Theo dòng ‘gạn đục, khơi trong’

15:29 | 23/12/2021

Theo phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam, từ xưa đến nay, lễ cưới, lễ tang và lễ hội chính là biểu hiện nếp sống văn hóa của mỗi gia đình, của cộng đồng và toàn xã hội. Việc tổ chức lễ cưới, lễ tang và lễ hội vừa kế thừa truyền thống phong tục, tập quán, mang bản sắc riêng của dân tộc, vừa được cách tân ngày càng văn minh theo sự phát triển của thời đại hôm nay là cả một quá trình tuyên truyền, vận động kiên trì và mềm dẻo của đội ngũ các cán bộ và những người có uy tín trong cộng đồng. Huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn là một ví dụ điển hình. 


Một đám cưới theo nếp sống mới của người Dao ở Lạng Sơn, cô dâu và phù dâu mặc trang phục truyền thống của dân tộc.

Còn nặng hủ tục trong hiếu, hỉ

Khi nhắc lại “cuộc cách mạng” làm thay đổi tập tục cưới xin, tang ma trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Chỉ ở huyện Lộc Bình, ông Hoàng Văn Dầu, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình kể lại nhiều kỷ niệm những năm tháng làm cán bộ xã. Hồi tưởng về “tục xưa lệ cũ”, đôi mắt ông trở nên xa xăm. Ông Dầu kể, những năm 1960 trở về trước, người dân Sán Chỉ ở xã Nhượng Bạn thuộc diện nghèo nhất huyện Lộc Bình. Mỗi năm, bà con đều bị đứt bữa từ 3-4 tháng. Điều kiện kinh tế khó khăn, cộng thêm những hủ tục lạc hậu trong nếp sống hằng ngày, đặc biệt là trong đám cưới, đám tang khiến đời sống của bà con luôn rơi vào tình cảnh nợ nần, thiếu đói.

Theo quan niệm của người Sán Chỉ xưa kia, gia đình nào có đông con gái là nhà đó phúc to lắm. Ngược lại, gia đình nào đông con trai thì bố mẹ gánh thêm nỗi lo, bởi họ phải tích lũy được nhiều của cải mới có khả năng cưới vợ cho các con. Cũng giống như tập tục cũ trong xã hội người Mông, Dao, Tày, Thái… ở miền núi phía Bắc, trai gái Sán Chỉ xưa kia không được tự do yêu đương, tìm hiểu để kết hôn mà thường do cha mẹ hai bên sắp đặt. Thủ tục nghi lễ đám cưới thì vô cùng rườm rà, tốn kém. Phần lễ vật thách cưới của họ nhà gái luôn trở thành gánh nặng quá sức đối với họ nhà trai.

“Trước khi đám cưới chính thức diễn ra, nhà trai phải sắm sửa đầy đủ các lễ vật theo yêu cầu của nhà gái để tiến hành các nghi lễ: Dạm ngõ, so mệnh, ăn hỏi, thách cưới, dẫn cưới và đón dâu. Thông thường, mỗi đám cưới, nhà trai phải sắm đủ lễ rượu, thịt, gạo… mỗi thứ 3,6 tạ, chưa kể bạc nén kèm theo. Lệ làng từ xưa quy định như vậy nên nhà nào kinh tế khó khăn cũng phải đi vay tiền, vay gạo về tổ chức đám cưới cho con. Như gia đình tôi khi cưới xong vợ cho con, phải bán đi cả đàn trâu để trả nợ. Đến nay, đầu bạc trắng nhưng gia đình vẫn chưa trả hết nợ. May được bên họ gái thương mà xóa nợ cho đấy!” – ông Dầu hồi tưởng lại.

Không chỉ nghi thức đám cưới rườm rà, tốn kém, đám tang theo lệ cũ của người Sán Chỉ, người Tày – Nùng, người Dao ở Lộc Bình cũng kéo dài nhiều ngày, gây tốn kém về tiền bạc, thời gian, công sức. Cô giáo Đổng Thị Hiền, hiện đang công tác tại Trường Trung học phổ thông Lộc Bình cho biết, trước đây, theo phong tục của người Tày, khi gia đình có cha hoặc mẹ “khuất núi”, trong nhà có bao nhiêu người con là bấy nhiêu bàn thờ tế lễ được đặt tại gia đình mình. Vì thế, nếu gia đình đông con và ở tập trung trong một làng thì gần như “cả làng có đám”. Hủ tục này tồn tại đã rất lâu ở Lộc Bình, không những gây tổn hại về kinh tế, tinh thần, đảo lộn cuộc sống thường ngày của các “tang chủ”, mà còn gây nhiều phiền toái đến bạn bè, anh em, họ mạc, làng xóm vì phải đi nhiều nhà, tế lễ nhiều nơi, tốn kém thời gian, tiền bạc…

“Mưa dầm thấm lâu”

Việc đồng bào các dân tộc thiểu số trong cả nước nói chung, ở Lộc Bình nói riêng giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong lễ cưới, lễ tang và sinh hoạt lễ hội là một điều đáng trân trọng. Tuy nhiên, có những yếu tố trong văn hóa truyền thống đã không còn phù hợp với xã hội văn minh hiện đại. Những hủ tục đó đã cản trở, kéo lùi sự phát triển về mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải thay đổi tư duy nhận thức trong việc “gạn đục, khơi trong” dòng chảy văn hóa truyền thống cho đồng bào ở các bản làng vùng sâu, vùng xa.

Năm 1998, hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động, huyện Lộc Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, thành viên là cán bộ từ cấp huyện đến cấp thôn, bản. Những người có uy tín trong cộng đồng người Dao, Sán Chỉ, Tày, Nùng… đóng vai trò tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động.

Ông Hoàng Văn Dầu nhớ lại ngày đầu đi tuyên truyền, vận động: “Thời điểm đó, tôi đang là Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Nhượng Bản. Khi được cán bộ cấp trên tín nhiệm, giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động, tôi đã đi xuống tận các thôn, bản để triệu tập các già làng, trưởng bản có uy tín về xã dự hội nghị bàn cách thức tuyên truyền, vận động cho bà con. Để hội nghị thành công, tôi chủ động ra huyện mời các đồng chí lãnh đạo cốt cán về xã dự để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từ các già làng, trưởng bản. Từ đó, huyện hậu thuẫn cho xã Nhượng Bản triển khai phong trào đạt hiệu quả cao nhất”.

Ngoài tổ chức các hội nghị, ông Hoàng Văn Dầu còn chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể… cử cán bộ trực tiếp xuống các thôn, bản vận động, tạo chuyển biến trong nhận thức của nhân dân về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần, nhận thức của bà con về nếp sống mới đã có những chuyển biến căn bản.

Hiện nay, trong việc cưới tại xã Nhượng Bản và các xã khác trong huyện Lộc Bình, bà con đã thực hiện đúng quy định về đăng ký, cấp giấy kết hôn tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn. Đám cưới được tổ chức thường chỉ trong một ngày; mỗi đám cưới làm khoảng 30-50 mâm cỗ, không mời thuốc lá, tình trạng say rượu giảm nhiều. Các nghi lễ theo phong tục trước và sau khi cưới được tổ chức giản tiện, vui vẻ, lành mạnh. Trang phục cô dâu, chú rể theo truyền thống dân tộc được khôi phục ở một số nơi, điển hình như dân tộc Sán Chỉ ở xã Nhượng Bạn, dân tộc Dao ở xã Mẫu Sơn và xã Ái Quốc, huyện Lộc Bình, dân tộc Tày ở huyện Bắc Sơn…

Trong việc tang, đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn đã có nhiều hình thức sáng tạo, xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Tang lễ được thực hiện đúng quy định, nghi thức thày mo, thày tào cũng đã được cải tiến; việc tổ chức phúng viếng đã hạn chế vòng hoa, bức trướng… Một số địa phương đã tổ chức thực hiện hình thức hỏa táng thay cho địa táng. Các tuần tiết sau đám tang như 3 ngày, 49, 100 ngày… về cơ bản không còn rườm rà như trước, tổ chức gọn nhẹ hơn. Đặc biệt, những lễ cưới hôm nay vẫn có sắc màu rực rỡ của trang phục dân tộc truyền thống, vẫn có những nghi thức trang trọng trong lễ cưới với sự chứng kiến của đôi bên hai họ, vẫn có chén rượu nồng và những lời chúc tụng. Và hạnh phúc của cô dâu – chú rể được vẹn tròn hơn bởi sau đám cưới gọn nhẹ, trang trọng, đôi bạn trẻ không còn canh cánh nỗi lo “trả nợ cưới” như thời của ông bà, cha mẹ xa xưa…

Theo Biên phòng

 

Cùng chuyên mục

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn tại Năm du lịch Tuyên Quang 2024

Nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn tại Năm du lịch Tuyên Quang 2024

NSND LỆ THỦY TẶNG NHÀ “ĐẠI ĐOÀN KẾT” TẠI TỈNH LÀO CAI

NSND LỆ THỦY TẶNG NHÀ “ĐẠI ĐOÀN KẾT” TẠI TỈNH LÀO CAI

Về 41 di sản độc đáo tại Hà Tĩnh không thể kiểm đếm vì vấn đề… “tâm linh”

Về 41 di sản độc đáo tại Hà Tĩnh không thể kiểm đếm vì vấn đề… “tâm linh”