Tháng tri ân nhớ về một thành trì bất diệt

16:08 | 30/07/2024

Thành cổ Quảng Trị – một di tích kiệt tác về kiến trúc quân sự độc đáo được bảo vệ bởi hệ thống hào nước xung quanh, mỗi góc của Thành cổ được tăng cường một pháo đài, tạo thành hệ thống phòng thủ vững chắc và kiên cố. Di tích thuộc địa phận thị xã Quảng Trị, nằm cách quốc lộ 1A gần 1km về phía đông bắc, cách thành phố Đông Hà khoảng 14km về phía Đông Nam và cách thành phố Huế hơn 60km về phía Bắc. Nơi đây được xem như là nghĩa trang liệt sỹ không nấm mồ! Trong trận đánh 81 ngày đêm năm 1972, để bảo vệ Thành cổ, có biết bao anh hùng, liệt sỹ đã anh dũng ngã xuống, mang theo tuổi thanh xuân, bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất mẹ Quảng Trị…

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương trong một lần viếng thăm Thành cổ Quảng Trị

Trước đây, quá trình xây dựng Thành Quảng Trị kéo dài gần 28 năm (1809 – 1837), khởi công dưới thời vua Gia Long và hoàn thiện dưới thời vua Minh Mạng. Khu vực được chọn xây dựng Thành là khu đất cao tại xã Thạch Hãn – Hải Lăng (ngày nay thuộc thị xã Quảng Trị), từ vị trí này có thể đi vào Nam hay ra Bắc bằng đường sông, đường bộ, đường biển đều thuận tiện.

Việc xây đắp Thành Quảng Trị được huy động 4.000 nhân công, chủ yếu là dân binh trong địa hạt. Các loại nguyên vật liệu phục vụ cho việc xây dựng gồm gạch, mật mía, vôi hàu được lấy từ địa phương; một số vật liệu khác như đá xây cổng thành thì được triều đình cho vận chuyển từ nơi khác đến. Từ khi xây dựng xong, các công trình kiến trúc bên trong như hành cung, cột cờ, các cơ quan thuộc công đường Quảng Trị như Ty Phiên, Ty Niết, nhà Kiểm học, trại lính… đã được lần lượt xây dựng trên cơ sở mở rộng, nâng cấp và kiên cố hóa những năm sau đó.

Quá trình xây dựng Thành Quảng Trị kéo dài gần 28 năm (1809 – 1837), khởi công dưới thời Gia Long và hoàn thiện dưới thời Minh Mạng

Nhắc đến Thành cổ Quảng Trị cũng là nhắc đến cuộc chiến đấu 81 ngày đêm vào “mùa hè đỏ lửa” 1972 (28/6 – 16/9/1972), một trong những biểu hiện sinh động nhất cho khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại. Chỉ trong 81 ngày đêm, Mỹ và quân đội Sài Gòn đã ném xuống Thành cổ hơn 328.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Nhật Bản năm 1945. Riêng ngày 25/7/1972, Thành cổ Quảng Trị hứng chịu hơn 5.000 quả đại bác.

Sau ngày đất nước giải phóng, Thành cổ hầu như bị phá huỷ hoàn toàn, chỉ còn lại hình dạng hệ thống tường thành với một số đoạn tường xây gạch loang lỗ vết đạn, còn 2 cổng Tiền, Hậu chưa sụp đổ. Bên trong Thành, tất cả các công trình đều bị san phẳng thành bình địa, toàn bộ diện tích Thành loang lỗ những hố bom, hố pháo và tiềm tàng vô số các loại bom mìn chưa nổ đe doạ cuộc sống của người dân. Năm 1986, Thành cổ Quảng Trị được công nhận là Di tích Quốc gia. Năm 1992, được Bộ Văn hoá – Thông tin đầu tư kinh phí, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện dự án “Tôn tạo khu di tích lịch sử Cách mạng Thành Cổ Quảng Trị”, đảm bảo những yếu tố gốc của di tích, giữ được nguyên diện mạo Thành cổ và hệ thống thành lũy dưới thời Nguyễn. Ngày 9/12/2013, Thành cổ Quảng Trị đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia Đặc biệt, gắn với sự kiện lịch sử 81 ngày đêm. Thành cổ Quảng Trị năm xưa là chiến trường ác liệt, hôm nay là màu của cây cỏ, hoa lá, màu xanh của sự sống đã hồi sinh.

Hàng năm, phóng viên Văn hiến Việt Nam vẫn thường về dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị

Hiện nay, Thành cổ Quảng Trị trở thành một công viên văn hóa tưởng niệm; nơi khắc dấu những chiến công bất tử của quân và dân ta; nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Hằng năm, cứ đến dịp Ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7 và các ngày lễ, nhân dân tỉnh Quảng Trị và nhiều cựu chiến binh cả nước lại về bên bờ sông Thạch Hãn, thành kính thả hoa đăng, tri ân các anh hùng, liệt sỹ. Tập quán thả hoa trên sông Thạch Hãn đã trở thành lễ hội văn hóa, để tưởng nhớ những người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh trong trận chiến đấu kéo dài 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Thành cổ Quảng Trị trở thành một công viên văn hóa để tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ trong các ngày lễ

Đến Thành cổ ngày nay, vẫn còn hiện hữu các vết nứt loang lỗ, vết bom đạn chằng chịt được bảo tồn nhằm minh chứng cho cuộc chiến tàn khốc và sự phá hủy của bom đạn, qua đó giúp khách tham quan hiểu hơn về sự chiến đấu và hy sinh anh dũng của các chiến sĩ Quân Giải phóng trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thị xã và Thành cổ. Tại Bảo tàng Thành cổ, tham quan và chiêm ngưỡng những di vật bên trong bảo tàng du khách được ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của một thời oanh liệt.

Minh Tâm

Cùng chuyên mục

Niềm vui tà áo dài xứ Huế

Niềm vui tà áo dài xứ Huế

“Bản hùng ca bất diệt” bên dòng sông Thạch Hãn

“Bản hùng ca bất diệt” bên dòng sông Thạch Hãn

Di tích Võ Xuân Cẩn được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia

Di tích Võ Xuân Cẩn được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia

Thành Chương Việt Phủ – bức tranh quê hương

Thành Chương Việt Phủ – bức tranh quê hương

Dâng hương tưởng niệm 919 năm ngày mất Thái úy Lý Thường Kiệt

Dâng hương tưởng niệm 919 năm ngày mất Thái úy Lý Thường Kiệt

Quảng Trị: Tổ chức triển lãm tranh “Hồi sinh”

Quảng Trị: Tổ chức triển lãm tranh “Hồi sinh”

Nghiên cứu chủ quyền quốc gia lãnh thổ  theo hướng tiếp cận toàn diện lịch sử Việt Nam

Nghiên cứu chủ quyền quốc gia lãnh thổ theo hướng tiếp cận toàn diện lịch sử Việt Nam

Vương phi Mỵ Ê trong lịch sử và văn hóa Việt

Vương phi Mỵ Ê trong lịch sử và văn hóa Việt

Ngắm bảo vật quốc gia quý hiếm ở Quảng Bình

Ngắm bảo vật quốc gia quý hiếm ở Quảng Bình