Xuất thân lính xe tăng, Lương Ngọc An giải ngũ về làm nhân viên hành chính, lái xe báo Văn nghệ từ năm 1990, sau khi theo học trường Viết văn Nguyễn Du (khóa 5, 1993-1997) về tiếp tục làm phóng viên, biên tập, nhiều năm làm thư ký tòa soạn rồi được bổ nhiệm Phó Tổng Biên tập tờ báo của Hội Nhà Văn VN từ cuối năm 2021 lúc đã 57 tuổi. Với tôi, anh là người viết ký dũng cảm, một nhà thơ có giọng điệu độc đáo và một người bạn khiêm nhường, chân tình. Tôi rất thích thơ anh, chẳng hạn những bài sau đây…
GIAI ĐIỆU
Ngồi xuống đất để đừng bao giờ ngã
Leo lên cao để đừng bao giờ lấm
Đừng mất nhau – để đừng bao giờ đau
Hay đừng có nhau – để đừng bao giờ đau?
Sẽ là gì nếu mình không gặp nhau
Và sẽ là gì, khi mình không còn nhau?
Em là ai của ta ngày xưa
Rồi em là ai với ta ngày sau?
Vốn lẽ đời – ngày đêm – bể dâu
Vốn lẽ người – buồn – vui – chẳng lâu
Cớ sao còn dành ra mùa Ngâu
Mình – bao giờ quạ đen bắc cầu?
Trăn trở hoài – tóc – thôi – thay màu
Lơi lả hoài – má căng – thôi – nhàu
Ngồi xuống đất – tưởng không bao giờ ngã
Leo lên cao – tưởng không bao giờ lấm…
Chào nhau rồi – giờ em đi đâu
Ta quay về – biết quay về đâu…
LỜI CỎ
Nói điều gì nữa đi em
Chào nhau là lại giết thêm một ngày
Dời tay là dứt lìa tay
Quay lưng là tới lưu đày trần gian…
Em đừng bắt gió dở dang,
Bắt lưng lửng nắng, bắt bàng bạc mây.
Em đừng bắt cá thôi vây,
Bắt chim thôi cánh kiếp này nghe em…
Nỡ nào gọi nhớ bằng quên,
Dối ngày bớt vắng, dối đêm bớt dài.
Nỡ nào mượn bóng loài người
Đem về giăng khắp một trời vắng tênh…
Dấu chân đã bạc rêu xanh
Bàn chân còn vẫn phong phanh gót trần…
Em đừng xa nữa lối gần
Để ta mượn cỏ nói thầm lời hoa
ĐỘC HUYỀN CẦM
Rồi một ngày bước giang hồ chợt mỏi
Ta bỗng thèm một góc ấm, bỏ cuộc chơi,
Nơi ta về sẽ chẳng còn ai ở đó,
Lối đã rêu, buồng đã quạnh hơi người…
Chỉ một sợi tóc dài vương bên gối.
Tóc rụng đương xanh, dù năm tháng phai phôi.
Sợi tóc mảnh như chiếc then cửa khép ngang lối về ký ức.
(Hình như một thời ta chỉ biết nhau thôi…)
Sẽ lơ đãng bước qua bài thơ cũ,
Bài thơ một người viết riêng tặng một người.
Sẽ nhẩn nha quét nhà và mở cửa,
Đón gió về từ mọi nẻo xa xôi…
Rồi vác cuốc ra vườn nhặt cỏ,
Rồi quảy thùng gánh nước tưới hoa.
Bếp sẽ đỏ mỗi ngày hai buổi,
Chim sẽ về bên mái hót ngân nga…
Bạn sẽ tới và ta sẽ đón,
Rồi bạn lại đi sau những chúc mời.
Chỉ đến lúc còn riêng ta với đêm dài đoản mộng,
Mới đem đàn tóc gảy khúc đãi bôi…
HOA SỮA
Biết nói gì về hoa sữa đây em
Khi hoa lãng tử đã rụng đầy vai áo
Lúc thơm thảo hoa đậu cùng thơm thảo
Lúc phù du hoa dứt áo phù du…
Hoa sữa làm nên một nửa mùa thu
Là tinh tuý của nắng mùa xuân – gió mùa đông và mưa rào mùa hạ
Mỗi sáng mai thức dậy em thấy tình yêu bừng trên má
Chính là hương hoa sữa vừa ghé thăm đêm qua.
Hương thơm như níu lòng người đi xa
Mười năm trời Hà Nội thức trong tôi có mùa hương hoa sữa
Những bông hoa mang hình chớp lửa
Những cánh hoa trắng ngát lưng trời
Nói thêm gì về hoa sữa em ơi
Hoa phát tán trong mắt người lúng liếng
Đã bao lần soi bóng mình bên suối
Lại nhớ về hàng cây hoa sữa, đứng nghiêng nghiêng xoã tóc gội đầu…
Bên hồ Thiền Quang có lần tôi và em cùng nắm tay nhau
Cùng líu ríu bước chân chạy trốn cơn mưa đầu mùa hạ
Hoa chạy phía sau hôn đầy tóc, đầy vai , đầy má
Hoa chạy phía trước rạp mình làm thảm đón chân ta.
Có một lần, lần ấy cũng đã xa
Tôi vẫn nhớ và chắc em vẫn nhớ
Ngày ấy cũng vào mùa hoa sữa nở
Trên chiếc thuyền con mình cùng ngắm Hồ Tây trong hoàng hôn man mác đỏ
Gió heo may se cả dáng em gầy
Lần đầu tiên tôi dám nắm bàn tay
Lần đầu tiên em để mình run rẩy
Và con đường Thanh Niên chiều ấy
Hương sữa về thơm ngát môi em…
Nói thêm gì về hoa sữa đi em
Ngày tôi về, những cánh hoa mỏng bay như chuồn chuồn bay thấp
Mắt em giấu những cơn giông mọng nước
Cặp môi xinh tắc nghẹn tiếng ru hời
Và bàn tay chợt buông khỏi vành nôi
Mình nhìn nhau một lời không dám hỏi….
Tôi đã đi qua mười mùa hoa đào – hoa xoan – hoa bưởi
Tôi đã đi qua trăm loài hoa có tên và không tên
Vẫn chỉ có hoa sữa mới là hoa của tôi và em
Giờ hoa lãng tử rụng đầy vai áo.
Lúc thơm thảo, hoa đậu cùng thơm thảo
Lúc phù du hoa dứt áo phù du.
Trên vai tôi là những nửa mùa thu…
Nguyễn Thế Khoa/Tạp chí Văn Hiến bản in