* Bài viết của cố nhà văn Hà Văn Thịnh.
Nếu trên thế giới này có những cái gì đó xứng đáng được coi là “sự bình dị vĩ tuyệt” thì bonsai là điều đầu tiên phải được nhắc đến và, cũng là điều cuối cùng buộc ta phải luyến tiếc, nghĩ suy. Nói như thế là đã và đang tiệm cận với R. Décarte – có tư duy nghĩa là đang tồn tại đích thực. Bonsai không chỉ là “tồn tại” mà thực sự đã sống với loài người. Nói rộng ra, ở mức độ dù là hẹp nhất của cái hiểu – điều biết, bonsai là phần không thể thiếu được của văn hóa lặng im…
Tại sao một gốc bonsai có thể dao động từ 1-2 trăm ngàn đến hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu? Câu trả lời đến từ chốn vô thường: Không ai có thể định giá được nỗi đau, dù nhỏ hay là khủng khiếp đến muôn đời, giống như Bạch Cư Dị đã nghĩ, “Thử hận mang mang vô tuyệt kỳ” (Trường hận ca). Bonsai đẹp trước hết bởi đó là cái phàm tục dễ thấy của xót xa. Quằn quại mà không gãy; uốn cong mà vẫn thẳng (dáng trực); khô khan, cằn cỗi mà vẫn xanh; bé nhỏ mà vẫn lớn lao, không cùng; gồ ghề hay sứt sẹo mà vẫn mềm mại, dịu dàng như nữ thần Hélène… Bonsai hút hồn người bằng “bước đi” của Thôn nữ ca “rơi” trên đường phố hẹp, bằng cái ngơ ngác của thân phận và cả cái ngu ngốc của lỗi lầm. Không ngốc ư? Thế cái gì đã nói lên rằng sự dày vò của cuộc đời được “đón nhận” bằng cam chịu? Không ngơ ngác ư? Thế thì làm sao lý giải nổi cái cung nhịp mà bonsai đã uốn lượn thực ra chỉ là cách tích tụ và ủ mầm dại dột tự lâu rồi…
Vậy mà, bonsai giống như một vị lão làng trong một ngôi làng chỉ có một người già cả. Nó, muôn đời vẫn là chúa tể của cái đẹp. Người Nhật có một câu thành ngữ thật đắc nghĩa: Lòng thương xót là cội nguồn của cái đẹp. Đúng trong trường hợp này: Ta đã đau trước cái đẹp rờ rỡ, cô buồn. Minh định sát nghĩa và đủ về bonsai phải hiểu là thế này: Sự phi thường của cái đẹp bị cầm tù trong cái chật chội, khó hiểu của cuộc đời. Nếu ta đồng ý và chấp nhận như thế thì đã hiểu bonsai nhiều lắm. Trong đời, ai đã từng không dưới một lần bị cầm tù và bị áp chế bởi người khác? Ai đã từng không đớn đau và quằn quại trước những bất công, xót xa? Ai đã không trải qua không ít tháng năm rồi mới chợt hiểu rằng thực ra miếng đất mà ta phải nương nhờ, vất vả – để sống; nó bé nhỏ và đơn điệu biết bao? Còn nữa: Ai không từng một lần im lặng và hờ hững để cố quên đi những mưa gió của cuộc đời?… Nói như thế để thấy bonsai kỳ tuyệt, trước hết bắt nguồn từ sự khó hiểu bí ẩn của cái vô thường (anitya) trong vô ngã (anatnan) là thân phận sống…
Chẳng cần tìm kiếm đâu xa, hãy cứ quan sát “cuộc đời” của một bonsai bất kỳ. Chẳng hạn, một thân cây gầy guộc, quắt queo có hàng trăm năm tuổi, bám trên vách của núi đá cheo leo ở dọc biển Bình Thuận hay Ninh Thuận thực sự là nguồn cảm hứng vô tận để người thợ – nghệ sĩ sẵn sàng bỏ ra cả hàng tháng trời để đục, đẽo, cưa, cắt cả khối đá trên đó có một gốc cây quặt quẹo; rồi mang về và… chiêm ngưỡng (contemplation). Những bonsai như thế xứng đáng để cho con người phải rón rén khi bước lại gần. Chỉ một âm thanh vô ý lỡ làng, có thể làm cho khung cảnh của kẻ tội đồ sùng kính là ta phải khiếp hãi. Bất giác, ta ngoái lại để nhìn lên bản đồ. Hình chữ S của nước Việt, hồn Việt quý yêu hàng ngàn năm uốn cong, dường như mỏng quắt lại từ lịch sử. Trên cao, cả “khối đá” khổng lồ là nước láng giềng phương bắc cứ muốn đè bẹp, nghiền nát nó nhưng cái chữ S bé nhỏ cứ uyển chuyển uốn, yên lặng gồng mình lại mà không thể gãy, không gục ngã và, còn tạo thành cái “lò xo” bất tử của tạo hóa, như Trần Nhân Tông (1258-1308) đã nói: “Xã tắc bao phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng?” Phải chăng vì hình dáng Việt, tinh thần Việt là bonsai của cõi nhân trần nên người Việt là dân tộc biết kính trọng cái vẻ đẹp giản dị mà linh thiêng, kiệm cần mà bất tử của bonsai?
Đã có câu truyền tụng rằng “Nhất niên, nhị sắc, tam phách, tứ bì, ngũ chi, lục ngoạn”. Bonsai càng cao niên càng quý. Đó là cách để tôn vinh cái phi thường trong sự khắc nghiệt, bạc bẽo của vị Thần thời gian. Là trái hay là hoa, là màu của lá hay màu của nước – mắt – rêu xanh bám trên gộc cây, nhất là trong một buổi sáng sớm có sương mù; theo cách “Bạch lộ thấp thanh đài” – sương trắng sà xuống phủ kín đám rêu xanh (Lý Bạch) thì cái “khoảnh khắc sắc (hương)” của bonsai là vị thế thứ hai. Khi đã có nhất niên, nhị sắc thì phần hồn – phách của bonsai sẽ toát lên từ thinh không, từ cái lặng yên đa nghĩa, đặm ý của đất, của trời. Màu của vỏ cây, của không gian (bì) trong tổng thể bonsai và cách phối cành (chi), phối cảnh của mỗi dáng hình thực ra là để tô thêm, làm sắc thêm vẻ đẹp của hồn cây – thậm chí, ta có thể cảm nhận được tiếng đập của trái tim đời, giống như bonsai là một phần của máu thịt của chính mình.
Vế thứ sáu của câu trên đã nói lên tất cả: Lục ngoạn. Hai chữ này không liên quan gì đến bonsai mà là nói về người thưởng ngưỡng bonsai. Vẻ đẹp, cái hồn, cái cao quý của bonsai tùy thuộc thật nhiều vào đẳng cấp văn hóa, vốn sống, nỗi đau từng trải của người ngắm nhìn, nâng niu nó. Một cái nhìn lướt của phàm phu, tục tử làm sao hiểu nổi sự sâu thẳm thần bí của bonsai? Có lẽ người Nhật hiểu rõ điều ấy nên trong một quảng cáo của Toyota có câu “Bộ phận quan trọng nhất của một chiếc xe hơi chính là… chủ nhân của nó”. Cũng có thể, Éva đã ăn phải trái cấm vì không có một gốc bonsai nào ở gần đó để cảnh báo thật rõ về cái phản đề của trái cấm? Đứng trước bonsai, ta thấy mình trở nên tinh khiết, nhẹ nhõm hơn. Bonsai giống như câu trả lời đủ đầy của cái đúng và cái đẹp. Gian nan nhiều tư lự sâu; trần ai vướng lụy nhiều nên hiểu rõ nỗi đau; hiểu biết nhiều nên Trí giả nhược ngu, như Lão Tử đã đoan quyết. Bonsai có đủ cả câu hỏi lẫn câu trả lời. Đến trước bonsai ta muốn đặt câu hỏi và muốn tìm thấy câu trả lời. Bonsai không giống như mảnh trăng lưỡi liềm trong một bài hát Nga – Tôi hỏi cây Cúc Tần (Ia xpraxil u Iaxenhii): Vì không trả lời nổi câu hỏi về hạnh phúc nên trốn vào trong mây: Mêxias nhe atvechila; Skrưlxa v oblake. Bonsai rung rinh nhè nhẹ từng giọt nắng; e ấp dịu dàng từng hạt sương li ti nhưng đủ để trả lời cho ta hiểu về cách chịu đựng nỗi đau, vượt qua nỗi đau, biết sống đủ đầy với ý nghĩa cuộc đời.
Mùa Xuân. Khi mọi loài cây đều khoe sắc, tỏa hương thì hầu như bonsai vẫn thế. Vẫn như mọi ngày, khắc khổ trong bình dị; thanh thản trong nỗi chật hẹp, vất vả của đất trời; xanh đậm đà trong tẻ nhạt của cái hằng đổi, hằng thay. Bonsai dường như muốn nói với cuộc đời và muốn nhắn nhủ với con người rằng dẫu đang có, đang sống trong khoảnh khắc của hạnh phúc, niềm vui; cũng chớ có quên bổn phận của kiếp người…
Huế, tháng 12/2007
Hà Văn Thịnh – Đại học Khoa học Huế