Tết âm lịch được gọi là tết cổ truyền vì nó gắn liền với sản xuất nông nghiệp. Làm nông phải hiểu thời vụ, tứ thời bát tiết phải nắm chắc để định ngày gieo mạ, nhổ mạ, cắm cây lúa xuống lúc nào. Kết thúc vụ mùa tháng Mười, rơm lên đống, thóc vào bồ là lúc rảnh, nông dân được “nghỉ phép” năm bằng cái tết.
Nghe đến câu tháng giêng là tháng ăn chơi người đời nay nghĩ anh nông dân là anh lêu lổng. Họ đâu hiểu thui thủi chịu thương chịu khó thì chẳng công chức nào bằng anh nông dân. Be bờ, tát nước , gieo mạ bắt sâu làm cỏ đến khi hạt thóc hoe vàng, lúc nào cũng nghe ngóng mà người nông dân vẫn chưa yên tâm, vẫn “ Ba tháng trông cây không bằng một ngày trông quả”, hỏng ăn là vêu mõm, lấy đâu đến tháng nhận lương như anh công chức. Làm nông người ta vẫn đùa là “đánh bạc với giời”, may rủi khôn lường.
Vậy cái tháng Giêng “nghỉ phép” bằng cái tết đâu có quá dài. Với lại, nếu trước tết rét đậm rét hại lúa chết cấy lại, làm lại dược mạ thì tháng ăn chơi cũng gẫy, lại phải tranh thủ ngày ấm mà cắm cây lúa , nếu không vụ chiêm cũng hỏng ăn chứ đâu chờ nghị quyết chỉ thị… Những năm như thế, nhà nông cũng mất luôn nghỉ phép, cũng chẳng có ăn chơi. Nói ăn chơi là nói cho sang, là nhà nông chẳng kém ai. Cũng ngông một tí chứ thực tế thì đâu có đẹp như ca dao!
Nói đến đây thì đã rõ những góp ý bỏ tết Âm theo lịch Dương là suy nghĩ vội vàng của đám người thực dụng chủ quan, quen ăn mà chưa biết làm. Hoặc hiểu việc chưa đến nơi đến chốn lại hay mau mồm.
Lễ rước có sư tham gia.
2 – Có phải tết chỉ là chuyện ăn chơi. Tết thực là việc rất nghiêm túc, dù như trên tôi gọi đó là kì nghỉ phép của nhà nông. Gọi là nghỉ phép, nhưng liệu có phải nghỉ?
Cách nay mấy chục năm, nhà nước cho công bố một ngày Gia đình. Làm như cha ông ta không biết gì về gia đình. Nhà nước cũng nhầm to! Nhà nước đâu có biết không ngày gia đình chính là Mồng một tết, ngày đoàn tụ con cháu cùng ông bà cha mẹ có tự nảo nào!.
“Mồng một tết cha,
Mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thày”.
Một năm vất vả kiếm miếng ăn, để đầu năm mới có ba ngày tết cha mẹ, thày giáo. Đấy là công việc hay là chơi? Nó còn cao hơn công việc, là giáo dục, củng cố nếp sống văn hóa của gia đình vào dịp đầu năm bằng hành vi chứ không bằng lời nói.
Giáp tết, từ 23 thánh chạp, đưa Công Táo về trời là lúc người ta nhớ lại một năm làm việc, có miếng ăn, tạ ơn trời đất, có thần bếp chứng giám báo lên Ngọc hoàng để tỏ lòng biết ơn, và minh định cho một năm làm việc mới.
Giáp tết, từ 25 đến 27 tháng chạp, người ta đem một lễ tạ, đến nghĩa địa xin phép thần linh để người nhà mình được về xum vầy vui tết với con cháu. Việc này tưởng cho người chết, nhưng thực chất là dạy cho con cháu biết sống với nhau lòng nhân ái, biết ân cần tử tế lúc sống chứ không chờ khi chết mới làm.
Mồng Năm, mồng Bảy lễ hóa vàng, là lễ đưa tiễn tổ tiên và những người mới khuất về âm giới. Một chu kì công việc mới lại bắt đầu.
Hát chúc trong ngày hội chùa.
3 – Nói đến tết nhất thì không thể không nhắc đến hội chùa hội đình các làng, có từ ngay sau ba ngày tết và lân chuyển kéo dài hết tháng và sang những tháng sau.
Rằm tháng giêng đi lễ đình chùa cũng được coi là việc hệ trọng. “Đi lễ cả năm không bằng ngày rằm tháng giêng”. Cái này sâu xa vì đó là bộc lộ tâm thành trước của phật cửa Thánh mở đầu cho một năm mới. Cởi bỏ cái mụ mị của sự mê muội mê tín đi, thì sự hướng tới cái tốt lành luôn là cái đích cho một năm mới mọi sự như ý.
Ngày hội chùa xưa. Là ngày các vãi tứ phương về Hội vãng cảnh, còn tối nằm nghỉ ở hậu chùa là lúc họ giao lưu về văn hóa. Họ kể cho nhau nghe chuyện nhà, cách ứng xử, đọc ca dao hát ví và bàn về ý tứ trong lời ăn tiếng nói. Các cụ ta xưa đã trao đổi lan truyền văn hóa bằng những giao lưu trong ngày hội rất sớm như thế chứ lấy đâu ra đoàn thể họp hành, hội thảo , định hướng . Vì thế mà nền nếp gia phong được củng cố giữ gìn, bổ sung cho nhau. Làng xưa không ai nghĩ Hội làng là để vui chơi, mà là ngày tạ ơn thần thánh và giãi bày lòng thành trước cửa Phật. Nên ngày Hội chùa hằng năm đều có rước Thành hoàng của từng đình làng lên chầu cửa phật. Làng tôi Ninh Hiệp có mười một làng thì có mười một cuộc rước Thành hoàng lên chùa, từ sáng sớm đến trước 12 giờ trưa, cắt phiên nhau cho khớp giờ rất nghiêm túc. Rước rất nghiêm trang. Từ những năm 90 thế kỉ trước, tôi đã mấy năm liền khảo sát chuyện này ở chùa Nành, mới thấy Hội chùa, hội đình làng hàng năm thật sự sâu sắc. Nó thực sự không phải do quan nha hay dân làng bày vẽ kiếm ăn. Những năm không vướng dịch, ngày đầu mở Hội chùa Nành có năm làm đến năm sáu trăm mâm cỗ đóng 8, mời khách thập phương. Tiền sắp cỗ thì dân xóm ủng hộ, và người về Hội góp bao nhiêu tùy tâm. Tình làng nghĩa xóm đẹp thế chứ!
Mẹ tôi thuở xưa thường bảo đi chùa là đi tu tâm dướng tính , có phải đi ăn cướp đâu mà vội, mỗi khi kéo tay mẹ đi nhanh đến Hội..
Ngày nay, nhiều Hội làng nhà nước cũng thò tay vào quản lí. Nhưng phần nhiều ban quản lý lễ hội chỉ nghĩ đến cái chơi của hội, còn bỏ rơi phần lễ, đó là phần giáo dục giữ cốt lõi văn hóa. Có nơi vẽ rắn thêm chân cho Hội, bày vẽ mê tín thái quá. Tam giáo đồng nguyên ( đạo Phật- đạo Thánh- đạo mẫu thờ cùng một khu) là cái hay, nhưng có chỗ đưa cả tượng cụ Hồ lập ban hương khói theo tôi là không chấp nhận được!
Lại còn có chùa cúng vong gọi hồn dâng sao giải hạn như đạo Thánh, khiến người ta thấy sự tàn tạ tinh thần Đạo phật, đi lao vào kiếm ăn đời thường bằng lợi dụng mê tín. Chán đến thế.
Lễ hội ngày nay nghiêng về cúng bái xin cầu với lòng tham vô lượng, hoặc lời xin xỏ của kẻ yếm thế nhu nhược chẳng biết bấu víu vào đâu, chứa tính thực dụng rất cao. Nó hoàn toàn làm méo lệch văn hóa cốt lõi của hội lễ và tín ngưỡng trước đây. Đơn giản dễ hiểu nhất là hội phát ấn đền Trần mấy năm rồi thành chỗ kiếm chác tệ hại của cả kẻ xin và người bán!
4 – chừng chục năm nay, tôi thấy tết đến lớp trẻ, nhiều cô cậu cứ giáp tết lập lịch đi chơi. Nhiều tiền thì đi nước ngoài, ít tiền thì trong nước. Đúng là đi nghỉ trốn tết. Chúng cho tết là nhạt nhẽo.
Lại có gia đình trẻ kéo cả nhà lên máy bay đi nước ngoài. Đám trẻ còn ở nhà thì bỏ việc hương khói cho bố mẹ ông bà. Đám có gia đình riêng có khi mấy ngày tết cũng đóng của ngao du đó đây để bàn thờ hương lạnh khói tàn. Đã chết đi trong họ một phần giá trị linh thiêng của văn hóa sống. Bỏ quên luôn nguồn cội tổ tiên. Có một năm tôi viết chuyện này cho báo tết nhưng không được dùng. Báo không in. Có người cho là suy nghĩ cũ kĩ, kém cởi mở, còn một nhà báo trẻ cười vào mũi tôi: Viết thế ai đọc? cổ hủ quá. Tôi thầm nghĩ cái xác chết văn hóa đang mở mồm nên không tranh luận lại làm gì.
Tuy vậy cũng nên hiểu quy định nghỉ tết là dành cho mấy triệu viên chức trong bộ máy công quyền ăn lương. Chứ người dân chẳng mấy quan hệ, nên thời gian nghỉ tết cũng chả ai quan tâm. Người ta sống với sự vận hành riêng của loại lao động tự do, không phụ thuộc, nên có cãi nhau về chuyện tết nhất cũng chỉ ở mấy anh công chức. Còn lại dân quê thì chỉ mỉm cười, hoặc kệ xác ai bàn gì thì bàn, vẫn vận hành theo đường đi của họ!
5 – Gía trị tết ta là như vậy.
Giá trị tết dương là đánh dấu khoảng ngắt thời gian lập lại một chu kì mới. Gía trị của tết ta là ngày kiểm tra nhắc nhở và giáo dục lại văn hóa cơ bản cho con người, dòng tộc và cho cộng đồng của dân vùng lúa nước. Hiểu được tết và những việc cần làm trong ngày tết cùng hội lễ mà người ta nghĩ là “ ăn chơi” đó mới thấy sự tồn tại của dân tộc ta đến hôm nay là may nó được giáo dục về nguồn cội. Chỉ cắm cúi kiếm tiền quanh năm như trâu ngựa thì có đáng sống không, nếu văn hóa sống là số không? Hoặc mang rác rưởi ngoại lai về đặt lên bàn thờ mà cứ nghĩ đó là linh vật?
28/1/2020- 26 tết
Dongngan Doduc