Suối cá thần có vị trí khá kỳ bí khi nằm dưới chân núi Trường Sinh, bên trên là hệ sinh thái rừng nhiệt đới, cách thành phố Thanh Hóa hơn 80km. Suối cá có diện tích khá hẹp nhưng lại có hàng ngàn con cá tập trung ở đây với đủ màu sắc rất kỳ lạ.
Sự tích về suối cá thần
Suối cá thần Cẩm Lương hay còn được người dân gọi là Mó Ngọc hay suối Ngọc, tọa lạc tại bản Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Dòng suối này có chiều dài khoảng 2km, bắt nguồn từ một hang đá ở chân núi đổ ra thung lũng bên bờ nam sông Mã.
Suối cá thần có vị trí khá kỳ bí khi nằm dưới chân núi Trường Sinh, bên trên là hệ sinh thái rừng nhiệt đới
Suối ở nơi đây là nơi sinh sống của rất nhiều đàn cá với mật độ dày đặc, được người dân tôn thờ như cá thần. Những đoạn suối có thể nhìn thấy đàn cá chỉ có mực nước khoảng 40cm, chiều rộng suối 3m. Dòng nước trong vắt có thể nhìn thấy hàng trăm, hàng nghìn con cá đang bơi lội, đặc biệt có rất nhiều loại cá quý hiếm như cá chài, cá mọi, cá dóc,…
Theo tương truyền của xã Lương Ngọc và truyền thuyết của người Mường kể lại biết, từ xa xưa, bản Ngọc nằm dưới chân dãy Trường Sinh thường xuyên bị hạn hán, mất mùa. Ở bản, có hai vợ chồng hiếm muộn con, hàng ngày thường ra ven suối trồng trọt và bắt tôm cá kiếm sống. Một hôm, người vợ ra suối mò cua, bắt cá lại mò được một quả trứng lạ. Bà thả quả trứng xuống nước rồi tiếp tục mò, nhưng vẫn chỉ mò được quả trứng đó. Ba bốn lần như vậy, bà thấy lạ liền mang trứng về nhà rồi kể lại câu chuyện cho chồng nghe. Ông bà đem trứng cho gà ấp thử, không ngờ ít hôm sau, quả trứng đó nở ra một chú rắn con.
Thấy lạ, ông lão liền mang chú rắn ra suối Ngọc thả cho rắn đi nhưng lạ thay cứ sáng mang ra thả thì tối rắn con lại quay về nhà; hai vợ chồng đành để rắn sống chung như một thành viên trong gia đình. Từ khi có rắn sinh ra, đồng ruộng ở đây trở nên tốt tươi, dân bản Mường được ấm no, hạnh phúc, họ yêu quý chú rắn nhỏ nên gọi rắn là chàng Rắn.
Cuộc sống yên bình cứ thế trôi qua, bỗng một đêm trời mưa to gió lớn, sấm rền chớp giật đùng đùng. Quá lo sợ, người dân đóng kín cửa ở trong nhà tránh cơn giông tố. Sáng hôm sau, người dân thấy xác chàng Rắn nằm dưới chân núi Trường Sinh, bên bờ suối Ngọc.
Suối cá có diện tích khá hẹp nhưng lại có hàng ngàn con cá tập trung ở đây
Tiếc thương chàng Rắn, bà con đem chôn dưới chân núi Trường Sinh. Trước đêm làm lễ tế, thần linh báo mộng cho dân làng biết, chàng Rắn vì chiến đấu với thủy quái về phá hoại bản làng mà vong mạng, cho nên đã được Ngọc Hoàng phong thần và giao cho chức Tứ Phủ Long Vương. Không hiểu lý do tại sao, cũng từ khi người dân trong bản lập đền thờ bên bờ suối để tưởng nhớ công lao chàng Rắn thì suối Ngọc xuất hiện đàn cá kỳ lạ với hàng nghìn con ngày đêm về chầu thần và canh gác quanh ngôi đền, cho đến tận ngày nay lúc nào cũng đông đúc. Cũng theo mộng báo thì đây là những quân lính hóa cá để hầu hạ Thần Rắn. Vì vậy, người dân nơi đây gọi là suối cá thần.
Với niềm tin suối cá thần là nơi linh thiêng, sự đông đúc của đàn cá trong dòng suối là sự bình yên, no ấm cho cuộc sống dân làng nên từ bao đời nay, bà con dân tộc Mường luôn gìn giữ và xem nơi đây như “viên ngọc quý”.
Nét đặc biệt riêng có tại suối cá thần
Ðàn cá nơi đây rất thân thiện với con người
Nếu ngồi sát mép suối, người ta có thể trông rõ từng chiếc vây và hình dáng đẹp đẽ của loài cá này. Chúng thoải mái đùa giỡn, bơi trong làn nước mát, lộ rõ phần bụng và lưng màu đen pha sắc vàng óng ánh, môi và vây màu đỏ rất đẹp và cuốn hút. Cá rất dạn người, không tản đi, dù trên bờ hầu như lúc nào cũng có người đứng ngắm.
Theo người dân địa phương, mặc dù nơi đây thường xuyên bị lũ lụt, nhưng cá trong suối không bao giờ trôi đi hay bơi ra sông. Trái lại, khi nước lũ tràn vào suối, những con cá lớn chui vào hang đá để trốn, những con nhỏ, nếu bị nước cuốn đi cũng có thể tự biết đường bơi trở lại hang.
Mùa cạn, lòng suối cá thần chỉ sâu 20 – 40cm, nước trong vắt, du khách có thể đưa tay xuống nước vuốt ve những con cá, cá ở đoạn suối này đặc biệt chỉ ăn lá cây để sống chứ không ăn thịt đồng loại. Tuy mật độ cá dày đặc nhưng nước suối không tanh hôi. Dân bản Lương Ngọc vẫn thường gánh nước suối về nấu ăn, tắm giặt. Đây là một điều khó lý giải mà các nhà khoa học vẫn còn đang nghiên cứu. Điểm du lịch kỳ thú tại Thanh Hóa này mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước.
Cá ở đây nhỏ có, to có, có nhiều con nặng đến 5, 10 kg
Nằm khép mình dưới chân núi Trường Sinh hùng vĩ, suối cá thần ở Thanh Hóa với vẻ đẹp tự nhiên cùng những câu chuyện hư hư thực thực luôn kích thích trí tò mò của con người. Đến thăm suối cá thần Cẩm Lương, ngoài việc được tận mắt chứng kiến loài cá kỳ lạ, du khách còn được tham quan động Đăng, một hang động ăn sâu vào trong lòng núi Trường Sinh. Nguồn nước của suối cá thần cũng bắt nguồn từ trong lòng động đá này. Đi xuyên qua động Đăng, du khách sẽ tham quan một khu rừng nguyên sinh với các loài động, thực vật đặc trưng của vùng nhiệt đới.
Theo Ban quản lý Khu du lịch suối cá Cẩm Lương, đã có nhiều đoàn khoa học trong nước cũng như quốc tế về đây khảo sát. Sự kết tinh huyền bí giữa núi, sông và đàn “cá thần” nơi đây vẫn đang là một bí ẩn đối với các nhà khoa học. Ban ngày, đàn cá nối đuôi nhau bơi lượn từ trong hang núi ra ngoài, đêm đến đàn cá lại chui vào hang trú ẩn.
Đàn “cá thần” trong dòng suối đông đúc thể hiện cho sự bình yên, no ấm cho cuộc sống người dân
Từ đầu nguồn suối lần lên là đỉnh dãy Trường Sinh có động Ðăng. Trong động Đăng, có những thạch nhũ thiên tạo mang nhiều hình thù khác nhau lấp lánh nhiều sắc mầu, có tiếng róc rách của con suối nhỏ, khởi nguồn của dòng nước trong hang cá Cẩm Lương.
Những người dân sinh sống gần đây cho hay, suối cá thần rất linh thiêng, ai dám bắt và ăn thịt cá trên dòng suối này đều bị xem là hành động xúc phạm đến thần linh, chẳng những gây tai họa cho mình mà còn cho cả cộng đồng.
Hàng năm, lễ tế thần núi, thần sông, thần cá bên bờ suối Ngọc được mở từ ngày 8 đến 15 tháng Giêng Âm lịch, đông đảo người dân gần xa đến chiêm ngưỡng dâng hương để cầu may. Trong quần thể suối cá còn có đền Ngọc thờ Tứ phủ Long Vương, phía trên có động Cây Đăng có nhiều nhũ đá. Suối cá Cẩm Lương cách thành phố Thanh Hoá 88 km, mất khoảng 2 tiếng di chuyển; cách Hà Nội 133 km, mất khoảng 3 tiếng di chuyển.
Hà Anh
Nguồn Báo Công luận
https://www.congluan.vn/ky-bi-cau-chuyen-ke-ve-suoi-ca-than-post238468.html