Tư tưởng báo chí hay còn gọi là tư tưởng về báo chí là hệ thống những quan điểm, quan niệm, luận điểm, các nguyên tắc, chức năng về báo chí của một giai cấp, một dân tộc nhất định. Theo đó, tư tưởng báo chí của Đảng ta là hệ thống quan điểm nhất quán về báo chí, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Khái niệm về tư tưởng báo chí và công tác tư tưởng báo chí
Tư tưởng báo chí hay còn gọi là tư tưởng về báo chí là hệ thống những quan điểm, quan niệm, luận điểm, các nguyên tắc, chức năng về báo chí của một giai cấp, một dân tộc nhất định. Theo đó, tư tưởng báo chí của Đảng ta là hệ thống quan điểm nhất quán về báo chí, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Công tác tư tưởng là hoạt động có mục đích của một giai cấp, chính đảng nhằm xây dựng, phát triển, hoàn thiện tư tưởng, phổ biến, truyền bá hệ tư tưởng vào quần chúng, cổ vũ, động viên, lôi cuốn, thúc đẩy quần chúng có hành động tích cực và sáng tạo để thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng của Đảng.
Công tác tư tưởng là một trong 3 bộ phận cấu thành quan trọng của công tác xây dựng Đảng và được xác định ở vị trí hàng đầu, nhằm tạo sự thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn dân và quân ta. Theo đó, công tác tư tưởng báo chí là hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và thực hiện các quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam về báo chí.
- Vai trò của công tác tư tưởng báo chí trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa
Báo chí có vai trò rất quan trọng đối với việc hiện thực hóa chủ nghĩa Mác-Lênin và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. C.Mác khẳng định: “Tuyệt đối từ bỏ chính trị là không thể được. Vấn đề chỉ là làm chính trị như thế nào và làm loại chính trị gì”. V.I.Lênin phát triển quan điểm nêu trên của C.Mác và nhấn mạnh: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”, “chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành được một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện” (dẫn theo: Nguyễn Công Dũng, 2012).
Trong quá trình tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc xây dựng, phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam. Bản thân Hồ Chí Minh cũng là người sáng lập và xây dựng, phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người đã trực tiếp chỉ đạo xuất bản báo Thanh niên – tờ báo chính trị đầu tiên của Đảng (ngày 21/6/1925). Sau báo Thanh niên, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn lập ra báo Kông Nông (năm 1926), báo Đường Kách mệnh (năm 1927), báo Búa Liềm (năm 1929). Ngày 03/02/1930, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua một nghị quyết về báo chí, kể từ đó Đảng lãnh đạo trở thành yêu cầu tự thân của báo chí cách mạng Việt Nam.
Kế thừa và phát triển quan điểm của các nhà kinh điển mác xít, tư tưởng báo chí của Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn khẳng định báo chí là tiếng nói của Đảng, phản ánh tiếng nói của quần chúng nhân dân, có nhiệm vụ truyền bá đường lối, chính sách của Đảng, phát hiện và phản ánh trung thực những điển hình tiên tiến, ủng hộ, cổ vũ những nhân tố mới, đấu tranh chống những hiện tượng lạc hậu, trì trệ và biểu hiện tiêu cực; góp phần giải quyết những vấn đề thiết thực mà xã hội quan tâm; xây dựng dư luận xã hội lành mạnh, động viên Nhân dân tích cực hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045, Đảng ta đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông. Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị – xã hội, thuần phong mỹ tục” (dẫn theo: KL/TW, 2021).
- Định hướng công tác tư tưởng báo chí trong giai đoạn mới
Trước yêu cầu ngày càng cao của giai đoạn cách mạng mới, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết đã khẳng định và tiếp tục cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”. Và, “phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông; vận dụng tổng hợp các hình thức tuyên truyền, kết hợp chặt chẽ với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền trên internet, các mạng xã hội và các kênh truyền thông khác, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch” (Nghị quyết số 35-NQ/TW, 2018).
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Các cơ quan báo chí, đặc biệt là các báo, tạp chí khoa học cần tập trung tuyên truyền để làm rõ hơn, sâu sắc hơn những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin, bảo vệ giá trị khoa học và cách mạng của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử mác xít; của học thuyết hình thái kinh tế – xã hội, bảo vệ học thuyết giá trị thặng của chủ nghĩa Mác-Lênin; bảo vệ học thuyết nhân văn vì sự phát triển toàn diện của con người và xã hội loài người… để tiếp tục khẳng định chủ nghĩa Mác – Lênin là học thuyết duy nhất từ trước đến nay bàn về mục tiêu, con đường, lực lượng, biện pháp đấu tranh xóa bỏ áp bức, bóc lột bất công; giải phóng con người, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng dân tộc…
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để toàn hệ thống chính trị và xã hội nhận thức đầy đủ, chính xác hơn những giá trị cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đó là bảo vệ tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của Nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của Nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; về khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân; tư tưởng về đạo đức cách mạng; về xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; cán bộ, đảng viên là “người đầy tớ” thật trung thành của Nhân dân…
Triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm nêu trên, thời gian qua các cơ quan báo chí đã tăng cường, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với nhiều hình thức, sản phẩm và nội dung thông tin phong phú. Số lượng, chất lượng các chuyên mục, chương trình, tin bài đã tăng lên rất nhiều. Nhiều bài viết, chương trình tuyên truyền có hiệu ứng tốt trong xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận. Công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý thông tin trên báo chí, việc tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí có nhiều đổi mới và chủ động bám sát với tình hình thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm; đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học và công nghệ để đánh giá, lượng hóa xu hướng thông tin, từ đó có sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong chỉ đạo, điều hành.
- Sự cần thiết thực hiện công tác tư tưởng báo chí đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên hoạt động, học tập trong lĩnh vực báo chí
Cán bộ làm công tác giảng dạy, hoạt động nghiệp vụ trong lĩnh vực báo chí nhất thiết phải là một “chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng”, là người “hoạt động chính trị bằng nghiệp vụ”. Vì vậy, mỗi cán bộ, giảng viên trong lĩnh vực này phải luôn thấm nhuần tư tưởng chính trị, thấm nhuần tư tưởng báo chí của Đảng. Hơn nữa là người trực tiếp truyền thụ kiến thức, tư tưởng đến bộ phận lớn sinh viên nên mỗi cán bộ, giảng viên cần phải am hiểu và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quan điểm, đường lối về báo chí của Đảng.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, công tác quán triệt tư tưởng về báo chí trong hoạt động giảng dạy, đào tạo là hết sức cần thiết. Trước hết mỗi giảng viên-nhà báo phải tự mình trau dồi kiến thức chuyên môn, bồi dưỡng năng lực, kỹ giảng dạy, đặc biệt phải tôi rèn phẩm chất chính trị, nói và làm theo những lối, chủ trương chính sách cả Đảng, pháp luật của nhà nước, tuân thủ mọi nội qui, qui chế và qui định về đạo đức nghề nghiệp nhà báo. Thực hiện tốt công tác chuyên môn, vừa là người đào tạo nghề, vừa là một người làm công tác lý luận tư tưởng, làm chính trị bằng nghiệp vụ là nhiệm trọng tâm của giảng viên giảng dạy báo chí.
Sinh viên là bộ phận tiến bộ của xã hội, được trang bị hệ thống kiến thức tương đối toàn diện, họ là những người rất năng động, có khả năng sáng tạo, tích cực, nhạy bén trong học tập và nghiên cứu. Tuy vậy, một bộ phận không nhỏ sinh viên hiện nay còn có những hạn chế như nông nổi, bồng bột, dễ bị kích động, khó kiềm chế, đôi khi tự cao, tự mãn, thích tự do phóng khoáng, hay đua đòi và đặc biệt là hiểu biết về pháp luật chưa toàn diện và sâu sắc.
Ngoài ra, là những người năng động nhưng tuổi đời, tuổi nghề còn ít, đang trong quá trình học tập và rèn luyện, họ chưa có điều kiện và khả năng để nhận diện và hình thành tư tưởng, quan niệm, quan điểm nhất quán. Đối với những sinh viên học ngành báo chí, vấn đề am hiểu pháp luật của Nhà nước, tư tưởng báo chí của Đảng và đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo là một vấn đề hết sức cần thiết. Ngoài nhiệm vụ phải tự trang bị chuyên môn, kỹ năng hoạt động nghề báo, sinh viên phải được rèn luyện, đào tạo, giảng dạy và tiếp nhận những nguyên tắc, chức năng, quan điểm báo chí của Đảng. Những hiểu biết này là nền tảng, là kim chỉ nam hướng dẫn các hoạt động báo chí sau khi sinh viên ra trường hoạt động nghề nghiệp.
Nhìn chung, công tác tư tưởng báo chí đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên hoạt động, học tập trong lĩnh vực báo chí nhất thiết phải nhấn mạnh về mối quan hệ giữa học tập, bồi dưỡng chuyên môn với nâng cao trình độ nghiệp vụ, tư tưởng, giúp họ ý thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình đối với tổ quốc và nhân dân. Công tác tư tưởng báo chí phải nhằm làm cho bộ phận này hiểu biết một cách đầy đủ, sâu sắc về Đảng lãnh đạo trực tiếp, xuyên suốt và toàn diện về báo chí; là báo chí là bộ phận tư tưởng của Đảng, có trách nhiệm bảo vệ, tuyên truyền sâu rộng để nền tảng tư tưởng của Đảng đi vào đời sống một cách chủ động, thuyết phục, nhằm làm cho đảng viên và quần chúng nhân dân nắm và hiểu rõ nền tảng tư tưởng của Đảng; là người hoạt động trong lĩnh vực báo chí phải trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12.
- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 146.
- Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa.
- Hoàng Anh, “Tăng cường quản lý nhà nước về pháp luật đối với báo chí”. Tạp chí Cộng sản, số 5, 25/10/2012, tr 11-16.
- Nguyễn Công Dũng (2012), Định hướng chính trị tư tưởng báo điện tử ở Việt Nam hiện nay. luận án tiến sĩ, Học viện hành chính Quốc gia, Hà Nội.
- Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Bộ Chính trị khóa XII.
- Nhiều tác giả, (2011), C. Mác, Lê-nin, Hồ Chí Minh bàn về báo chí. Nxb Chính trị-Hành chính, Hà Nội.
ThS.Hồ Thị Diệu Trang
Khoa Báo chí-Truyền thông, Đại học Khoa học, Đại học Huế