổi gắt gao, quân lính đang ra sức chèo chống thì thuyền của nhà chúa bị đứt quai. Khi mà tình thế nguy cấp cận kề thì may mắn thay, họ bắt gặp gia đình bà họ Trần làng Bác Vọng đang làm nghề trên mặt nước. Không hề ngần ngại, người đàn bà họ Trần đã kịp thời dâng lên mớ tơ (hay tay lưới) giúp vua tôi nhà chúa bện lại quai chèo và nhờ đó mà thoát hiểm. Cảm kích tấm lòng vàng, nhà chúa đã trọng thưởng bằng một hình thức rất lạ kỳ. Đó là, trước sự chứng kiến của đông đảo chúa – tôi, người ta cho thả bả mía từ sông Bồ, phía trước làng Bác Vọng. Bả mía trôi theo dòng nước chảy, rồi dạt vào bờ và đó được xác định là nơi xa nhất trong giang phận, được quyền canh tác và khai phá của làng Bác Vọng…

Cuộc sống mưu sinh người dân nơi phá Tam Giang.

“Sóng nước Tam Giang” được xem là một cách nhìn mới, cách tiếp cận và khai thác rất đặc biệt những giá trị lớn lao của con phá lớn nhất Đông Nam Á, nổi tiếng bởi nguồn tài nguyên phong phú đến bất ngờ và cũng bởi sóng nước hung dữ qua câu ca từng đi vào giấc ngủ bao thế hệ “Thương em, anh cũng muốn vô/ Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”. Hợp cùng Cầu Hai, phá Tam Giang chiếm tới 48,2% tổng số diện tích mặt nước các đầm phá ven bờ Việt Nam với nguồn tài nguyên được đánh giá là phong phú nhất khu vực Đông Nam Á. Điều tra cho thấy, có tới 230 loài cá, 63 loài động vật đáy, 43 loài rong, 70 loại chim, 15 loại cò biển, 171 loài phù du thực vật, 37 loại phù du động vật; trong đó có 30 loại cá có giá trị kinh tế, chiếm 70% lượng khai thác hàng năm; có 34 loài chim di cư và 36 loại chim bản địa. Đó là những nguồn lợi thấy rõ và đã hàng trăm năm rồi, việc khai thác đã thành nghề, thành nếp gắn với quá trình tụ cư canh tác, chiếm lĩnh vùng sông nước, khai lập làng xã của nhiều cộng đồng dân cư.

Phá Tam Giang thuộc địa phận 4 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và Phú Vang thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế.

 Phải đến “Sóng nước Tam Giang”, những giá trị văn hoá – lịch sử cũng như tâm linh mới được đánh thức và phát lộ. Bên cạnh huyền thoại về người đàn bà họ Trần thông qua lễ tế với những nghi thức đậm nét văn hoá dân gian của vùng cư dân sông nước, cũng trong “Sóng nước Tam Giang” đã lần đầu tiên tổ chức diễn xướng hát bả trạo, một loại hình văn hoá phi vật thể được người dân nơi đây gìn giữ hàng trăm năm nay. Hát bả trạo là hình thức hát có kết hợp múa, diễn xướng (bả: nắm chắc, trạo: mái chèo) do ngư dân các tỉnh miền Trung, trong đó có Thừa Thiên Huế từ lâu đời nay sáng tác ra để biểu diễn trong những ngày hội làng, lễ rước cá Ông (cá voi) hay lễ tế những vị thần, người có công khai canh khai khẩn hay truyền nghề sông nước cho làng. Tuy chỉ mới bắt đầu nhưng sẽ là ấn tượng khó quên đối với bất kỳ ai có dịp tham gia về bến đò Cồn Tộc với một không gian lễ hội đậm nét vùng miền sông nước trong “Sóng nước Tam Giang”.

Cũng từ lễ hội “Sóng nước Tam Giang” làm sống dậy bao huyền thoại về công cuộc khám phá và chinh phục Hạt Hải (tức biển cạn), tên gọi một thời của Tam Giang gắn liền với chiến công của quan nội tán Nguyễn Khoa Đăng dẹp tan nạn trộm cướp ở Hồ Xá là công lao phá thế hiểm nguy của bàu Ngược, một đoạn sông Ô Lâu, có cấu trúc đặc biệt về địa chất khiến cho dòng nước chảy ngược về thượng lưu tạo nên một dòng xoáy mạnh có thể nhấn chìm bao tàu bè qua lại bằng cách đào một con kênh thông với sông chính giảm bớt lưu lượng nước đổ vào bàu, qua đó làm giảm dòng xoáy và sóng to nguy hiểm. Tôi nghĩ, rất nhiều người ao ước và thèm được chứng kiến một lễ hội sân khấu hóa trên sông nước Tam Giang lấy ý tưởng từ chiến công huyền thoại của ông quan nội tán xưa đã đi vào trang sử Việt.

Toàn cảnh sân khấu khai mạc lễ hội “Sóng nước Tam Giang”

Vào dịp đầu thu mới đây, tôi lại có chuyến dạo chơi trên phá Tam Giang. Khởi hành từ một bến đò nhỏ ở thôn Mai Dương, chúng tôi lênh đênh trên phá, đi qua nhiều tên đất, tên làng đã đi vào ký ức một thời khó quên, như Thủy Lập, Hà Lạc, Cồn Tộc… Buổi sáng khi hoàng hôn bắt đầu và ánh mặt trời ló dạng, phá Tam Giang đẹp đến mê hồn. Làn nước trong như kéo dài đến vô tận và thấp thoáng hai bờ là những làng quê thanh bình. Những con đò ngược xuôi tạo nên thanh âm quen thuộc và những đợt sóng trào dễ thương như giỡn đùa và trêu ngươi cùng lữ khách. Rồi hình ảnh kẻ dân chài lực lưỡng như sừng sững trên nền hình sông nước bao la. Lưới chài được tung ra vẽ nên đường cong và vòng tròn, càng trở nên sinh động dưới sắc màu của nước, lóng lánh dưới ánh sáng mặt trời và càng ấn tượng bởi sự vẫy vùng của những loại cá tôm. Đã có bao nhiêu khuôn hình, tấm ảnh để đời của nhiều nghệ sĩ đoạt những giải thưởng lớn, tạo được sự xúc động mạnh mẽ trong tâm hồn bao người lấy ý tưởng từ cảnh tượng ngư dân tung chài trên phá kia.

Diện tích phá Tam Giang khoảng 52 km2, trải dài khoảng 24 km theo hướng Tây Tây Bắc-Đông Đông Nam từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương.

Như sự sẻ chia, để thêm bao người cùng tận hưởng cảnh đẹp “trời cho”, mới đây ngành du lịch đã có ý tưởng hình thành nên tour “Một ngày trên phá Tam Giang”, khám phá sinh thái vùng biển Quảng Công, Quảng Ngạn và phá Tam Giang. Một trong những điểm nhấn đặc biệt là vào buổi chiều tà, khách du lịch được lên thuyền ra phá Tam Giang để cùng thưởng thức cảnh tượng đánh bắt thủy sản, như giở một trộ nò sáo, thưởng thức cảnh thả lưới bằng xuồng nhỏ với những âm thanh đuổi cá nghe rất lạ và đặc biệt ngắm nhìn cảnh quăng lưới lúc ánh chiều tà và khi hoàng hôn buông xuống… Lại nhớ người bạn lớn tuổi cũng là một nhà nghiên cứu tiếng tăm ở Huế vì quá yêu thương và tràn đầy xúc cảm bởi cảnh đẹp của sóng nước vùng đầm phá mênh mông đã thiết tha đừng vì bất cứ lý do gì làm mất đi hình ảnh “con đò cắm sào đứng đợi” đã lâu lắm rồi như một điểm nhấn tạo nên sắc màu và vẻ đẹp ghim sâu vào tâm trí bao người, để lại bao nỗi nhớ nhung và hoài niệm.

Buổi tối khi cùng với đoàn người đông vui đổ về bến đò Cồn Tộc dự đêm khai hội “Sóng nước Tam Giang”, tôi như chợt nhận ra thêm một điều mới lạ về sự hội tụ và sức hấp dẫn đặc biệt của một lễ hội văn hóa du lịch trên vùng sóng nước mênh mông này. Đó là lúc mà vẻ đẹp, sự hấp dẫn và bí huyền của Tam Giang được dồn nén và có dịp phô bày trọn vẹn bởi sự sắp đặt tài hoa của con người. Khách đến với Tam Giang có thể chia sẻ cảm xúc với bạn bè, ngắm nhìn cảnh đẹp của sóng nước mênh mang; khám phá những tên đất, tên người đã đi vào huyền thoại; được thưởng thức một món ăn đặc sản vùng sông nước ngân vang ngày nào trong câu hát của mẹ… Nó như một lời mời ý vị, làm hăm hở bao bước chân ai khao khát được tận hưởng, khám phá và trải nghiệm với những cảm xúc lạ về Tam Giang sóng nước, rằng “thương em anh cũng muốn vô”…

 

Phan Hữu

 

Video hay

Cùng chuyên mục

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Khai mạc Lễ hội du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024 tại Khu du lịch Thiên Cầm

Khai mạc Lễ hội du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024 tại Khu du lịch Thiên Cầm