Những bất cập trong triển khai thu phí tự động không dừng (ETC) đến nay vẫn tiếp tục tồn tại đã khiến tài xế, doanh nghiệp vận tải sử dụng dịch vụ không mấy mặn mà. Trong khi đó, cái hạn 90% phương tiện giao thông sử dụng ETC không còn xa…
ETC tậm tịt, tài xế bức xúc “mua bực vào người”
Với nỗ lực minh bạch hóa, lấy lại niềm tin của người dân đối với các dự án BOT giao thông, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng làm cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện. Tiếp đó là Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Tuy nhiên đến nay, thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện đã có 113 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng và mới có khoảng 2,4 triệu phương tiện (chiếm gần 50% tổng số phương tiện) đã dán thẻ để tham gia dịch vụ.
Số lượng phương tiện dán thẻ đã ít, công nghệ lại còn nhiều bất cập khiến thời gian qua, khách hàng sử dụng dịch vụ ETC phản ánh khó qua trạm thu phí không dừng, đặc biệt là các tuyến cao tốc.
Điển hình vào dịp cao điểm vận tải Tết vừa qua, khoảng 9h15’ – 11h45’ phút ngày 22/1/2022, trên các tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và các tuyến khác đều bị lỗi bao gồm cả xe dán thẻ VETC và thẻ Epass. Số lượng xe bị sự cố trên các tuyến khác nhau theo lưu lượng tại từng tuyến.
Điều này đã dẫn đến hiện tượng ùn tắc cục bộ tại các làn thu phí tự động, gây bức xúc cho người tham gia giao thông. Sau đó Công ty TNHH thu phí tự động VETC đã thừa nhận nguyên nhân dẫn tới sự cố trên là do lỗi ổ cứng trên thiết bị lưu trữ.
Theo anh Văn Mạnh trú tại quận Nam Từ Liêm (TP. Hà Nội), mặc dù ô tô của anh có dán thẻ ETC nhưng mới đây khi anh di chuyển qua trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ làn thu phí không dừng, khi đến điểm soát vé Liêm Tuyền, máy không đọc được. Khi thắc mắc anh nhận được câu trả lời của nhân viên là do lỗi hệ thống và lùi sang đi vào làn thu phí thủ công.
Để tránh ảnh hưởng cho những người đi sau và không mất thời gian, anh Mạnh đã phải dùng tiền mặt để mua vé lượt. Đồng thời anh cho rằng nếu hệ thống cứ báo lỗi và tình trạng này diễn ra nhiều sẽ rất phiền, rất bất tiện với người sử dụng dịch vụ.
Còn với anh Hải trú tại quận Đống Đa (TP. Hà Nội) cho biết, ô-tô của anh đã dán thẻ thu phí không dừng. Trong tài khoản giao thông vẫn còn gần 200.000 đồng nhưng có lần lưu thông trên cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình, hệ thống không đọc được, không mở barie buộc anh phải trả tiền mặt. Không những vậy khi thẻ dùng lâu, bị lỗi và anh muốn dán lại thì vẫn phải mất phí như dán lần đầu.
Thông tin với PV, đại diện Công ty TNHH thu phí tự động VETC cho biết, theo khoản 3, điều 9 của quyết định về thu phí không dừng, các chủ phương tiện không phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho lần lắp đặt đầu tiên trước ngày 31/12/2021. Do đó khách hàng chỉ được miễn phí lần đầu tiên.
Về tính liên thông khi qua các trạm, hệ thống kỹ thuật của VETC và VDTC đã chính thức liên thông từ ngày 25/12/2020, khách hàng dán thẻ của VETC hoặc VDTC đều có thể lưu thông qua tất cả các trạm thu phí có làn thu phí tự động trên toàn quốc.
Không còn thời gian cho sự chậm trễ
Nhằm đưa dự án thu phí tự động về đích, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nghiên cứu, lựa chọn một số tuyến cao tốc tại mỗi vùng miền để triển khai thí điểm áp dụng hình thức chỉ thu phí điện tử không dừng phục vụ các phương tiện có đủ điều kiện tham gia.
Đồng thời Bộ GTVT và các địa phương chỉ đạo nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ thu phí khẩn trương lắp đặt thiết bị ETC đối với các làn thu phí còn lại. Bảo đảm tại mỗi trạm thu phí BOT, chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp theo đúng quy định, hoàn thành việc này trong quý I/2022.
Đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tiếp tục cải thiện, đa dạng hóa hình thức nạp tiền, trả tiền tạo thuận tiện cho người sử dụng, bảo đảm đến tháng 6/2022 đạt tối thiểu 90% phương tiện giao thông thuộc đối tượng thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ được dán thẻ để sử dụng dịch vụ ETC.
Trao đổi với PV Báo Nhà báo & Công luận, đại diện một doanh nghiệp vận tải chuyên chở hàng nông sản từ các tỉnh phía Nam lên các cửa khẩu phía Bắc để xuất sang nước ngoài cho biết, việc thực hiện thu phí tự động không dừng khi qua các trạm là đúng đắn giúp giảm bớt thời gian, tạo thuận tiện cho lái xe, đơn vị vận tải và đặc biệt là phòng chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên trong khi các tài xế, đơn vị vận tải là đối tượng sử dụng dịch vụ, là khách hàng thì cần có sự lựa chọn, không thể độc quyền từ phía đơn vị cung cấp dịch vụ phải nạp tiền vào trả trước để sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng.
Do đó cần có những giải pháp để bảo đảm quyền lợi của cả đơn vị vận tải cũng như đơn vị cung ứng dịch vụ, cần có hai phương thức trả trước và trả sau. Trả sau thì có hình thức ký hợp đồng, thông báo tài khoản, xe đi qua cứ tích vào rồi doanh nghiệp vận tải sẽ trả. Cách làm này, doanh nghiệp vận tải có giấy tờ để hạch toán được chi phí đầu vào bởi như hiện nay không hạch toán được.
Đánh giá về tiến độ triển khai ETC, TS. Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT cho rằng, Bộ GTVT triển khai thu phí tự động không dừng theo chỉ đạo của Chính phủ nhưng làm rất chậm, thậm chí thiếu sự quyết tâm, giám sát mạnh mẽ, cương quyết.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GTVT phải có trách nhiệm đảm bảo các chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực GTVT được thực thi một cách nghiêm túc, bảo đảm lợi ích của Nhà nước và nhân dân. Nhất là cần có chế tài để xử lý các bên liên quan khi thực hiện các dự án, buộc phải tuân thủ theo hợp đồng đã ký kết.
Nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương của Chính phủ, của Bộ GTVT là đúng nhưng dường như vẫn có người cố tình “lừng khừng”, tạo ra những kịch bản để rồi có thể tiêu cực, lợi ích nhóm. Một số chủ đầu tư BOT trên các tuyến đường dù đã được yêu cầu là phải có làn thu phí tự động không dừng nhưng vẫn chây ì, chưa thực hiện hoặc làm theo kiểu đối phó. Khi lái xe đi vào làn thu phí tự động không dừng thì báo lỗi, yêu cầu tài xế trả tiền mặt.
Để thu phí tự động không dừng được thực hiện một cách thực chất và không gây những phiền toái, Bộ GTVT và các địa phương cần yêu cầu các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ ngồi lại, họp bàn, thống nhất và ký thỏa thuận để khắc phục những lỗi kỹ thuật vừa qua. Đồng thời xử lý trách nhiệm các cá nhân, đơn vị khi xảy ra lỗi kỹ thuật, gây ùn tắc, khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Cùng với đó đã có một thời gian dài các trạm BOT thực hiện thí điểm cả thu phí thủ công và thu phí tự động để người dân thay đổi. Nhưng sau đó vẫn tiếp tục triển khai thu phí song song như vậy sẽ không khuyến khích tài xế thay đổi. Do đó cần chấm dứt tình trạng trên và xử lý các trường hợp phương tiện cố tình “đi nhầm” vào làn thu phí tự động.
Theo Công luận