Những ngày giáp Tết, đoàn công tác của Công đoàn Bộ Ngoại giao lại lên đường về thăm, chúc sức khỏe và tặng quà tết cho các mẹ Việt Nam anh hùng.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm dần đang tới gần, ngày 13/1, Phó Vụ trưởng phụ trách Công đoàn Bộ Ngoại giao, bà Phan Kiều Thu dẫn đầu đã đến thăm và chúc tết mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Mít ở Thái Bình và mẹ Trần Thị Tình ở Hà Nam.
Trở về bên mẹ Mít
Chuyến thăm mẹ Trần Thị Mít (Vũ Tiến, Vũ Thư, Thái Bình) là điểm đến thứ hai trong hoạt động thăm hỏi và chúc tết mẹ Việt Nam anh hùng của Công đoàn Bộ Ngoại giao. Người con trai duy nhất của mẹ Mít là Trần Xuân Thông đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Tây Nam Tổ quốc.
Con đường về nhà mẹ Mít hôm nay vẫn như xưa, vẫn những con đường được bê tông hóa theo chương trình nông thôn mới. Tôi nhớ lại chuyến đi của ba năm trước, trời cũng mưa lâm thâm, đoạn ngõ vào nhà mẹ Mít phủ đầy rêu xanh, đôi chân run run, bước xuống khoảng sân nhuốm màu thời gian mà bắt tay, mẹ Mít ôm từng thành viên trong đoàn.
Hôm nay, sức khỏe mẹ đã dần yếu, đôi chân đã không còn khỏe. Mẹ chỉ có thể ngồi trên giường để tiếp chúng tôi nhưng không quên bắt tay từng thành viên trong đoàn.
Đại diện cho đoàn, Phó Vụ trưởng phụ trách Công đoàn Bộ Ngoại giao Phan Kiều Thu đã thắp nén hương thơm tri ân liệt sĩ Trần Xuân Thông.
Bên chén nước trà ấm nóng giữa ngày Đông giá lạnh, mẹ Mít năm nay đã 83 tuổi, chia sẻ những câu chuyện, niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống thường ngày như cây khế trước sân nhà năm nay trời mưa lớn khiến cây chẳng đậu trái nào, mỗi ngày đàn gà của mẹ đẻ bao nhiêu trứng…
Mẹ không quên gửi lời thăm hỏi, động viên chúng tôi, những người con ngành Ngoại giao trong thời gian dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Mẹ dặn dò từng thành viên trong đoàn phải cố gắng giữ gìn sức khỏe, ăn uống đầy đủ để tăng sức đề kháng để chống lại dịch bệnh.
Mẹ kể, năm vừa tròn 16 tuổi, mẹ lập gia đình. Bốn năm sau, khi con trai vừa đầy 5 tháng tuổi, người cha quyết định lên Thái Nguyên làm kinh tế. Chẳng ai ngờ, người chồng, người cha sau đó bặt vô âm tín. Hai mẹ con sống nương tựa vào nhau từ ngày ấy. Ngày ngày, mẹ Mít đi chợ, bán gạo nuôi con và phụng dưỡng mẹ chồng.
Mẹ Mít chỉ có người con trai duy nhất là anh Thông nhưng khi Tổ quốc cần, mẹ vẫn đồng ý để anh lên đường ra trận bảo vệ đất nước. Anh đã hy sinh tại chiến trường Tây Ninh trong cuộc chiến chống quân Pol Pot xâm lược.
Năm 1976, anh Thông tình nguyện làm đơn nhập ngũ và được bổ sung về Quân khu 7. Năm 1978, khi cuộc chiến chống quân Pol Pot bước vào giai đoạn gay gắt nhất, anh đã anh dũng hy sinh tại Gò Dầu, Tây Ninh.
Nhận được giấy báo tử mà lòng đau như cắt, nhưng có lẽ sâu thẳm trong tim mẹ Mít vẫn luôn tự hào khi biết rằng người con trai duy nhất của mình đã cùng đồng đội anh dũng chiến đấu cho hòa bình, độc lập của đất nước.
Trở về hiện tại, hơn 30 năm qua, mẹ Mít vẫn sống cùng người cháu trai tại căn nhà nhỏ tại xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Nhiều năm sau, hài cốt của liệt sĩ Trần Xuân Thông cũng được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ của xã để mẹ ngày ngày chăm sóc.
Bà Phan Kiều Thu chia sẻ, mỗi mẹ là một câu chuyện đầy xúc động về sự cống hiến, hy sinh. Khi Tổ quốc cần, các mẹ đã nén nỗi đau, động viên chồng con lên đường bảo vệ Tổ quốc. Đất nước, nhân dân Việt Nam luôn biết ơn sâu sắc trước sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, các mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách có công đối với đất nước.
Phó Vụ trưởng phụ trách Công đoàn Bộ Ngoại giao mong mẹ Mít cùng gia đình luôn có nhiều sức khỏe, tiếp tục giáo dục con cháu truyền thống yêu nước, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Thăm mẹ của 5 liệt sĩ
Chia tay mẹ Trần Thị Mít, đoàn tiếp tục đến thăm hỏi, chúc tết và tặng quà mẹ Trần Thị Tình tại xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Mẹ Tình năm nay đã trên 90 tuổi, phải ngồi xe lăn do một chân bị gãy. Mẹ có chồng và bốn người con đều đã hy sinh trong trận chiến biên giới phía Bắc năm 1979.
Trước di ảnh của người chồng và bốn người con đều còn rất trẻ, vừa tròn đôi mươi của mẹ Tình, thay mặt đoàn, bà Phan Kiều Thu đã thắp nén hương thơm tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ và trao món quà Tết tuy không lớn về vật chất nhưng là tấm lòng của những người con ngành Ngoại giao dành tặng Mẹ.
Mẹ kể lại, năm 1965, cả nhà mẹ lên đường khai hoang vùng kinh tế mới tại tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai). Năm 1979, cuộc chiến xảy ra, địch tràn qua con sông là ranh giới duy nhất giữa hai nước.
Trong một đêm tháng 2/1979, chiến tranh chính thức xảy ra, khắp nơi vùng biên giới, tiếng súng đạn nổ vang núi rừng. Người cha cùng bốn người con tiếp nhận ổ súng trung liên và nhận nhiệm vụ giữ chốt cùng những người lính du kích khác. Người già và trẻ em được đưa đi sơ tán khỏi vùng chiến sự.
Mẹ nhớ như in, chuyến trở về phục viên của người con trai cả nhưng cũng trở thành chuyến ra đi mãi mãi cùng cha và các em. Khi đó, mẹ từng mong sẽ có phép màu xảy ra dù biết chắn chắn phần nào chồng và các con đã hy sinh.
Mẹ Tình có 11 người con, hiện 7 người đang sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Hài cốt của chồng và 4 người con cũng được quy tập tại nghĩa trang liệt sĩ của xã Nguyên Lý.
Phó Vụ trưởng phụ trách Công đoàn Bộ Ngoại giao Phan Kiều Thu bày tỏ xúc động mỗi khi nhắc về câu chuyện, về những mất mát to lớn của mẹ Tình khi người chồng và 4 người con của mẹ hy sinh trong trận chiến, cùng chia sẻ, động viên mẹ luôn có nhiều sức khỏe.
Bà Phan Kiều Thu khẳng định, công tác chăm sóc, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng luôn được Bộ Ngoại giao đặc biệt quan tâm, coi đó là nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả, góp phần tô đẹp thêm truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc, cũng như của cán bộ, nhân viên Bộ Ngoại giao.
Hiện nay, Bộ Ngoại giao đang nhận phụng dưỡng 5 mẹ Việt Nam anh hùng tại các tỉnh Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nam, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Hàng năm, Bộ Ngoại giao đều tổ chức các chuyến thăm hỏi, chúc sức khỏe và tặng quà mỗi dịp 27/7 và Tết Nguyên đán để tri ân, biết ơn sự hy sinh của các Mẹ, các gia đình liệt sĩ đã có công đối với Tổ quốc, đất nước và dân tộc.
Theo Thế giới & Việt Nam