Thơ ca và khát vọng hòa bình

22:30 | 24/03/2022

Chiến tranh, dù với bất kể lý do gì, cũng là điều hết sức tồi tệ và vô cùng bất hạnh. Chính vì thế, loài người luôn mơ ước được sống trong hòa bình, sẻ chia, nhân ái, phấn đấu vì những giá trị nhân bản.


Gần một tháng sau khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine cho đến nay, bao nhiêu đau thương đã xảy ra trên đất nước Ucraina. Hàng ngày hình ảnh bom đạn, chiến sự khốc liệt diễn ra ở Ucraina đã tác động mạnh đến lương tri con người nói chung, văn nghệ sỹ Việt Nam nói riêng.
“Chiến tranh không phải trò đùa”, “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” (nhà văn Svetlana Alexievich, Nobel văn học 2015); do vậy hòa bình cho đất nước và nhân dân Ucraina hiện nay nói riêng và thế giới nói chung là khát khao của loài người. Nhiều nhà thơ Việt Nam như Hoàng Vũ Thuật, Trần Chấn Uy, Hoàng Thụy Anh, Ngô Đức Hành, Nguyễn Minh Đức, Đinh Nho Tuấn…đã có những bài thơ thể hiện khát vọng đó.

Chiến tranh bao giờ cũng gây đau thương

Trong số các nhà thơ nói trên, nhiều người đã từng học tập, công tác cả ở nước Nga và Ucraina. Họ yêu hai đất nước Nga, Ucraina với nền văn hóa rực rỡ, con người nhân hậu, từng gắn bó máu thịt, chia ngọt sẻ bùi với Việt Nam trong lịch sử nên họ càng xa xót. “Sau lưng tôi là dòng sông Dnepr, bên kia sông là thủ đô Kiev của Ucraina. Đất nước xinh đẹp, thủ đô hào hoa, thanh bình giờ đang chìm trong khói lửa chiến tranh. Bao giờ đất nước ấy trở lại thanh bình?”, nhà thơ Trần Chấn Uy viết trên trang cá nhân.

Tôi đã đến đất nước của Gogol
Đứa con Ukraina, văn hào của nhân loại
Viết bằng tiếng Nga, ông người thuận tay trái
Tay trái tài hoa thắp sáng ngôi đền văn.

Lật trang sách “Những linh hồn chết”
Gặp trái tim ông và nỗi niềm xa xứ
Nỗi đau lớn thổi nghìn cơn gió dữ
Khát vọng con tàu và vịnh kín bình yên
(Đồng cảm, thơ Trần Chấn Uy)

Đồng cảm với nhân dân Ucraina, Trần Chấn Uy cất lên tiếng nói của khát vọng bình yên. Trái tim nhà thơ rỉ máu với nhiều cung bậc đớn đau. Cũng như Trần Chấn Uy, nhà thơ Nguyễn Minh Đức có một giấc mơ hòa bình. Chính vì thế, ông đã sáng tác bài “Giấc mơ”. “Thi ca và chính trị là hai lĩnh vực khác nhau nhưng thi ca và chính trị sẽ gặp nhau nếu cùng hướng đến giá trị tốt đẹp của con người là chân thiện mỹ. Chính trị và thi ca sẽ gặp nhau trong lòng nhân loại khát vọng hòa bình và trong tình thương yêu đồng loại. Sức mạnh của vũ khí là sự hủy diệt nhưng sức mạnh của thi ca là thức tỉnh lương tri và bồi đắp phẩm giá con người”, ông chia sẻ.

Đêm qua tôi mơ
Tôi đã thấy Taras Shevchenko và Pushkin đang trò chuyện
Dưới tán bạch dương vàng rực lúa mì
Không học thuyết cường quyền, tham vọng

Chỉ những câu thơ tha thiết yêu người
Họ từ biệt với bàn tay ấm
Năm ngón hiền “Không làm hại lẫn nhau”
(Giấc mơ, thơ Nguyễn Minh Đức)

Nhà thơ Hoàng Thụy Anh, giọng thơ được mã hóa sau những ẩn dụ thì viết: “Chúa tạo ra loài người chúa không tạo ra tấm mạng che thân / thời gian chăng đầy những cuộc rượt đuổi / ngoi ngóp & lều bều / mặc định chân dung kẻ di cư trong lớp huyền khải cô độc / kỷ nguyên nào cũng quàng lên chu kỳ ấy”, (Phía sau một viên đạn).
Nếu như mỗi con người luôn luôn phải chiến thắng “tham – sân – si” để tìm được tự do thì các chính trị gia phải vượt qua được những lợi ích ích kỷ, cực đoan của dân tộc mình thì thế giới may ra mới tìm thấy tiếng nói chung để đối thoại. “Những cuộc rượt đuổi” lợi ích, tham vọng bá quyền luôn tạo ra xung đột, chiến tranh. Lịch sử loài người đã chứng minh như vậy. Đáng tiếc, “mỗi phút giây trôi qua / con người chưa bao giờ ngừng ăn những hạn hẹp chính mình” (Phía sau một viên đạn).

Hòa bình là khát vọng chung của loài người

Trong những ngày chiến tranh xảy ra ở đất nước Ucraina xa xôi, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật hay nghe lại các ca khúc dân ca Nga và Ucraina.
Ông tâm sự: “Lúc trẻ tôi yêu dân ca Ukrana. Đêm nào chúng tôi cũng kéo nhau ra bãi cỏ đàn và hát say sưa. Bấy giờ tôi chơi violon bỏ bẻ. Tôi nhớ “Đồng quê” một trong những bài hát được xem như dân ca rất thích. “Đồng xanh bát ngát mênh mông Ucraina. Dòng sông lắng trôi quanh co êm đềm. Bờ xanh, nước biếc, đôi cây thùy dương nghiêng mình. Ucraina mến yêu, quê hương thanh bình”. Bài hát ca ngợi vẻ đẹp quê hương yêu dấu, nhưng tố cáo chế độ thống trị hà khắc của Sa hoàng Nikolai vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, làm cho dân chúng đói khổ, điêu linh. Họ đấu tranh đòi lật đổ ngai vàng, xây dựng chế độ mới”.
Ông luôn nguyện cầu cho chiến tranh mau chấm dứt, mang lại hòa bình cho Ucraina, xây dựng lại quan hệ anh em giữa Nga và Ucraina, hai đất nước mà ông yêu mến. Bài thơ “Thử vẽ lại chiến tranh”, được ông sáng tác trong những ngày này.

Cuộc chiến vẫn tiếp diễn trong cơn nư não bộ những người điên
ngôi làng trở về thời hồng hoang vô vàn hộp sọ biến thành sản phẩm
cuộc kiếm tìm khảo cổ
mảnh đạn không găm ngoài da mà từ tim bật ra
cái chết bí ẩn
(Thử vẽ lại chiến tranh)

“Bức vẽ” về chiến tranh bao giờ cũng đáng sợ: “…/sáng ra mặt trời đỏ / con đường im lặng cô chiếc những chiếc bóng rỗng không rưng rung / đám cháy đong đầy ký ức / chết / và chết”. Chiến tranh là chết chóc, là hận thù, là kéo lùi lịch sử. Đó là nguyên nhân làm cho những ai yêu chuộng hòa bình, tiến độ luôn căm ghét chiến tranh.
Tất nhiên, cuộc chiến tranh nào cũng có sự biện minh, có đánh tráo khái niệm. Đó cũng là sự giả dối của chiến tranh. Trong thời đại 4.0, chiến tranh tâm lý, dối trá…được nâng lên thành “nghệ thuật” của tội ác. “Chiến tranh / những chiếc lưỡi dài sùi lên ngụy biện / và đám đông / ai vô can khạc vào sự sống”, (Chiến tranh), nhà thơ Ngô Đức Hành suy tư. Đáng tiếc, điều đó đang hiện hữu.

Ai đánh tráo đức tin
làm giả tiếng chuông thánh đường Chính thống
sao nuốt nổi khổ đau
tên lửa hành trình trong lời cầu nguyện

Bao nhiêu kẻ độc tài
tìm gì nơi cái chết
quạ bay lên ngáo tiếng con người
(Chiến tranh).

Lẽ dĩ nhiên, với chiến tranh, bên nào thắng thì nhân dân cũng là người thua trận. “Ôi nước Nga chẳng thể nào vĩ đại / Nếu thiếu đi những người mẹ nhân từ / Người nướng bánh trao tay con ra trận / Và nhận về giấy báo tử bằng thư”, nhà thơ Đinh Nho Tuấn đau nỗi đau của những bà mẹ nước Nga, có con hy sinh trong cuộc chiến Nga – Ucraina hiện nay.
Hơn hai hết, Đinh Nho Tuấn viết bằng tất cả tình yêu như máu thịt với nước Nga, bởi ông đã từng học tập, tình yêu cuộc đời của ông thăng hoa cùng mùa thu vàng nước Nga. “Tôi đã yêu nước Nga, yêu như điên như dại / Yêu dòng sông, yêu hoang dã cánh rừng / Yêu bạch dương, yêu từng bông tuyết nhỏ / Trên mắt mình tan chảy giữa ngày đông”, (Không muốn nước Nga…, thơ Đinh Nho Tuấn).

Chiến tranh Nga – Ucraina đang đe dọa thiếu lương thực trên thế giới

Loài người đã qua bước vào thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 nhưng thế giới đang đầy rẫy nghịch lý, chưa có một ngày bình yên trên trái đất. “Súng vẫn nổ tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ suốt những thập niên đầu của thiên niên kỷ thứ ba, khi đối thoại để giải quyết tranh chấp, xung đột đã trở thành xu hướng của thời đại. Thêm một lần lời kêu gọi của nhà cách mạng vô sản Yulius Fucik trong nhà tù phát xít gần 80 năm trước lại vang lên khẩn thiết: “Nhân loại, hãy cảnh giác!”, nhà thơ Mai Nam Thắng nhận định.
Chiến tranh, dù với bất kể lý do gì, cũng là điều hết sức tồi tệ và vô cùng bất hạnh. Là một đất nước đã phải trải qua biết bao cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ để giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết sự khốc liệt của chiến tranh.
Những nhà văn, nhà thơ Việt Nam, dù đã đi qua, hay chưa qua chiến tranh đều hiểu rõ giá trị của hòa bình. Chính vì thế, họ luôn mơ ước cho từng dân tộc, cũng như toàn thế giới được sống trong hòa bình, sẻ chia, nhân ái, phấn đấu vì những giá trị nhân bản./

Ngày 23/3/2022
Ngô Đức Hành/Tạp chí Văn Hiến bản in


Cùng chuyên mục

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế