Thèm lắm cái tết Trung thu truyền thống!

16:09 | 19/09/2018

Tết Trung thu bây giờ đủ đầy hơn nhưng lại mất dần các giá trị truyền thống khi trẻ em không còn giữ vai trò chủ thể nữa. Làm sao để Tết Trung thu mãi là ngày hội của thiếu nhi Việt và giữ được vẻ đẹp tinh thần trong thời đại kỹ thuật số và kinh tế thị trường. 


Khôi phục cổ truyền?

Nếu hỏi về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Trung thu chắc chắn nhiều bạn nhỏ bây giờ sẽ không biết câu trả lời. Nhiều đứa trẻ được tặng quà, được đi chơi nhưng không mấy em biết tại sao lại có ngày lễ chơi trăng?

Không chỉ trẻ em thành thị thiệt thòi vì thiếu không gian bày cỗ trông trăng mà ngay cả trẻ em ở các vùng quê, trong ngày vui đặc biệt này cũng không còn cơ hội hiểu biết giá trị của ngày Trung thu. Trung thu giờ đã khác xưa không chỉ ở hương vị sản vật bánh trái quê hương, đồ chơi của con trẻ mà còn ở tâm thế chăm chút, chuẩn bị ở mỗi người, mỗi gia đình.

Không còn sự háo hức chờ mong hàng tháng trời với niềm vui nhân lên từng ngày qua việc tự làm đồ chơi, bóc và xâu dây hạt bưởi phơi khô đợi đến ngày rằm để đốt lên. Trẻ em bây giờ đón Trung thu với đủ thứ quà mua sẵn và dịch vụ phục vụ tận nơi.

Vì thế, chúng không biết nhớ và mong chờ Trung thu. Cũng thật hiếm hoi cảnh rộn ràng lối ngõ tiếng trống múa lân, đám trẻ rước đèn rồi quây quần bên mâm cỗ trông trăng được trang trí đẹp mắt với đủ loại hoa quả, bánh trái, các con giống nặn bằng bột nhuộm ngũ sắc. Rước đèn hát vang những bài hát Trung thu dưới vầng trăng rằm sáng vằng vặc, ngồi nghe người lớn kể câu chuyện cổ tích về chú Cuội, chị Hằng, đến khi mặt trăng lên cao cùng tưng bừng phá cỗ… Vẻ đẹp ấy lại trở thành xa xỉ.

Trung thu xưa vui từ trong mỗi gia đình, người lớn chuẩn bị mâm cỗ trông trăng cho con trẻ rồi cùng nhau ăn bánh, uống trà thưởng nguyệt, chuyện trò tâm tình. Những mùa Trung thu ấm áp, bình dị đã mai một trong tâm trí bao người bởi nhịp sống xô bồ, thực dụng.

Dịp Trung thu người ta thực hành nghi thức biếu bánh ông bà, cha mẹ, họ hàng và các bậc cao niên. Nhưng chiếc bánh Trung thu giờ phải đảm trách nhiều sứ mệnh khác khi người ta mượn ngày này để lễ lạt, cầu cạnh nhau. Mùa Trung thu bị biến tướng thành câu giễu nhại: “Trung thu là Tết thiếu nhi/Cớ sao người lớn kéo đi ầm ầm…”.

Gạn đục khơi trong

Khẳng định Tết Trung thu là của trẻ em, là dịp để người lớn dành cho con cháu mình tình yêu thương và sự quan tâm chăm sóc, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng: Tết Trung thu truyền thống đã ghi dấu ấn trong nhiều thế hệ người Việt. Chúng ta từng có Trung thu kháng chiến, Trung thu thời bao cấp, mở cửa, hội nhập. Tết Trung thu cũng phải thay đổi theo thời gian.

Dòng chảy của cuộc sống không dừng lại, chờ đợi ai cả. Văn hóa có giá trị trường tồn. Giá trị cốt lõi của Tết Trung thu là giá trị tinh thần. Do đó, khi những yếu tố vật chất thay đổi thì mô hình tổ chức cũng cần thay đổi. Chúng ta vẫn duy trì và phát huy được ý nghĩa sâu xa của Tết Trung thu là vào dịp này, cộng đồng chung tay thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm, sẻ chia tình cảm với trẻ em, nhất là trẻ có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa.

Cái Tết gắn với vẻ đẹp thiên nhiên thì đa số trẻ em thành thị phải chịu thiệt thòi. Vầng trăng tuyệt đẹp bị nhà cao tầng che khuất. Đồ chơi công nghiệp chiếm lĩnh thị trường, ánh điện và âm nhạc điện tử thay thế tiếng trống múa sư tử, múa lân… Bởi vậy, chúng ta phải đa dạng hóa các mô hình tổ chức Trung thu cho trẻ em tại các thành phố lớn chứ không thể rập khuôn như cũ được. Nếu người lớn chú tâm và hết lòng chăm lo vì trẻ thơ, chúng ta sẽ tìm ra những cơ hội tiếp cận Tết Trung thu một cách tốt nhất cho các em… – PGS.TS Nguyễn Văn Huy phân tích.

“Tôi nghĩ, các bảo tàng cần tích cực vận động các nguồn lực xã hội hóa và tranh thủ sự ủng hộ của những tấm lòng nhiệt huyết với trẻ em thì sẽ tổ chức được ngày Tết Trung thu đủ đầy ý nghĩa, kết nối truyền thống với tương lai. Không gian bảo tàng là nơi thích hợp để tổ chức những sự kiện này…” – bà Trần Hồng Nhạn – Trưởng phòng Hành chính tổng hợp – Bảo tàng Hà Nội chia sẻ.

Nhiều năm qua, Bảo tàng Dân tộc học đã tổ chức được các chương trình Trung thu mang nét văn hóa vùng miền đặc sắc, gắn hoạt động trải nghiệm với vui chơi cho trẻ em thực sự hiệu quả.

Bảo tàng Hà Nội hai năm trước đây cũng đã tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em, được dư luận xã hội đánh giá cao. Sự kiện “Rước trăng trên phố” được các họa sĩ Đình làng Việt dành thời gian, tâm huyết ủng hộ mọi mặt. Các nghệ nhân làng nghề nặn tò he, làm bánh Trung thu, làm đồ chơi dân gian đã được mời về bảo tàng hướng dẫn trẻ em tự tay làm ra các sản phẩm đồ chơi dân gian. Trong không gian thênh thang đó, các em hiểu thêm về lịch sử, văn hóa và tham gia nhiều hoạt động phong phú, đậm bản sắc Trung thu truyền thống…

 

Theo GD&TĐ

Video hay

Cùng chuyên mục

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

Tăng cường kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu làm bánh Trung thu

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Đại hội Hội hữu nghị Việt – Nhật tại Đà Nẵng

Đại hội Hội hữu nghị Việt – Nhật tại Đà Nẵng