Thơ Đỗ Nam Cao – Ngọn lửa xanh cảm hứng

16:28 | 18/11/2021

Nhân 10 năm ngày mất của nhà thơ Đỗ Nam Cao (13/10/2011 – 13/10/2021), tôi xin chia sẻ bài viết về thơ anh của giáo sư viện sĩ Hồ Sĩ Vịnh, nhà nghiên cứu văn học lão thành.


Trước khi đến với thơ Đỗ Nam Cao, tôi tìm đọc những bài viết về thơ ông của các bạn đồng môn, đồng tuế và tìm gặp sự đồng cảm. Hoài Anh thấy Cao làm thơ bằng linh cảm và trực giác; Thanh Thảo chia sẻ “cảm giác bơ vơ là cảm giác thường trực trong thơ Nam Cao”; Nguyễn Thụy Kha với lòng tin là thơ Cao sẽ còn lại rất lâu với đời; Còn câu thẩm định không hề cảm tính này của Nguyễn Thế Khoa: “Cao là một tài thơ độc đáo, một trong những nhà thơ đáng đọc nhất của thơ Việt đương đại” v.v…

Tôi nghĩ, nghệ thuật thơ ca không chấp nhận sự lặp lại; lặp lại là khô cứng, nhàm chán, là dễ dị ứng với thị hiếu của người đọc. Nhưng tìm sự cách tân, chọn hiện tượng độc đáo của hình tượng, thi pháp là chuyện leo đèo vượt dốc, trước hết là chính nhà thơ.

Theo Nguyễn Thế Khoa, Cao làm thơ rất nhiều, nhưng được công bố ít. Viết nhiều là một năng lực, trước hết là năng lượng, còn công bố ít chưa hẳn đã thiệt, mà là một phẩm chất của lòng tự trọng và thận trọng. Vào những năm 60 (thế kỷ trước) nhân viết bài phê bình: Sức mạnh hình tượng trong thơ (qua tập Đầu súng trăng treo) đăng trên tạp chí Văn học, tôi hỏi Chính Hữu sao anh viết ít thế? Ông phân bua: Đó chỉ là phần tinh phù hợp với thời đại khói lửa, còn trong ngăn kéo mình có đến khoảng 500 bài kể cả thơ tình. Tôi hiểu tâm trạng của các thi nhân có nhân cách văn hóa, ít ra là trường hợp của Chính Hữu và Đỗ Nam Cao.

di tượng Đỗ Nam Cao
Trần Thu Hồng bên Di tượng Đỗ Nam Cao.

Đọc hết 33 bài thơ trong phần Những cánh cò lửa, tôi thấy Đỗ Nam Cao – người Bắc – chỉ trong vài năm trước đại thắng mùa xuân 75, mà đã thấu hiểu, trải nghiệm nhiều mảnh đất, con người phương Nam một cách thật sâu sắc, chân thật. Những địa danh được ông ghi lại bằng nhật ký thơ qua dấu chân năm tháng (1972 – 1975): Màu xanh Trường Sơn, qua sông Sài Gòn, đêm Trảng Cỏ, dưa hấu Trảng Bàng, những anh hùng xạ kích Củ Chi, hương sầu riêng Lộc Ninh, những đụn khói đùn lên từ Bến Cát v.v… Ở đó, tất cả những chi tiết: màu xanh và hương vị, cánh chim và làn gió, không gian sống và thời gian chờ đợi, con người và cảnh vật v.v… được nhà thơ – chiến sĩ cô đặc lại trong một biểu tượng hào hùng: NGỌN LỬA – MÀU ĐỎ.

Từ những biểu tượng bề nổi (nghĩa biểu hiện): Cánh cò như đám lửa bùng; Những trụ đá ong bốc lửa; Những chiếc lá bay màu đỏ thắm; Ráng chiều đỏ rực; Tổ con chim như đan bằng lá lửa; Chiếc lá bàng nhuốm lửa v.v… đến những biểu tượng bề chìm (nghĩa nội hàm): Người hái nấm mắt lóe lửa đỏ; Chuyện đời như lửa; Đã đốt hết một thời lên thành lửa; Một quầng lửa cháy là Khoa với mình; Người giữ lửa; Nùi rơm ngun ngút cháy v.v… đều được cháy lên màu lửa khói. Ngay cả ruột dưa hấu cũng đượm lửa than, cả đến mùa thu mà lửa vẫn đeo đuổi nhà thơ (Cuối thu).

Biểu tượng ngọn lửa – màu đỏ nói với chúng ta những gì? – Ngọn lửa từ thuở hồng hoang cho đến hôm nay là mầm sống của con người cả khi vui lẫn lúc buồn, lúc bình yên cũng như trong cơn binh đao hoạn nạn. Nó biểu trưng cho cái khốc liệt của chiến tranh, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng của “người giữ lửa”, chứ không khoe cái hiếu chiến, cái chiến công của người tham chiến. Có chiến tranh là có kẻ thắng, người thua, nhưng cả hai bên đều phải trả giá đắt: máu, lửa. Chiến tranh dù là chiến tranh chống xâm lược thì đó là giai đoạn không bình thường trong đời sống dân tộc, là sự hy sinh vô giá của lớp người ra trận, và sự ngưng trệ của phát triển. Đã có lửa là có cháy. Thơ Đỗ Nam Cao thời chiến ám ảnh người đọc trước hết ở biểu tượng lửa cháy: Ôi! những đêm nằm hầm/ Ta nhìn đêm thật rõ/ Ta nhìn ngày thật trong/ Đất trời ta mênh mông/ Niềm tin ta cháy rực/ Trong lòng hầm đêm đêm (Đêm ngủ hầm). Nhờ lý tưởng chói sáng, nên mỗi lần quân thù xộc đến, những trụ đá tổ ong cũng bốc lửa: những trụ đá tổ ong biến thành bệ súng/ Vụt lao đi trong luồng lửa sáng ngời.

Với những bài thơ trước và sau năm 2000, Đỗ Nam Cao dồn tích năng lượng thi hứng trước những đối tượng vừa cao cả vừa bình dị. Từ Thăng Long – Hà Nội, bến bãi sông Hồng, núi non Yên Tử, quần đảo Trường Sa, những địa danh cực nam miền Trung: Nha Trang, Phan Thiết đến những cảm hứng phản xạ trước những hiện tượng tự nhiên mà làng thơ gọi là “thiên nhiên hẹp”: một cánh hoa hồng, sấu mùa hạ, ngọn gió làng, mưa đầu mùa, hoa phượng, trăng ngà, cốm mùa thu, hương sầu riêng… đều có tâm trạng, có hồn thiêng, có phép màu nhiệm khó lý giải và đầy sức ám ảnh.

Đỗ Nam Cao với GS Trần Chút, Duy Thái và nhà thơ Hữu Loan trong sân nhà anh ở TPHCM.

Xin dẫn vài đoạn hay: Sao buồn khi về Phan Thiết/ Sao không ôm riết lấy em/ Để em nhảy cuồng xuống biển/ Để anh nhảy cuống lên trăng/ Để anh ăn nằm với gió/ Gió xô song đánh vào bờ/ Bờ trơ ngực trần mũi Né/ Xé thành trăm mảnh hư vô. Tình yêu của Cao thật mãnh liệt, ngang trái, đa đoan; có nhiều lần ông nói có thể yêu trái tim vỡ (Anh nào đâu muốn thế) và yêu đến vỡ tim (Tình yêu) và Rồi anh sẽ yên nằm dưới cỏ, thì tình yêu chưa thể đã yên nằm (Ly hôn).

Đỗ Nam Cao có những tứ thơ lạ được diễn đạt bằng điệp ngữ vòng tròn: Em ru/ Mùa ru/ Ru lên ngan ngát, cu gù nao nao/ làm sao/ làm sao…, mở đầu bằng câu thơ gây ấn tượng: Em ru bằng ngực, biển ru bằng bờ. Bài Tình yêu rất kiệm lời, nhưng sức tưởng tượng của nhà thơ như có phép màu nhiệm để đối sánh cái cụ thể (tình yêu lứa đôi) với cái trừu tượng (vì sao xa, vì sao rất lạ). Đó phải chăng là kinh nghiệm quí trong thơ ca phương Đông được nhà thơ vận dụng từ biện pháp tu từ thủ tượng (lấy cái cụ thể để nói cái trừu tượng) và đàm huyền (lấy cái huyền bí để nói cái cụ thể) nhằm làm lạ hóa ngôn ngữ thơ.

Trường ca Hởi cô cắt cỏ ở cuối Tuyển tập là một áng thơ hay, độc đáo nhờ sự vận dụng chất liệu văn nghệ dân gian. Mở đầu trường ca là không gian thôn, làng: Bờ đê, đầm sen, đường thôn, chiếc liềm bỏ rơi, tất cả đều còn đó, chỉ không tìm thấy cô cắt cỏ. Tiếp theo, là bức tranh đầy màu sắc của thiên nhiên: nắng đá ong, hoa bưởi, bướm vàng, hoa cà tim tím, ổ rơm vàng, sợi rơm thơm, có cả nắng cháy mưa rào vụ mùa lam lủ của cha, dáng còng lưng cấy của mẹ v.v… cốt làm nổi bật bóng cô cắt cỏ lò dò trong mưa, chân dung cô thôn nữ nắng mưa tảo tần. Người con gái ấy đẹp, vẻ đẹp chân quê: má bồ quân, môi quả nhót, áo tứ thân, yếm hoa hiên, tóc thơm bồ kết, mái tóc nặng đầy. Đằng sau không gian ấy là thời gian lễ hội vùng châu thổ sông Hồng: Đền thiêng, Thánh Tản viên, bãi Tự nhiên, huyền sửử Tiên Dung và Chử Đồng Tử, hội Giã La ở Hà Đông v.v…

Vậy qua Trường Ca, Đỗ Nam Cao gửi cho người đọc thông điệp gì? – Đó là triết lý phồn thực và sự bình đẳng trước Thần Thánh. Lễ hội truyền thống Việt có hai phần: thiêng và tục, đạo và đời, duy lý và duy cảm, trí tuệ và tâm linh. Phần hội thường rất sôi động, được đông đảo người dân, nhất là thanh niên nam nữ hào hứng tham dự. Đạo lý Nho gia gò bó tình yêu, qui định nghiệt ngã sự bất bình đẳng giữa các số phận. Trong các ngày Hội, các chuẩn mực trên bị phá bỏ, trái gái tha hồ đùa rởn trước mặt Thần Thánh, ai cũng có thể bình đẳng trước Thần Thánh, thoải mái cầu cúng, tranh giành những vật thiêng liêng như Nỏ Nường, tranh mo nang; giàu nghèo, sang hèn đều tham dự với điều kiện giống nhau vào các trò chơi, bơi, vật, đánh đu, kéo co.

Hiểu biết cặn kẻ các tư liệu về dân tộc học, sử học, có cảm hứng phản xạ chân thật, Đỗ Nam Cao với thi pháp mở (vận dụng một lúc nhiều thể loại dân gian: đồng dao, thành ngữ, ca dao, truyện cười, truyện cổ tích và nhiều điển tích dân gian) đã diễn cảm thuyết phục triết lý thiêng liêng tự do trao duyên, gửi phận, trao tình – tỏ tình: Thời thôi về bãi Tự nhiên/ Để em tắm. để Thánh hiền lòi ra/ Con vua cũng thể đàn bà/ Dẫu chàng đánh dậm vưỡn là đàn ông hoặc sự thân thiện trước Thánh Thần, bởi suy cho cùng Thần Thánh cũng do con người tưởng tượng ra: Hội Giã La hay mau mau/ Mau chân kẻo chậm/ Mau tay/ Tay ải tay ai/ Tay nắm cổ tay, Tay lần giải yếm/ Cởi ra hội hè/ Nhè nhẹ thôi/ Nhẹ/ Ngực e ấp ngực/ Rất mực thần tiên/ Đuốc đèn chợt sáng bùng lên/ Trai hoan hỉ, gái nga nghiêng/ Rõ hiền.

Có nhà khoa học nói: Truyền thống thơ ca phương Đông nghiêng về gợi ý (suggestif) chứ không khúc chiết, suy định như tư duy phương Tây. Ở đây mỗi bài thơ là một chứng tích cho sự sống của tâm hồn, của thi hứng để đi đến cái Đẹp, cái Cao Thượng. Tôi nghĩ, Đỗ Nam Cao đã duy cảm, đã trực giác và đã làm tròn sứ mệnh nhà thơ như chúng ta biết qua cuộc đời sáng tạo và nhân cách văn hóa của ông.

GSVS Hồ Sĩ Vịnh

Video hay

Cùng chuyên mục

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

SÔI NỔI GIẢI TENNIS “AMS VÀ DROPPII”

SÔI NỔI GIẢI TENNIS “AMS VÀ DROPPII”