Bước vào giai đoạn bình thường mới, ngành du lịch Hà Giang đã và đang triển khai hoạt động xúc tiến giới thiệu sản phẩm mới theo nhu cầu thay đổi của du khách.
Hoàn thiện sản phẩm, đón khách an toàn
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, trong tiềm năng phát triển du lịch Hà Giang có loại hình du lịch biên giới, tuy nhiên hiện nay loại hình này chưa phát triển và khả năng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch chưa cao.
Do vậy, Hà Giang cần chú trọng cơ chế ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư hệ thống cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cao cấp hài hòa với văn hóa bản địa; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách và hành lang pháp lý cho phát triển du lịch biên giới; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp các tuyến đường giao thông kết nối các khu, điểm du lịch; tập trung, hình thành các sản phẩm du lịch khác biệt; nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển du lịch, quảng bá sản phẩm; chú trọng bảo vệ tài nguyên môi trường trong hoạt động đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch.
Theo ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, Hà Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các loại hình du lịch, trong đó có du lịch mạo hiểm luôn hấp dẫn khách trong nước và quốc tế. Du lịch mạo hiểm với các hình thức du lịch caravan (tự lái xe), leo núi, dù lượn, khám phá hang động… đang là sản phẩm du lịch thu hút du khách sau dịch COVID-19.
Để phát triển sản phẩm này, việc quản lý điểm đến du lịch mạo hiểm của Hà Giang cần bám vào các quy chuẩn an toàn, sử dụng giải pháp công nghệ và tăng cường hợp tác quốc tế. Đồng thời, trong bối cảnh hiện tại, du lịch mạo hiểm theo nhóm nhỏ sẽ phù hợp với điều kiện về an toàn phòng dịch. Hà Giang cần chú trọng việc quản lý điểm đến, xây dựng lộ trình khép kín để tạo niềm tin, an toàn cho du khách.
Còn ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Chi hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho rằng, sự đa dạng văn hóa của19 dân tộc bản địa của tỉnh sẽ là những điểm nhấn tạo sản phẩm du lịch đặc trưng; đồng thời, tăng cường liên kết phát triển sản phẩm du lịch, giúp người dân chuyển đổi nghề truyền thống sang làm du lịch cộng đồng.
Còn bà Phạm Hồng Châu, Giám đốc Công ty du lịch Hy vọng cho biết: Hà Giang có thể khai thác dòng khách về thăm chiến trường xưa, trong đó có Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên (xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên)…
Phân vùng hình thành sản phẩm chuyên sâu
Trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, tỉnh Hà Giang hình thành 3 không gian du lịch, gồm: Không gian du lịch đồi núi thấp (thành phố Hà Giang, Bắc Mê, Vị Xuyên); Không gian du lịch đồi núi đá – Công viên địa chất toàn cầu (gồm các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) và Không gian du lịch đồi núi phía Tây Nam (Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình).
Từ 3 không gian du lịch này, tỉnh Hà Giang xác định 3 dòng sản phẩm du lịch chính: Du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, mặc dù là tỉnh miền núi, còn gặp nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở, nhưng vài năm trở lại đây, Hà Giang đã bước đầu xây dựng được nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách.
Vì thế, dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Hà Giang nằm trong số ít địa phương được du khách nội địa lựa chọn nhiều để khám phá. Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Hà Giang đã nhanh chóng khôi phục hoạt động du lịch, đón 1,5 triệu lượt khách (tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019), tạo 12.000 việc làm, trong đó có 6.000 việc làm trực tiếp cho lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11 về phát triển du lịch tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2021 – 2025, trong đó xác định: Phát triển du lịch phải phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế gắn với nâng cao nhận thức và đời sống cho nhân dân, giảm nghèo bền vững; Bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Từ định hướng này, tỉnh Hà Giang đang xây dựng dự thảo kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn năm 2030. Bà Nguyễn Thị Hoài, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết: Tỉnh Hà Giang đã có kế hoạch phát triển nhiều loại hình du lịch và sản phẩm du lịch mới. Hà Giang sẽ phát triển thêm sản phẩm du lịch văn hoá, trong đó nâng cấp các lễ hội của bà con đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển một số loại hình du lịch mạo hiểm như: Đi bộ trên vách đá trắng, đi thuyền trên sông Nho Quế, dù lượn trên mùa vàng, chạy marathon, lễ hội khinh khí cầu…
Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang còn hướng tới sản phẩm du lịch thương mại biên giới, phát triển một số trung tâm mua sắm, giới thiệu nông sản địa phương.
Về định hướng chiến lược phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng cho biết: Hà Giang cần tập trung khai thác tiềm năng văn hóa, du lịch, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, các điểm du lịch có tài nguyên nổi trội để mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương, tạo thêm sinh kế, đem lại việc làm cho người dân, tăng nguồn thu hỗ trợ cho công tác bảo tồn.
Trong thời gian tới, để phát triển du lịch bền vững, Hà Giang cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách phù hợp, hỗ trợ công tác quy hoạch. Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ phù hợp, kết hợp với công tác truyền thông, vận động cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường và cung cấp dịch vụ du lịch.
Bên cạnh đó, cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc thù riêng có của địa phương, sản phẩm có khả năng khai thác quanh năm, ít bị phụ thuộc vào tính mùa vụ, tránh để quá tải điểm đến vì cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được. Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, tham gia phát triển du lịch.
Cùng với đó, Hà Giang cần tập trung phát triển các sản phẩm du lịch số, chuyển đổi số trong ngành du lịch. Phó Tổng cục trưởng cho biết, Hà Giang là một trong mười tỉnh đứng đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin. Tỉnh Hà Giang cũng đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số, do đó đề nghị Hà Giang tích cực thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.
“Hiện nay, Tổng cục Du lịch cũng đang tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó có 2 nội dung quan trọng, đó là xây dựng trục liên thông để kết nối các cơ quan nhà nước tham gia vào vận hành hệ thống du lịch và tập trung xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) du lịch. Về sàn thương mại điện tử du lịch, chúng ta sẽ phải làm theo cách khác biệt. Các doanh nghiệp, đơn vị tham gia vào sàn TMĐT miễn phí và bán trực tiếp sản phẩm trên sàn giao dịch này, góp phần đẩy mạnh sản phẩm của Việt Nam cạnh tranh với sàn TMĐT du lịch của nước ngoài. Nếu được khởi động sớm, những sản phẩm tour đến Hà Giang sẽ là một trong những điểm nhấn để giới thiệu và chào bán tới du khách”, ông Nguyễn Lê Phúc cho biết.
Theo TTXVN