Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính đến 16 giờ 30 phút ngày 8/5, mưa to, dông lốc, mưa đá, gió giật mạnh đã gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại các địa phương.
Cụ thể, mưa to, dông lốc, mưa đá, gió giật mạnh đã làm 1 người mất tích do chìm thuyền nan trên biển (ông Nguyễn Văn Th, sinh năm 1971, trú tại thôn Trung Thành, xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình); 2 người bị thương ở huyện Quế Phong (Nghệ An); 1.003 nhà tốc mái, hư hỏng (Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Trị, Bình Thuận, Đồng Nai).
Cùng với đó, có 7.581 ha lúa, hoa màu thiệt hại (Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Thuận); 1.005m mương bị sạt lở (tại Lào Cai); 3 tàu chìm, hư hỏng (Quảng Trị 2, Thừa Thiên – Huế 1); 16 con gia súc chết (Hà Giang).
Tại thành phố Cần Thơ, khoảng 3 giờ ngày 8/5, vụ sạt lở bờ sông đã xảy ra tại khu vực ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền khiến phần nhà phía sau của 7 hộ dân bị sụp xuống sông Cần Thơ. Ước thiệt hại ban đầu khoảng 10 tỷ đồng.
Ngoài ra, có 2 người chết và mất tích trên biển (tỉnh Quảng Trị). Hiện địa phương chưa xác định được nguyên nhân và đang tổ chức tìm kiếm.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức giúp đỡ người dân di dời đến nơi an toàn, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Để tiếp tục ứng phó với các loại hình thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa dông kèm lốc sét, mưa đá, gió giật mạnh, đồng thời tổ chức trực ban, thường xuyên nắm bắt tình hình thiên tai báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.