Thời gian gần đây, trên một số báo, tạp chí điện tử, triển lãm đã xuất hiện những bức ảnh đẹp về đời sống, phong tục, tập quán, trang phục của một số dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam của nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng. Dù không phải là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, nhưng những bức ảnh của anh đã minh chứng cho tình yêu, niềm đam mê và sự dấn thân của Nguyễn Sơn Tùng với văn hóa các DTTS ở Việt Nam.
Từ một sự gặp gỡ tình cờ
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng sinh năm 1974, tại thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Anh không theo học một trường nghệ thuật nào cũng không làm công việc liên quan đến nghệ thuật. Công việc của anh là cùng gia đình quản lý công ty kinh doanh dịch vụ xe khách liên tỉnh. Anh đến với nhiếp ảnh từ một sự tình cờ. Đó là vào khoảng mùa Hè năm 2017, trong một lần lên núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), anh tình cờ gặp một chị người dân tộc Dao đi xuống chợ. Anh rất thích màu sắc cũng như bộ váy áo của chị. Lúc đó, anh chỉ có máy ảnh du lịch trong tay nhưng đã kịp chụp được bức ảnh chị người Dao đó. Về nhà, tìm hiểu thêm, anh mới biết, ngoài dân tộc Tày, Nùng, ở Lạng Sơn còn có dân tộc Dao rất đặc biệt về trang phục và văn hóa. Sau đó, anh mua máy ảnh chuyên nghiệp và dành thời gian tự mày mò học các kiến thức về nhiếp ảnh trên internet, rồi đi tìm hiểu, chụp ảnh về họ.
Thế rồi, bên cạnh việc kinh doanh, anh còn dành thời gian cho việc sáng tác ảnh nghệ thuật. Anh đã đi đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, tìm hiểu và chụp ảnh về văn hóa dân tộc Dao ở Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lai Châu, Lào Cai; dân tộc Mông ở Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang; dân tộc Ba Na ở các tỉnh Tây Nguyên; dân tộc Ê Đê ở Đắk Lắk… Anh sẵn sàng dành vài ngày để lặn lội khắp các bản làng dù cho thời tiết khắc nghiệt, mưa, lạnh, đường trơn trượt miền núi với mong muốn chụp được những bộ ảnh đặc sắc về đồng bào các DTTS.
Nguyễn Sơn Tùng tâm sự: “Tôi là người “tay ngang” chỉ biết đến với nhiếp ảnh từ sự đam mê với mảng chụp ảnh về văn hóa của đồng bào các DTTS. Ở những người DTTS, tôi luôn muốn chụp cách họ có cuộc sống đầy màu sắc, ấm áp cho dù họ lam lũ và thiếu thốn rất nhiều thứ”.
Nguyễn Sơn Tùng kể, vì mê ảnh của người bạn ở Tây Nguyên, anh đã lặn lội vào học hỏi và tìm hiểu về văn hóa các dân tộc ở Tây Nguyên. Từ đó, chủ đề các DTTS ở Tây Nguyên cũng thu hút sự chú ý của Nguyễn Sơn Tùng. Từ năm 2018 đến nay, năm nào anh cũng thực hiện một chuyến đi Tây Nguyên để tìm hiểu văn hóa, lưu lại những bức đẹp về văn hóa, con người cao nguyên. Đặc sắc nhất trong bộ ảnh về Tây Nguyên của anh là bức ảnh “Nước mắt đại ngàn” chụp lại khoảnh khắc già Y Ba vuốt ve con voi như người cha già đang vỗ về cậu con trai nhỏ. Bức ảnh này được anh chụp trong chuyến đi Tây Nguyên vào tháng 3-2020.
Khi được tiếp cận với đồng bào DTTS, Nguyễn Sơn Tùng càng thêm yêu, thêm tự hào về văn hóa, phong tục, tập quán của họ. Một điều nữa khiến anh chú ý là thời gian qua xuất hiện một số thông tin sai lệch về đồng bào DTTS do sự nghèo nàn về văn hóa của những người làm các chương trình trên mạng xã hội Facebook, Youtube. Với mục đích câu view, kiếm tiền, những người làm các chương trình đó sẵn sàng xuyên tạc những món ăn truyền thống của đồng bào DTTS khiến người xem có cái nhìn sai lệch về văn hóa, phong tục, tập quán của họ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
“Tôi muốn chia sẻ những bức ảnh về DTTS khác với những gì trên mạng đưa tin, câu view sai sự thật. Người DTTS có văn hóa, màu sắc, phong tục, tập quán phong phú. Họ rất thật thà, chất phác, trọng tình cảm và mến khách” – Nguyễn Sơn Tùng chia sẻ.
Từ một người ngoại đạo, “tay ngang”, với niềm đam mê nhiếp ảnh cùng sự cố gắng của bản thân, năm 2020, Nguyễn Sơn Tùng đã được kết nạp hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn – Chi hội Nhiếp ảnh.
Đam mê văn hóa dân tộc Dao
Có thể thấy, Nguyễn Sơn Tùng đã dành nhiều ưu ái cho đồng bào các DTTS ở những vùng núi cao, biên giới của tỉnh Lạng Sơn, trong đó, phần lớn những bức ảnh là chụp người dân tộc Dao. Qua tìm hiểu về dân tộc Dao, anh được biết, người Dao trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có sắc màu văn hóa rất phong phú. Mặc dù chịu tác động rất lớn của quá trình giao thoa văn hóa, nhưng người Dao vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng, độc đáo của dân tộc mình, từ quan hệ thứ bậc trong anh em, họ hàng đến các phong tục, tập quán, tín ngưỡng văn hóa…
Nguyễn Sơn Tùng cho biết: “Ở Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình) có nhánh Dao Lô Gang là một trong rất nhiều nhánh Dao trên cả nước. Điều đặc biệt trong cộng đồng dân tộc này là họ vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa thuần túy, không pha trộn. Họ vẫn duy trì nét văn hóa đặc sắc từ lễ cấp sắc, ma chay, cưới hỏi… đều được ông cha truyền lại”.
Qua mỗi lần đến với vùng biên giới của Lạng Sơn, gặp gỡ những người dân tộc Dao, anh càng hiểu thêm được nhiều điều thú vị trong đời sống, phong tục, tập quán của người Dao Lô Gang. Và cứ thế, theo mạch sáng tác và chủ đề yêu thích này, Nguyễn Sơn Tùng đã khai thác về mọi mặt, mọi góc nhìn, vẻ đẹp đầy màu sắc và cuộc sống sinh hoạt của dân tộc Dao Lô Gang. Từ đó, anh có nhiều tác phẩm đặc sắc như: “Bữa sáng của người Dao”, “Bếp ấm” được triển lãm tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc năm 2019; “Xôi gạo mới”, triển lãm chủ đề du lịch tại Cuộc thi ảnh Việt Nam – 2019; “Biểu diễn sự tích sư tử Mèo của dân tộc Nùng Phàn Sì Lình”, “Ngày hạnh phúc”, triển lãm tại Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc năm 2020…
Từ đam mê dân tộc Dao ở Lạng Sơn, Nguyễn Sơn Tùng đã cất công đi tìm hiểu, chụp ảnh về tất cả các nhánh dân tộc Dao ở các tỉnh khác như: Dao Đầu đỏ ở Sì Lở Lầu, Phong Thổ (Lai Châu), Dao Khâu ở Sìn Hồ (Lai Châu), Dao Đỏ Lào Cai, Dao Tiền ở Cao Bằng, Dao Thanh Phán ở Quảng Ninh, Dao Áo dài ở Hà Giang… Bởi ghi dấu ấn qua các câu chuyện ảnh về chân dung, trang phục và nếp sống truyền thống của dân tộc Dao nên bạn bè thường gọi anh là Tùng “Dao”.
Nguyễn Sơn Tùng cho biết, thời gian tới, anh sẽ tiếp tục đặt chân đến nhiều nơi hơn, thu lại vẻ đẹp của đồng bào DTTS, cảnh vật miền núi vào ống kính của mình. Anh mong ước sẽ có dịp trải nghiệm, chụp toàn bộ các nhánh Dao cư trú ở các tỉnh, thành phố của Việt Nam và tổng hợp thành bộ ảnh độc đáo về người Dao sinh sống ở Việt Nam.
Theo Biên phòng