Với mỗi cơ quan, đơn vị hay một tổ chức sự nghiệp thì chức năng của bộ phận bảo vệ là một phần rất quan trọng, gắn liền trong kết cấu hoạt động của tổ chức đó. Ngoài chức năng bảo đảm an toàn, an ninh cho tổ chức cả về mặt con người lẫn tài sản thì bảo vệ cũng có thể được coi là “mặt tiền”, thể hiện văn hóa, giá trị và uy tín của tổ chức, đơn vị chủ thể thông qua cách hành xử của bảo vệ được quy chuẩn, tập huấn và chỉ đạo.
Trên thực tế, đâu đó vẫn còn có nhiều cơ quan chức năng, hành chính nhà nước sử dụng lực lượng bảo vệ, trực gác nhưng có thể vì xem nhẹ, không có sự chuyên nghiệp, tập huấn và có quy chuẩn làm việc hay ẩn ức một lý do nào đó mà khi công dân, khách đến liên hệ làm việc đã không có thái độ chuyên nghiệp, vuông vắn và nguyên tắc dẫn đến gây khó, cản trở,… Điều này có thể dẫn đến những hành động thiếu kìm chế, sự việc bất khả kháng hay hệ lụy xấu ảnh hưởng đến uy tín của đơn vị, niềm tin của công dân với đơn vị để xảy ra tình huống đó.
Đơn cử như ở đơn vị hành chính cấp huyện, bộ phận bảo về của UBND huyện Mê Linh (TP Hà Nội) được lựa chọn và đào tạo tập huấn rất chuyên nghiệp, nguyên tắc trong hành xử và thực hiện nhiệm vụ khiến khách, công dân đến liên hệ làm việc vô cùng thiện cảm và thuận lợi. Mọi công dân đến liên hệ làm việc với huyện Mê Linh đều được đội ngũ bảo vệ ở đây đón tiếp, chỉ dẫn và hướng dẫn theo quy trình và trình tự cụ thể thể hiện văn hóa công sở cũng như tinh thần giải quyết, tiếp nhận thông tin, tiếp công dân của cấp chính quyền một cách cầu thị, phục vụ dân.
Trái ngược lại, cũng là cơ quan cấp huyện, đại diện cho ngành tư pháp của huyện nhưng TAND huyện Mê Linh lại sử dụng lực lượng bảo vệ một cách thiếu chuẩn, gây phản cảm, mất uy tín của một cơ quan tư pháp. Một hành động tưởng chừng như đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng đối với mỗi cơ quan công quyền. Đó là văn hóa công sở, trách nhiệm phục vụ công dân.
Cụ thể, theo phản ánh, sự việc xảy ra khi công dân/khách đến liên hệ làm việc với tòa án huyện Mê Linh về vấn đề, nội dung xét xử vụ án. Dù là trong ngày làm việc và trong giờ hành chính nhưng khuôn viên tòa khá vắng vẻ, cánh cửa cổng chỉ được hé mở. Qua phòng trực bảo vệ của tòa xuất trình giấy tờ, trình bày nội dung để được qua Văn phòng/Văn thư liên hệ liên hệ làm việc nhưng liền bị người bảo vệ từ chối, yêu cầu ra ngoài cổng đợi để gọi điện xin ý kiến lãnh đạo tòa có đồng ý tiếp nhận hay không thì mới cho vào. Sau khi công dân ra ngoài đợi theo yêu cầu thì ngay lập tức người bảo vệ này đóng cổng, kéo cửa kính phòng trực rồi gọi điện cho ai đó và bỏ mặc thông tin… và cho đó là quy định của tòa án huyện Mê Linh.
Thông tin về vấn đề này, ông Đào Ngọc San (Chánh án TAND huyện Mê Linh) cho biết, bảo vệ của tòa là thuộc diện hợp đồng. Nói về sự việc tình huống khi khách, công dân đến liên hệ làm việc, bảo vệ “đuổi khách, đóng cổng” để xin ý kiến lãnh đạo tòa đồng ý mới cho vào, việc tập huấn và quy trình tiếp nhận công dân đến làm việc được thực hiện ra sao, sẽ gặp cản trở, khó khăn ra sao thì được ông San khẳng định đã tiếp nhận phản ánh, sẽ kiểm tra, nắm lại tình hình, có gì bất cập sẽ chỉ đạo chấn chỉnh lại.
Phó Chánh án TAND huyện Mê Linh – bà Nguyễn Thị Kim Thúy thì cho rằng đây là “vấn đề nhỏ”. Theo bà Thúy, hiện nay tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra rất nhiều, cơ quan tòa án hạn chế về việc tiếp xúc. Liên quan đến thông tin phản ánh về việc bảo vệ của tòa án “yêu cầu khách ra ngoài, đóng cổng để điện thoại xin ý kiến lãnh đạo tòa đồng ý mới cho vào”, gây khó khăn khi khách đến liên hệ làm việc được bà Thúy lý giải là không biết khách đến liên hệ công tác với tư cách cá nhân hay công việc chung nhưng về nguyên tắc, phía tòa án rất lấy làm “xin lỗi” với hành động đó của nhân viên bảo vệ và sẽ nhắc nhở lại bảo vệ, rút kinh nghiệm lần sau.
Theo bà Thúy, tại tòa án huyện Mê Linh các vụ việc đều phức tạp, suy nghĩ, hành động của bảo vệ cơ quan nhiều khi không được thỏa đáng theo những ý kiến của những người đến tòa liên hệ, chính vì vậy đồng chí Chánh án đã tiếp nhận những phản hồi và nhắc nhở lại bảo vệ để rút kinh nghiệm. Bản thân, phía tòa án huyện cũng có những cuộc họp để rút kinh nghiệm chung để làm sao có những xử sự đúng mực, mềm dẻo hơn. Tòa ánh huyện xin rút kinh nghiệm.
Bà Thúy cho biết thêm: Theo quy trình, quy định của tòa, công dân bình thường đến tòa phải xuất trình giấy triệu tập của tòa nếu tòa có giấy triệu tập bằng văn bản. Còn nếu tòa không có giấy triệu tập bằng văn bản, thì phía tòa sẽ phải báo trước với bảo vệ để những công dân đó đến được bảo vệ cho vào. Tòa án là một cơ quan nhưng không phải bất cứ ai cũng có thể ra vào và phải có lý do. Trong tình hình dịch như hiện nay thì việc ra vào cơ quan phải có chỉ đạo từ Chánh án. Mặc dù tòa án là công khai, tiếp công dân là công khai nhưng khi công dân đến phải có lý do việc gì, có yêu cầu như thế nào…
Chánh án TAND TP Hà Nội – ông Nguyễn Hữu Chính cho rằng: Nguyên tắc làm việc đã có quy định rõ và mọi trường hợp đến liên hệ làm việc là bình thường theo quy định đã có của tòa. Thông thường bảo vệ của tòa là hợp đồng thời vụ. Sự việc xảy ra tại TAND huyện Mê Linh sẽ cho kiểm kiểm tra và có ý kiến chỉ đạo chỉnh đốn lại.
Hoàng Sa