Đêm mùng 7 tháng 8 vừa rồi, bước chân lên “chiếc du thuyền không số” để xuôi ngược cùng dòng La Giang. Thế là bao nhiêu kỉ niệm cùng bao nuối tiếc và trăn trở cứ ào ạt xuôi về…, ước mơ có những chuyến “du thuyền” trên dòng sông quê hương từ bao năm về trước, đến nay đã có mà sao vẫn thấy trống trải, bâng khuâng! Sông La – con sông vừa huyền thoại, vừa hiện hữu. Dù là huyền thoại hay đang hiện hữu thì vẫn phải thừa nhận đó là dòng sông tuyệt đẹp và thơ mộng. Có thể nói, đó là một trong hai dòng sông đẹp nhất trên cả nước, vừa “sơn thủy hữu tình” nhất, vừa đi vào thi ca, văn chương, sử sách nhiều nhất cùng với dòng Hương Giang nơi xứ Huế…
Dòng La Giang buổi xế chiều nhìn từ trên cầu Linh Cảm
Thuở nhỏ, ngày học cấp 2, cứ mỗi lần về quê, tôi lại lôi mấy đứa em, đứa cháu ra bãi cát ven bờ sông La nơi có bến đò chợ Nướt để dạy võ cho chúng. Gọi là mấy đứa em, đứa cháu, nhưng chúng nó toàn bằng tuổi hoặc hơn tôi đến vài ba tuổi. Kỉ niệm tuổi thơ ấy cứ bám riết mãi, nên mỗi lần về quê tôi lại thường ra nơi bãi cát ấy để ngắm nhìn cùng dòng sông… Năm 2006, sau chuyến công du ở Liên bang Nga trở về nước, tôi lại về quê thắp hương cho các Cụ Tổ Tiên (chỉ là thói quen, cứ mỗi lần đi nước ngoài trở về tôi lại về quê thắp hương “báo cáo với các Cụ”). Lần này lại như thường lệ, ra bờ sông La ngồi nhìn bãi cát và dòng sông càng ngày càng một đầy, một vơi. Nhưng lần này khác, bởi tôi chợt nghĩ, giá như có con thuyền gỗ hàng ngày chạy trên sông từ bến Gia Lách (sát Bến Thủy) chạy ngược lên Chợ Thượng, lên bến Tam Soa, rồi chạy tuốt lên chợ Bôộng rồi chạy quay về. Trên thuyền chỉ cần chở hai đến ba, bốn đôi nam nữ đang yêu nhau đi “phượt” thì vừa đủ vui, đủ sống. Ngày nào không có khách thì ngồi trên thuyền bẻ miếng bánh đa vừng, xúc hến xào giá, rồi làm vài ba quai, vừa lai rai vừa nghe câu ví giặm cũng đã là sướng “như Tiên” rồi. Nghĩ như vậy, mà rồi ra Hà Nội là bắt tay làm ngay… !
Về đêm, sông La huyền ảo, tĩnh lặng và thơ mộng quyến rũ tâm hồn du khách…
Ra Hà Nội, gặp cậu em con bà O ở Bộ Tư lệnh Tăng – Thiết giáp, nói về viễn cảnh “du thuyền trên sông La” cho nó nghe. Sau tôi bảo nó: “Mày đại tá thì cũng 57 tuổi là về hưu. Lúc đó mày còn trẻ, còn khỏe, phải làm việc chứ không thì phung phí năng lực”. Rồi tôi bảo ông bạn thân thành lập ngay cho tôi một doanh nghiệp TNHH, lấy tên con gái đặt tên cho công ty (công ty này sau hoạt động từ 2007 đến 2017 mới dừng), rồi chạy về quê thuê thợ xây cho ngôi nhà nhỏ 2 gian để đi đi, về về, có công ty thì cũng phải có chỗ đi về để “giám sát” chúng nó chứ(!). Rồi cũng chuẩn bị kinh phí để khi ổn định là mua “du thuyền” bằng gỗ cho thằng em cùng làm du lịch. Nhưng kế hoạch không thành, vì cậu em về hưu với quân hàm đại tá – mà đại tá ở thôn quê thì “cũng oai phong”, thế nên về hưu nó lại được bầu trúng Phó chủ tịch Hội CCB của huyện, thế là phải đi làm, nhưng rồi cũng chỉ được thời gian ngắn ngủi thì nó hóa thân vào dòng La Giang để ra đi mãi mãi… Theo đó, ước mơ “du thuyền” để tạo ra quang cảnh mộng mơ cho những cặp đôi yêu nhau thêm thơ mộng đã bị bỏ dở từ đó…
Trích Điều 6 của Luật Du lịch
Nay về quê biết “có du thuyền” vui quá!… Tại bến nước sông La ở xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ có 2 chiếc tàu làm “du thuyền”. Một chiếc đang “đắp chiếu” nằm im. Một chiếc thỉnh thoảng đỏ điện (khi có khách là khi đỏ điện). Anh Đào An Pha, sinh 1974, nhà ở ngay bến du thuyền, anh từng là chiến sĩ Hải quân trở về quê hương và đi vay ngân hàng để mua chiếc tàu trị giá 700 triệu đồng với mong muốn “làm du thuyền”, vừa là làm kinh tế bảo đảm cuộc sống gia đình, vừa đóng góp cho quê hương có nơi để du khách đến thêm yêu quê hương Đức Thọ (Hà Tĩnh). Khi hỏi về việc kinh doanh du thuyền anh trầm lại: “Vẫn chưa có giấy phép hoạt động, chính quyền tạm để cho mình làm thử thôi”. Tôi vừa cười vừa gợi hỏi vui vui: “Vậy là trên du thuyền của anh tôi ăn uống cũng là ăn uống chui rồi, mình bỏ tiền ra để ăn mà lại ăn uống chui thì cũng không vui lắm nhỉ?”. Anh An Pha cười rất thật thà, anh tâm sự sở dĩ chưa được cấp phép là do thiếu 2 điều kiện, một là chưa thành lập được công ty mà phải có từ 2 tàu chở khách trở lên mới được thành lập công ty để làm du lịch; hai là ở đây chưa có “Cảng đường thủy nội địa”(?). Giờ đây anh chỉ cố làm để đủ ngày hai bữa ăn và vật lộn để trả lãi tiền vay ngân hàng. Câu chuyện về “thiếu 2 thứ” của anh An Pha làm cho du khách cũng thấy “sững” lại.
Các qui định của pháp luật hiện nay về làm du lịch trên sông nội địa đâu có bắt buộc phải là có “Bến cảng đường thủy nội địa”?. Một trong những nơi có tàu thuyền du lịch nội địa lớn nhất trên cả nước hiện nay như bến Ninh Kiều của Cần Thơ thì ở đó tàu, thuyền tư nhân và doanh nghiệp đều có cả. Cũng có cả “Bến cảng” nhưng cũng có “Điểm du lịch” – mà “Điểm du lịch” đã được qui định rõ tại Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19/6/2017 của Quốc hội rồi. Luật Du lịch cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 rồi. Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 để thi hành Luật này rồi. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng có Thông tư hướng dẫn để thực hiện rồi. Còn thành lập doanh nghiệp qui định nào “phải có 2 tàu trở lên” mới được thành lập công ty?. Vậy 2 “cái thiếu” của anh An Pha đâu có gì khó khăn mà đến giờ vẫn “du thuyền chui” trên quê hương vốn tiềm tàng về du lịch sông nước? Thiết nghĩ, Phòng Văn hóa và Phòng Tài chính – Kế hoạch cùng các phòng, ban chức năng của huyện Đức Thọ nên sớm “gần gũi” để hướng dẫn anh An Pha làm thủ tục, hồ sơ để đến Sở VHTTDL Hà Tĩnh xin mở “Điểm Du lịch” và làm hồ sơ xin kinh doanh du lịch bằng du thuyền để nơi đây không còn tình trạng “bỏ tiền mà vẫn phải ăn uống chui”. Để những người ngư dân như anh Đào An Pha không còn cảnh cứ ra mạn tàu ngồi nghêu ngao hát những câu hát trong bài “Con thuyền cô đơn” của cháu Thái Học trên huyện Vũ Quang nơi thượng nguồn dòng sông nữa: “Thuyền không bến thuyền mãi lênh đênh/ Em cô đơn như con thuyền ấy/ Nhắn theo sóng thuyền ở ngoài khơi/ Bến nơi nào thuyền đỗ nghỉ ngơi...”…
Anh Đào An Pha, sinh năm 1974, một chiến sĩ Hải quân trở về quê hương nay là chủ một “du thuyền” tại bến Trường Sơn – Sông La
Du lịch bằng du thuyền trên sông cũng liên quan đến “Luật Giao thông đường thủy nội địa” – nội dung này rất quan trọng. Theo đó, Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 tại Điều 3, Khoản 7 có nội dung qui định: “Phương tiện thuỷ nội địa là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên đường thuỷ nội địa” đã được Bộ Giao thông Vận tải qui định chi tiết tại Điều 7, Thông tư số 42/2017/TT-BGTVT để “Quy định đối với phương tiện vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa” cụ thể như sau:
- Phương tiện phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.
- Phương tiện phải lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động – AIS khi hoạt động trên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo theo quy định của pháp luật.
- Trang bị đủ số lượng phao, áo phao cho du khách trên tàu.
- Phương tiện thủy nội địa vận tải khách du lịch phải đảm bảo nội thất và tiện nghi như sau:
- a) Đối với phương tiện từ 12 ghế ngồi đến 20 ghế ngồi phải trang bị: Bảng hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị cứu sinh, cứu đắm và số điện thoại, địa chỉ các cơ quan tìm kiếm cứu nạn để tại vị trí ghế ngồi của khách; có biểu đồ hành trình tuyến du lịch; có thùng chứa đồ uống; thùng đựng rác.
- b) Đối với phương tiện từ 20 ghế ngồi đến 50 ghế ngồi ngoài các quy định tại điểm a khoản này còn phải trang bị: dụng cụ chống nắng, micro; tủ thuốc và các dụng cụ sơ cứu, cứu nạn theo danh mục quy định của Bộ Y tế; Khu vực phục vụ dịch vụ ăn uống và khu chế biến (nếu có) phải đảm bảo yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế và đảm bảo các quy định an toàn phòng chống cháy nổ.
- c) Đối với phương tiện từ trên 50 ghế ngồi trở lên ngoài các quy định tại điểm b khoản này phải trang bị: Mái che, rèm cửa chống nắng, điều hòa nhiệt độ hoặc quạt mát tương ứng với số khách du lịch được vận chuyển; phòng vệ sinh.
- Đối với tàu thủy lưu trú du lịch thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Bến Tam Soa, nơi du khách đến đây luôn mong muốn có hoạt động du thuyền để ngắm cảnh và thưởng ngoạn vẻ đẹp của dòng Sông La nổi tiếng trong thi ca
Với nội dung này qua “kì mục sở thị” trên “con tàu không số” của anh An Pha thấy đầu tư khá đầy đủ. Nếu kinh doanh du lịch du thuyền của anh An Pha được cấp phép thì anh cũng không phải đóng thuế “tiêu thụ đặc biệt”. Bởi máy bay, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh du lịch được quy định tại Khoản 4, Điều 3, Thông tư 195/2015/TT-BTC là: “Đối tượng không chịu thuế đặc biệt”.
Nếu được cấp phép hoạt động du thuyền trên Sông La nơi đây sẽ có nhiều thay đổi
Rất nhiều địa phương trên cả nước phát triển đi lên bằng hoạt động du lịch. Nhà nước cũng khuyến khích du lịch phát triển mạnh mẽ để xây dựng nền văn hóa và kinh tế của đất nước… Những con kênh, con rạch, chui luồn trong ao hồ, đầm lầy, ở các Ấp thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nhưng được chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ, thì nơi đó du lịch rất phát triển. Không chỉ du khách trên cả nước đến với vùng sông nước Miền Tây mà khách Quốc tế cũng đến rất đông. Hoặc một tỉnh vốn rất nhỏ bé và nghèo nàn như Ninh Bình, nhưng Ninh Bình biết tận dụng để quan tâm phát triển du lịch nên ao hồ, suối ngòi ở đây cũng “cất cánh bay cao”, thậm chí “bay ra khắp Thế giới” để khách Quốc tế cũng đến Tràng An rần rần, từ đó Ninh Bình nổi bật hẳn lên…
Với sông La nói riêng, vùng quê Đức Thọ, Hà Tĩnh nói chung, khi được quan tâm để phát triển du lịch thì chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi nơi miền quê vốn trọng thị văn hóa đã lâu đời…
TRẦN ĐỨC LONG