Tản mạn những điềm báo kỳ lạ về sự ra đời của vua chúa Đại Việt

15:47 | 26/01/2022

Người xưa cho rằng những người có công nghiệp lớn hay các bậc vua chúa khi sinh ra thì thường có điềm báo kỳ lạ. Điều này không chỉ ứng với các ghi chép trong các nguồn dã sử như ngọc phả, mà còn được đề cập tới trong các bộ chính sử của Đại Việt. Mặc dù trong rất nhiều tài liệu thì cách ghi chép về điềm báo cho thấy là tạo dựng hay phi lý, nhưng cũng đáng để điểm lại.


Lý Nam Đế

Về điềm sinh ra Vua, “Việt Thường thị tiền Lý Nam Đế ngọc phả cổ lục” có ghi chép rằng:

Một hôm, Thái bà nằm nghỉ ở ngoài sảnh đường thiếp đi, bỗng thấy trời đất tối đen, ngước nhìn thấy từ trên trời có đám hào quang ngũ sắc trong đó có hai rồng, một màu trắng, một màu vàng, cùng tranh giành sao Thái dương. Sao Thái dương bỗng nhiên giáng xuống miệng Thái bà, rồng vàng giáng thẳng xuống bụng Thái bà.

Thái bà bỗng tỉnh dậy, biết đó là giấc mộng, liền nói với Thái ông. Thái ông nói rằng theo như báo mộng thì tất thị nhà ta có phúc lớn.

Vào giờ Thìn ngày 12 tháng 9 năm Quý Tỵ sinh hạ 1 nam. Thần tướng lẫm liệt, diện mạo khác thường, mày như mày vua Nghiêu, mắt như mắt vua Vũ, lưng như lưng vua Thang, quả là không phải người thường. Khi sinh có mây sa sầm, mưa gió nổi lên, hương thơm đầy phòng, khí lành tràn ngập trong phòng.

Ngô Quyền

Lăng Ngô Quyền ở làng cổ Đường Lâm. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia, CC BY-SA 3.0).

Vua người Đường Lâm, theo Đại Việt Sử ký Toàn thư thì:

Khi vua mới sinh có ánh sáng lạ đầy nhà, trạng mạo khác thường, có 3 nốt ruồi ở lưng, thầy tướng cho là lạ, bảo có thể làm chủ một phương, nên mới đặt tên là Quyền. Đến khi lớn lên, khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi thong thả như hổ, có trí dũng.

Lê Đại Hành

Vua sinh vào ngày rằm Trung Thu 15 tháng 7 năm Tân Sửu (941) ở vùng Ái Châu (Thanh Hóa), cha là ông Lê Mịch, mẹ là bà Đặng Thị.

Đường chính đạo đền Vua Lê Đại Hành. (Ảnh: Jean-Pierre Dalbéra, Flickr, Wikipedia, CC BY 2.0).

Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép câu chuyện vua Lê Đại Hành như sau:

Khi mới có thai chiêm bao thấy trong bụng nở hoa sen, chỉ chốc lát đã kết hạt, bèn lấy chia cho mọi người, còn mình thì không ăn, tỉnh dậy không hiểu nguyên do thế nào. Đến khi năm Thiên Phúc thứ 6 thời Tấn là năm Tân Sửu, mùa thu, tháng bảy, ngày 15, sinh ra vua.

Đặng thị thấy tướng mạo khác thường, bảo với mọi người rằng: “Thằng bé này lớn lên, ta sợ không kịp hưởng lộc của nó”. Được vài năm thì mẹ chết, sau đó cha cũng qua đời, trơ trọi một thân, muôn vàn cô đơn đói rét.

Trong thôn có viên quan sát họ Lê trông thấy lấy làm lạ, nói: “Tư cách đứa trẻ này, người thường không sánh được”. Lại thấy là cùng họ nên nhận làm con nuôi, sớm chiều chăm sóc dạy dỗ, không khác gì con đẻ. Có đêm mùa đông trời rét, vua úp cối mà ngũ. Đêm ấy ánh sáng đẹp đầy nhà, viên quan sát lén đến xem, thì thấy con rồng vàng che ấp bên trên, vì thế lại càng thêm quý trọng.

Các Vua nhà Lý

Đến Triều đại nhà Lý, nhiều Vua khi sinh cũng có điềm lạ, Đại Việt Sử Ký Toàn thư có ghi chép vua Lý Thái Tông rằng:

Vua có bảy cái nốt ruồi sau gáy, như sao thất tinh. Khi còn nhỏ cùng trẻ con chơi đùa, có thể sai bảo được chúng, bắt chúng đi dàn hầu trước sau và hai bên như nghi vệ các quan theo hầu vua.

Còn vua Lý Thánh Tông, trong Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép, trước khi sinh ra Vua có điềm báo qua giấc mơ:

Mẹ là Kim Thiên Thái Hậu họ Mai, khi trước chiêm bao thấy mặt trăng vào bụng rồi có mang.

Đến đời vua Lý Nhân Tông, Đại Việt đến giai đoạn cực thịnh, nhiều điềm lành dị tượng trong nước cũng xuất hiện. Về vua Nhân Tông Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép:

Vua trán dô mặt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ, trí tuệ hiếu nhân, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp người theo, thông âm luật, chế ca nhạc, dân được giàu đông, mình được thái bình, là vua giỏi của triều Lý.

Các Vua nhà Trần

Thời vua Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông, nhà Trần đã đánh bại đại quân Mông Cổ lần thứ hai (1285) và lần thứ 3 (1288).

Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi về điềm sinh ra vua Trần Thánh Tông  như sau:

Mẹ là Hiển Từ Thuận Thiên hoàng thái hậu Lý thị, nhân Thái Tông chiêm bao thấy thượng đế trao cho gươm báu, hậu có mang.

Con vua Trần Nhân Tông thì:

Được tinh anh Thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng. Hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên đồng tử. Trên vai bên trái có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn.

Các Vua nhà Lê

Đây là vị minh quân nổi tiếng đưa Đại Việt đến thời kỳ thịnh trị bậc nhất. Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi điềm sinh ra Vua như sau:

Mẹ vua là Quang Thục Hoàng thái hậu Ngô thị, người làng Động Bàng, huyện Yên Định, phủ Thanh Hóa. Trước kia, khi còn là Tiệp dư, Thái hậu đi cầu tự, mơ thấy thượng đế ban cho một tiên đồng, thế rồi có thai.

Tục truyền rằng Thái hậu khi sắp ở cữ, nhân thử thả chợp mắt, mơ thấy mình đến chỗ Thượng đế, Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con Thái hậu, tiên đồng chần chừ mãi không chịu đi, thượng đế giận, lấy cái hốt ngọc đánh vào trán chảy máu ra, sau tỉnh dậy, rồi sinh ra vua, trên trán vẫn còn dấu vết lờ mờ  như thấy trong giấc mơ, mãi đến khi chết, vết ấy vẫn không mất.

Vua Lê Thánh Tông có con muộn, phải nhờ đến cầu đảo. Đại Việt Sử ký Toàn Thư chép rằng:

Trước đây, Thánh Tông chưa có con nối, Quang Thục hoàng thái hậu đã từng cầu đảo, sai Đức Trung đến cầu ở am Từ Công núi Phật Tích, chiêm bao thấy đến trước mặt thượng đế cầu hoàng tự.

Thượng đế phán: “Cho sao Thiên Lộc làm con Nguyễn thị”. Nói rồi cho ẵm đến ngồi ở trước.

Bấy giờ, Trường lạc hoàng thái hậu ở cung Vĩnh Ninh, tức thì có mang. Đến khi đủ ngày tháng, chiêm bao thấy rồng vàng từ trên trời sa xuống, bay vào trong phòng, một lát sau thì sinh ra vua.

Chúa Nguyễn

Thời kỳ chúa Nguyễn Phúc Chu sáp nhập được nhiều vùng đất nhất trong 8 đời chúa Nguyễn, đây cũng là thời kỳ mà Đàng Trong phát triển đến cực thịnh. Chúa Nguyễn Phúc Chu giúp sáp lập các vùng đất Hà Tiên, đảo Phú Quốc, Bình Thuận, Ninh Thuận, Mỹ Tho, Vĩnh Long vào lãnh thổ.

Bản đồ Đại Nam năm 1732. (Tranh: Luanpt.arc@gmail.com)

Là người mộ đạo, Chúa chủ trương hồng dương Phật Pháp, ông cho xây dựng một loạt chùa miếu; mở hội lớn ở chùa Thiên Mụ, Mỹ Am; phát tiền gạo cho người nghèo. Chúa dùng Phật Pháp để giáo hóa muôn dân, khiến đạo đức thăng hoa, xã tắc ổn định, người dân có cuộc sống sung túc,

Điềm sinh ra chúa cũng rất lỳ lạ, sách Đại Nam Thực lục Tiền biên có chép rằng:

Trước kia, năm Giáp Dần, mùa thu, ở phương Tây Nam trên trời mở ra một lỗ, có mây sắc vận quanh, ở giữa một luồng ánh sáng rực trời toả ngay vào chỗ nhà mẫu hậu ở, người thức giả cho là điềm thánh. Năm sau chúa đúng kì giáng sinh, mùi thơm nức nhà.

Vua nhà Nguyễn

Vua Minh Mạng lên ngôi dường như đã được an bài từ trước, sách Đại Nam thực lục chính biên có ghi chép rằng:

Trước khi sinh vua, hoàng hậu nằm mơ thấy người thần dâng một cái ấn, sắc đỏ như mặt trời. Vua sinh ra thực ứng vào điềm ấy.

Thân mẫu vua Tự Đức trước khi sinh ông “chiêm bao thấy một vị thần, mặc áo rộng thắt đai to, đầu râu, tóc bạc, mang một tờ giấy vàng viết chữ son có đóng dấu ngọc và một chuỗi hạt minh châu trao cho. Vua sinh ra, đúng ứng vào điềm ấy” (Đại Nam thực lục chính biên).

 

Theo Trithucvn

Video hay

Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần ‘5 quyết tâm’, ‘5 bảo đảm’, ‘5 đẩy mạnh’

Quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần ‘5 quyết tâm’, ‘5 bảo đảm’, ‘5 đẩy mạnh’

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL

Thủ tướng khảo sát, dự lễ khởi công, khánh thành 4 dự án trọng điểm tại Thừa Thiên Huế

Thủ tướng khảo sát, dự lễ khởi công, khánh thành 4 dự án trọng điểm tại Thừa Thiên Huế

Thủ tướng chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo

Thủ tướng chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo