Tiến sĩ Đặng Thái Hoàng là kiến trúc sư và còn là nhà nghệ thuật học nữa. Ông viết sách về nghệ thuật trừu tượng với nhiều lời bàn sâu rộng.
Một hôm đến phòng làm việc của tôi chơi, ông khoe: “Tôi có bộ sưu tập 200 bức tranh, trong nhiều năm, nay muốn nhờ anh đến chọn hộ vì tôi nghe nói anh là người thẩm định tinh tường. Anh đến nhé.”
Bữa đó tôi không đi được.
Lần thứ hai ông đến đột ngột vào lúc tôi chuẩn bị họp với giám đốc về kế hoạch xuất bản nên cũng lỡ. Lần thứ ba cũng vậy. Tôi đang ngồi chờ khách hẹn của một tỉnh về. Cũng không bỏ đi được.
Ông không vui, trách tôi khó tính. Tôi cũng không thanh minh dù đã làm ông thất vọng. Nhưng còn chút thời gian, tôi nói với ông: “Anh ạ, hai trăm tranh anh đem về đều là những bức tranh đẹp cả đấy, chắc chắn vậy. Anh tròn xoe mắt, nhìn tôi nghi ngờ. Tôi phải nói luôn: Đó là những tranh anh thấy đẹp, anh thích anh mới đem về, đúng không? Nó hoàn toàn đẹp với anh! Anh phải tin vào trực giác của mình chứ.”
Ông lẳng lặng ngồi nghe, chưa có phản ứng gì. Tôi nói luôn: “Nhất định em sẽ đến xem và có thể có ý kiến nếu anh muốn nghe tham khảo. Nhưng em nói trước thế này: Nếu em chọn được 80 bức trong số tranh của anh thì đó không phải tranh đẹp nhất của anh đâu, mà là bộ sưu tập em thích trong số tranh anh có.”
Nếu có người thứ hai, họ có thể chọn số lượng nhiều hơn nhưng trong đó sẽ có những tranh mới và những tranh em chọn có khi bị loại ra. Điều đó không lạ vì đó là bộ sưu tập dưới mắt nhìn của anh ấy. Đến người thứ ba, có thể họ chọn số ít hơn nhiều. Nhưng trong số đó chắc tranh em và anh bạn thứ hai chọn cũng bị loại ra một số. Con số trùng nhau chắc có nhưng sẽ ít. Cả 3 trùng nhau càng rất ít. Bộ thứ 4 là nguyên vẹn 200 bức là sưu tập của chính anh!
Tất cả là do cảm thụ nghệ thuật của mỗi người đều khác nhau đó là kết quả của phông thẩm mĩ của mỗi người. Có người thích tranh về cấu trúc, có người đơn giản thích màu, thích tối hoặc thích sáng! Có người lại thích hình mà không để ý đến cái khác nên có những lựa chọn khác. Có người thích triết lý và biểu tượng. Lại có người chỉ thích hình ảnh trung thực giống thực. Có người ưa vẽ gồ ghề, có người thích nhẵn nhụi ve vuốt, có người chỉ thích cảm xúc mà chẳng để ý đến hình. Hoặc có người chỉ ưu tư về những hoài niệm lại chọn tranh theo hướng ấy, phong phú lắm anh. Người ta không thể phát biểu thay về những cảm nhận nghệ thuật cho người khác…cho nên người làm cua ra tơ ( thẩm định và lựa chọn tranh) là việc vô cùng khó khăn, không phải lúc nào cũng thành công dù mang danh đó để trấn an mình và nhận việc thôi! Làm thỏa mãn cho mọi đối tượng không bao giờ chuyện dễ dàng, đơn giản.
Nghe hồi lâu, rồi ông lặng lẽ ra về. Hôm sau ông alo cho tôi, rằng tôi nói thế là đúng.
Trò chuyện, nhiều người bạn nói với tôi: “Xem tranh khó lắm, không thể hiểu được. Xem tranh là thưởng thức, thẩm tranh là đọc tranh, đó là hai việc khác nhau.”
Xem tranh đã chẳng dễ huống hồ thẩm tranh còn khó hơn nhiều. Nó càng khó hơn với cả người làm chuyên môn về mĩ thuật. Có thể thấy khá nhiều trường hợp người nghiên cứu chuyên ngành nghệ thuật chỉ phát biểu chung chung mà không thể phân tích trọn vẹn một bức tranh. Thẩm định là đọc bức tranh đó giống như người ta đọc sách. Có thể chỉ nhận ra phần nào, nhưng chẳng bao giờ hết, mà cũng mỗi người mỗi nhận thức và cảm xúc khác nhau và phát hiện khác nhau! Tranh lại càng không giống như sách. Sách tuy đa nghĩa nhưng còn giới hạn chứ tranh thì hình ảnh thật mà vẫn trừu tượng như thường, chứ không như gì ta thấy. Ngay trong tranh dân gian Đông Hồ cũng có nhiều tranh như thế. Tôi xin dành cho Đông Hồ trong một bài viết khác…
Trong văn học có những tác phẩm mà nhiều năm sau, hoặc thế kỉ sau người ta vẫn phát hiện thêm cái mới mà trước đó chưa ai nhận ra, thì trong tranh cũng có như thế. Những tác phẩm nghệ thuật lớn của những tác giả danh tiếng lại càng như thế.
Về tranh, cũng có đôi điều giải thích được. Những thế kỉ trước nhiều họa sĩ phương Tây vẽ cho nhà thờ hoặc được nuôi và vẽ trong các gia đình quý tộc. Trong gia đình thì ngoài các tranh chân dung còn có cả tranh về các tích thánh theo ý chủ nhân. Vậy nếu muốn hiểu tranh thì cũng phải có kiến thức tôn giáo đó. Tranh nhà thờ cũng vậy. Như người Việt ta phải tìm trong điển cố văn học thì mới có thể đọc và hiểu sâu truyện Kiều. Nếu không biết điển cố thì đọc Kiều sẽ thấy nhạt hoét với những câu lục bát kể chuyện tầm tầm.
Nghệ thuật chẳng có cái gì dễ hiểu. Cái nghề học 5 năm, mình xem sản phẩm họ có vài phút mà đòi hiểu thì là chuyện không tưởng. Kể cả có học có hỏi có nghiên cứu cũng chưa chắc bóc tách được hết. Nghệ thuật hội họa chỉ để cảm mà thôi. Cảm được yêu thích được đã là thành công trong thưởng thức.
Nó thế để tiếp cận nghệ thuật ai thích gì thì yên tâm với cái đó. Người thích tranh bờ hồ thì cứ việc, thích dân gian hay thích lụa, khắc gỗ, sơn dầu…Hoặc yêu tác giả này không thích tác giả nọ thì cứ việc, chả có gì sai, chẳng làm gì phải gắng gượng hiểu… Hai người, một khen đứt lưỡi, một chê cạn lời một bức tranh cũng chẳng có vấn đề gì khó hiểu. Điều đó thuộc năng lực thẩm mĩ cá nhân, mình nên tôn trọng, có nói gì cũng không lại.
Lời khen chẳng thế làm cho tranh đẹp lên. Lời chê chẳng làm cho tranh xấu đi. Vậy làm gì phải xoắn. Chẳng thể trách mắng, ép người ta phải theo quan điểm mình, nhất là đây thưộc giá trị tinh thần, là thước đo cảm xúc của mỗi người. Nói thế để họa sĩ hãy biết yên tâm với sáng tạo của mình, không phải bấn bo với lời khen chê để vơ lấy phiền lòng vào người. Tất nhiên tác phẩm được nhiều người thích vẫn khích lệ tinh thần sáng tác hơn. Thẩm định tranh luôn là việc khó, mãi mãi là việc khó.
Doduc/Tạp chí Văn Hiến bản in