Thấy và nghe ở quê

12:42 | 22/01/2022

Trong hai tháng Một và Chạp năm nay, do nhà có việc, tôi đi đi về về nhiều lần. Có bận sáng đi, tối về, có hôm tối nhọ mặt người vẫn còn loay hoay ở bờ sông nhưng mươi phút sau đã ngồi chợp mắt trên xe taxi về Ha Nội. Bây giờ đi lại sướng thật. Trong làng cũng có mấy xe chạy taxi, muốn đi đâu, đi lúc nào cũng được. Chả cần nghiệp đoàn nào hướng dẫn, cho phép, cứ có “cầu” dân sẽ có cách “cung”. Thấy cứ gặp tôi liên tục, có đứa cháu hỏi “ dạo này ông về quê ở hẵn rồi à? Ông có ăn rau sạch không, vườn nhà cháu ông biết rồi, muốn ăn gì ông cứ lấy nhé”.

Hương vị tết ở quê.

Tôi đi ra bờ sông. Con sông có tên hẳn hoi, còn đẹp nữa nhưng dân làng tôi thích gọi sông Con ( sông Sinh) để phân biệt với sông Cái ( Hoá giang) lớn hơn là sông ranh giới tự nhiên với Hải Phòng. Những năm 60-70 nằm giữa ba bề bốn bên sông nước, mỗi khi đi ra ngoài khổ lắm vì cách trở đò giang. Không còn dấu vết gì của con đê ngày xưa. Vực xưa cũng không còn, dòng nước xanh mát ngày xưa cũng chỉ còn trong những kỷ niệm. Những luống xà lách, su hào xanh ngắt. Thấy một người vừa xếp những con trai to bằng bàn tay vào rổ, tôi hỏi “ sao sông Con bây giờ nhiều vạng thế?”, cô ấy cười “ bây giờ sông nhiều con này lắm ông ạ. Hôm nước cạn chỉ ra một lúc bắt được cả rổ. Bán có 3-4 nghìn một cân, chả bõ công. Muốn ăn thì ra mò một lúc, ăn nhoè ông a”. Chú em tôi mua một rổ hết có 50.000 đ. Nhưng xào hành, răm cũng không thấy ngon như trước nữa.

Nấu bánh chưng là một trong những công việc quan trọng của người dân quê vào dịp Tết.

Nghe mấy ông thợ kể chuyện vớt rươi vui đáo để. Ngày còn ở nhà tôi vẫn nhớ câu “ tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm” là hai con nước rươi chiêm và mùa. Giáp Tết rồi mà vẫn có rươi. Anh thợ đang làm cho tôi bảo” giờ nước rươi cũng đổi rồi bác a. Giời xầm xì thế này thế nào cũng có. Em nghe điện thoại vợ báo có rươi là việc bác đang cần em cũng bỏ”. Hỏi “ thật à?”, cười rất tươi “ thật đấy. Nể thì nể thật nhưng cứ nghe có rươi là việc gì cũng bỏ. Như nhà N. có tang. Vợ gọi điện cho chồng về. Đến Nam Định nhận tin nhắn của vợ “ra chiều ngoài ( chỗ ruộng rươi) ngay. Rươi đang nhiều. Tang hoãn đến mai”. Thấy tôi ngơ ngác, mấy ông cùng làm bảo “ đúng đấy bác ạ. Bác tính gặp nước, kiếm mươi cân là có vài triệu rồi. Có nhà ruộng nhiều, được hàng tạ thì việc gì cần đến đâu cũng phải bỏ đấy đã. Bọn em đi ăn mừng Tân gia nhà mình xây. Cỗ bưng ra, mọi người chưa kịp đụng đũa thì một ông nhận tin vợ nhắn “ bố ở đâu ra ngay. Rươi đang nhiều”. Thế là nháo nhào xin lỗi gia chủ, chạy ra đồng rươi. Hôm ấy em cũng kiếm được mươi cân”. Cái gì cần hơn làm trước”. Ờ, cái lý giản dị và thiết thực này không phải ai cũng thấy xuôi tai nhưng cuộc sống là thế.

Tết ở quê thường đơn sơ và bình dị.

Nhìn trời thấy có nắng loe. Một ông lầm bầm ”nắng thế này hỏng món rươi nhưng cá khoai nhiều. Mình hốc xịt, họ ăn to”. Vẻ buồn rồi cũng qua nhanh. “Thôi để dành vụ sau cũng được”. Tôi nhớ những cữ nước rươi ngày xưa, những bữa rươi nấu kiểu quê bao giờ cũng thấm đẫm hương vị quê nhà. Bây giờ tôi vẫn thích ăn rươi nấu hay húi ( lót lá gừng vào nồi đất, đổ nguyên con rươi vào cùng gia vị rồi đổ trấu đốt mấy tiếng liền) theo kiểu quê hơn món chả rươi thêm trứng và thịt. Không phải mình cố giữ kiểu nhà quê đâu mà quả thực ăn như thế có cái ngon của riêng nó. Rươi nấu có gấc non, khế chua, ớt cay và lá gừng, răm, thêm ít thịt băm và đôi quả trứng. Đun thật kỹ, quấy thật đều. Riêng rươi húi ngoài lá gừng chỉ có nước cáy và ớt nhưng sao hương vị khó quên thế.

Chiều, có việc đi qua nghĩa địa đã thấy ba ông thợ đang làm. Ba chiếc xe máy, chiếc nào cũng có cái máy bơm được chằng buộc kỹ. Không có rươi họ lại đi làm việc khác. Hỏi ra mới biết nhà nào cũng sắm máy bơm để bơm nước vào hoặc bơm ra khỏi ruộng rươi khi cần. “Làm ăn hiện đại nhỉ?”, tôi hỏi. Một ông cười “ Phải đầu tư tý để có thu nhập, bác ạ”. Rồi câu chuyện lại xoay quanh Dự án mở rộng cánh đồng rươi của xã đã được đưa vào kế hoạch của tỉnh. Sẽ đắp đê khoanh vùng và mở rộng diện tích cánh đồng chuyên canh rươi. Họ bàn bạc cách làm, chuyện hơn thiệt của người trong và ngoài dự án với sự tính toán thật sành sỏi. Nhìn họ thấy vui hơn nhiều. Những người dân quê tôi đấy. Họ khác rất xa những gì tôi biết mà nếu không có những ngày này chắc tôi không hiểu được. Tôi còn thấy vui hơn khi nghe họ nói với nhau mà nghe cứ như họ dạy mình những cách thức lo toan để sống no đủ hơn trong cuộc đời. Vẫn chân chất, chu toàn và lương thiện. Tôi không thấy mùi kim tiền và những toan tính dẫm đạp lên nhau nhằm vơ vét được nhiều hơn người khác. Ôi, quê nghèo của tôi.

 

Phạm Quang Long

Cùng chuyên mục

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

Liên hoan Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Hà Tĩnh

NHCSXH huyện Đăk R’Lấp giải ngân cho vay người chấp hành xong án phạt tù

NHCSXH huyện Đăk R’Lấp giải ngân cho vay người chấp hành xong án phạt tù

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.