Tàng thư lâu: Nơi lưu trữ tư liệu quốc gia thời nhà Nguyễn

10:15 | 09/02/2022

Việc lưu trữ tư liệu quốc gia về lịch sử, văn hóa, địa chí được các triều đại trước đây rất xem trọng. Sau khi nhà Hồ không chống đỡ được cuộc xâm lăng của quân Minh, rất nhiều tư liệu sách vở của nước ta bị đốt mất hoặc chở sang Nam Kinh. Do đó từ sau khi nhà Lê đánh bại quân Minh, các triều đại đã cố gắng thông qua nhiều nguồn khác nhau để khôi phục lại các tài liệu lịch sử và văn hóa nước nhà. Đến thời nhà Nguyễn, việc giữ gìn thư tịch văn hiến cũng được xem trọng với việc xây dựng Tàng Thư lâu.


Dưới triều nhà Nguyễn, các thư viện được hình thành rộng khắp từ địa phương cho đến Kinh đô, điển hình có thể kể đến Quốc Sử quán (1821), Tàng Thư lâu (1825), Đông Các (thư viện Nội Các, 1826), Tụ Khuê thư lâu (1852), Tàng Bản đường (1857), Tân Thư viện (1909), Bảo Đại thư viện (1923). Bên cạnh đó thư viện của các dòng họ cũng được chú trọng. Trong số các công trình này thì Tàng Thư Lâu đóng vai trò đặc biệt.

Ảnh chụp Tàng Thư lâu năm 2008, trước khi được trùng tu. (Ảnh: Lưu Ly, Wikipedia, Public Domain).

Trong “Tàng Thư lâu và dự án xây dựng thư viện Cố đô” của Phan Thanh Hải và Lê Thị Toán có viết rằng:

Tàng Thư lâu giữ một vai trò đặc biệt. Theo một quyển thư mục nhan đề “Tàng Thư Lâu bạ tịch” viết năm 1907, đây là nơi cất giữ, bảo quản các văn kiện của các bộ: Lại, Hình, Lễ, Công, Học… đã được thực hiện từ thời Gia Long trở đi; những hiệp ước ký kết với Pháp về đất đai, quyền cai trị tại Bắc, Trung, Nam; Các tài liệu ngoại giao với triều đại Trung Quốc, hồ sơ các lễ tấn phong của các vua Tàu cho các vua Việt thời đó… Ngoài ra, trong kho còn có nhiều bản thảo sách Nho, Y, Lý, Số; các bộ Quốc sử, cùng rất nhiều bản gỗ (mộc bản) in các tài liệu nói trên… Trước năm 1945, chỉ tính số sổ địa bạ của Bộ Hội thời Gia Long và Minh Mạng ở đây đã lưu trữ đến 12.000 tập.

Tàng Thư lâu được vua Minh Mạng cho xây dựng vào năm 1825 ở hồ Học Hải trong kinh thành, do Thống chế Đoàn Đức Luân cùng 1.000 binh lính thi công. Công trình có 2 tầng, tầng dưới 12 gian, tầng trên 7 gian 2 chái. Xung quang được bao bọc bởi hồ Học Hải, việc xây dựng ở giữa hồ nhằm tránh việc hỏa hoạn làm mất đi các tài liệu quý. Ở phía tây hồ có cầu đá để đi vào.

Tầng dưới Tàng Thư lâu trải lưu huỳnh để tránh kiến, gián, mối mọt. Tầng trên có trổ nhiều cửa, lan can thưa nhằm thoáng khí, tránh ẩm mốc do độ ẩm không khí ở Huế. Công trình này nhận được chế độ chăm sóc tốt nhất để lưu lại những tài liệu quý giá của đất nước.

Sau khi nhà Nguyễn sụp đổ, Tàng Thư lâu không còn được xem trọng khiến các tài liệu ở đây bị thất thoát gần hết. Sau năm 1975, công trình này có thời gian biến thành nhà ở, bị hư hại nặng.

Chỉ mãi cho đến gần đây, theo dự án khôi phục các di tích kiến trúc trong quần thể di tích cố đô Huế, Tàng Thư lâu mới được khôi phục.

Tàng Thư lâu sau khi được trùng tu. (Ảnh: Tan Phan Hue city, Shutterstock).

Thác bản của văn bia “Tàng Thư lâu ký” được lưu tại Thư viện của Viện Nghiên cứu Hán Nôm có nội dung như sau:

Thần nghe rằng: Sách vở thư tịch của quốc gia sở dĩ được ban bố đến nay, tất có sự tích chứa tổng hợp ở nhiều nguồn, rồi cẩn thận tránh xa nước lửa, có thể truyền đến mai sau, mà ghi ghép rõ làm điển thường [chân lý kinh điển thường hằng trong vũ trụ]. Vâng theo ý của Hoàng thượng ta bất kỳ lúc nào cũng thường trực lòng mong muốn xây lầu tàng thư, nay ngài đặc biệt ban lệnh xây lầu ở phía đông bắc của hoàng thành, đắp đất tạo nền và dùng gạch đá dựng lên, bao bọc xung quanh là hồ sâu. Bao bọc bên ngoài hồ là các bức tường thấp, các khoảng kho chứa ngàn vạn quyển. Sau khi công việc xây cất hoàn thành, Hoàng thượng bèn sắc lệnh cho bọn chức trách kiểm kê, biên soạn sách vở kinh điển sạch đẹp, khiêng đến chứa vào hai dãy tầng lầu, để xiển dương rực rỡ đạo thánh cao vời, lưu giữ “tấm gương soi” tốt lành, sáng ngời muôn thuở. Lầu được dùng để cất giữ thư tịch, nhân đó vâng mệnh gọi tên [Tàng Thư lâu].

Ngày tốt tháng 10 năm Bính Tuất, niên hiệu Minh Mạng thứ 7 (1826).

Hiện nay một số tài liệu trong Tàng Thư lâu trước đây được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Tại đây còn lưu trữ “Châu bản triều Nguyễn” ghi chép khá chi tiết cho thấy triều Nguyễn rất chú trọng lưu trữ bảo quản tài liệu của dân tộc nhằm truyền lại cho đời sau. Các ghi chép cho thấy việc kiểm tra, sắp xếp tài liệu tại Tàng Thư lâu rất khoa học và chuẩn mực.

Một số sự kiện liên quan tới Tàng Thư lâu được ghi chép lại:

Năm 1838, Tàng Thư lâu bị dột, lập tức có bản tấu trình lên để tu sửa. Vua Minh Mạng đã phê chữ “khả” tức đồng ý.

Năm 1873, Bộ Công có bản tấu trình xin dựng nhà làm việc tạm cho 45 nhân viên Tàng Thư lâu làm việc. Vua Tự Đức phê lên bản tấu trình thể hiện quan điểm đồng ý.

Năm 1906, Bộ Hộ đã cho kiểm tra sắp xếp lại địa bạ lưu trữ. Bộ Công tấu trình xin tu sửa một số hạng mục xuống cấp, vua Thành Thái bày tỏ đồng ý.

Việc chú trọng lưu giữ tư liệu của nhà Nguyễn đã giúp nhiều tài liệu có giá trị còn tồn tại đến nay. Tiếc rằng chữ cổ không được coi trọng khiến nhiều người Việt Nam hiện nay không thể trực tiếp đọc được sách xưa do cha ông tận tâm để lại.

 

 

Theo Trithucvn

Video hay

Cùng chuyên mục

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần ‘5 quyết tâm’, ‘5 bảo đảm’, ‘5 đẩy mạnh’

Quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần ‘5 quyết tâm’, ‘5 bảo đảm’, ‘5 đẩy mạnh’

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL

Thủ tướng khảo sát, dự lễ khởi công, khánh thành 4 dự án trọng điểm tại Thừa Thiên Huế

Thủ tướng khảo sát, dự lễ khởi công, khánh thành 4 dự án trọng điểm tại Thừa Thiên Huế