Những ngày cận kề Tết ông Công ông Táo, người dân làng vàng mã Song Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) lại càng hối hả, tất bật, chạy đua với thời gian để hoàn thành những đơn hàng cho khách.
Xã Song Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) không chỉ nổi tiếng với tranh dân gian Đông Hồ mà còn được biết tới như “đại công xưởng” sản xuất vàng mã lớn nhất cả nước.
Những ngày này, người dân làng vàng mã Song Hồ lại tất bật chạy đua với thời gian. Ảnh: Quỳnh Anh
Công việc làm vàng mã của các hộ dân nơi đây tấp nập quanh năm song mỗi dịp thời vụ như Tết ông Công ông Táo, người dân xã Song Hồ lại bận rộn hơn để sản xuất bộ đồ lễ cúng.
Theo những người dân nơi đây, thời điểm giáp Tết âm lịch là lúc bận rộn nhất, vì vừa phải chuẩn bị sản phẩm cho ngày 23 tháng Chạp, vừa phải tập trung làm hàng dự trữ để phục vụ lễ khai xuân và giải hạn trong suốt 3 tháng đầu năm mới.
Thời điểm giáp Tết âm lịch là lúc bận rộn nhất trong năm. Ảnh: Quỳnh Anh
Anh Hoàng Văn Minh (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh), chủ xưởng sản xuất vàng mã tại đây cho biết, ngay từ khoảng tháng 5, tháng 6, gia đình anh đã bắt đầu cắt dán các chi tiết trong bộ ông Công ông Táo và bộ thần linh. Đặc biệt trong những ngày này, gia đình anh đang gấp rút hoàn thiện để trả hết các đơn hàng.
“Rút kinh nghiệm từ các năm trước đều bị quá tải đơn hàng những ngày cận Tết ông Công ông Táo nên năm nay, nhà tôi chuẩn bị những bộ vàng mã cúng từ sớm. Vậy mà đến hiện tại, gia đình tôi vẫn đang tất bật vừa làm vừa trả đơn cho khách”, anh Minh nói.
Được biết, mỗi bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo bao gồm mũ cánh chuồn, hia, quần áo… đều được làm từ giấy, người Song Hồ làm rất nhanh và mẫu mã đẹp nên rất được ưa chuộng.
“Việc vận chuyển hàng phục vụ cúng lễ đã diễn ra từ nhiều ngày nay, nhưng trước 23 tháng Chạp vài ngày, việc buôn bán sản xuất vẫn diễn ra hối hả nhất. Vào những ngày này, khắp các nẻo đường, ngõ xóm trong làng nhộn nhịp xe tải vận chuyển hàng”, anh Minh cho biết thêm.
Vào những ngày này, khắp các nẻo đường, ngõ xóm trong làng nhộn nhịp xe tải vận chuyển hàng. Ảnh: Quỳnh Anh
Không những vậy, để kịp phục vụ tết ông Công, ông Táo, nhiều gia đình huy động cả gia đình làm việc, có nhiều nhà còn thuê thêm 10 đến 15 nhân công làm việc hết công suất để phục vụ khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Nga (thôn Đạo Tú, xã Song Hồ) cho biết, những ngày cận tết ông Công, ông Táo, chị phải huy động cả gia đình làm việc, tăng ca liên tục để kịp trả đơn cho khách.
“Cả gia đình tôi làm từ sáng sớm tới tối nhiều khi vẫn không xong hết việc. Những ngày cao điểm, xưởng phải thuê thêm vài nhân công thì mới kịp để vận chuyển hàng đến tay người mua”, chị Nga chia sẻ.
Các xưởng phải tăng ca liên tục, thuê thêm nhân công để kịp trả đơn cho khách. Ảnh: Quỳnh Anh
Ngoài làm mũ ông Công, ông Táo, người dân nơi đây còn làm các sản phẩm đa dạng khác như nhà lầu, xe hơi….
Người dân nơi đây cho biết, những ngày cuối năm, mỗi ngày có hàng trăm ô tô, xe máy nối đuôi nhau mang hàng đi tiêu thụ. Các thương lái tấp nập đến mua và mang đi các tỉnh thành trong cả nước.
Năm nào cũng tới tận nơi để nhập hàng, anh Nguyễn Hoàng Bình (Hà Nội) cho biết: “Từ chất liệu cho đến mẫu mã, có những bộ váy áo nhìn và sờ vào rất tinh xảo, giống hệt đồ thật, hoa văn đa dạng nên vàng mã Song Hồ luôn là mặt hàng bán chạy nhất tại cửa hàng. Vì thế mà mỗi dịp Tết ông Công ông Táo này tôi đều đến tận nơi để lựa hàng”.
Quỳnh Anh
Nguồn Báo Công luận
https://www.congluan.vn/thu-phu-vang-ma-song-ho-tat-bat-chay-hang-phuc-vu-tet-ong-cong-ong-tao-post230905.html