THƠ VIỆT – NÓNG…

15:37 | 01/10/2021

Thơ Việt từ trước tới giờ, nhất là thơ Việt đương đại, dường như luôn luôn bùng lên những hỏa diệm sơn. Đừng tưởng vì đại dịch Covid – 19 mà thơ Việt nguội ngắt, lạnh tanh… Ngược lại là đằng khác! Bài viết này, xin nói đôi điều về thơ Việt từ đầu năm 2021 đến nay với sức nóng… đổ thành sông nham thạch của nó, qua một số sự kiện tiêu biểu. Nóng bởi sự trái chiều, nghịch chiều trong quan niệm về thơ nói chung, thơ hay nói riêng cũng như quan niệm về cách tuyển thơ và như thế nào mới đích thực là đạo thơ

Bắt đầu, có lẽ là từ bài thơ đạt đồng giải B (không có giải A): Mẹ tôi chửi kẻ trộm của Tòng Văn Hân trong cuộc thi thơ do báo Văn nghệ tổ chức (2019 – 2020), tổ chức trao giải vào tháng 4 năm nay. Hội đồng chung khảo cuộc thi gồm những nhà thơ uy tín như: Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội đồng; Trần Đăng Khoa; Nguyễn Bình Phương; Nguyễn Đức Mậu… đã rất cân nhắc để không trao nổi giải A nào thì không thể nói bài thơ này đã lọt lưới để đạt một trong hai giải cao nhất một cách may mắn, tào lao và thần bí được!

Tác giả Tòng Văn Hân và Nguyễn Văn Song nhận giải B cuộc thi thơ báo Văn Nghệ ngày 9/4.

Về quan điểm khen, ủng hộ, đánh giá cao bài thơ không phải ít. Đó là những ý kiến cho rằng bài thơ có ý tứ, ý tưởng độc đáo và nhất là có tính nhân văn cao. Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội đồng chung khảo cuộc thi cho rằng bài thơ thú vị ở sự nhân văn, độ lượng: Lấy ân báo oán thì oán giảm đi, lấy oán báo oán thì oán chồng chất. Đấy là đạo lý rất hay của dân tộc mình. Nhà thơ Trần Đăng Khoa – thành viên Hội đồng chung khảo cuộc thi khẳng định: Bài thơ có tứ hay và nhân văn. Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ (trên vietnamnet,vn) cũng nói: Đó là cách nghĩ chân thành, nhân văn, nhân hậu, thật như đếm và so sánh ẩn dụ thú vị của người miền núi. Tác giả Yến Nhi (trên Văn nghệ số 17/2021) kết bài viết của mình: Đặt bài thơ này vào trùng điệp các bài thơ dự thi khác, nó nổi lên như một bông hoa đồng nội đầy hương thơm. Bài thơ có cấu tứ đẹp. Nói như chơi mà thấm thía! Nhà Lý luận Phê bình Lê Xuân (trên vanvn.vn) thì chừng mực hơn, coi bài thơ cũng thuộc loại thơ hay (đạt giải) nhưng: Theo tôi, công bằng mà nói thì chùm thơ ba bài của nhà thơ Tòng Văn Hân chỉ nên trao giải Khuyến khích. Trên tuoitre.vn, nhà thơ Inrasara – Chủ tịch Hội đồng thơ, Hội Nhà văn Việt Nam, không đi vào cụ thể bài thơ mà diễn đạt thiên về lý luận văn chương: Khủng hoảng, thức nhận mình khủng hoảng là cơ hội để vượt bỏ. Xung đột mỹ học giữa truyền thống (cả truyền thống gần) và hiện đại diễn ra thường trực ở người sáng tạo lẫn người thưởng thức nghệ thuật. Nhà thơ Lý Đợi (trên trang cá nhân) thì có vẻ hài hòa hơn: Việc nhiều người tách riêng bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm để chỉ trích là không công bằng vì giải B trao cho cả 3 bài. Hai bài Làm rể  “Nhà dưới nhà trên hay và hiện đại hơn bài gây tranh cãi. Chùm thơ này cho thấy cái nhìn hồn nhiên, hướng thượng, trong sáng của tác giả Tòng Văn Hân. V.v…

Quan điểm chê, phủ nhận giá trị bài thơ cũng rất nhiều, nếu không muốn nói là gấp bội so với phía đối trọng, nhất là các ý kiến đăng tải trên mạng xã hội facebook, zalo… Đa số ý kiến cho rằng Mẹ tôi chửi kẻ trộm chưa phải là một bài thơ đích thực, chứ chưa nói là một bài thơ hay (đạt giải cao nhất cuộc thi). Có người cực đoan còn nói đây là bài thơ dở nhất Việt Nam và ghét nó đến mức bịa ra (?), cho nó đã đạo một bài thơ của một tác giả miền núi khác (Mẹ tôi chửi kẻ cướp biển đảo). Xin lược trích vài ý kiến (không nguyên văn) trên các trang cá nhân: Nhà thơ Trần Mạnh Hảo nói: Ban Giám khảo giải thơ đã trao giải cho bài thơ dở nhất nước. Bài Mẹ tôi chửi kẻ trộm thuộc trường phái tân con cóc, phi thơ, vớ vẩn, dễ dãi, dông dài và lưu manh. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho rằng, tác giả bài thơ viết quá vụng về nên phơi bày sự ngây ngô. Bài thơ này được chọn đăng trên báo, đã là một sự châm chước. Còn trao giải cho nó thì hơi xem thường độc giả và xem thường thi ca. Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang thì thảng thốt khi biết bài thơ này đạt giải: Thực sự kinh hãi khi nền thơ ca xuống dốc thảm hại đến thế? Thực sự thương xót! (theo Lam Hạnh, baophapluat.vn). Nhà thơ Hữu Vi nói: Nhưng dù sao thì các bài thơ chỉ mới dừng lại ở một câu chuyện kể. Nó không có sức gợi hay cao hơn là tầm tư tưởng vốn được kỳ vọng ở tác phẩm ăn giải cao (theo soha,vn). V.v…

Rõ ràng bài thơ Mẹ tôi chửi kẻ trộm và kết quả cuộc thi nói trên đã tiếp tục bừng lên một câu hỏi muôn thuở: như thế nào là thơ hay. Và thẩm định thơ hay như thế nào mới đạt đến độ đồng thuận có thể chấp nhận được.

Cũng đình đám như sự kiện trên là bài thơ Bắt nạt (trong tập Ra vườn nhặt nắng, 2017) của Nguyễn Thế Hoàng Linh được chọn đưa vào sách giáo khoa lớp 6 mới (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống do Bùi Mạnh Hùng làm tổng chủ biên, Nguyễn Thị Ngân Hoa chủ biên). Với bài thơ này, làn sóng phê phán, phủ nhận có thể nói là rất ào ạt, dồn dập như… sóng thần.

Tuy vậy, trước hết cần phải nêu những ý kiến ca ngợi, đồng tình, ủng hộ nó. Rõ nhất, phải kể đến chính tác giả bài thơ, đã bảo vệ đứa con của mình một cách quyết liệt, gay gắt và có phần… tự cao tự đại (có lẽ cũng do trước đó, nhiều nhà văn đàn anh đã từng gọi Nguyễn Thế Hoàng Linh là thiên tài!). Tác giả coi độc giả là một đám đông dốt nát và đầy thủ đoạn rồi thách thức một cách phi lý: Nếu chứng minh được “Bắt nạt” là bài thơ dở với thế giới, các bạn xứng đáng được trao giải Nobel văn học. Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: “Bắt nạt” viết theo dạng đồng dao, hợp với trẻ con, dạy trẻ con đừng có bắt nạt nhau. Đây là cái được của Nguyễn Thế Hoàng Linh. Nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh, trong bài Bài thơ “Bắt nạt” qua góc nhìn học trò trên trang facebook của mình, cho biết: Tất cả thiếu nhi tham dự trại sáng tác văn học thanh thiếu nhi do Hội Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên tổ chức đều bày tỏ sự đồng tình với việc đưa bài thơ “Bắt nạt” vào sách giáo khoa, không một ý kiến nào phản đối. Cũng ở Thái Nguyên, tác giả Nguyễn Thanh Mai, giáo viên dạy Văn ở Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An, qua bài viết Một vài suy nghĩ về bài thơ “Bắt nạt” đã ca ngợi và đánh giá cao bài thơ này bằng những mệnh đề: một bài thơ hồn nhiên và tươi tắn hay trong trẻo, hiền hòa mà rất sâu sắc, nhân văn

Những ý kiến phê phán Bắt nạt thì rất nhiều, đã có không ít bài đăng trên báo chí chính thống, nhưng nhiều nhất vẫn là trên mạng xã hội. Xin lược kể một số ví dụ tiêu biểu. Trước hết, phải nhắc đến chính kiến của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý. Biểu hiện quyết liệt nhất của ông là gửi thư ngỏ đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị đưa Bắt nạt ra khỏi sách giáo khoa. Bên cạnh đó, ông không chỉ đăng trên facebook ý kiến của mình cũng như tập hợp nhiều ý kiến của những người trong giới sáng tác văn chương (và giới khác, nhất là các nhà nghiên cứu, nhà giáo) mà còn đăng bài trên tờ Thời nay (ấn phẩm của báo Nhân dân) – Về bài thơ “Bắt nạt” trong sách giáo khoa – đánh giá rất thấp bài thơ cũng như việc đưa bài thơ này vào sách giáo khoa: Bài thơ này chưa đạt được độ thuyết phục về cấu tứ, hình ảnh, ngôn ngữ và nhịp điệu… Nó được viết ra có phần lộn xộn, dài dòng. Nhà thơ Y Phương thì khẳng định: Đó là một dạng văn xuôi xuống dòng, không có hình tượng thơ, cảm xúc thơ, không có thẩm mỹ thơ. PGS.TS. Vũ Nho – nhà nghiên cứu, nhà giáo, nguyên chuyên viên chỉ đạo môn Văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì không coi đây là một bài thơ và kết lại bài viết Đôi lời xung quanh bài thơ “Bắt nạt” (trên trang facebook của mình) rằng: Tóm lại, đây là một bài vè, một bài vè vụng, kém cỏi, dù ý định là tốt, là đáng hoan nghênh. Không thể kể hết ở đây ý kiến phân tích, đánh giá, phản bác… của những học giả, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà giáo, kỹ sư… khác như Hoàng Dân, Đào Quốc Vịnh, Hoàng Quang Đông, Thạch Quỳ, Tô Hoàn, Trần Quang Đạo, Lại Hữu Kim, Hoàng Quang Long… và nhất là những phây thủ, dù họ không phải là giới am hiểu nhiều về văn chương, thi phú.

Bắt nạt nằm trong tập thơ đã từng được nhà văn Hồ Anh Thái, cố nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn và một số người khác khen – khen chung cả tập cũng như khen tác giả. Nhưng khi bóc riêng ra, đưa vào một tuyển tập khác mà đó lại là một tuyển tập đòi hỏi sự tinh tuyển – sách giáo khoa – thì bộc lộ những vấn đề, tạo ra cơn cuồng nộ trái chiều. Sắp tới, tác giả bộ sách và cơ quan quản lý là Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lắng nghe ai, nghiêng về phía nào? Xem hồi sau sẽ rõ…

Một sự kiện văn chương nữa gần đây cũng tạo ra nhiều cơn sóng ngược chiều, thậm chí là sóng thấn, đó là bài thơ Mùa thi đổ lửa của Văn Giá trên báo Văn nghệ số 1 bộ mới (đổ lửa chứ không phải đỏ lửa). Cũng như hai sự kiện trên, bài thơ nhận được khen và chê, bảo vệ và phủ nhận… mạnh mẽ gần như nhau. Khác với hai bài thơ trên, vấn đề của Mùa thi đổ lửa chủ yếu không phải là thơ hay hay thơ không hay mà là đạo văn hay không đạo văn (ở đây là đạo thơ), cũng như mức độ giống nhau giữa hai tác phẩm đến mức nào thì mới coi là đạo văn… Và cũng khác với hai tác giả Tòng Văn Hân và Nguyễn Thế Hoàng Linh, đã đăng đàn tự bảo vệ một cách tích cực và có phần bạo liệt, nhà nghiên cứu, PGS.TS. Văn Giá đã chọn cách im lặng hoặc chỉ trả lời: Tôi không có ý kiến gì. Theo tôi, đó là một thái độ đúng mực, khôn ngoan trong tình thế dầu sôi lửa bỏng đến thế.

Về phía khen, bảo vệ bài thơ, trước hết đương nhiên phải là nhà thơ Nguyễn Việt Chiến – người biên tập trang thơ báo Văn nghệ tháng 7 và đã chọn chùm thơ 3 bài của Văn Giá để đăng. Ông lý giải việc chưa từng biết ca khúc Ngẫu hứng phố của nhạc sĩ Trần Tiến, nhưng sau khi biết, ông đã đưa ra nhận xét: Có sự giống nhau giữa mô tip, mô thức thơ giữa hai tác phẩm. Nhưng nội dung hoàn toàn khác nhau. Trần Tiến nói về Hà Nội. Văn Giá nói về Quảng Trị, rồi chốt lại trong 4 chữ: Bài thơ rất hay. Nhà thơ Nguyễn Thuý Quỳnh đã trao đổi trên mạng, đại ý: Cái mô – típ: Ở – cũng/ Chỉ – thôi/ đều… là một mô – típ thường gặp trong giao tiếp của người Việt, không thể nói người này đạo người kia được! Cùng quan điểm này, trong bài trao đổi với nhà thơ Trần Mạnh Hảo (Mấy dòng thưa với nhà thơ Trần Mạnh Hảo) đăng trên vanhocsaigon.com, tác giả Trần Tuấn viết: Các mô thức biểu đạt ngôn ngữ luôn là cái khuôn dùng chung từ khi nó ra đời và khẳng định: “Mùa thi đổ lửa” không hề “ăn cắp văn, ăn cắp ý, ăn cắp lời của nhạc sĩ Trần Tiến” như quy kết của nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Có phần dè dặt, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, nhà thơ Trần Tuấn… thì cho rằng, đây chỉ là sự ảnh hưởng và chỉ có một số câu đã trùng với mô thức/trật tự biểu đạt. Và còn nhiều ý kiến bảo vệ khác… Điều đáng nể nhất đó chính là quan điểm của người được cho là bị đạo văn – nhạc sĩ Trần Tiến. Ông bảo gì mà ồn àoủng hộ Văn Giá bằng một diễn đạt đầy hình ảnh: Bài ca của tôi là bông hoa dâng tặng cuộc đời. Ai thích cứ lấy! Còn tôi – người viết bài này, biết Văn Giá không chỉ là nhà nghiên cứu văn học, nhà sáng tác văn chương, nhà giáo… mà còn là người say mê âm nhạc, hát tốt đàn hay và đang sống ở Hà Nội – không gian của Ngẫu hứng phố, nên tôi tin, ông thừa biết ca khúc ấy của Trần Tiến để tránh! Và, với tư cách là một tên tuổi trong làng văn nước nhà hiện nay, ông chẳng dại dột gì mà đi ăn cắp văn của người khác, trong khi mình thừa sức để viết ra nó. V.v…

Về phía chê, nổi bật là nhà thơ Trần Mạnh Hảo, trong những lời chân thành góp ý, để kết luận những dòng viết ngắn của mình, ông nói: Lới khuyên của tôi với ông Văn Giá vẫn còn chưa muộn, nếu ông hồi tâm hối cải, lên fb của mình xin lỗi nhạc sĩ Trần Tiến, xin lỗi hàng vạn độc giả đã bị ông lừa, để cái án ăn cắp thơ sẽ không còn theo ông suốt đời nữa…Nhà thơ Đỗ Hoàng ngay tên bài viết của mình cũng đã tỏ rõ thái độ phê phán nặng nề: Giáo sư Tiến sĩ Văn Giá ăn cắp ca từ Trần Tiến – viết bài vô lối lỗi nặng. Tác giả Chu Giang trên Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua việc đánh giá không cao Mùa hè đổ lửa, cũng như coi tác giả của nó hờ hững với vùng đất Quảng Trị, để chủ yếu góp ý những vấn đề khác, những người khác trong công cuộc đổi mới tờ báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Dè dặt và trung dung thì có ý kiến của Trần Hà Nam trên lethieunhon.vn cho rằng: Mùa hè đổ lửa… không phải là bài thơ hay … cũng không phải là bài thơ dở, song tác giả vẫn nhận ra, đây là bài thơ nhái theo, mô phỏng Ngẫu hứng phố của Trần Tiến. Và còn nhiều ý kiến khác. V.v…

Rõ ràng, ranh giới giữa đạo vănkhông đạo văn là rất mong manh, nhập nhòa, không khéo là sa chân lỡ bước. Điều cốt tử của người viết, đó là phải đọc và tham khảo không chỉ trong lĩnh vực văn học, văn chương mà còn ngoài nó, trong vô vàn lĩnh vực khác, để khi cho ra đời một tác phẩm nào đó, nó sẽ được soi kỹ rằng: không giống hay na ná bất cứ cái nào đã có. Vậy mới thực sự yên tâm. Viết đã khó mà soi chiếu để khỏi giống ai cũng khó lắm thay!

Những dòng này chỉ mang tính lược luật, qua đó, ít nhiều thấy được một khía cạnh vận động khác của thơ Việt hiện thời. Rất nóng…

THAI SẮC


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái